9733. ĐH Fubright VN, hãy nhận vinh dự làm người giải độc, thay vì bị yêu cầu làm người tẩy não
Posted by adminbasam trên 25/08/2016
Lê Kim Ngân
25-8-2016
Trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, một số sĩ quan và binh lính Mỹ bị quân Trung Quốc bắt làm tù binh. Ít lâu sau họ được trao trả cho Mỹ thì một số không ít đã thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, thái độ và hành vi. Edward Hauter, sau khi phỏng vấn họ, đã phát hiện ra rằng họ đã bị bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc “tẩy não”. Năm 1957, nhà xã hội học Albert D. Biderman thuộc Viện hàn lâm y khoa New York đã liệt kê một số biện pháp bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã dùng để tẩy não, nhằm làm thay đổi nhận thức và niềm tin trong con người của họ, gồm:
– Cô lập, tước mọi nguồn ủng hộ họ, làm cho họ hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ tẩy não.
– Độc quyền hóa khả năng nhận thức của kẻ bị tẩy não.
– Làm kẻ bị tẩy não mất khả năng đối kháng về tinh thần.
– Đe dọa, tạo ra nỗi lo lắng, bất an và tuyệt vọng vào ý thức của kẻ bị tẩy não.
– Ban đặc ân để khuyến dụ sự tuân phục của kẻ bị tẩy não.
– Phát triển trong kẻ bị tẩy não thói quen tuân phục.
Sau này, càng nghiên cứu rộng, ông phát hiện thêm rằng tất cả các quốc gia Cộng Sản đều dùng chính sách tẩy não như một quốc sách. Nhiều nhà sử học cho rằng do thực hành triệt để chính sách tẩy não như một “cột chống hiệu nghiệm” nên Liên Xô và các quốc gia cộng sản Đông Âu mới kéo dài được sự tồn tại đến năm 1991. Ở những nước này, quốc sách tẩy não được dùng với các tên gọi khác nhau. Ở CHNDTH, người ta gọi bằng cái tên nghe rất văn hoa là “Cải tạo tư tưởng”, còn ở VNDCCH vào những năm cải cách ruộng đất trong thập kỷ 60, bắt chước Trung Quốc, người ta gọi là “Phản tỉnh” [ 1 ].
Ở tất cả các quốc gia cộng sản đều có 2 cơ quan cầm đầu chính sách tẩy não là Ban tư tưởng trung ương của Đảng cộng sản (ở Việt Nam gọi là Ban tuyên giáo trung ương) và Ban tổ chức trung ương của Đảng cộng sản. Không có một sinh hoạt xã hội nào trong các quốc gia cộng sản có thể nằm ngoài sự kiểm soát của 2 cơ quan này, từ hoạt động văn hóa, văn nghệ, khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên. Thậm chí chính sách tẩy não còn làm thay đổi các giá trị, nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc, với những khái niệm rất kỳ quái chưa từng có trong lịch sử. Chẳng hạn con người do cha mẹ chúng ta sinh ra phải được cải tạo thành “con người xã hội chủ nghĩa” Kẻ ăn trên ngồi trốc, nắm trong tay quyền sinh sát cả một dân tộc, thâu tóm mọi tài nguyên của đất nước để tham nhũng thì gọi là “đầy tớ của dân”, còn những tầng lớp cùng đinh trong xã hội thì được gọi là “ông chủ đất nước”.
Một số không ít người hiểu lầm rằng chính sách tẩy não của Đảng cộng sản chủ yếu nhằm vào các thành phần ít học, cùng khổ, nhẹ dạ cả tin, theo cách nói của Mác thì họ là những người không có gì để mất. Đó là thời kỳ Đảng Cộng sản cần huy động lực lượng để cướp chính quyền. Còn sau khi đã nắm chính quyền thì đối tượng tẩy não của họ lại chủ yếu nhằm vào những thành phần có khả năng hướng dẫn dư luận, biện hộ cho các quan điểm và chính sách cai trị của Đảng cộng sản. Đó là những người có học, có khả năng suy nghĩ độc lập, có lý tưởng, như các nhà giáo, các nhà báo, các nhà xuất bản, các văn nghệ sĩ… Những thành phần này, hầu hết được đào tạo từ các trường đại học trong nước. Họ phải được tẩy não bằng chủ nghĩa Mác-Lenin. Do đó, không lấy gì làm lạ với Luật giáo dục của Việt Nam hiện nay là bắt buộc các trường đại học, kể cả Fulbright Việt Nam, phải giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi bị tẩy não, sinh viên sẽ không còn khả năng suy nghĩ độc lập để đánh giá sự thật và sự tuân phục sẽ trở thành thói quen. Điều này giải thích vì sao trong các trường đại học Việt Nam rất hiếm xuất hiện những người có tư duy phản biện, tư duy sáng tạo.
Cho đến nay, về lý luận thì Ban bí thư của trung ương ĐCSVN đang còn chỉ đạo Hội đồng lý luận trung ương phải làm sáng tỏ vấn đề “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là thế nào [2]. Về tổ chức và cán bộ của Đảng thì “Tình trạng cơ hội chính trị, thực dụng về tư tưởng và hành động chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ở các cấp… đang tồn tại một cách rất tinh vi” [3].
7 phát súng giết lẫn nhau trong nội bộ lãnh đạo Đảng tỉnh Yên Bái xảy ra ngày 18/8/2016 vừa qua, đã càng tăng thêm mức độ trầm trọng của sự thoái hóa này. Thế mà trong giới được học nhiều vẫn có người lập luận: “ĐCSVN là người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc thì nay cũng chỉ có họ mới có thể đưa dân tộc ra khỏi vùng trũng của nghèo hèn và lạc hậu”.
Cách đây 25 năm, ngày 18/8/1991, viên Giám đốc KGB Vladimir Kryuchkov cầm đầu một số đảng viên cộng sản bảo thủ, làm cuộc đảo chính lật đổ Gooc-Ba-Chop, Tổng thống dân cử hợp pháp đầu tiên, thông qua cuộc bầu cử dân chủ ở Liên Xô. Ngày 20/8/1991, khoảng 5 triệu người Matskva đã biểu tình phản đối cuộc đảo chính. Quân đội Liên Xô đứng về phía người chống đảo chính. Boris Yeltsin đã lên án cuộc đảo chính, được đa số người biểu tình ủng hộ. Cuộc đảo chính thất bại. Gooc-Ba-Chop yêu cầu Ban chấp hành trung ương ĐCSLX tự giải thể. Xô Viết tối cao Liên Xô quyết định đình chỉ hoạt động của ĐCSLX. Chính quyền Liên Bang Xô Viết bị giải thể. Boris Yeltsin lên làm Tổng thống Liên bang Nga từ 10/7/1991 đến 31/12/1999, thông qua 2 cuộc bầu cử dân chủ.
Ngay từ khi lên làm Tổng thống, Yeltsin đã ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế Nga theo kinh tế thị trường, nhằm cứu vãn nền kinh tế trì trệ từ thời Brê-giơ-nhép để lại. Để tước bỏ áp lực của Đảng cộng sản Nga chống lại cải cách, tháng 11/1991 Yeltsin đã ban hành một Nghị định cấm Đảng cộng sản Nga trên toàn bộ Liên bang Nga. Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế Nga của Yeltsin bị thất bại nhưng trong thời gian Yeltsin làm Tổng thống, nước Nga đã có được một bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên. Bản Hiến pháp này đến nay vẫn còn hiệu lực. Vậy mà trên tờ báo điện tử Giáo dục VN, tờ báo của các nhà giáo, ngày 16/8/2016 vừa qua có một bài báo nói thay 5 triệu người Matskva biểu tình chống cuộc đảo chính 20/8/1991, với tiêu đề: “Sai lầm không thể sửa chữa của Boris Elsin là cấm ĐCSLX sau khi cuộc đảo chính thất bại”.
Cũng nên kể thêm, sau khi đăng hơn 1 tuần, bài báo này chỉ có 3 người phản hồi. Cả 3 đều không đồng ý với nội dung bài viết của tác giả. Riêng bạn đọc Vũ Quốc Khánh thì nói rõ hơn: “Dù chỉ mới 1 lần đến Nga, tôi có suy nghĩ khác. Trong những nhân vật lịch sử Nga thời hiện đại thì Boris Elsin là người có công lao tạo lập, gây dựng nền móng cho một nước Nga tự do, hội nhập với châu Âu và thế giới”.
Xem như vậy, một trong những nguyên nhân cực kỳ quan trọng khiến Việt Nam vẫn đang ngụp lặn trong vùng trũng nghèo nàn, lạc hậu so với mặt bằng của thế giới dân chủ tự do và văn minh là do số người đã bị tẩy não còn rất đông.
Ngày 23/8/2016, Giáo sư Chu Hảo đại diện một số trí thức đã cho đăng một bài báo có tiêu đề “Đã đến lúc cần phải đối thoại” với Ban Tuyên giáo của ĐCSVN về Cương lĩnh của ĐCSVN và về Hiến pháp CHXHCNVN. Thực chất đây là yêu cầu đối thoại về chủ nghĩa Mác-Lenin. Cuộc đối thoại này nếu được tiến hành thì sẽ là một trợ lực mạnh mẽ cho Đại học Fulbright VN. Không cần yêu cầu mà đương nhiên có quyền giảng và đối thoại về chủ nghĩa Mác-Lenin, Fulbright VN hãy nhận lấy vinh dự làm người giải độc cho sinh viên, thay vì bị đòi hỏi làm người tẩy não.
Ghi chú:
[1]- Hồi đó, tất cả các cán bộ quân sự, cán bộ dân chính đều phải tham gia “Phản tỉnh”, tức là cải tạo tư tưởng. Để được coi là trung thành với cách mạng, người phản tỉnh dù xuất thân ở giai cấp tiểu tư sản, không dính líu gì đến tư sản, địa chủ, đều phải tự sỉ nhục mình rằng do không được sinh ra từ giai cấp vô sản, nên thiếu lập trường cách mạng và tự nguyện phục tùng sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, rèn luyện lập trường kiên định cách mạng của giai cấp bần cố nông. Kết quả phản tỉnh của từng người được lưu trong bản lý lịch, niêm phong kín, đem theo nộp cho các cơ quan tổ chức cán bộ của các đơn vị đến công tác.
[2]- Theo bản tin BBC 23/4/2013, ngày 22/4/2013 ông Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ chính trị, thường trực Ban bí thư trung ương ĐCSVN chỉ đạo Hội đồng lý luận trung ương phải làm sáng tỏ vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu và các thành phần kinh tế, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền và vấn đề phát triển văn hóa, xã hội (có nghĩa là Đảng vẫn còn lơ mơ chưa rõ về những vấn đề này, trong khi đã bắt cả nước làm rồi!).
[3]- Trích bài viết của Nhị Lê, có tiêu đề “Nhận diện và đột phá cấp bách các nguy cơ trong Đảng hiện nay”, đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 11/01/2016.
2 bình luận trước “9733. ĐH Fubright VN, hãy nhận vinh dự làm người giải độc, thay vì bị yêu cầu làm người tẩy não”
Sorry, the comment form is closed at this time.
ĐH Fubright VN, hãy nhận vinh dự làm người giải độc, thay vì bị yêu cầu làm người tẩy não | Nhận thức là một quá trình... said
[…] Kim Ngân (Ba Sàm) – Trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, một số sĩ quan và binh lính Mỹ bị […]
Đối Thoại Điểm Tin ngày 25 tháng 8 năm 2016 | doithoaionline said
[…] 9733. ĐH Fubright VN, hãy nhận vinh dự làm người giải độc, thay vì bị yêu cầu l… […]