BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

12.316. Lại chuyện kỳ thị Nam – Bắc

Posted by adminbasam trên 10/04/2017

FB Ngô Nhật Đăng

10-7-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gần đây lại thấy rộ chuyện phân biệt vùng miền, kỳ thị Nam- Bắc. Bắc Kỳ cái gì cũng xấu, Nam Kỳ cái gì cũng tốt. Nhiều người cho rằng đó là một âm mưu.

Về tính cách con người ở khác vĩ tuyến cũng khác nhau thì chẳng riêng Việt Nam, nơi nào cũng vậy. Dân phương Bắc cương cường, dũng mãnh, tiêu cực thì là hung hãn, độc ác, giỏi đánh nhau. Dân phương Nam hiền hòa, mơ mộng, vị tha, giỏi làm ăn, tiêu cực thì nhu nhược, cơ hội. Nguyên nhân thì đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà khoa học. Khỏi bàn. Các cuộc chiến tranh thường là phương Bắc thắng, thủ đô chính trị thường nằm ở miền Bắc, trung tâm kinh tế thường ở phía Nam. (Mỹ, Nga, Tàu… cũng thế cả).

Việt Nam mình khi cha ông đi “mở cõi” hay gọi là “xâm lược” cũng được, tùy theo cách nhìn, mới có vài trăm năm. Những người đàn ông phương Bắc cương cường, hào sảng, dũng cảm (thì mới dám rời lũy tre làng) ra đi, cũng có cả những kẻ tội đồ, nghèo đói, hung hãn v.v… nữa. Họ là trai trẻ, độc thân (nếu ai có vợ con rồi cũng chẳng mang đi được, trừ mấy ông quan lớn). Họ kết hôn với những người đàn bà bản xứ, con cái sinh ra được thừa hưởng điều tốt đẹp của cả cha và mẹ. Cứ thế, lớp cư dân được gọi là Nam Bộ cương cường, hào sảng, mơ mộng và vị tha hình thành và định hình.

Người phương Tây đến miền Bắc trước (qua các nhà truyền giáo), nhưng sau này khi đã chiếm toàn bộ VN, thực dân Pháp lại chọn Nam kỳ là chế độ thuộc địa chứ không phải 2 xứ Trung – Bắc, họ đã nhận thấy điều gì vậy?

Nhắc lại một chút, khi ký Hiệp định sơ bộ với Pháp năm 1946, ông Hồ cũng công nhận Nam kỳ thuộc Pháp, sau này cơm không lành canh không ngọt ông mới hô hào “Nam Bộ của người Việt Nam, chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, các bạn cuồng Hồ tìm đọc báo thời ấy đi, đã có lúc ông ấy phải thanh minh trước quốc dân đồng bào: “Hồ Chí Minh này không phải là kẻ bán nước” vì cái Hiệp định đó đấy.

Có một tố chất như vậy, người dân Nam Bộ mới đủ tầm để lựa chọn một thể chế theo mô hình Dân chủ nghị viện tiên tiến qua 2 thời VNCH, rất tiên tiến so với các nước châu Á khi đó (một thể chế dân chủ đầu tiên qua 4.000 năm lịch sử nước nhà).

Có một thực tế, những người miền Bắc di cư năm 54 cũng đóng góp một phần không nhỏ, cả trong chính trị và văn học, nghệ thuật, cả trong việc cầm súng chống lại những người anh em hung hãn bên kia giới tuyến để gìn giữ một đất nước dân chủ non trẻ.

Nói đi rồi cũng phải nói lại, những người Nam kỳ mang trong mình cái gene tội đồ, hung hãn, cơ hội… của lớp cha ông từ miền Bắc xa xưa cũng có, dù không nhiều. Họ còn xấu xa hơn gấp bội. Không tin hả? Bạn cứ thử hỏi người miền Nam coi. Họ gọi cái đám ấy là “Đám 30/4” (có lâu rồi, nhưng chờ thời rồi mới lộ mặt). Tinh tế lắm đấy, người Nam cả tin nhưng không ngây thơ và rất duy lý.

Vậy đừng hô tôi là Nam hay Bắc kỳ, mà soi vào lòng mình xem mình mang cái gene gì vậy từ thuở Hồng Bàng.

Một người bạn nhắn: Tôi buồn quá, cứ đến tháng 4 là tôi lại buồn, sao người mình chia rẽ thế. Buồn hơn là có mấy ông Bắc rặc, rất điềm đạm, có hiểu biết lại chửi Bắc kỳ dữ hơn.

Bạn tôi ơi, vì họ yêu đấy, yêu đến mức đau đớn cái tốt đẹp Bắc kỳ đang bị giết. Quá yêu nên mới vậy.

2 bình luận trước “12.316. Lại chuyện kỳ thị Nam – Bắc”

  1. […] 12.316. Lại chuyện kỳ thị Nam – Bắc […]

  2. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/04/10/12-316-lai-chuyen-ky-thi-nam-bac/ […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: