BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

12.209. “Ngành nông nghiệp mũi nhọn ấy vẫn cứ mãi bì bõm trong vũng lầy”

Posted by adminbasam trên 02/04/2017

FB Nguyễn Đình Nguyên

2-4-2017

Ảnh: FB Nguyễn Đình Nguyên

Trên những cánh đồng này, chừng vài tuần trước đó thôi, là những thảm hoa tuyệt sắc. Mùa màng đã xong, những cánh đồng bạt ngàn hoa ấy giờ trơ gốc rạ. Đâu cũng thế, thân cây lúa như kiếp tơ tằm. Khi đang còn sai hoa trĩu quả, thì cõng gié lúa non. Khi hạt lúa đã thu hái xong, thân rơm được cuộn tròn nằm phơi mình trong cái nắng chang của mùa khô, chờ người đến chở đi làm thức ăn cho gia súc mùa giáp hạt. Mỗi một cuộn cỏ rơm này bán ra trung bình 50-70 đô la.

Nói đến nghề nông, chúng ta hay nói đến nghề trồng lúa gạo (gọi tắt là lúa) vì đó là nghề căn bản và chủ đạo ở Việt Nam- một đất nước nông nghiệp. Nghề trồng lúa ở Việt Nam có lẽ quá lâu đời và vì sử sách không có hệ thống nên chỉ là truyền miệng. Ngược lại, nghề trồng lúa ở Úc thì quá non trẻ, chỉ mới có 100 năm.

Lúa được người di dân Trung Quốc đem tới Úc vào cuối thế kỷ XIX, 1850. Tuy nhiên, ghi nhận lúa được trồng ở quy mô thương mại đầu tiên ở Úc chỉ mới vào đầu thế kỷ XX, năm 1906, lúc đó chính quyền Victoria giao cho một cựu nghị sĩ Nhật Isaburo Takasuka 200 acres đất ở vùng Murrey River. Phải trải qua những năm ngập lụt và hạn hán, cuối cùng ông cũng xuất ra được lứa gạo để bán lần đầu tiên vào năm 1914. Sau đó một thời gian, một trong những vựa lúa chính của Úc, vùng Murrumbidgee, cũng đã đưa ra mùa gạo thương mại đầu tiên vào vụ 1924-1925.

Tuy nhiên, vì hệ lụy của Đệ Nhị Thế chiến, ngành lúa của Úc coi như bị tàn lụi, mãi cho tới những năm 50s thế kỷ XX mới được phục hồi một cách ngoạn mục. Với con số 368 nông trại sản xuất lúa vào những thập niên 50s, cho tới hiện nay tại hai vựa lúa chính của Úc, Murrumbidgee ở NSW và Murrey River của Vic con số đó gia tăng hơn 4 lần, có khoảng 1500 gia trang sản xuất lúa gạo. Tổng diện tích đất sản xuất lúa gạo khoảng trên dưới 75 nghìn héc-ta.

Với một kinh nghiệm rất non trẻ như vậy, nhưng Úc đã vươn lên hàng cường quốc bậc nhất về sản xuất gạo trên toàn thế giới. Hiện nay, mỗi năm, Úc có khả năng sản xuất ra 1 triệu tấn gạo, đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn sống cho 2/3 dân số thế giới, xuất khẩu ra trên 60 nước, chủ yếu là Trung Đông, Bắc Mỹ và châu Á. Nếu không mất mùa, thì 80% lượng gạo sản xuất ra ở Úc được xuất khẩu, đóng góp 25% lượng gạo hạt vừa (medium grain) trên toàn thế giới. Mỗi ngày trên thế giới trung bình có khoảng 20 triệu người đang ăn gạo do Úc sản xuất.

Úc có một ngành quản lý sản xuất lúa gạo thuộc loại tân tiến nhất thế giới. Cũng vì thế, ngành công nghiệp lúa gạo của Úc dẫn đầu thế giới về hiệu quả sử dụng nguồn lực. Ở Úc, không phải ai muốn trồng lúa cũng được, mà ruộng dự định trồng lúa đó phải được kiểm định đúng tiêu chuẩn để có thể trồng được lúa có năng suất. Nông dân Úc sử dụng máy bay với công nghệ định vị GPS để gieo sạ lúa. Ruộng lúa nước của Úc cần một lượng nước rất ít, dưới 50% từ đầu vụ cho thới thu hoạch, so với các ruộng lúa nước khác trên thế giới. Úc là nước sử dụng hóa chất ít nhất trong công nghệ trồng lúa của mình. Có hàng trăm giống lúa khác nhau, nhưng ở Úc hiện nay chỉ tập trung vào 11 loại giống lúa phù hợp nhất với thổ canh và cho chất lượng cũng như năng suất cao nhất. Năng suất lúa của Úc hiện nay đứng đầu thế giới đạt tối đa 9.7 tấn trên một héc ta, trung bình là 8,6 tấn trên một héc-ta. gạo hạt vừa (medium grain) của Úc đạt tiêu chuẩn chất lượng rất cao.

Chi phí để trồng lên được một hec-ta lúa ở Úc khoảng 2500 đô-la không kể các khấu hao máy móc, công lao động, tiền bảo hiểm. Giá một tấn lúa ở Úc hiện nay khoảng 360 đô la. Do đó, nếu với sản lượng 10 tấn lúa trên 1 héc-ta, thì số dư chỉ trên dưới 1100 đô la còn phải chi trả cho các khấu hao chưa tính ở trên.

Lúa thu hoạch của Úc được đưa về xay xát và bán ra thị trường chủ yếu là công ty SunRice, một công ty sản xuất gạo thuộc loại hiện đại và lớn nhất thế giới, ra đời cách đây 50 năm, mà thủ phủ đóng tại thị trấn Leeton, một thị trấn nhỏ thuộc vựa lúa Murrumbidgee vùng tây nam của tiểu bang NSW. Trung bình mỗi năm, từ công nghiệp sản xuất lúa gạo của Úc đem nguồn thu lợi về khoảng 800 triệu đô la trong đó có 500 triệu đô từ nguồn xuất khẩu.

Trở lại Việt Nam, một đất nước có truyền thống nông nghiệp chủ yếu lúa nước lâu đời so với Úc. Thế nhưng hàng bao thế kỷ qua, ngành nông nghiệp mũi nhọn ấy vẫn cứ mãi bì bõm trong vũng lầy của chính mình. Theo các số thống kê cho thấy hiện nay ở Việt Nam, lực lượng nông dân chiếm 70% dân số. Sản lượng lúa thu hoạch trong năm 2015 trên cả nước là 45 triệu tấn lúa, với năng suất trung bình là 5.8 tấn trên 1 héc-ta. Con số dự báo cho vụ mùa năm 2016-17 cũng không mấy thay đổi. Như vậy, cho tới nay, năng suất lúa của Việt Nam chỉ được 58% so với năng suất của Úc (lấy trung bình 10 tấn/héc-ta).

Đã thế, giá lúa thu mua của nông dân ở Việt Nam hiện nay so ra là khá thấp so với giá thu mua tại Úc. Gọi là cao nhất, như vụ mùa 2017 do bất lợi thời tiết, dự báo sản lượng thấp nên giá thu mua tăng cao. Giá mỗi ký lúa thương lái mua lúc này là từ 5500-5900 đồng, tăng 300-400 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Lấy trung bình là 5500 đồng mỗi ký thì năm nay lúa bán ra khoảng 320 đô-la Úc một tấn (tỷ giá hối đoái 1 đô Úc = 17364 đồng), còn năm ngoái là khoảng 293 đô la. Cái khó cho nông dân Việt Nam ngoài việc làm ăn manh mún, tiểu nông thì sự hỗ trợ từ các giới khoa học nông nghiệp không hữu hiệu, sản phẩm làm ra thì không được đảm bảo đầu thu mua mà bị thương lái lũng đoạn giá. Chính sách ưu tiên, cải thiện, hỗ trợ cho nông nghiệp và nhà nông của nhà nước không có hiệu quả.

Một đất nước nông nghiệp là chủ đạo, sản xuất lúa gạo là chủ đạo, người nông dân chiếm đại đa số, thì đời sống người làm nông ngày càng đi xuống. Thông qua kết quả của một cuộc điều tra quy mô trong suốt 10 năm của Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ông Lưu Đức Khải, trưởng ban Chính sách Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết “Hơn 10 năm qua, nông thôn Việt Nam đã có những thay đổi khá lo ngại. Đó là mức độ tăng thu nhập của hộ gia đình nông thôn đang giảm dần trong những năm trở lại đây. Càng về giai đoạn sau, cuộc điều tra càng cho thấy tốc độ tăng về thu nhập của người nông dân càng giảm, đặc biệt khó khăn diễn ra ở những nhóm nghèo nhất. Và tỷ lệ hộ dân nông thôn cảm thấy hạnh phúc có phần giảm sút.”

Cũng theo lời ông Khải, “Kết quả điều tra của chúng tôi năm 2014 cho thấy, người dân nông thôn đang nghèo đi. Thu nhập ròng (trừ lạm phát) của hộ dân nông thôn chỉ đạt 51,7 triệu đồng/năm. Trong khi đó, thu nhập ròng của hộ dân nông thôn điều tra năm 2012 là 84,7 triệu đồng/năm. Tỷ lệ phần trăm người dân nông thôn không hài lòng về cuộc sống cũng tăng 6 điểm phần trăm từ 50,1% năm 2012 lên 56,1% năm 2014.” Cũng theo kết quả của nghiên cứu kỳ công này, có tới 45% hộ các nông dân được khảo sát cho biết họ đang vướng nợ nần. Trong khi nền nông nghiệp rất non trẻ Úc đang tiến bền vững, thì mỉa mai thay, đời sống nông dân Việt Nam lại có xu hướng nghèo bền vững!

Đâu cũng vậy, làm nông là một dạng làm kinh doanh đầy rủi ro, mà nguy cơ cao nhất là mất mùa do thiên tai. Nhưng những người nông dân Việt Nam lại còn luôn bị họa nhân tai rình rập trong mỗi vụ mùa. Theo lời một nông dân, ông Tùng cho biết rằng nếu giá lúa cứ như vụ này thì người làm lúa sống khỏe. Nhưng cái sống khỏe đó chỉ là thời vụ thất thường chứ không được ổn định như nhà nông ở Úc, không bao giờ gặp phải nhân tai mà luôn được nhận chính sách hỗ trợ từ chính phủ và sự trợ giúp từ người tiêu dùng khi gặp phải thiên tai mất mùa.

Nhà nông ở đâu cũng thế, một nắng hai sương cơ cực. Vào mùa thu hoạch, người nông dân Úc có thể phải thức tới 16-20 tiếng mỗi ngày để thu hái mùa màng cho kịp thời vụ. Mùa thu hoạch qua đi, là tới lúc chuẩn bị cho vụ tới.

Nhưng làm người nông dân Úc thì không phải dễ dàng. Mỗi một nông trại phải tính đến hàng trăm héc-ta chứ không có chuyện mỗi một gia đình có một vài sào ruộng manh mún như ở Việt Nam. Ngoài vốn đất, họ còn phải có các trang thiết bị máy móc hiện đại để làm ruộng, hoặc họ mua theo cách vay trả dần hoặc đến mùa phải thuê mướn. Một cái máy đa năng liên hợp để làm đất, làm cỏ, gặt hái trị giá khoảng 800 nghìn đô la Úc. Nông dân phải có đủ các chứng chỉ từ việc sử dụng phân bón, hóa chất, máy móc, hệ thống điện, máy tính. Do đó ở Úc chỉ có nhiều tá điền chứ không có nhiều nông dân, mặc dù đó là một nước nông nghiệp phát triển. Nhưng dẫu sao, làm tá điền ở Úc vẫn được trả lương rất khá do công việc nặng nhọc.

Trông người mà ngẫm đến ta, thương cho người nông dân Việt Nam nghìn đời một nắng hai sương, bao nhiêu công sức của mình làm ra, nhưng lại là người khác hưởng.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Câu thơ xưa vẫn còn đúng cho người nông dân Việt Nam tới ngày hôm nay.

___

http://www.rga.org.au/the-rice-industry.aspx
http://www.nff.org.au/commodities-rice.html
https://www.youtube.com/watch?v=nQHjjmIVjTU&t=249s
http://cafef.vn/nong-thuy-san/san-luong-lua-gao-nam-2015-dat-hon-45-trieu-tan-20151225103407202.chn
http://www.vietrade.gov.vn/go/5723-san-luong-va-nang-suat-gao-nuoc-ta-3-thang-dau-nam-2016-va-du-bao-nien-vu-201617.html
http://cafef.vn/gia-lua-dbscl-tang-nong-dan-de-tho-20170313133629531.chn

2 bình luận trước “12.209. “Ngành nông nghiệp mũi nhọn ấy vẫn cứ mãi bì bõm trong vũng lầy””

  1. […] 12.209. “Ngành nông nghiệp mũi nhọn ấy vẫn cứ mãi bì bõm trong vũng lầy” […]

  2. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/04/02/12-209-nganh-nong-nghiep-mui-nhon-ay-van-cu-mai-bi-bom-tro… […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: