11.946. VÀI CÂU HỎI VỤ ẤU DÂM
Posted by adminbasam trên 13/03/2017
13-3-2017
Ấu dâm là tội ác. Không ai bàn cãi. Thủ phạm ấu dâm đáng bị lên án và trừng phạt. Ai cũng đồng ý.
Gia đình nạn nhân, khi các cơ quan bảo vệ pháp luật chậm chạp và thiếu trách nhiệm, đã đăng ảnh những người mà họ tình nghi cao nhất là thủ phạm lên Facebook nhằm thu hút sự chú ý của công luận trong nỗ lực vô vọng tìm kiếm công lý của họ. Có thể thông cảm được vì trong đau đớn, đó là tất cả những gì họ có thể làm.
Nhưng đối với ai share ảnh ba người đàn ông bị tình nghi này (không làm mờ mặt) và gọi họ là lũ súc vật, có vài câu hỏi nhỏ sau:
1, Có bất kỳ khả năng nào dù là nhỏ nhất rằng 3 người này hoặc ít nhất một trong số họ bị oan không? Trong trường hợp đó bạn sẽ làm gì, ngoài việc nói câu xin lỗi? Tệ hơn, nếu dưới sức ép của dư luận (mà bạn góp phần tạo ra) tòa án bỏ qua một số tình tiết để rồi kết án oan họ, đến khi vỡ lẽ ra họ đã ở tù 20 năm thì bạn sẽ làm gì để chuộc lỗi với họ? Hay chỉ buột miệng “Lúc đó tôi tưởng…” coi như không có mấy chục năm oan khuất ở tù của họ?
2, Hoặc nếu bạn nghĩ vì lợi ích cho số đông (chẳng hạn như nâng cao nhận thức cộng đồng về ấu dâm, thúc đẩy bộ máy tư pháp hoạt động tích cực hơn…) chẳng may làm oan một vài người thì cũng chấp nhận được, bạn có tình nguyện làm người nhận oan khuất không?
Thử tượng tượng bạn là người bị cáo buộc ấu dâm và bạn biết rõ mình bị oan, bạn sẽ làm gì trước làn sóng share ảnh của bạn, thông tin nhân thân của bạn, và gọi bạn là súc vật? Bạn bè, đồng nghiệp bắt đầu xa lánh bạn, cảnh sát bắt và dùng đủ mọi cách ép bạn nhận tội thật nhanh trong khi không luật sư nào dám bảo vệ bạn vì sợ bị nhấn chìm bởi làn sóng giận dữ của cộng đồng, làm sao để bạn minh oan cho mình? Rồi sau khi ở tù vài chục năm bạn may mắn được giải oan, gặp những người đã từng kết án bạn ở trên mạng, bạn sẽ nói gì với họ? Có chấp nhận lời xin lỗi của họ không?
3, Nếu bạn tin rằng góp thêm một tiếng nói bằng việc chia sẻ thông tin sẽ giúp vụ việc được chú ý và công lý được thực thi, thì câu hỏi là liệu VẪN CÓ THỂ làm điều này MÀ KHÔNG CẦN phải share ảnh và nhân thân chi tiết người bị tình nghi và không gọi họ là lũ súc vật được không? Thay vào đó chuyển nó thành áp lực đối với cơ quan điều tra để họ vào cuộc tích cực hơn và khuyến khích luật sư tham gia vào vụ việc ở cả hai phía bị hại lẫn nghi can cũng như sự độc lập của tòa án với mục tiêu lớn lao nhất là tìm ra sự thật, liệu có tốt hơn không?
___
13-3-2017
Mình đọc được vài ý kiến thiện chí đưa ra quan điểm không nên phát tán thông tin, hình ảnh, nhân thân một vài người bị nghi ngờ đã lạm dụng tình dục trẻ em và hãy để pháp luật kết tội họ trước khi lên án.
Nguyên tắc một người vẫn còn vô tội cho đến khi bị kết tội hàm chứa trong nó một niềm tin tuyệt đối vào tính công minh của luật pháp. Trong trường hợp luật pháp không nghiêm minh, việc áp dụng nguyên tắc trên cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp. Luật pháp lúc đó không nhất thiết đứng về bên lẽ phải nên nó có thể chần chừ hay từ chối đưa ra phán quyết kết tội kẻ có tội. Nếu nó làm thế, luật pháp trở thành tòng phạm với tội phạm. Trong trường hợp đó, sẽ rất khó đòi hỏi công chúng kiên trì chờ đợi công lý được thực thi. Trong trường hợp đó, công chúng không chỉ được khuyến khích mà còn có trách nhiệm đạo đức tố cáo, gây sức ép để pháp luật làm đúng trách nhiệm của nó.
Trong trường hợp đó, việc dư luận lên án mạnh mẽ những kẻ bị nghi ngờ phạm tội không nên bị coi là hành vi kết tội do dư luận không đòi hỏi hay áp đặt sự trừng phạt mà vẫn nhường những quyền đó cho pháp luật. Dư luận mạnh mẽ là bằng chứng về tính thiếu hiệu quả, sự lơ là của pháp luật. Nếu pháp luật tiếp tục bày tỏ sự lơ là, sự thiếu hiệu quả thì công chúng có lý do để tin là pháp luật có chủ ý bảo vệ nghi phạm. Tiếng nói mạnh mẽ lên án của dư luận không nên bị coi là lời buộc tội mà chính là lời kêu gọi pháp luật được thi hành.
Cách nghĩ này không chỉ đúng với các vụ ấu dâm mà còn đúng với mọi việc khác trong một môi trường không thực sự có tồn tại nền pháp trị. Pháp luật phản ánh mong muốn của người dân được sống an toàn, và ý chí của họ rằng tội ác phải bị trừng phạt. Pháp luật vì thế trước hết phải phù hợp với ý nguyện của nhân dân và vì thế nhân dân có quyền đòi hỏi pháp luật phải được thực thi, phải vận hành hiệu quả. Dư luận mạnh mẽ phản đối dù là những vụ ấu dâm, vụ Formosa, vụ cô giáo gian dối, các vụ tham nhũng vv đều là xúc tác cần thiết để pháp luật khôi phục vai trò chính đáng của nó. Chỉ khi chính pháp luật khôi phục được tư cách của nó, thể hiện nó phản ánh lòng tin và ý chí của người dân, thì chúng ta mới có thể áp dụng trọn vẹn nguyên tắc vô tội cho tới khi bị kết tội. Từ giờ tới lúc đó vẫn sẽ có rất nhiều tội phạm nhởn nhơ không bị kết tội và nhiều người vô tội bị kết tội. Phân tích lợi và hại cho thấy tiếng nói phẫn nộ, bất mãn của người dân có ý nghĩa hơn khả năng một vài nghi phạm vô tội bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Trách nhiệm của pháp luật là nhanh chóng điều tra để tìm ra câu trả lời đúng.
3 bình luận trước “11.946. VÀI CÂU HỎI VỤ ẤU DÂM”
Sorry, the comment form is closed at this time.
Đối Thoại Điểm Tin ngày 14 tháng 3 năm 2017 | doithoaionline said
[…] 11.946. VÀI CÂU HỎI VỤ ẤU DÂM […]
ĐIỂM TIN NGÀY 13-3-2017 | Ngoclinhvugia's Blog said
[…] VÀI CÂU HỎI VỤ ẤU DÂM […]
TỘI PHẠM ẤU DÂM ĐANG HOÀNH HÀNH TẠI VIỆT NAM & NHỮNG KHUẤT TẤT (Thời Mới) | Ngoclinhvugia's Blog said
[…] VÀI CÂU HỎI VỤ ẤU DÂM […]