BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

11.316. Mai Khôi và quyền tự do bày tỏ thái độ với lá cờ

Posted by adminbasam trên 12/01/2017

Luật Khoa

Trịnh Hữu Long

Ca sĩ Mai Khôi – Ảnh: Facebook nhân vật.

Ca sĩ Mai Khôi – Ảnh: Facebook nhân vật.

Ca sĩ Mai Khôi đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi mới về một đề tài rất cũ: lá cờ.

Trên Facebook của mình, cô ca sĩ từng là ứng cử viên độc lập chạy đua vào Quốc hội hồi năm ngoái bày tỏ quan điểm không muốn đứng chung với lá cờ vàng – vốn là quốc kỳ của ít nhất hai thể chế từng tồn tại ở nước ta là Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Đế quốc.

Mai Khôi “không thích cờ vàng, cũng không thích cờ đỏ” và cho biết nếu được chọn sẽ chọn cờ hồng vì đó là “màu của yêu thương”. Cô nhận được không ít lời khen, nhưng cũng không ít lời chỉ trích, phê phán và cả chửi rủa của nhiều Facebookers bảo vệ lá cờ vàng.

Vụ việc của Mai Khôi diễn ra sau một sự kiện văn nghệ ở Virginia (Mỹ) ngày 11/1. Cũng tại tiểu bang này cách đây hơn hai năm, một người Việt Nam khác từ trong nước tới cũng gặp phải một tai nạn với lá cờ vàng: cựu tù nhân chính trị Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải). Ông bị một người phụ nữ ép khoác một chiếc khăn cờ vàng trong khi đang giao lưu với cộng đồng người Việt ở đây.

Hầu hết người Việt Nam ở độ tuổi 30 trở lên sinh sống trên đất Mỹ, Canada và Úc có ít nhất hai điểm chung: là người miền Nam và bỏ nước ra đi sau ngày 30/4/1975, khi những người cộng sản giành được chiến thắng quân sự sau cùng và thống nhất đất nước.

Trong suốt hai thập kỷ sau chiến tranh, có ít nhất 800 nghìn người vượt biên ra đi và đến được một nước khác. Tuyệt đại đa số vượt biên bằng đường biển và mãi mãi đi vào lịch sử thế giới với tên gọi “thuyền nhân Việt Nam” (Vietnamese boat people). Hàng trăm nghìn người bỏ xác trên biển và không bao giờ tới được nơi họ muốn tới. Những người may mắn sống sót trở thành người tị nạn và hầu hết sau đó được một nước khác tiếp nhận làm công dân. Lẽ dĩ nhiên, họ coi lá cờ vàng là quốc kỳ, họ luôn mang trong mình mối thù với những người cộng sản và căm ghét lá cờ đỏ.

Chỉ hai tháng trước vụ việc của Mai Khôi, nhiều người Việt ở California đã vẩy nước mắm và đuổi doanh nhân Lê Đình Hùng (Hùng Cửu Long) sau khi anh này tuyên bố sẽ mặc áo cờ đỏ sao vàng đi giữa khu vực cộng đồng.

Ngay sau đó, vào ngày 14/12/2016, Hội đồng thành phố Westminster, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn ở Mỹ, đã thông qua nghị quyết tái khẳng định sự công nhận lá cờ vàng và phản đối việc treo cờ đỏ tại các công sản của thành phố này.

Ông Tyler Diệp, Phó Thị trưởng thành phố tuyên bố: “Lá cờ máu là lá cờ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, tượng trưng cho một thể chế độc tài đảng trị, vi phạm nhân quyền và không hề được người Việt quốc gia chúng ta công nhận. Chúng ta chỉ công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ”.

Đó là chuyện xảy ra ở Mỹ. Tình huống ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.

***

Giữa tháng 10/2012, hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên lần lượt bị công an bắt ở Long An và TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra cho biết đây là hai “đối tượng” chống phá nhà nước với ba hành vi cụ thể: rải truyền đơn, âm mưu gây nổ, và dán cờ vàng ba sọc đỏ tại các khu dân cư.

Phán quyết của toà sơ thẩm (5/2013) và phúc thẩm (8/2013) đều tuyên bố hành vi dán cờ vàng ba sọc đỏ là tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự. Một trong số các tang vật vụ án được liệt kê trong phán quyết là “01 cờ vàng 03 sọc đỏ”. Toà tối cao tuyên phạt Kha 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, tuyên phạt Uyên 3 năm tù treo với 52 tháng thử thách.

Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài công khai coi việc phất cờ vàng là “trò vè”, “lố bịch”, “kỳ quái” và là một việc làm sai trái.

Ít lâu sau đó, ngày 12/4/2015, vấn đề cờ vàng lại nổi sóng ở Việt Nam khi thanh niên Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) bị công an bắt khi đang tham gia một cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội. Nhiều người lập tức bày tỏ thái độ bất bình và cho rằng công an đang vi phạm quyền biểu tình của người dân, đặc biệt là trong một phong trào bảo vệ môi trường vốn không liên quan gì đến chính trị.

Khi đó, không ai biết lý do chính xác của vụ bắt bớ này là gì, nhưng giả thuyết được nhiều người quan tâm nhất là Dũng mặc quân phục Việt Nam Cộng hoà có hình lá cờ vàng trên ngực. Những hình ảnh của Dũng trong cuộc biểu tình hôm đó khiến nhiều người tin vào giả thuyết này. Không những thế, hình ảnh Dũng mặc quân phục Việt Nam Cộng hoà chụp với lá cờ vàng ở quê nhà Nghệ An lan truyền trên mạng, khiến không ai còn nghi ngờ gì là Dũng có cảm tình với lá cờ một thời này ở Việt Nam.

Dư luận lập tức phản ứng. Nhiều người dùng lý do này để phản đối biểu tình. Nhiều người công kích và chửi bới những ai ủng hộ Nguyễn Viết Dũng và lá cờ vàng. Nhiều người dù không phản đối Dũng nhưng cũng phát biểu rất dè dặt. Cuộc tranh cãi về việc nên hay không nên bảo vệ Dũng cũng nổ ra giữa những người kêu gọi biểu tình và các nhà hoạt động nhân quyền.

Ngược trở lại đầu những năm 2000, hai ca sĩ Bằng Kiều và Thu Phương cũng liên tục bị báo chí và công chúng trong nước chỉ trích khi quyết định ở lại Mỹ gây dựng sự nghiệp và xuất hiện trong một số sự kiện có lá cờ vàng. Cả hai bị ví như những kẻ “lầm đường lạc lối”, “phản bội Tổ quốc” và bị chính phủ cấm biểu diễn ở Việt Nam trong một thời gian dài.

***

Người Việt Nam từ trong nước đi ra bị kẹt trước lá cờ vàng. Người Việt Nam hải ngoại về nước bị kẹt trước lá cờ đỏ. Những người như Mai Khôi bị kẹt giữa hai lá cờ.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: một thể chế dân chủ ở Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Liệu thể chế đó sẽ chỉ công nhận một lá cờ và cấm tất cả các lá cờ khác? Liệu những người chẳng thích lá cờ nào như Mai Khôi có được quyền bày tỏ chính kiến của mình hay không?

Nước Mỹ có câu trả lời cho riêng họ.

Ngày nay, ai cũng quen thuộc với lá cờ hoa của Mỹ, bởi vậy mà người ta còn gọi nước Mỹ là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, Mỹ đã từng bị chia cắt làm hai miền trong cuộc nội chiến 1861-1865 và kết quả sau cùng đều là chiến thắng của phe miền Bắc.

Trong suốt những năm nội chiến, phe miền Bắc (Union) tiếp tục sử dụng lá cờ hoa của Mỹ vốn đã được sử dụng từ thời lập quốc. Phe miền Nam (Confederate States) thiết kế một lá cờ riêng của mình.

Sau chiến tranh, lá cờ hoa của phe miền Bắc đương nhiên giữ nguyên địa vị là biểu tượng của toàn nước Mỹ, bao gồm cả các bang miền Nam. Nhưng không vì thế mà lá cờ của phe miền Nam biến mất. Lá cờ chính thức lẫn các phiên bản khác nhau của nó vẫn tung bay ở rất nhiều công sở, xí nghiệp, hộ gia đình và các sự kiện ngoài trời ở nhiều bang miền Nam, điển hình là South Carolina.

Lý do đơn giản của việc này là Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do biểu đạt quan điểm của người dân, bao gồm cả quyền giương cao bất kỳ lá cờ nào mà họ muốn.

Đảng Cộng sản Mỹ là một tổ chức chính trị hợp pháp tại Mỹ và họ đương nhiên được treo cờ đỏ búa liềm – biểu tượng của phong trào cộng sản thế giới.

Vào năm 1919, trước nỗi lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản, tiểu bang California ban hành một đạo luật cấm sử dụng cờ đỏ ở nơi công cộng trong một số trường hợp cụ thể. Một thanh niên 19 tuổi, đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản vốn có quan hệ với Đảng Cộng sản Mỹ, giương một lá cờ đỏ trong một hội trại cho trẻ em và lập tức bị bắt. Vụ án sau này được kháng cáo lên Tối cao Pháp viện. Toà tuyên đạo luật của California vi hiến trong án lệ nổi tiếng Stromberg v. California.

Mỹ thậm chí còn đi xa hơn: bảo vệ quyền được đốt quốc kỳ.

Năm 1984, thanh niên Gregory Lee “Joey” Johnson, thành viên của một tổ chức cộng sản trẻ, đốt quốc kỳ Mỹ trong một cuộc biểu tình ở Dallas, tiểu bang Texas để phản đối một số chính sách của Tổng thống Ronald Reagan. Hành vi này cấu thành tội xúc phạm các biểu tượng thiêng liêng theo luật tiểu bang. Khi đó, có đến 48/50 bang ở Mỹ có luật tương tự.

Johnson bị bắt, bị toà tiểu bang kết án một năm tù và phải chịu phạt 2.000 USD. Ông kháng cáo lên Tối cao Pháp viện. Phán quyết sau cùng vào năm 1989 tuyên bố hành vi đốt cờ được Hiến pháp bảo vệ như một phần của quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất.

Phán quyết ghi rõ quan điểm của phe đa số của Tối cao Pháp viện như sau: “Chính quyền không được cấm đoán việc bày tỏ quan điểm bằng lời nói hay không bằng lời nói chỉ vì xã hội cảm thấy bị xúc phạm và không thể chấp nhận được quan điểm đó, ngay cả khi việc này liên quan đến lá cờ của chúng ta”.

Dĩ nhiên, rất nhiều người Mỹ phản đối việc đốt cờ cũng như treo cờ miền Nam. Cũng giống như câu chuyện lá cờ của Việt Nam, các cuộc tranh cãi và biểu tình ở Mỹ nổ ra liên miên, chưa khi nào có dấu hiệu chấm dứt.

Điều quan trọng nhất là pháp luật Mỹ tôn trọng và bảo vệ quyền bày tỏ những quan điểm khác nhau. Một nền tảng pháp lý như vậy sẽ bảo vệ tất cả những người yêu mến lá cờ đỏ, những người yêu mến lá cờ vàng, những người yêu mến cả hai lá cờ, những người căm ghét cả hai lá cờ, và rất nhiều những thái độ khác nhau nữa.

Liệu đó có phải là một xã hội mà chúng ta nên hướng đến? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hình dung được rõ ràng hơn rất nhiều về một đất nước Việt Nam mà chúng ta muốn thấy trong tương lai.

_____

FB Đỗ Nguyễn Mai Khôi

12-1-2017

Hôm qua nay có dư luận xôn xao lùm xùm về Khôi, có nhiều người quan tâm thương mến Khôi đã lo lắng cho Khôi, hỏi thăm Khôi…xin giải thích chuyện này một lần cho rõ ràng, chuyện thế này:

Chị nhà thơ nhà văn Thanh Bình đã vì yêu thích và ủng hộ những việc Khôi đang làm, nên chị đã gọi điện thoại mời tôi sang Virgina hát, do chị tổ chức ( chỉ có mình chị tổ chức thôi) vì chị chỉ mời những người bạn thân quen và làm một buổi nhạc thính phòng private, không ra cộng đồng. Thoả thuận ban đầu là thế. Tôi cũng có nói rõ, tôi có 3 điều tôi không muốn dính vào đó là : cờ vàng, Việt Tân, tham gia tổ chức nào đó… Tôi là nghệ sỹ độc lập và hát tiếng hát đòi quyền tự do biễu đạt, tự do nghệ thuật, tự do sáng tạo, tự do đi lại, tự do tụ tập…v..v.. Vì vậy, ngay từ đầu đã thoả thuận không ra cộng đồng và không chào cờ gì cả. Chỉ là đêm nhạc chia sẻ với các văn nghệ sỹ thân tình của chị Thanh Bình, những người đã sẵn một đầu óc cởi mở, văn minh, với một trình độ thưởng thức cao và hiểu biết rộng.

Thế nhưng, khi tới nơi hát, tôi mới thấy đây là hội trường của nhà văn hoá cộng đồng. Tôi có nói, đây không phải là nơi thích hợp để tôi hát, nhưng vì các vị khách đã vượt đường xa tuyết lạnh, để đến nghe Mai Khôi hát, mà các vị khách toàn là những người cỡ tuổi ông nội bà nội của Khôi, nên Khôi không nỡ lòng nào bỏ về, Khôi đành quay lại vào trong để hát. Ban tổ chức tổ chức rất luộm thuộm, sân khấu không có âm thanh đàng hoàng, lại treo cờ như là buổi họp của Trung Ương Đảng…ha..ha… Tôi bảo, tôi không hát dưới cờ pháo nào cả, tôi không đứng chung sân khấu với cờ vàng, nếu ban tổ chức không di chuyển cờ đi chỗ khác thì tôi không hát (điều này đã được thoả thuận ngay từ đầu rồi à nha, không phải tôi eo xèo hay là không biết nhập gia tuỳ tục gì à nha…).

Có vậy thôi, cuối cùng ban tổ chức quyết định không chào cờ, tôi cũng không đứng chung sân khấu với cờ vàng, tôi cũng bảo ban tổ chức không được phép quay video vì nếu quay video thì ảnh hưởng đến hình ảnh của tôi, trong thoả thuận cũng không có phần quay video và phỏng vấn gì hết á… Chỉ là một buổi nghe nhạc miễn phí bình thường thôi à…” Nghệ thuật tự do, yêu thương tự nguyện” mà!

Vậy đó, thế là tôi ngồi tránh xa các thể loại cờ ra, không ngồi trên sân khấu, tôi hát cho bà con cộng đồng nghe. Ai cũng cảm nhận và chia sẻ sâu sắc những bài hát của tôi, có nhiều cụ đã rơm rớm nước mắt, thấy thương lắm! Buổi nhạc kết thúc vui vẻ, ai cũng vui vẻ đến ôm hôn chụp ảnh lưu niệm, phát biểu cảm nghĩ, thổ lộ sự ủng hộ yêu quý một cách chân tình.

Vậy mà ngày hôm sau, từ một trang fb của bà bé Bảy và một, hai người nữa (tui không biết có đến buổi nhạc không hay là copy bài từ bà bé Bảy) đã đăng lên những lời chửi rủa ban tổ chức và lôi lại câu chuyện cờ pháo ra tranh cãi…ha..ha…xã hội nào thì cũng có những thành phần quá khích thích thọc gậy bánh xe. Và Xã hội nào cũng có một đám a dua sủa theo om sòm…ha..ha…
Tôi nói thiệt luôn vầy:

Tôi không thích cờ vàng, cũng không thích cờ đỏ, nếu được chọn, tôi thích cờ hồng-màu của yêu thương. Kệ tui chớ!! Đó là về mặt thẩm mỹ. Còn về mặt lý, tôi không có lý do gì để thích cờ vàng, vì chính quyền của cờ vàng dù được trang bị đầy đủ vũ khí bom mìn tối tân nhất thế giới, vẫn để mất nước, để cho lớp trẻ chúng tôi, những người bị rơi vào cảnh buộc phải ở lại, không thể đi đâu được, phải chịu những hậu quả thiếu tự do, thiếu giáo dục như bây giờ. Mấy người đi được nước ngoài rồi thì sướng rồi, muốn nói gì thì nói.

Tôi cũng không thích cờ đỏ, vì chính quyền phía cờ đỏ đang điều hành đất nước một cách kém cỏi, để đất nước phải chịu những cảnh thảm hoạ, đạo đức suy đồi và nghệ thuật không được tự do.

Tôi không có đấu tranh dành chính quyền, ai thích cai trị ai thì cứ ráng mà dành lấy. Tôi chỉ lên tiếng cho nhân quyền thôi!

Nếu ai thích nghe tôi hát thì cứ đến nghe hát, nếu ai thích chào cờ thì cứ nhìn cờ, chào!… khỏi nghe hát. Tự do- Dân chủ- Nhân quyền vậy thôi à…

4 bình luận to “11.316. Mai Khôi và quyền tự do bày tỏ thái độ với lá cờ”

  1. […] 11.316. Mai Khôi và quyền tự do bày tỏ thái độ với lá cờ […]

  2. […] Hữu Long (Ba Sàm) Theo Luật Khoa – Ca sĩ Mai Khôi đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh […]

  3. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/12/11-316-mai-khoi-va-quyen-tu-do-bay-to-thai-do-voi-la-co/ […]

  4. […] Mai Khôi và quyền tự do bày tỏ thái độ với lá cờ […]

Sorry, the comment form is closed at this time.