11.282. Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói
Posted by adminbasam trên 10/01/2017
Trần Phong Vũ
9-1-2017
* Nghĩ gì, thấy gì qua video bài giảng tĩnh tâm Mùa Vọng 2016 của một Linh mục?
Sơ lược nội dung bài giảng[1]
Sau khi dành một phút dâng lời nguyện tạ ơn Thiên Chúa, áp dụng phương pháp trực khởi nhà giảng thuyết đi thẳng vào chủ đề bài giảng. Để tạo không khí sôi động cho buổi sinh hoạt, ông nêu câu hỏi để tham dự viên lần lượt trả lời. Nội dung những câu hỏi của diễn giả được trích từ Chương 1 và chương 2 sách Sáng Thế Ký trong Cựu Ước[2].
Qua những câu hỏi liên quan tới công trình tác tạo bầu trời, tinh tú, không khí, ánh sáng, cỏ cây, chim trời, cá biển, muông thú, gia súc của Thiên Chúa, dựa vào nền tảng Kinh Thánh, nhà thuyết giảng hướng dẫn các tham dự viên nhận ra giá trị cao quý của con người dưới mắt Đấng Tạo Dựng. Khác hẳn với cung cách sáng tạo bầu trời, vũ trụ, cỏ cây, muông thú trong năm ngày đầu[3], qua ngày thứ sáu khi tạo dựng con người bắt đầu bằng người nam, Thiên Chúa nghiêm cẩn tự nhủ: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” (Sáng Thế Ký. Chương 1, câu 26 Kinh Thánh trọn bộ gồm Cựu Ước và Tân Ước do Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, Tòa TGM Sàigòn ấn hành 1998).
Đề cập cuộc trao đổi mật thiết giữa ba ngôi Thiên Chúa gói ghém trong danh xưng “Chúng Ta” trước phút tạo dựng con người, diễn giả ngừng lại giây lâu để dẫn giải cho giới trẻ am tường mặc khải cốt lõi trong Cựu Ước về màu nhiệm Thiên-Chúa-Ba-Ngôi/ChúaCha-ChúaCon-ChúaThánhThần là MỘT (Tam Vị Nhất Thể).
Trước một cử tọa phần đông là sinh viên đại học, có người đang hành nghề luật sư am hiểu Anh ngữ, cha Thông nói: trong tiếng Việt dù là danh từ hay tĩnh từ đơn lẻ, tự nó không có số ít hay số nhiều. Nhưng tiếng Anh thì khác. Ông đan cử câu “Let us create man in our image”, chuyển qua tiếng Việt có nghĩa là “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh của chúng ta”. Đối chiếu ta thấy, trong câu tiếng Anh “let us’ (chúng ta hãy) và “our” (của chúng ta) – tức số nhiều từ hai vật thể hay nhân thể trở lên – thì “image” thông thường lẽ ra cũng phải số nhiều “images”. Nhưng, Lời Chúa trong Kinh Thánh để số ít (không có “s” ở cuối từ image). Chi tiết này rất quan trọng: hình ảnh Thiên Chúa do chính Ngài lấy làm khuôn mẫu để tác tạo con người là Thiên-Chúa-Ba-Ngôi nhưng được kết hợp mật thiết trong Một-Ngôi-Vị, nền tảng đức tin Thiên Chúa Giáo. Từ đấy chúng ta hiểu trong bản dịch tiếng Anh từ “image” không có “s” ở cuối dù được đặt sau “our”. MỘT hình ảnh của Tam-Vị-Nhất-Thể.
Sau khi lấy bùn đất tạo nên con người đầu tiên với tên A-Đam, Thiên Chúa đặt ông làm chủ muôn loài vạn vật nhưng ông không tìm ra được thụ tạo nào xứng hợp với mình để làm bạn. Thấy dáng buồn rầu, cô đơn của A Đam, Ngài nhủ thầm “Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (Chương 2, câu 18). “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy xương sườn đã rút ra từ con người, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: ‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi’… Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương thịt.” (Chương 2, câu 22, 23, 24 sách đã dẫn)
Khởi dẫn từ hấp lực của tình dục trong tình yêu nam/nữ do chính Thiên-Chúa-Yêu-Thương rộng lượng trao tặng con người từ ban đầu, diễn giả mời gọi các bạn trẻ hiện diện hãy nhớ lại những chi tiết trong hai chương đầu sách Sáng Thế Ký, phối hợp với những khám phá, trao đổi giữa người giảng và người nghe… rồi cùng suy tư thật kỹ, thật sâu xa để thấy, nghĩ và cảm nhận được gì về niềm si mê/khoái ngất thánh thiêng trong giây phút thực sự NÊN MỘT về cả hai phương diện nghĩa đen cũng như nghĩa bóng?
Lm Nguyễn Bá Thông nêu lên câu hỏi: tại sao Giáo Hội ngăn cấm không được quan hệ tình dục trước hay ngoài hôn nhân? Sau khi lắng nghe phát biểu của cử tọa, từng bước một, ông giúp các đối tượng trong buổi sinh hoạt, -mà hầu hết là những bạn trẻ đang yêu và muốn được yêu-, tìm ra ý nghĩa đích thực của Tình-Yêu trong hôn nhân Công giáo. Không phải từ những cảm thức nông nổi, bồng bột, lãng mạn nhất thời, chóng qua. Nhưng từ những thực chứng được khơi nguồn sâu xa trong Kinh Thánh.
Cuối cùng, vẫn từ nền tảng Kinh Thánh, diễn giả dẫn cử tọa lắng sâu vào cảm thức: chỉ khi nào hai người yêu nhau bước lên Bàn Thánh với xác tín: họ chính là những nhân thể được Thiên Chúa chúc phúc như tổ phụ xưa để người này xác quyết người kia chính là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, để trong đêm tân hôn họ cùng nhận ra cảm giác tuyệt vời khi hai người trao thân cho nhau, hòa nhập vào nhau trong ý niệm sâu thẳm “cả hai” đã thực sự “trở nên một xương thịt”. Hành vi tự hiến này không ngừng lại ở mục tiêu thỏa mãn dục tính. Cao cả hơn, nó vươn tới sứ vụ truyền sinh, một sứ vụ thiêng liêng mà Đấng Tạo Dựng đã quảng đại trao ban cho nhân loại từ thuở đời đời.
Trước khi kết thúc buổi thuyết giảng, bằng cử chỉ và giọng nói chân thành, Lm Nguyễn Bá Thông nói.
“Các bạn trẻ rất thân mến,
Trong tình yêu nam nữ có tình dục. Với người Công giáo, chúng ta tin những tình cảm này là món quà tặng do chính Thiên Chúa trao ban. Vì thế các bạn phải biết dùng đúng nơi, đúng lúc và đúng chỗ.
Cha cảm tạ Chúa đã dẫn các bạn tới đây ngày hôm nay chật kín nhà thờ Tân Sa Châu này. Cha cũng tạ ơn Chúa vì cha Chánh Xứ đã cho phép cha đến đây với các bạn ngày hôm nay, ngày mai và ngày Thứ Bảy nữa. Để cùng cười, để cùng nói, để cùng nghe, để cùng hiểu một điều mà tưởng rằng ai cũng hiểu. Nhưng thật ra chúng ta đã hiểu sai lệch ý định ban đầu của Thiên Chúa.
Cha mong các bạn, cha van các bạn, cha xin các bạn, và nếu cha phải quỳ trước các bạn cha cũng sẽ vui mừng làm điều đó.
Ngày hôm nay nếu có những ai chưa kết hôn mà trót có những hành vi sai trái thì cha xin mượn bài giảng tối hôm kia khi cha nói về người đàn bà ngoại tình với lời Chúa Giêsu nói với bà: ‘tôi cũng vậy, tôi không lên án con. Con hãy về đi và đừng phạm tội nữa’. Cha van tụi con, cha xin tụi con, và nếu được cha thách đố tụi con.
Chúng ta cùng cầu nguyện với nhau, cầu nguyện cho nhau, để cha cũng như các con được Thiên Chúa thứ tha. Bởi vì các con biết dù là Linh mục cha vẫn phải đương đầu với những cám dỗ về thân xác!
Cha cũng như các con, chúng ta cùng cầu nguyện với nhau, cho nhau để chúng ta có đủ can đảm vượt qua mà đến nhìn Chúa, nghe Lời của Chúa: “Con đừng phạm tội nữa”. Để cho ý định ban đầu của Thiên Chúa được triển nở trong đời sống của các con, của cha… của tất cả mọi người..
Và xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen!”
(Tước bỏ đi tất cả những hạt sạn, những gai góc có thể tạo nên cảm giác khó chịu, bực bội, chúng ta có được phần tóm tắt trong sáng trên đây).
Đôi lời trần tình trước khi tỏ bày ý kiến
Người viết đã tự ép mình vượt ra khỏi những vướng bận, thắc mắc, khó chịu thường tình về tiêu đề, ngôn từ, cử chỉ và thái độ của nhà giảng thuyết, để cố gắng tìm hiểu cốt lõi phải có trong một bài giảng tĩnh tâm cho giới trẻ nhân mùa vọng Giáng Sinh. (Mời độc giả đọc chú thích 1.)
Mặc dầu đã luống tuổi, xuất thân trong một gia đình Công giáo nhiều đời, nhưng tôi tự biết mình không phải là người bảo thủ và xét kỹ cũng không phải là kẻ hẹp hòi, cổ hủ hay cố chấp. Tôi tiếp nhận những thay đổi về phụng vụ, về cách nhìn ra thế giới, về các tôn giáo, tín ngưỡng khác của Hội Thánh qua Công Đồng Chung Vatican II giữa thập niên 60 thế kỷ trước là điều tất yếu, không cần bàn cãi. Những tin tức liên quan tới tình trạng ấu dâm trong hàng giáo sĩ khắp nơi thời gian gần đây không làm cho tôi ngạc nhiên hay chao đảo. Chuyện một Gm, TGm, hay thậm chí Hy trong GHCG dù ở bất cứ đâu nếu có vấn đề trong đời sống luân lý –kể cả trong đời sống đức tin-, có thể làm cho tôi buồn, nhưng tuyệt đối không mất hy vọng hay phải xét lại mối liên hệ cá vị giữa bản thân với Đấng mà từ đấy tôi nhận được niềm tin.
Riêng trường hợp một số Đấng Bậc Làm Thày trong GHCGVN có những ngôn từ, hành vi, thái độ sống phản lại Tin Mừng của Đấng Cứu Thế trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, hẳn nhiên đã khiến tôi xót xa, đau đớn. Nhưng điều chắc chắn, không vì thế tôi có ý nghĩ chống báng hay rời xa Hội Thánh. Trái lại nó chỉ khiến tôi thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn trong việc phải lên tiếng cách này hay cách khác, dù có bị hiểu lầm.
Vài nhận định chân thật của người viết
Bây giờ tôi xin mạo muội công khai bày tỏ những suy nghĩ chân thật về một số chi tiết liên quan tới: Thứ nhất.- tiêu đề bài giảng. Thứ hai,- cách xưng hô của nhà thuyết giảng. Thứ ba.- ngôn từ diễn giả dùng trong khi trao đổi với cử tọa.
* Trang mạng thông báo đề tài buổi tĩnh tâm
“CHA THÔNG | Tình dục thì rất sướng – Sex is good”.
Theo nhận định rất thật của tôi: Việc Lm dựa trên nền tảng Kinh Thánh để trình bày về tình dục cho giới trẻ không có gì sai trái, nếu không muốn nói là cần thiết. Nhưng cách chọn lựa chữ nghĩa dùng cho đề tài, cũng như ngôn ngữ sử dụng trong khi trao đổi, theo tôi không thích hợp cho một bài giảng thuyết trong một buổi tĩnh tâm cho bất cứ một nhóm tuổi nào trong GHCG, nhất là người giảng lại là một giáo sĩ!
Tại sao?
Trước hết, trong khi giảng Lm Thông lập đi lập lại nhiều lần câu “Sex is good!” mà chính ông chuyển qua tiếng Việt là “Tình dục thì rất sướng!”, trong đó ông hàm ý là trích Chương 2 sách Sáng Thế Ký! Tôi đã cố gắng tìm hiểu nhưng dành bó tay vì không đào đâu ra được một ý tưởng, một từ ngữ na ná như thế. Vì không tin ở mình, tôi nhờ một cha già vốn là một chuyên gia Kinh Thánh ở Việt Nam giúp. Qua mail, cha cho hay đọc kỹ Kinh Thánh ngài cũng không thấy có một từ nào tương tự. Vẫn theo cha, có lẽ người thuyết giảng lấy ý từ các câu 23, 24 và 25 đoạn cuối Chương 2 sách Sáng Thế Ký[4]. Tôi cũng cẩn thận nhờ một y sĩ bạn coi lại trong bản dịch Anh ngữ anh quen dùng. Sau đó, anh cũng xác nhận không tìm đâu thấy cụm từ tiếng Anh kiểu này.
Về mặt dịch thuật, theo tôi nếu buộc chuyển qua Việt ngữ cụm từ “Sex is good” những dịch giả còn có lòng tự trọng không thể chấp nhận dịch kiểu “Tình dục thì rất sướng!” mà sẽ dịch cách khác, và điều chắc chắn sẽ không dùng từ “sướng”. Tôi đọc được trong những cuốn sách của y giới nói về sự thỏa mãn cao độ của giây phút đôi nam nữ trao thân cho nhau, người ta quen dùng từ kép “khoái ngất” vừa thanh tao, nhẹ nhàng mà vẫn diễn tả được trọn vẹn điều muốn nói.
Trong suốt bài giảng, diễn giả luôn nhắc các bạn trẻ phải căn cứ vào Kinh Thánh, phải ứng dụng Lời Chúa đúng nơi, đúng lúc và đúng chỗ. Không hiểu tại sao ông lại chọn tiêu đề trên đây và gián tiếp cho hay xuất xứ từ Kinh Thánh Cựu Ước, nhất là lại dùng từ thiếu cẩn trọng như thế? Phải chăng ông muốn tạo sự chú ý của người tham dự theo kiểu diễn viên hài độc thoại Dưa Leo khi chọn tiêu đề cho clip video Nợ Công bằng cách mượn kích cỡ to nhỏ của vòng thứ nhất trên cơ thể người phụ nữ ghép trước hai từ “Nợ Công” thành tiêu đề: “V. Bự, V. Lép và Nợ Công”[5]?
* Cách xưng hô và ngôn ngữ dùng trong bài giảng.
Đời tôi đã có rất nhiều dịp nghe các Lm thuyết giảng cho giới trẻ, nhưng phải thành thật thú nhận là chưa bao giờ tôi bị sốc như khi mở coi/nghe video này[6].
Ngoại trừ vài ba phút chót như đã chép lại nguyên văn ở cuối phần tóm tắt nội dung bài giảng, hầu như trong toàn bài, diễn giả chọn cách xưng hô “tao, mày, chúng mày, đứa nào” khi phát ngôn với các bạn trẻ[7]. Tôi tự hỏi đấy có phải là cách ông lựa chọn với hy vọng tránh được sự cách biệt vai vế, và nhờ vậy tạo sự thân thiện, thoải mái, cởi mở giữa người nói và người nghe không? Nếu quả thật ông hy vọng như thế thì theo tôi, ông đã hoàn toàn thất bại! Chỉ một sự kiện thiếu vắng tiếng cười đồng lõa của những người trẻ, và hơn một lần diễn giả phải lên tiếng yêu cầu mọi người vỗ tay, chứng tỏ điều ấy.
Khi Lm Thông gặng hỏi. “Tao hỏi chúng mày nghĩa đen ‘tình dục nó sướng ở chỗ nào?” Với câu hỏi loại này tôi chờ đợi những tiếng cười giỡn từ đám đông thanh niên nam nữ. Nhưng tôi lầm. Quan sát nét mặt các bạn trẻ tôi thấy đa số đều tỏ ra ngỡ ngàng, e thẹn, hơn là thích thú. Điều này đem lại cho tôi một thoáng vui vì nhận ra nơi các em, dù sống giữa một xã hội luân lý, đạo đức đã bị phá sản đến tận đáy, nhưng ít nhất họ vẫn còn cảm thấy xấu hổ trước một câu hỏi mình không chờ đợi.
Một lần nhà giảng thuyết giơ cao chai rượu lễ nói.
“Đứa nào trả lời đúng tao cho luôn chai rượu này.”
Một cô gái rụt rè đưa tay xin trả lời. Run rẩy cầm micro cô vừa cất tiếng nói vài lời thì Lm Thông lớn tiếng cắt ngang.
“Mày há miệng mày ra tao đổ cho mày say chết cha mày luôn!”
Một thiếu nữ khác mặc áo cánh ngắn giơ tay xin phát biểu, Lm cười, nói.
“Mày mặc áo hở nách giơ tay lên làm tao chia trí!”
Có một lúc diễn giả đang tìm cách mở chai rượu, một bà mẹ ngỏ lời đề nghị giúp ông, Lm Thông vừa cười vừa cợt nhả.
“Tôi đang nói chuyện tình dục mà bà đòi mở cho cha là mở thế nào?!”
Khi một thanh niên trả lời một câu hỏi mà ông cho là đúng muốn thưởng cho chai rượu, ông bảo mở hai tay ra. Có lẽ anh sợ bị lừa nên rụt rè. Ông cười, nói lớn.
“Banh ra… banh ra… A ha!”
Với một câu nói như thế mà tôi thấy đám đông giới trẻ vẫn không có tiếng cười. Tôi không khỏi khen thầm nhân cách các em.
Trên đây chỉ là một số những câu nói tiêu biểu ghi lại trong bài giảng.
* Chuyện thưởng rượu… mà lại là rượu lễ cho người trẻ
Ai cũng biết Việt Nam ngày nay được thế giới xếp hạng số một trong số các quốc gia tiêu thụ thuốc lá và rượu kỷ lục. Ở Mỹ, trong một đám thanh niên người Việt tham dự bữa tiệc cưới, chỉ cần quan sát người nào uống bia rượu nhiều, thỉnh thoảng rời phòng ăn ra ngoài hút thuốc là người ta biết ngay đương sự mới từ Việt Nam qua. Lm Nguyễn Bá Thông công khai nói ông mang ba thùng 36 chai rượu, lại khoe là rượu Lễ từ Mỹ về để làm tặng thưởng cho giới trẻ trong những buổi giảng tĩnh tâm, phải được hiểu như thế nào? Xin nhường câu trả lời cho các chức sắc có thẩm quyền trong các Thánh Lễ Misa.
Hẳn những quý vị chưa có dịp mở coi video bài giảng của Lm Thông, đọc bài viết này sẽ không khỏi thắc mắc tại sao trong phần đầu tóm tắt nội dung bài giảng, tôi trình bày toàn những điều tích cực mà trong phần nhận định tôi lại nêu lên quá nhiều nét tiêu cực như thế? Xin thưa: vì không hoàn toàn tin ở nhận định chủ quan của mình, tôi đã chuyển video này cho một số bạn bè tôi, trong số có Lm, nữ tu, phụ huynh và các bạn trẻ cả ở trong cũng như ngoài nước. (Ở trong nước tôi gửi thẳng cho hai sinh viên, một nam một nữ hiện diện trong buổi giảng phòng, thuộc hai gia đình bạn cũ của tôi ở giáo xứ Tân Sa Châu, không xa nhà các em tôi ở giáo xứ Tân Chí Linh, gần Ngã Ba Ông Tạ.)
Trong hồi âm nhận được, phần lớn thú nhận ít ai coi hết video vì bị phản cảm ngay từ mấy phút đầu. Tuy nhiên một người bạn vong niên của tôi trên miền Tây Bắc HK lại có thái độ trung dung để bình tĩnh phân tích những khía cạnh tích cực trong bài giảng. Điều này gián tiếp cảnh cáo tôi nghe lại thật kỹ thêm nhiều lần, cẩn thận lấy note và quyết định khi trình bày nội dung bài giảng sẽ gạt qua một bên tất cả những nét tiêu cực để công bằng trả về cho diễn giả những gì mà theo ước vọng riêng của tôi, tự thâm tâm rất có thể ông có thiện ý muốn gửi tới những đối tượng buổi giảng thuyết của ông.
Ý nghĩ chân thật về cách phát ngôn của diễn giả?
Như đã viết, đây là lần đầu tiên tôi bị sốc nặng khi trực tiếp coi và nghe bài giảng cho giới trẻ của Lm Nguyễn Bá Thông. Trong những năm gần đây, tôi từng nghe nhiều người, trong số có các bạn tôi, phàn nàn về những bài giảng họ cho là quá tệ của đương sự. Nhưng quả thật tôi không ngờ sự tệ hại lại tới mức như bài giảng tôi vừa trải nghiệm.
Nó nói lên điều gì?
Nhẹ nhất, theo một nghĩa nào đó, tôi nghĩ ông bị tâm bệnh. Vì không phải bác sĩ và cũng không phải chuyên gia tâm lý, tôi không dám lạm bàn. Nhưng ngôn từ, lối xưng hô và cung cách phát biểu của ông cho tôi thấy ông không phải là người có tâm thái bình thường. Đàng khác, ông tỏ ra không hiểu gì về nét đẹp văn hóa độc đáo của người Việt Nam trong cách xưng hô với nhau. Chính nét đẹp này đã khiến người Tây phương phải nể phục, cho dẫu họ có lý do để chê bai người mình về các phương diện khác.
Là cha/mẹ trong gia đình, dù các con chúng tôi đã qua tuổi người xưa gọi là Tri Thiên Mệnh, nhưng cho đến nay chưa lần nào vợ chồng tôi xưng hô với con cái, kể cả dâu rể bằng những danh xưng xa cách như gọi các con chúng tôi là “anh, chị” và xưng “tôi” với chúng, nói chi đến những tiếng “mày, tao, đứa này đứa khác”! Thừa hưởng từ tấm gương của người trước, chúng tôi luôn coi những tiếng xưng hô “Mẹ/Con – Bố/Con” trong gia đình mang một ý nghĩa tuyệt đẹp, gói trọn tâm tình gắn bó, yêu thương không thể thay thế. Là một ông thày dạy quốc văn đệ nhị cấp các trường Lasan Taberd, Hưng Đạo và trường nữ trung học Nguyễn Bá Tòng Sàigòn trước 75, lúc nào tôi cũng giữ sự tương kính trong lối xưng hô cũng như cách ứng xử hàng ngày, trong lớp học hay giữa đời thường với các học sinh nam nữ của tôi.
Nhìn vào tư cách và vị thế của một Linh Mục –người chăn giắt linh hồn-, tôi trộm nghĩ đương sự không thể quan niệm một cách dễ dãi là cần dùng những từ ngữ bình dân đến mức tự xưng “tao” để gọi đối tượng mình hướng dẫn là “mày, chúng mày” ngay giữa lòng Thánh đường để mong tạo được tình thân![8]
Nhìn vào tình trạng tha hóa đến cùng cực về luân lý, đạo đức trên quê hương ta hiện nay, nảy sinh hiện tượng nói tục, chửi tục tràn lan từ trong gia đình, học đường đến ngoài xã hội, những ai còn nghĩ tới ngày mai không khỏi âu lo! Tự dưng tôi nhớ tới câu chuyện về cái chết từ từ của con ếch khi người ta thả nó vào nồi nước lạnh bình thường rồi tăng nhiệt độ dần dần. Mấy tiếng đồng hồ sau con ếch chết mà không hề biết.
Như thế chuyện lo âu về tình trạng lây nhiễm lần hồi thói hư, tật xấu trong xã hội Việt Nam thời “Xã Nghĩa” không còn là chuyện tưởng tượng. Tuồng như hôm nay nó không chỉ thâm nhập mái ấm các gia đình mà thực sự đã mon men vào cả các chùa chiền, giáo đường, thánh thất thuộc các tôn giáo! Chuyện một nữ tu trong GH tôi ở vị trí một nhà giảng thuyết phát ngôn trơn tru không ngượng miệng một lời nói tục, và những bản tin kèm hình ảnh trên mạng từ trong nước chuyển ra lâu nay cho thấy nhưng vị lãnh đạo một tôn giáo nọ còn rất trẻ miệng phì phèo điếu thuốc lá công khai dạo chơi với một bày con gái ngay giữa đường phố tấp nập người qua lại …. liệu có phải là một lời báo động khẩn cho chúng ta, cách riêng cho những nhà lãnh đạo các tôn giáo!?
Cung cách cười đùa chớt nhả của Lm Nguyễn Bá Thông với một bà mẹ có ý ngay lành xin phụ giúp mở chai rượu cũng là điều dị thường, khó có thể giảm khinh. Đặt vấn đề nếu chồng con bà có mặt và trực tiếp nghe được câu nói bất xứng của vị giảng phòng tối hôm đó, họ sẽ phản ứng, dù nặng nhẹ ra sao, không hiểu khi ấy Lm Thông sẽ phải trả lời như thế nào cho ổn? Chuyện ông công khai nói bị “cám dỗ” vì người thiếu nữ mặc áo cánh hở nách cũng là điều cần xét lại. Giữa lúc đang ở vị trí nhà thuyết giảng trong một buổi tĩnh tâm mùa vọng Giáng Sinh ngay giữa lòng Thánh Đường mà còn phải âu lo chuyện cám dỗ vớ vẩn như vậy thì khi chạm mặt với cảnh tượng chèo kéo với trang phục lõa lồ mời gọi của những cô gái ăn sương đứng đường kiếm khách mà người ta nói là nhan nhản trên các ngõ ngách Sàigòn/Hànội hiện nay, ông sẽ bị cơn”cám dỗ” kéo lết đi đến đâu, và liệu ông có đủ bản lãnh để vượt qua hay không?
Đọc trang quảng cáo và tấm hình chụp một tiệm ăn trên NET của LM Thông ở Sài gòn vừa khai trương đầu năm 2017, người viết những giòng này không khỏi ngẩn ngơ nhớ lại câu nói cửa miệng của nhiều người: “khi tiền bạc đi vào thì nhân nghĩa, đạo đức đội nón đi ra” (dĩ nhiên ai cũng hiểu câu này không phải lúc nào cũng có giá trị).
Để biện minh cho chuyện mở tiệm hẳn ông sẽ nêu lý do để có phương tiện giúp trẻ bụi đời, để cứu vớt những em gái bị lừa vào nhà chứa ở Cămpuchia v.v. và v.v… Câu hỏi đơn giản đặt ra là không hiểu Lm Thông có còn nhớ bài học cay đắng qua những tấm gương tày đình của một số nhà tu thuộc nhiều tôn giáo làm từ thiện ở trong cũng như ngoài nước bị dư luận báng bổ và phải “đáo tụng đình” thời gian qua?
Ảnh 1: Nhất Gia Ký tọa lạc tại B2A đường Bửu long – cư xá Bắc hải Saigon
Nhìn hình cô gái lưng trên trần trụi mặc váy cũn cỡn ở quầy tính tiền tiệm mì Nhất Gia Ký[9], không hiểu khi lọt mắt chủ nhân sẽ bị “cám dỗ” đến đâu?
Nguyên nhân thúc đẩy phải lên tiếng
Phải thú thật, nếu không có sự khuyến khích của một chị bạn ở Mỹ và một Mục tử già đồng trang lứa ở quốc nội, chắc tôi chưa đủ can đảm viết, ít nữa là giữa những ngày bận rộn của hai năm 2016/2017 này. Một phần với những đề tài nóng liên quan tới Giáo Hội và Quê Hương. Phần khác đây là chuyện hết sức tế nhị cần phải cân nhắc.
Chị bạn tôi là một nhà văn, một nhà hoạt động cho nhân quyền VN. Chị xuất thân trong gia đình Phật giáo, lập gia đình với một người Mỹ gốc Nam Tư có niềm tin Công giáo. Cuộc đời của chị khá ly kỳ. Thân phụ vốn là một lãnh tụ CS từng giữ chức Đại sứ của Hànội tại Mặc Tư Khoa. Trong khi chị và thân mẫu sống ở miền Nam. Sau ngày CS miền Bắc xâm chiếm VNCH, chị tị nạn qua Hoa Kỳ. Chị là tác giả cuốn truyện ký “Thousand tears falling”. Một thời gian sau, chị bỏ công viết lại bằng Việt ngữ với nhiều chi tiết bổ sung dưới tiêu đề “Ngàn giọt lệ rơi”.
Một trùng hợp hy hữu là thời gian tôi vừa coi xong clip video ghi lại bài giảng tĩnh tâm ở TSC của Lm Thông thì nhận được email chị tỏ ý phàn nàn về sự kiện này.
“Tôi vừa Xem vừa Nghe ngôn ngữ của cha Thông. Tôi ngỡ ngàng, hốt hoảng và tự hỏi: sao những người lớn tuổi trong nhà thờ không một ai bỏ đi hay phản đối hành động, ngôn ngữ của ông mà ai nấy như cừu say mê nghe linh mục kêu con cháu mình bằng mầy, thằng này con kia, xưng tao???
Xin hỏi anh đây là hiện tượng gì? Ông nói ông từ Missouri qua VN, vậy nhà thờ nào, người Công Giáo loại gì chứa chấp ông??? Công nhận là vua hề, người phàm phu tục tử có khắp mọi nơi, nhưng sao lại hiện diện trong nhà thờ nơi trang nghiêm dành riêng thờ phượng Chúa!”
Nhân tiện chị nhắc lại nhân thân và gia đình riêng của chị.
Gia đình tôi từ chị đến em gái, chồng con đều là người theo đạo Thiên Chúa. Bạn của tôi hai nguời Mỹ và Việt đi tu làm linh mục. Gia đình tôi chọn nhà thờ nghiêm trang để tham dự Thánh Lễ, con dâu Mỹ của tôi lái xe nửa tiếng đồng hồ để đi nhà thờ không có cha đứng đàn guitar, đứng hát như ca sĩ. Chồng tôi khi rước lễ, anh xin Lm trao Mình Thánh vào miệng. Anh nghĩ mình không xứng đáng nhận bằng tay.”
Trong một mail kế, chị viết.
“Hai ngày nay tôi bị ám ảnh bởi cử chỉ, diện mạo giọng nói và ngôn từ của ông linh mục này. Gia đình bên chồng tôi đạo Thiên Chúa gốc từ Yugoslavia sang Mỹ. Bên con dâu cũng đạo Thiên Chúa. Tôi học Phật Pháp cho nên trong nhà chỉ có tôi đi nhà thờ với gia đình mà không rước lễ được.
…. Tôi có trao đổi với 6 cặp vợ chồng VN đạo Thiên Chúa trong email và trong phone, ai cũng xỉ vả ông cha này vô lễ, thô bỉ. Nhưng mọi người chửi nhưng rồi bỏ qua vì lười, vì sợ…. Có thằng cháu đạo Thiên Chúa nó trả lời tôi, lát nữa sẽ forward đến anh.
Với lòng kính quý.” (Sent from my iPad)
Dịp lễ Giáng Sinh, tôi gửi mail chúc mừng một cha già xuýt xoát tuổi tôi. Tuy ngoài 80, nhưng tâm hồn cha rất trẻ và là một mục tử thức thời, am tường Kinh Thánh. Đọc những chia sẻ của tôi về bài giảng mới đây của Lm Thông, trong hồi âm sau đó, cha viết.
“Anh Vũ kính mến,
… Cả tuần nay thông tin LM Thông từ Mỹ về làm mưa làm gió qua các bài giảng tồi tệ, tục tằn, thô lỗ, không biết phải dùng từ gì để nói cho hết ý. Nhiều anh em LM chúng tôi đều phẫn nộ. Ông này làm ô danh Chúa và Giáo hội, gây tác hại cho các bạn trẻ thì đã hiển nhiên, nhưng còn những linh mục, xứ đạo, cộng đoàn mời những tên hề cỡ này, đưa vào nhà thờ để phá đạo mà cứ ngang nhiên coi như không có vấn đề thì không còn biết phải nghĩ, phải nói gì nữa. Phải mạnh mẽ lên tiếng thôi. Xin anh chịu khó nghe và viết một bài phân tích để soi sáng cho công luận vì chỉ có những người như anh, chịu khó nghe rồi phân tích mới có thể soi sáng cho công luận. Tôi và anh chị em chúng tôi đang hy vọng anh lên tiếng.”
Tạm thời chúng tôi không nêu danh tính người bạn cũng như cha già. Nhưng nếu Lm Nguyễn Bá Thông muốn biết, cả hai vị đều đồng ý cho tôi bạch hóa mọi chuyện.
Lời cuối trước khi kết thúc
Trước khi đóng lại bài viết “chẳng đặng đừng” này, tôi muốn công khai nêu lên ba câu hỏi. Trước hết gửi Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Mỹ. Thứ đến gửi Cộng đồng, Giáo xứ, Giáo phận Lm Thông đang phục vụ. Và cuối cùng gửi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cách riêng Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sàigòn.
* Được biết trong những năm gần đây Lm Nguyễn Bá Thông đã đi giảng ở rất nhiều tiểu bang HK, nơi có đông người Công Giáo Việt Nam, bao gồm các CĐCG tại quốc gia khác và cả Việt Nam. Đã có nhiều dư luận không hay về nội dung và cung cách giảng dạy, hành xử bất xứng của đương sự.
Không hiểu quý vị chức sắc trong Liên Đoàn có dịp để ý tới những dư luận này chưa? Nếu chưa, xin quý vị đọc bài viết trên đây về một trường hợp điển hình rất thời sự. Cá nhân tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì đã trình bày và sẵn sàng gặp gỡ hoặc trả lời những câu hỏi của quý vị. Tôi hứa sẽ trực tiếp gửi bài này tới vị Chủ tịch Liên Đoàn và mong được hồi âm.
* Câu hỏi thứ hai dành cho cộng đoàn, cộng đồng, giáo xứ, giáo phận nào Lm Thông đang phục vụ. Việc ông đi giảng khắp nơi, kể cả Việt Nam và việc ông đi làm thương mai ở trong nước có được sự chuẩn nhận của Giáo quyền sở tại không?
* Đối với HĐGMVN và riêng Đức TGM/TGP Sàigòn, với tư cách người tín hữu CGVN đang cư ngụ ở Mỹ, chúng tôi gửi tới quý Đức Cha những lời khẩn thiết nài xin quý vị quan tâm và không bỏ qua trường hợp tệ hại này.
Một ngày đầu tháng 01 năm 2017
_____
[1] Để có sự vô tư tối đa, trong phần này người viết tạm gác qua một bên tất cả những chi tiết mang tính tiêu cực (trong cách xưng hô, ngôn từ và cử chỉ, thái độ của nhà thuyết giảng mà theo suy nghĩ của người viết có thể gây nên những phản cảm quá sớm cho người đọc), để chỉ nói tới cốt lõi phải có trong bài.
[2] Sau buổi sinh hoạt hôm trước, Lm Thông đã cẩn thận nhắc nhở các em về nhà đọc kỹ hai chương Kinh Thánh trên đây để chuẩn bị cho đề tài chiều hôm sau. Trong khi nêu câu hỏi ông vui vẻ giơ cao chai rượu lễ mà ông cho hay đã mang từ Mỹ về Việt Nam ba thùng 36 chai, mà trong buổi giảng ông sẽ rót ra ly hoặc cả chai để tưởng thưởng cho phần trả lời, tùy theo mức độ học hiểu của từng em.
[3] Chỉ một lời truyền: hãy có/phải có, lập tức mọi sự đều có.
[4] “Con người nói: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (Các câu 23, 24 và 25 đoạn cuối Chương 2 sách Sáng Thế Ký, trích Kinh Thánh trọn bộ gồm Cựu Ước và Tân Ước do Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, Tòa TGM Sàigòn ấn hành 1998 – trang 35).
[5] Tuy không phải là người quá câu nệ, nhưng tôi có thói quen viết tắt những từ thuộc loại “cấm kỵ” dễ gây phản cảm (ít nữa theo suy nghĩ của tôi), nhất là những từ tục tĩu người bình dân quen dùng. Chính vì thế, khi nghe một nhà giảng thuyết nổi danh là một nữ tu Việt Nam phát ngôn trơn tru một câu nói tục trong một bài giảng cho giới trẻ ở Mỹ của bà cách đây chưa lâu, tôi không khỏi sững sờ. Tự dưng tôi thấy tiếc. Đề tài và nội dung bài giảng thật tuyệt! Phải chi bà phát ngôn mềm mỏng, tránh lối trình diễn và với thái độ cẩn trọng hơn, dứt khoát loại khỏi ngôn từ những tiếng không thích hợp, thì hay biết mấy!
[6] Nhớ lại khoảng ba thập niên trước, sau khi tham dự buổi thuyết giảng của Linh mục Lê Quang Hiền cho giới trẻ Công giáo VN và phụ huynh tại Trung tâm Công giáo Giáo phận Orange, tôi đã viết một thư dài trên 20 trang góp ý với diễn giả ngay sau khi về nhà. Tôi không ghi tên và cũng không đề địa chỉ của tôi và nhờ một người lạ trao tay cho cha.
Phải nói đây là một bài giảng tuyệt vời về nhiều phương diện mà tôi được nghe, say sưa nhe, mê mải nghe như uống từng lời của cha. Vì thế, tôi dành nhiều trang thư nói lên những lợi ích mà bố con chúng tôi đã nhận được để cám ơn diễn giả. Tuy vậy tôi cũng không ngần ngại nêu lên một số sai sót tuy không thuộc lãnh vực tín lý, ngôn từ, cách xưng hô hay tư cách Lm mà chỉ thẳng thắn chỉ ra những lầm lẫn khi nói về mấy tác giả liên hệ tới những trích dẫn trong bài giảng. Lý do tôi phải thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình vì quan sát đám đông phụ huynh tối hôm ấy tôi nhận ra vài cặp trí thức “xôi đậu, đạo ai nấy theo” nên tôi sợ khi thấy những sai sót này có thể những gì quý giá họ tiếp nhận trước hoặc sau đó sẽ bị mất đi chăng, với thiện ý xây dựng cho ngài trong những kỳ giảng kế tiếp ở nhiều nơi.
Buổi sáng hai ngày sau, mở cửa một phong bì nhỏ rơi xuống. Mở xem, tôi ngạc nhiên khi phát hiện thư cha Hiền, trong đó ngài không cho biết căn do nào biết tên và địa chỉ của tôi. Ngài công khai cám ơn những ý kiến sửa sai của tôi. Cũng từ đấy tôi vinh dự được là bạn của cha. Mỗi lần ngài qua miền Tây, chúng tôi thường gặp nhau và hơn một lần ngài nghỉ lại nhà tôi. Khoảng vài năm trước về hưu có nhà riêng, cha mời tôi lên miền Tây Bắc ở chơi với ngài mấy hôm. Như thế kết quả của những lời phê bình xây dựng có phải lúc nào cũng đưa tới hệ quả không hay đâu? Trái lại.
[7] Dĩ nhiên một số phụ huynh hiện diện cũng bắt buộc phải nghe chung lối xưng hô như thế! Điều lạ là không hề thấy một vị nào đứng dậy ra về!? Phải chăng do tập quán chịu đựng của người dân trong nước lâu nay? Hay vì thói quen quá kính trọng giáo sĩ của giáo dân mình như nhận định của cố Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng, Gm Phụ tá TGP Hànội trong tác phẩm Hồi Ký Của Một Giám Mục do ngài chấp bút và do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân ấn hành ở Mỹ năm 2010?
[8] Tự hỏi: giả sử có được thứ tình thân kiểu ấy để làm gì?
Có phải để chuẩn bị cho một lúc nào đó, -suy diễn theo kiểu nhái lại câu tục ngữ của người xưa- “bày chó” sẽ nhảy lên ngồi “bệ thờ” và bậc “hiền giả” sẽ thản nhiên cúi xuống suồng sã với “lũ chó”?!!!
[9] Cha Thông aka Fr Martino Nguyễn Bá-Thông – December 16 at 5.36 am ·
Ai muốn làm việc Cho tiệm mỳ Vịt tiềm của Cha tại Việt Nam thì ứng tuyển nhé!
Tiệm Mì ” Nhất Gia Ký ” tuyển dụng:
1/ Nhân viên phục vụ. 2/ Nhân viên pha chế. 3/ Nhân viên bảo vệ. 4/ Phụ bếp. 5/ Tạp vụ.
– Thời gian làm việc : từ 5h sáng đến 22 h , có 3 ca: Ca 1: 5h – 10h, Ca 2 : 10h- 15h. Ca 3 : 15h – 22h (1 người có thể làm 1,2 hoặc 3 ca) – Lương : 15 ngàn/giờ ( có thêm tiền trách nhiệm và chuyên cần hàng tháng). Tổng thu nhập khoảng: 4,5 -5 triệu / tháng (nếu làm cả 2 ca) – Yêu cầu : chăm chỉ , thật thà, trung thực. – Nơi làm việc: quận 10 cư Xá Bắc Hải. Ghi chú: có chỗ ở cho nhân viên làm cả 3 ca
Liên hệ : Chị Huệ : 097 2485847
Vậy là cuối cùng tiệm mỳ Nhất Gia Ký – Mì “Một Gia Đình” cũng đã mở! Từ sáng hôm nay – lúc 6:00 sáng giờ vn ngày thứ 3, 27 tháng 12. Sẽ mở để bán thử trong 4 ngày – sau đó chỉnh lại để chính thức khai trương ngày 3 tháng 01 -17. Mời các bạn ghé! Đừng đợi cha vể – 50% off nhé! Địa chỉ B2A đường Bửu long – cư xá Bắc hải. Mại dô -Cha Thông aka Fr Martino Nguyễn Bá-Thông cùng toàn thể gia đình One Body Village (Mot Than Hinh) kính mời! Ai đi ăn trong ba ngày này – share hình tag cha – sẽ có quà từ cha (mang từ mỹ về) trong ngày khai trương – 03 tháng 01.
6 bình luận trước “11.282. Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói”
Sorry, the comment form is closed at this time.
Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói (tham khảo) | Sầu Đông said
[…] Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói […]
Đối Thoại Điểm Tin ngày 10 tháng 1 năm 2017 | doithoaionline said
[…] 11.282. Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói […]
ĐIỂM TIN NGÀY 10-1-2017 | Ngoclinhvugia's Blog said
[…] Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói […]
Nghĩ gì, thấy gì qua video bài giảng tĩnh tâm Mùa Vọng 2016 của một Linh mục? (tham khảo) | Sầu Đông said
[…] Sơ lược nội dung bài giảng[1] […]
Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói – Vượt Tường Lửa said
[…] https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/10/11-282-them-mot-chuyen-kho-noi-nhung-luong-tam-kito-huu-bu… […]
Thêm một chuyện khó nói, nhưng lương tâm Kitô hữu buộc phải nói | CHÂU XUÂN NGUYỄN said
[…] https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/10/11-282-them-mot-chuyen-kho-noi-nhung-luong-tam-kito-huu-bu… […]