11.068. Hòa giải qua góc nhìn của Hùng Cửu Long
Posted by adminbasam trên 17/12/2016
Thiện Ngộ
17-12-2016
Trong quá trình vận động dân chủ của Việt Nam, không thiếu bóng dáng của những doanh nhân, trí thức… Dân chủ là gì thì mỗi người định nghĩa một kiểu, mỗi ý thức hệ diễn giải theo một cách khác nhau. Chẳng phải nhà nước đầu tiên của Việt Nam sau năm 1945 có chữ “Dân Chủ” đấy ư?
Việt Nam sau biến cố 1975 có một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Theo số liệu thống kê từ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc thì trong giai đoạn 1975-1997 đã có khoảng 839.228 thuyền nhân Việt Nam đến các trại tị nạn của Liên Hợp Quốc tại Đông Nam Á và Hồng Kông, 3 nước nhận tái định cư thuyền nhân Việt Nam nhiều nhất là Mỹ, Úc và Canada.
Dù đã hơn 40 năm trôi qua kể từ biến cố 30/04 năm ấy nhưng tâm tình người Việt ở hải ngoại vẫn chẳng thể nào nguôi ngoai. Dù đã có nhiều cá nhân ở hải ngoại lẫn chính phủ Việt Nam cố gắng hòa giải nhưng kết quả đạt được chẳng mấy khả quan. Trong một số trường hợp lại thổi bùng lên ngọn lửa căm phẫn từ những người Việt tại hải ngoại.
Trong số ít ấy, xuất hiện Hùng Cửu Long, tức doanh nhân Lê Đình Hùng – một người được cho là lập dị với phong cách “áo dài cờ đỏ” mà anh đã tự tin đứng trước khu thương xá Phước Lộc Thọ, quận Cam, tiểu bang California – thủ phủ người Việt tị nạn Hoa Kỳ để thực hiện hành động mà anh cho là “hòa giải” và “chỉ muốn dân đoàn kết, vui vẻ”.
Phản ứng dữ dội của cộng đồng người Việt tại Litte Saigon không biết có khiến Lê Đình Hùng thay đổi cách thức hòa giải hay không nhưng chắc hẳn để lại cho anh những ấn tượng khó phai.
Người viết đã có dịp trao đổi với anh Lê Đình Hùng một số câu hỏi nhằm giúp độc giả có thêm cách tiếp cận về một con người được cho là “điên rồ”, “lập dị” như anh.
PV: Chào anh Hùng. Anh quan niệm như thế nào là hòa giải?
Lê Đình Hùng: Tôi đã đi nhiều nước và suy nghĩ, phân tích, so sánh, học hỏi, lý giải tại sao họ hơn ta mọi mặt. Và 100% người dân họ sống tốt hơn người Việt Nam mình. Tôi nghĩ chỉ có yêu thương, tha thứ để hoà hợp dân tộc và chỉ có đoàn kết trong ngoài thì Việt Nam mới có cơ hội phát triển trong tương lai.
PV: Cộng đồng mạng, đặc biệt là người Việt ở hải ngoại cho rằng việc anh tuyên bố mặc áo dài cờ đỏ đến Thương xá Phước Lộc Thọ là một sự thách thức. Liệu trước đó anh có lường trước được sự phản ứng dữ dội của họ như vậy không?
Lê Đình Hùng: Nói thách thức chỉ là một cách nhìn thiển cận và nhỏ mọn. Và trước khi đi, tôi đã thông báo trên Facebook. Ở thời đại công nghệ, thế giới phẳng thì nên coi đó là thư mời chính thức. Và khi tới Phước Lộc Thọ, tôi đã viết di chúc căn dặn mọi chuyện khi tôi – một người cha, chồng Hùng Cửu Long dám dấn thân làm chuyện đúng đắn. Tôi hòa giải vì dân tộc, vì quốc gia, sẵn sàng hiến dâng thân mình cho tổ quốc.
PV: Chính phủ Việt Nam từ lâu đều muốn hòa giải với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đã có nhiều người về nước đầu tư làm ăn nhưng kết quả của công cuộc hòa giải này vẫn chưa có kết quả gì đáng kể cả. Nhiều người đánh giá đó chỉ là hòa giải một chiều, tức là Chính phủ Việt Nam chỉ muốn “thu phục” cộng đồng hải ngoại mà thôi chứ không hề thực tâm. Anh có cho rằng ý kiến đó là đúng. Nếu đúng thì anh có định hướng gì để góp ý cho chính phủ?
Lê Đình Hùng: Anh nói đúng và nó cũng phản ánh lên thực trạng là tôi bị cư xử thực tế phũ phàng tại Phước Lộc Thọ. Cũng như trên mạng xã hội Facebook, tôi bị miệt thị, coi thường, khinh bỉ, chê trách, mắng chửi.v.v… Những người tham gia hôm đó một số là những ông già, một số chỉ đứng xem, có một số có hành động đánh tôi nhưng tôi không bị tổn thương gì đáng kể.
Trong quá khứ, một số nhân vật từ cả hai phía tham gia hòa giải như cụ Võ Văn Kiệt, cụ Nguyễn Cao Kỳ thì đều mất rồi. Những người khác hoặc đã về vui thú điền viên, hoặc tham quyền cố vị mà không có tiếng nói, hành động gì để thực tâm hòa giải. Còn lãnh đạo nhà nước hiện tại thì nhiều việc phải làm nên tôi nghĩ hòa giải không phải là vấn đề ưu tiên đối với họ. Tôi làm chỉ đơn giản vì tôi thích!
PV: Tôi quan sát thấy anh cũng đọc khá nhiều blog, facebook lề trái. Có vẻ anh khá am hiểu tình hình đấu tranh của những người “dân chủ”. Anh có thể cho một số nhận xét về họ được không? Ví dụ đường lối của họ có hiệu quả hay không, có sai lầm không?
Lê Đình Hùng: Đúng là tôi có đọc nhiều trang thông tin hay facebook của cả lề trái lẫn lề phải. Dù có bị chặn thì tôi cũng tìm cách vượt tưởng lửa để tiếp cận. Tôi muốn đọc, quan sát, suy nghĩ để có thể tìm ra cách hòa giải tốt nhất. Tôi thấy họ cũng võ đoán, độc tài, chụp mũ, khinh thường, dối trá, bẩn thỉu như những gì mà họ gắn cho chính quyền. Đặc biệt là họ thiếu niềm tin và sự đoàn kết. Tôi cho đó là những sai lầm chung của phong trào dân chủ Việt Nam.
PV: Lần trước anh là một trong những người ra ứng cử độc lập vào Quốc hội. Nhưng tất cả các ứng cử viên độc lập đều thất bại, bao gồm cả một người được nhiều sự ủng hộ như anh Trần Đăng Tuấn. Theo anh việc thất bại ấy là do những điều gì? Có phải những trở lực từ phía chính quyền hay là do chương trình ứng cử của những ứng viên độc lập chưa thực sự hiệu quả?
Lê Đình Hùng: Trước hết tôi thất bại là do mình, và tôi cũng có thể khẳng định 99% các ứng cử viên tự do thất bại tại địa bàn Tp Hồ Chí Minh là do họ. Còn chính quyền thì miễn bàn rồi vì họ cơ cấu 90% là đảng viên thì nói về dân chủ thì giữa tôi và họ chắc chắn không cùng quan điểm.
PV: Anh có thể kể về quá trình lập nghiệp rồi tiến tới thành công trong lĩnh vực kinh doanh của anh không? Bởi vì làm chính trị trong một xã hội hiện đại là phải minh bạch về tài sản, do đó anh nghĩ sao về việc này?
Lê Đình Hùng: Tôi bỏ học từ lớp 9, đi học nghề và mở cơ sở sản xuất, sau đó thành lập công ty Cuu Long Jewelry kinh doanh vàng bạc đá quý và hôm nay có mặt ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, sắp tới là Cần Thơ. Dù trước đó có thất bại, thiếu nợ nhưng nay trả nợ xong và đang phát triển lại.
Ở Việt Nam, tham gia hệ thống chính trị thường là cán bộ từ nhỏ, từ nghèo mà lên nên thường tham nhũng đã và như Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam cho rằng đây là vấn đề đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Còn tôi thì cuộc sống và điều kiện hiện tại của mình thuộc top 10% dân số nên thấy 90% dân số còn lại quá khổ và tôi muốn họ bằng mình hay hơn mình. Đó là điều thôi thúc tôi dấn thân và chấp nhận hy sinh vì cộng đồng.
PV: Những điều anh đã làm như ứng cử, hòa giải… anh có tiếp tục làm trong tương lai hay không? Và liệu anh có đổi phương pháp để nó hiệu quả hơn?
Lê Đình Hùng: Có! Tôi đã, đang và sẽ làm tiếp, cũng như luôn luôn học hỏi, quan sát, tiếp nhận, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Giống như dịp tháng 11 vừa rồi vì muốn biết bầu cử và vận động bầu cử sao cho văn minh và khoa học thì tôi đã mua vé qua coi Bầu cử tổng thống Mỹ.
Cũng như tôi muốn có kinh nghiệm tiếp xúc cử tri thực tế thì qua khu thương xá Phước Lộc Thọ và gặp gỡ những cử tri phản đối, tất nhiên là tôi phải trả giá cho những gì mình muốn.
Những chuyện bầu cử trong nước không thể nào công bằng hay dân chủ hoặc sôi động như ở Mỹ. Tại sao các ứng cử viên tại Việt nam ít tiếp xúc cử tri hoặc chỉ tiếp xúc một cách hạn chế, cũng như chính quyền không mở cửa rộng rãi cho việc tự ứng cử? Tôi muốn tìm hiểu những vấn đề ấy.
Các cán bộ, lãnh đạo trong nước thường ít có dịp và cơ hội hoàn thiện các kỹ năng để làm lãnh tụ hay nguyên thủ. Thật ra họ có thể học tập kinh nghiệm bầu cử tại Mỹ, phải đi vận động, tiếp xúc cử tri nhiều hơn nữa, lần này chưa hoàn thiện thì những lần sau chắc chắn sẽ tốt hơn thôi. Các đại biểu Quốc Hội của ta đa phần là thụ động, im lặng trong mọi vấn đề, mọi sự kiện, mọi thảm họa. Đó chính là họ không có năng lực, kinh nghiệm sống tối thiểu.
Tôi đã biết trước khả năng hỏa giải cộng đồng người Việt tại Mỹ thất bại là cao, thậm chí việc tự ứng cử đại biểu Quốc Hội kỳ vừa rồi. Thậm chí khả năng bị bắt hay qui tội phản động là rất lớn, khả năng bị cộng đồng ghét bỏ, tẩy chay hoặc bạn bè xa lánh vì sợ liên lụy… Bạn bè, gia đình đều sợ tôi có thể xảy ra rủi ro, bị bắt, bị xuyên tạc, bị làm nhục và nhiều chuyện khác liên quan đến sự an toàn của gia đình. Nhưng tôi muốn mình sẽ là hình ảnh mới, một nét chấm phá mới của một vị đại biểu Quốc Hội, một nhà chính trị. Tôi không sợ mình bị cộng đồng kiểm tra, giám sát… Vì chỉ có “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì thể chế chính trị mới tốt lên được. Tôi không có khả năng thì tôi sẽ bị tước quyền đại diện cho dân. Vậy thôi!
Tôi tin chúng ta có thể yêu thương lẫn nhau vì tất cả đều là người Việt Nam!
PV: Xin cảm ơn anh!
5 bình luận trước “11.068. Hòa giải qua góc nhìn của Hùng Cửu Long”
Sorry, the comment form is closed at this time.
Đối Thoại Điểm Tin ngày 18 tháng 12 năm 2016 | doithoaionline said
[…] 11.068. Hòa giải qua góc nhìn của Hùng Cửu Long […]
Hòa giải qua góc nhìn của Hùng Cửu Long | Nhận thức là một quá trình... said
[…] Ngộ (Ba Sàm) – Trong quá trình vận động dân chủ của Việt Nam, không thiếu bóng dáng […]
ĐIỂM TIN NGÀY 17-12-2016 | Ngoclinhvugia's Blog said
[…] Hòa giải qua góc nhìn của Hùng Cửu Long […]
Hòa giải qua góc nhìn của Hùng Cửu Long – Vượt Tường Lửa said
[…] https://anhbasam.wordpress.com/2016/12/17/11-068-hoa-giai-qua-goc-nhin-cua-hung-cuu-long/ […]
Hòa giải qua góc nhìn của Hùng Cửu Long | CHÂU XUÂN NGUYỄN said
[…] https://anhbasam.wordpress.com/2016/12/17/11-068-hoa-giai-qua-goc-nhin-cua-hung-cuu-long/ […]