BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

10.575. BẢN CHẤT CỦA “18% NGÂN SÁCH ĐƯỢC GIỮ LẠI” CỦA HCM LÀ GÌ?

Posted by adminbasam trên 26/10/2016

FB Vũ Thành Tự Anh

26-10-2016

h1Câu hỏi trên được một số bạn đặt ra sau khi đọc stt trước. Tôi sẽ giải thích thêm về khái niệm “tỷ lệ ngân sách được giữ lại”, nhất là với các bạn chưa có dịp đọc qua Tài chính công.

Về đại thể, thu ngân sách tại địa phương có ba nhóm chính:

(1) Các khoản thu phát sinh tại địa phương nhưng phải nộp 100% về trung ương (gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu, thu từ bán tài sản nhà nước v.v.);

(2) Các khoản thu địa phương được giữ lại 100% (gồm các khoản thuế và phí liên quan đến nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thuế tài nguyên trừ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí v.v. );

(3) Các khoản thu phân chia (shared revenue) theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân v.v.).

Nói ngắn gọn, Nhóm (1) trung ương hưởng 100%, Nhóm (2) địa phương hưởng 100%, Nhóm (3) trung ương và địa phương “chia nhau”, trong đó tỷ lệ phân chia do Quốc hội quyết định và chắc chắn sẽ khác nhau giữa các địa phương. Địa phương nào có “tỷ lệ phân chia” càng cao thì càng được coi là thành công trong việc giữ lại ngân sách. Đối với Hồ Chí Minh, tỷ lệ này đang bị Chính phủ đề nghị giảm từ 23% xuống 18%. Khi ấy, với các khoản thu phân chia, cứ 100 đồng thì HCM được giữ 18 đồng, nộp về Trung ương 82 đồng.

Cần lưu ý là do tỷ lệ chia của ba Nhóm khác nhau nên tỷ lệ nguồn thu HCM thực sự được giữ lại không nhất thiết bằng “tỷ lệ phân chia”. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy hai tỷ lệ này có tương quan đồng biến (xem đồ thị). Cụ thể là trong giai đoạn 2004-2006, khi “tỷ lệ phân chia” là 29% thì tỷ lệ giữa tổng chi và tổng thu ngân sách của HCM là 33,3%. Trong giai đoạn 2007-2010, khi “tỷ lệ phân chia” giảm xuống 26% thì tỷ lệ giữa tổng chi và tổng thu ngân sách của HCM cũng giảm xuống 32,2%. Còn trong giai đoạn 2011-2016, khi “tỷ lệ phân chia” chỉ còn 23% thì tỷ lệ giữa tổng chi và tổng thu ngân sách của HCM chỉ là 27,1%. Một cách cá biệt, nếu lấy năm 2015 làm ví dụ thì cứ mỗi 100 đồng HCM thu được trên địa bàn thì TP chỉ được giữ lại chưa đến 22 đồng để chi tiêu, còn hơn 78 đồng nộp về ngân sách trung ương.

Còn nhiều vấn đề chi tiết, có tính kỹ thuật nữa nhưng trong một stt ngắn tôi không thể viết hết. Khi nào thuận tiện tôi sẽ trở lại vấn đề này, thảo luận về cách thức “tỷ lệ phân chia” giữa trung ương và địa phương được xác định như thế nào; liệu tỷ lệ 100% trung ương giữ đối với nhóm (1) và 100% địa phương giữ đối với nhóm (2) có hợp lý không; cơ chế “khuyến khích ngược” trong phân bổ ngân sách trung ương – địa phương ở Việt Nam đã và sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy gì v.v.

_____

Mời xem lại: KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN CHO HỒ CHÍ MINH? (Vũ Thành Tự Anh/ TT/ BS).

3 bình luận trước “10.575. BẢN CHẤT CỦA “18% NGÂN SÁCH ĐƯỢC GIỮ LẠI” CỦA HCM LÀ GÌ?”

  1. […] Posted by adminbasam on 26/10/2016 FB Vũ Thành Tự Anh 26-10-2016 Basamnews […]

  2. […] 10.575. BẢN CHẤT CỦA “18% NGÂN SÁCH ĐƯỢC GIỮ LẠI” CỦA HCM LÀ GÌ? […]

  3. […] https://anhbasam.wordpress.com/2016/10/26/10-575-ban-chat-cua-18-ngan-sach-duoc-giu-lai-cua-hcm-la-g… […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: