11.636. ĐẦU NĂM BÀN CHUYỆN PHIẾM
Posted by adminbasam trên 14/02/2017
Nguyễn Thái Nguyên
14-2-2017
Chuyện thứ nhất
Nhân đọc bài viết của Đại tá Nguyễn Đăng Quang về những nghịch lý của tư pháp Việt Nam, thử bàn qua một chút về tòa và các phiên tòa nước ta “từ cổ chí kim”.
Hơn 500 năm trước (thời Gia Tĩnh triều Minh), nàng Kiều của chúng ta đã làm Chủ tọa một phiên tòa. Phiên tòa này đến “vua Từ Hải” cũng chỉ là người chứng kiến chứ chưa được làm “Hội thẩm” như những người thuộc diện mời làm hội thẩm một cách vô tích sự như các vị hội thẩm của ta ngày nay. (Xin lỗi các vị hội thẩm ở các phiên tòa, tôi không có ý xúc phạm các vị bởi vì đến chánh tòa chẳng có mấy quyền để xét xử theo luật thì các vị chỉ là thứ trang trí có gì phải bàn). Một phiên tòa mà Từ Hải đã giao cho nàng Kiều toàn quyền xét xử, nghĩa là nước ta đã từng có “tòa án xét xử độc lập” từ 500 trước!
Trước khi xét xử, “cáo trạng” đã từng buộc tội: “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”. Không biết các vị chức sắc hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp nghĩ thế nào, còn tôi, một người “ngoài ngành” thì cho rằng ngay trên lĩnh vực này, cụ Nguyễn Tiên Điền đã có một tầm nhìn xa đến mấy trăm năm sau, đến tận ngày nay ta vẫn chưa làm được. Ngay việc cụ không gọi mấy người bị đem ra xét xử là bọn tội phạm mà gọi người “đầu vụ” như Hoạn Thư chỉ là “thủ phạm”, kẻ nghi phạm, can phạm đứng đầu, đã là cao và chính xác lắm. Trên thực tế, tòa chưa xử, chưa tuyên, bản án chưa có hiệu lực thì bất kể đó là tòa bên các nước phương Tây dân chủ hay toàn bên ta, một tổ chức đa phần là để làm đại lý cho bên “liên ngành tư pháp” như anh Đăng Quang nhắc lại trong bài viết, thì người đó phải được coi là chưa có tội chứ. Sánh giáo khoa ngành Luật cũng đã nói đến “giả định vô tội” kia mà, sao cứ gọi bừa là tội nọ tội kia khi chưa được tòa nào “nhân danh nước CHXHCN Việt Nam” để tuyên là có tội?
Tại phiên tòa do nàng Kiều làm chủ tọa, một vị quan tòa mà xét về tuổi nghề thì chư a có, xét về tuổi đời thì thấp hơn bất cứ vị thẩm phán nào của ta thời nay, vậy mà “tòa” đã cho phép và tôn trọng “nguyên tắc tranh tụng” cũng như những lời “tự biện hộ” của Hoạn Thư trước tòa, lắng nghe mà không cắt ngang như các vị chánh tòa của ta thời nay: “Rằng tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Nhớ cho khi các viết Kinh. Với khi khỏi cửa dứt tình, chẳng theo. Lòng riêng riêng những kính yêu. Chồng chung hồ dễ ai chiều cho ai. Trót lòng gây việc chông gai. Ơn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
Những ai đã đọc truyện Kiều, dù chỉ một lần thôi cũng biết Hoạn Thư khéo đến mức nào khi nhắc lại những chuyện cũ. Chỉ bấy nhiêu chữ thôi mà nói lên tất cả cái lý, cái tình của những việc làm của bị cáo; có khen, có chê cả “người bị hại”; có nhận lỗi nhưng cũng chỉ là những việc “trót làm” trong cái thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu ấy. Cũng chỉ có bấy nhiêu đó mà chủ tọa phiên tòa “ngộ” ra ngay cái tình cái lý cần phải cân nhắc thật thấu đáo để rồi liền tuyên Hoạn Thư “trắng án” và ra lệnh tha ngay tại tòa!
Qua các triều đại phong kiến, nhất là từ các triều Trần, Lê, Nguyễn, đã từng có nhiều vụ án khá phức tạp, do các quan thanh liêm xét xử, bị cáo đã được minh oan và tha bổng tại tòa. Chỉ có trong cái lồng “chuyên chính vô sản”, với cái thể chế “liên ngành” do “đảng ta” lãnh đạo, chưa từng có phiên tòa lớn nhỏ nào mà bị cáo được tuyên trắng án rồi tha bổng tại tòa như phiên tòa của nàng Kiều nước ta hay phiên tòa rùng rợn của bọn phát xít Hitler bên nước Đức đầu thế kỷ XX khi bắt giam và xét xử ông trùm cộng sản Dimitrov. (Xin quý bạn đọc đừng tranh luận với người viết nàng Kiều ở nước ta hay nước tàu). Với nền chuyên chính vô sản, đã bắt là phải có tội, chí ít thì tòa cũng phải tuyên thời gian phạt tù cho đủ số ngày bị bắt tạm giam một cách vô lý và phi pháp để “liên ngành” thoát tội, trút mọi nỗi bất hạnh lên đầu lên cổ người dân. Như thế mà vẫn gọi là Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, cái gì cũng có tính từ nhân dân đi kèm thì khó mà chấp nhận được.
Chuyện thứ hai: Chuyện bát nháo gây ùn tắc giao thông ở Trạm thu phí qua cầu Bến Thủy
Như một lệ thường, năm nào thì gia đình tôi cũng về quê cúng Rằm tháng Giêng. Mỗi lần về quê n hư thế, vì đường xa dặm thẳm nên về được là quý rồi, phải tranh thủ gặp bạn bè thân thiết. Lần này, nhân ngồi uống rượu với một số bạn cũ, lại có cả bạn đang sinh sống ở Nghi Xuân nên tôi mới hỏi qua về chuyện biểu tình ở trạm thu phí qua cầu Bến Thủy. Anh ấy bảo không có chuyện biểu tình nào cả. Con em ta không tổ chức biểu tình, không cố ý gây ách tắc giao thông đến nỗi vi phạm pháp luật đâu. Các cơ quan truyền thông, kể cả VTV và bà con ngoài Hà Nội, trong Sài Gòn hiểu sai, nói sai đấy!
Tôi nghi ngờ ông bạn cũng đã ngoài 70 tuổi cả rồi nhưng hay nói chuyện tiếu lâm cho dù ông nói “rất nghiêm túc”. Thực tế là tôi đi qua Trạm thu phí lần này không thấy thu 45.000 đồng như năm ngoái mà thu 40.000 đồng/lượt thôi. Dù tý chút nhưng cũng phải ghi nhận là “có chuyển biến theo hướng tích cực” mà chắc có liên quan đến vụ biểu tình vừa rồi chứ. Rồi tôi cũng đã từng xem Video Clip đông đặc xe ô tô tắc nghẽn đến mức cảnh sát giao thông phải phân luồng sang cầu Bến Thủy mới. Vậy mà bảo không có chuyện gì thì lạ. Tôi nói tôi đã xem mấy Clip trên mạng rồi mà. Anh bạn tôi cười nói ách tắc thì có nhưng câu chuyện chỉ là thế này thôi. Thế rồi bạn tôi kể cho tôi nghe cái “kịch bản” không biết của ai nhưng phải nói là chưa từng có của các hậu duệ Cụ Nguyễn Công Trứ.
Không chịu đựng nỗi hành động áp bức bóc lột của doanh nghiệp đầu tư và thu phí qua trạm cầu Bến Thủy và cũng xin không làm mất thì giờ người đọc về những cái vô lý khi thu phí cực cao tại cái cầu và đoạn đường đã quá già lão này rồi. Tất nhiên những người thường xuyên qua lại cầu Bến Thủy cũng hiểu rằng không có chuyện một Doanh nghiệp mà dám tự quyền nâng giá phí qua cầu từ 15.000 đồng mấy năm trước lên 45.000 đồng/lượt, mà đứng sau họ là các cơ quan công quyền và những lợi ích chia nhau như thế nào thì có trời mới biết.
Một số công dân Nghi Xuân, những người phải thường xuyên qua cầu làm việc bên Nghệ An bằng xe ô tô quá bức xúc, dù đã đề xuất kiến nghị mãi rồi mà không ai giải quyết cả nên họ bèn nghĩ ra một kế để chống lại cường quyền, may ra thấu đến trời: Nhân những ngày lễ Tết cuối năm, Đền cụ Hoàng Mười rất nổi tiếng linh thiêng (cũng ở đất Nghi Xuân, gần cầu Bến Thủy) được đệ tử thập phương công đức rất nhiều tiền, dĩ nhiên là có rất nhiều đồng tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tờ có mệnh giá 500 đồng. Tiền bạc của quốc gia in ra thì không có loại nào là không có giá trị, nhưng loại tiền này bây giờ chỉ có thánh thần và đức Phật tiêu thôi chứ ngoài chợ họ không lấy mà cũng không thấy lưu thông nữa. Các bạn là nạn nhân thường xuyên và ai đó nữa cũng không biết được, đã đem tiền mệnh giá 100.000, 200.000 đồng đến đền đổi cho những người quản lý tiền bạc ở đây chỉ lấy tờ mệnh giá 500 đồng thôi.
Đương nhiên đề nghị này rất được các đền chùa đồng ý ngay. Họ rủ nhau (chắc là thế), những người có xe ô tô thường xuyên qua cầu và cả những “hưởng ứng viên khác” mang số tiền đã đổi được này trả cho trạm thu phí. Số tiền 45.000 đồng/lượt, có nghĩa là phải có một xấp tiền 90 tờ mệnh giá 500 đồng. Khổ thay, tiền của đền chùa thường có nhiều tờ tiền cũ nát nên rất khó đếm. Lại còn thêm vào “kịch bản” này một việc tai ương, đáng lẽ phải đưa đủ 90 tờ giấy bạc 500 đồng cũng đã khổ rồi, đằng này họ thường chỉ đưa 80 hay 85 tờ. Các cô bán vé qua trạm (cũng là những người nghèo, làm thuê cho chủ để kiếm sống) đếm mãi (ít nhất là 3 phút) mà vẫn thấy thiếu (thiếu thì lấy gì để bù?) trong khi lái xe thì cứ nằng nặc bảo đủ.
Vừa mất công cãi vả vừa phải đếm lại! Cứ thế lằng nhằng mất 5-7 phút mới giải phóng được một xe qua trạm thì đủ biết bọn lái xe phía sau điên tiết biết chừng nào. Họ chỉ nghĩ nhân viên thu phí gây khó khăn hay chuyên môn quá kém rồi chửi vung tàn tán lên đến… Chính phủ Trung ương, chứ có biết đâu mấy cô thu phí này cũng đang khổ cực kỳ. Không biết họ có chửi “thằng Bảo Thái” hay không nhưng thật sự thì phản ứng này đã gây ra một cảnh tượng rất căng thẳng và hỗn loạn. Tất cả các làn xe, cả chiều ra và chiều vào đều diễn cùng một kịch bản thì ùn tắc cả trăm xe là chuyện đương nhiên mà không biết ai là thủ phạm. Một cách đấu tranh “bất bạo động” rất hài mà hiệu quả, có thể làm mẫu cho các tổ chức XHDS khác tham khảo được đấy.
Nhìn cảnh tượng này, chắc cụ Nguyễn Công Trứ không cưỡi Hạc về mà vẫn cưỡi con bò cái, có cái mo nang treo sau đuôi như thủa nào cụ còn tại thế để đến xem các hậu duệ của mình diễn trò còn hay hơn cụ thời xưa khi cụ chống lại những ông quan triều đình thối nát. Chắc chắn cụ sẽ cười mà rằng “Hậu sinh khả úy”. Còn dân hai bên cầu Bến Thủy thì cứ vỗ đùi đen đét mà khen rằng: “Tiên sư thằng… đạo diễn. Tài đến thế là cùng”.
Không biết cốt truyện có chính xác thế này không, nhưng chuyện đấu tranh của người dân với chính quyền tại điểm nút giao thông này thì có thật, xin mạo muội kể ra mua vui cùng Xuân vậy thôi, nếu có đụng đến đền, miếu nào thì cũng xin hai chữ đại xá vậy.
Hà Tĩnh, Mạnh Xuân Đinh Dậu, 2017.
Nguyễn Thái Nguyên
4 bình luận trước “11.636. ĐẦU NĂM BÀN CHUYỆN PHIẾM”
Sorry, the comment form is closed at this time.
ĐIỂM TIN NGÀY 14-2-2017 | Ngoclinhvugia's Blog said
[…] ĐẦU NĂM BÀN CHUYỆN PHIẾM […]
Đối Thoại Điểm Tin ngày 14 tháng 2 năm 2017 | doithoaionline said
[…] 11.636. ĐẦU NĂM BÀN CHUYỆN PHIẾM […]
ĐẦU NĂM BÀN CHUYỆN PHIẾM – Vượt Tường Lửa said
[…] https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/14/11-636-dau-nam-ban-chuyen-phiem/ […]
ĐẦU NĂM BÀN CHUYỆN PHIẾM | CHÂU XUÂN NGUYỄN said
[…] https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/14/11-636-dau-nam-ban-chuyen-phiem/ […]