BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

11.726. Chủ nghĩa dân tộc ám ảnh nhân loại

Posted by adminbasam trên 21/02/2017

FB Lê Nguyễn Duy Hậu

21-2-2017

Albert Einstein "Chủ nghĩa dân tộc là một căn bệnh trầm kha, là thứ vi khuẩn ám ảnh nhân loại". Nguồn: internet

Albert Einstein: “Chủ nghĩa dân tộc là một căn bệnh trầm kha, là thứ vi khuẩn ám ảnh nhân loại”. Nguồn: internet

Khi xã hội trở nên chia rẽ, người lãnh đạo cần phải tìm cách để đoàn kết mọi người lại, vì đó là cách duy nhất để cứu rỗi tính chính danh của sự lãnh đạo.

Có hai cách để làm điều đó. Cách dễ hơn, đó là tạo ra một kẻ thù chung và đoàn kết quốc dân thông qua sự căm thù. Phương tiện thực hiện cách này là các thể loại chủ nghĩa. Chủ nghĩa chỉ tồn tại khi nó có một chủ thuyết – chủ thuyết chỉ tồn tại khi nó dùng để đánh lại một kẻ thù nào đó. Kẻ thù của chủ nghĩa Marx là giai cấp khác. Kẻ thù của chủ nghĩa dân tộc là một dân tộc khác.

Hiệu quả của cách này đến nhanh chóng. Qua một đêm, bằng một lời tuyên bố bâng quơ, một clip không rõ căn cứ, quốc dân sẵn sàng tuyên chiến với một dân tộc khác và những gì thuộc về nó. Nhưng hậu quả thì cũng nhãn tiền. Thù ghét làm cho tấm lòng một xã hội trở nên hẹp hòi và chiến tranh trở thành con đường duy nhất để giải quyết sự hẹp hòi đó. Và khi đó, vị thế của nhà lãnh đạo lại được củng cố.

Còn cách khó hơn? Đó là đoàn kết thông qua sự thấu cảm (empathy). Sự thấu cảm nếu được gợi mở đúng cách sẽ giúp con người loại bỏ nghi kỵ, tôn trọng lẫn nhau, khoan dung lẫn nhau. Trong quá trình đó, mỗi người sẽ hiểu được họ chính là chủ nhân thật sự của chính bản thân họ và số phận của họ, và tôn trọng cảm nhận tương tự từ kẻ khác. Sự thấu cảm không tạo ra các thứ chủ nghĩa, nó tạo ra nhân quyền. Nhân quyền không gây ra chiến tranh, nó kiến tạo hòa bình.

Hiệu quả của cách này đến từ từ hơn, nhưng thấm lâu hơn. Nó đòi hỏi con người chấp nhận đỗ vỡ những định kiến và thay thế nó bằng sự khoan dung vững chải. Hậu quả cho xã hội thì gần như không có, nhưng với nhà lãnh đạo thì lại hiện hữu. Khi con người thấu cảm, họ đoàn kết, và tự chọn ra lãnh đạo của mình. Nhà lãnh đạo cũ khi đó mất đi sự tùy tiện mà lẽ ra họ không nên được hưởng.

Tóm lại, “căm thù” lấy mối nguy bên ngoài để quốc dân quên lãng đi nội tại bên trong. Còn “thấu cảm” đối đầu trực diện với các vấn đề nội tại của một xã hội.

Dĩ nhiên, những nhà lãnh đạo bất tài hoặc chỉ lo cho cái ghế của mình sẽ không chọn cách khó hơn. Vấn đề ở chỗ, quốc dân có đủ tỉnh táo và khoan dung để không đi theo lựa chọn của nhà lãnh đạo đó không mà thôi. Nếu tiếp tục hẹp hòi, thù ghét vô căn cứ một ai đó, hay một dân tộc nào đó, thì khác gì quốc dân đang góp phần củng cố cho một vị thế lãnh đạo đã cũ?

4 bình luận trước “11.726. Chủ nghĩa dân tộc ám ảnh nhân loại”

  1. […] 11.726. Chủ nghĩa dân tộc ám ảnh nhân loại […]

  2. […] Chủ nghĩa dân tộc ám ảnh nhân loại […]

  3. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/21/11-726-chu-nghia-dan-toc-am-anh-nhan-loai/ […]

  4. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/21/11-726-chu-nghia-dan-toc-am-anh-nhan-loai/ […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: