BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

12.353. Thân gửi chị Ngọc Thu

Posted by adminbasam trên 13/04/2017

Nguyễn Xuân Vinh

13-4-2017

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: internet

Tôi đã xem bài “Lời chia tay” của Ngọc Thu trên trang Ba Sàm ngày hôm nay 13/4/2017. Rất đáng tiếc. Tuy nhiên tôi rất thông cảm với chị. Chúc Ngọc Thu hạnh phúc và mọi điều may mắn, tốt đẹp.

Ngày hôm qua, tôi được xem trên Blog của Kim Dung/ Kỳ Duyên, bài của nhà văn Châu Diên, tức Phạm Toàn giới thiệu tiểu thuyết “Ngõ nghèo” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Nhà văn Phạm Toàn giới thiệu: Trong khoảng gần ba chục năm trở lại đây, đầu tiên là cuốn “Miền hoang tưởng” in chui, đến nay Nguyễn Xuân Khánh đã cho ra đời 3 cuốn tiểu thuyết chắc nịch: Hồ Quý Ly (2000), mẫu Thượng Ngàn (2008), Đội gạo lên chùa (2011).

Mẫu Thượng Ngàn đã được giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội. Riêng cuốn tiểu thuyết cực hay “Chuyện ngõ nghèo” có một số phận khác. Nó ra đời từ những năm 1980 nhưng đến nay mới được trình diện. Sau khi giới thiệu về cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Phạm Toàn đặt câu hỏi: “Thế nào là người trí thức?” Rồi ông viết: Đó là khi đã rơi xuống tận đáy cuộc đời tầm thường, người trí thức hành xử ra sao?

Nguyễn Xuân Khánh hình như có gửi cho bạn đọc, nhắn rằng sứ mệnh của người trí thức là luôn luôn vật vã thoát ra sự vô cảm. Người trí thức không được vô cảm vì họ luôn luôn bắt gặp những vấn đề của lịch sử đã đặt ra, hay vẫn còn đang đặt ra.

Nguyễn Xuân Khánh nguyên là sinh viên Đông Dương học xá Hà Nội trước năm 1954. Anh xếp bút nghiên, rời Hà Nội, tìm đường ra khu kháng chiến để vào bộ đội. Năm 1958, tôi và Nguyễn Xuân Khánh cùng ở một đơn vị. Khi đó Nguyễn Xuân Khánh là giảng viên khoa học, bổ túc toán cho học viên Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam khóa 10 ở sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Khánh được nhận giải của báo Văn Nghệ Quân đội thưởng cho nhà văn nghiệp dư, với bài “Một đêm”.

Sau khóa 10, Khánh chính thức bước vào văn đàn chuyên nghiệp. Khánh có một hành trình viết văn rất vất vả. Nhưng anh đã may mắn về cuối đời, được nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình chào đời, kể về những chuyện mà anh và bạn bè anh, những người đương thời của anh đã và đang trải nghiệm.

Cuối bài giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Ngõ nghèo”, nhà văn Phạm Toàn viết: Tôi (tức Phạm Toàn) tin chắc Nguyễn Xuân Khánh không cần thành công. Anh chỉ cần hiện tồn. Hiện tồn với tư cách NGƯỜI – Con người tự do và trách nhiệm. Trách nhiệm vì TA là con người trong không gian và trong cả thời gian.

Viết đến đây, tôi cảm giác thấy có gì đó giống nhau giữa Ngọc Thu và Nguyễn Xuân Khánh: Trong trang lịch sử hiện đại của Việt Nam, cả 2 người này đều là những người trí thức hiện tồn với cùng một tâm hồn có đặc điểm là sự yêu thương hết mực mảnh đất Việt Nam này.

____

Ngọc Thu: Cháu cảm ơn và trân trọng lời khen tặng của bác Nguyễn Xuân Vinh, một tác giả thường xuyên gửi bài đóng góp cho trang Ba Sàm với các bút danh khác. Nhưng mà cháu không dám nhận sự so sánh này, dù chỉ là tình yêu dành cho quê hương.

Nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh là một tên tuổi lớn trong văn học Việt Nam, cùng thời với nhà văn Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng… Ông đã cho ra đời những cuốn tiểu thuyết lịch sử qua những kinh nghiệm sống dày dặn của ông, những tác phẩm văn học để đời như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn hay Đội Gạo Lên Chùa, mà nhiều độc giả “chưa già” như cháu, mê lịch sử và thích văn hóa Việt Nam, yêu thích.

Một bình luận trước “12.353. Thân gửi chị Ngọc Thu”

  1. […] 12.353. Thân gửi chị Ngọc Thu […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: