BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

9583. Bài học đảo chính

Posted by adminbasam trên 15/08/2016

Ngàn Lau

Vũ Hoàng Nguyên

Tháng 7 năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thuộc khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) xảy ra cuộc đảo chính hụt. Kết quả là số người đứng ra đảo chánh bị bắt và vị tổng thống thoát đảo chính ra thiết quân luật để có đủ điều kiện thanh lọc tất cả những người có ý định đảo chính. Đây là cuộc đảo chính thứ 6 của Thổ Nhị Kỳ trong 60 năm qua (1960, 1971, 1980, 1993, 1997, và 2016).  Cuộc đảo chính năm 1997, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vận động tổ chức quần chúng và hệ thống hành chánh để buộc nhà cầm quyền Thổ từ chức mà không cần sử dụng quân đội như các kỳ đảo chính khác. 

Trên thế giới cũng có rất nhiều quốc gia xảy ra những cuộc đảo chính do quân đội thực hiện.  Những cuộc đảo chính này thường xảy ra ở những quốc gia có hệ thống chính trị không dân chủ. Tuy nhiên ở những quốc gia dân chủ cũng vẫn xảy ra đảo chính chẳng hạn như Pháp xảy ra cuộc đảo chính hụt vào năm 1961 để lật đổ Tổng Thống Charles de Gaulle.

Tại sao có những cuộc đảo chính và chúng ta học được bài học gì từ những cuộc đảo chính này?

Đảo chính là tranh giành quyền lực, quyền lãnh đạo quốc gia. Sự tranh giành quyền lực này có thể từ áp lực bên ngoài hoặc từ áp lực bên trong. Áp lực bên ngoài thường là những quốc gia lớn, muốn có một nhà cầm quyền có lợi cho quyền lợi kinh tế và chính trị cho mình nên sẵn sàng ủng hộ, cung cấp tiền bạc và tin tức để lật đổ nhà cầm quyền hiện tại. Cách tốt nhất là sử dụng quân đội để thực hiện đảo chính.  Các cuộc đảo chính trên toàn thế giới đều bắt đầu những người nằm trong quân đội. Áp lực bên trong là sự tranh giành quyền lực giữa phe đang nắm quyền và phe muốn lật đổ.

Khởi đầu là tranh giành quyền lực nhưng nếu cơ chế lõng lẽo, không có sự kiểm soát lẫn nhau từ các thành phần cầm quyền và quần chúng thì sẽ tạo ra cơ hội để cuộc đảo chính có thể xảy ra. Cơ chế ở đây phải hiểu là cơ chế điều hành quốc gia và cơ chế trong quân đội.

Cơ chế điều hành quốc gia ở những nước dân chủ gồm có ba cơ quan: Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp. Ba ngành kiểm soát lẫn nhau để kiện toàn một cơ chế điều hành quốc gia hữu hiệu, tránh độc tài hoặc tránh những hành động quá khích làm hại đến sự sống còn của người dân, của đất nước. Khi quân đội đảo chính thì ba cơ chế này phải lên tiếng để chống lại hành động cướp quyền không qua hệ thống dân chủ đã ghi rõ trong hiến pháp. Dĩ nhiên có người lý luận rằng quân đội đã vào ba cơ quan này bắt người thì làm sao có ai đó lên tiếng được. Nên nhớ rằng ở những quốc gia dân chủ, ngoài ba cơ quan này thì giới truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng. Giới làm truyền thông sẽ tìm đủ mọi cách để thông tin, để vạch rõ chuyện vi phạm hiến pháp của lực lượng đảo chính.

Cơ chế quân đội rất quan trọng để tránh chuyện đảo chánh xảy ra do quân đội chủ động. Tại Mỹ, quân đội có nhiều nhánh gồm có Hải Quân, Không Quân, Marine (trực thuộc Hải Quân), Bộ Binh, và quân đội trừ bị. Tất cả những nhánh này cạnh tranh với nhau (độc lập quản trị) nhưng đều nằm dưới sự điều hành của vị Tổng Thống dân sự, không trực thuộc vào giới quân đội. Mục đích của quân đội là phục vụ lợi ích của đất nước chứ không phải phục vụ lợi ích của phe nhóm. Chưa kể quân đội của Mỹ, nhánh nào cũng có máy bay. Hai nhánh có nhiều máy bay nhất là Không Quân và Hải Quân. Vì độc lập cho nên chuyện tất cả các nhánh cùng nhau thực hiện đảo chính khó mà xảy ra. Chưa kể nếu chuyện này xảy ra, cơ quan truyền thông của Mỹ sẽ lên tiếng tẩy chay bất cứ cuộc đảo chính nào do quân đội hay bất cứ ai chủ xướng mà không qua hệ thống luật ghi trong Hiến Pháp.

Điểm cuối cùng để tạo ra đảo chính — tuy là cuối cùng nhưng rất quan trọng nhằm đưa đến hành động đảo chính — đó là trình độ dân trí.  Dân trí được hiểu là trình độ hiểu biết của người dân lẫn những người nằm trong bộ máy cầm quyền, gồm cả quân đội. Chính trình độ dân trí này mà khi ai đó trong quân đội có ý đồ đảo chính thì sẽ bị tố cáo trước khi chuyện đảo chính có thể xảy ra. Chưa kể quần chúng sẽ cực lực chống đối cuộc đảo chính cho dù quần chúng không hài lòng với chính quyền hiện tại nhưng không thể nào chấp nhận một cuộc đảo chính không thông qua hiến pháp và luật pháp.

Ba điều trình bày bên trên là ba lý do chính đưa đến cuộc đảo chính thành công ở những quốc gia dân chủ mà Thái Lan là một thí dụ điển hình. Ở Thái vị vua là biểu tượng cao nhất nhưng vị vua không lên tiếng khi quân đội thực hiện đảo chính. Cơ quan Tư Pháp của Thái không nhìn sự kiện này là điều đi ngược lại hiến pháp để lên tiếng đòi hỏi trả lại quyền điều hành quốc gia cho người dân. Ngay cả thành phần tướng lãnh trong quân đội Thái đã không có đủ trình độ kiến thức để nhìn ra sự kiện đảo chính trong một cơ chế dân chủ là phản dân chủ.

Chúng ta học được gì qua những nhận định trên? Một quốc gia dân chủ hiến định thì bất cứ cuộc đảo chính nào xảy ra do quân đội chủ động là hoàn toàn đi ngược lại hiến pháp và luật pháp. Quân đội là để bảo vệ lãnh thổ chứ không phải để tranh giành quyền lãnh đạo hay làm kinh tế. Cho nên bản hiến định phải ghi rõ nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ lãnh thổ, do vị tổng thống dân cử nắm giữ và vị tổng thống dân cử này là thường dân chứ không thể vừa làm tổng thống vừa là vị tướng trong quân đội.

Quân đội ở các nhánh phải độc lập và luôn luôn có máy bay để tự mình có thể chống lại quân đội nước ngoài tạm thời trong khi chờ đợi máy bay từ nhánh không quân yểm trợ. Khi các nhánh quân đội độc lập, cạnh tranh với nhau thì một nhánh trong quân đội làm chuyện đảo chính, những nhánh còn lại sẽ hợp tác dập chuyện đảo chính này.

Các chức vị tổng thống, dân biểu phải có thời gian phục vụ giới hạn để tránh tình trạng “lão hóa” hay độc tài trong sự lãnh đạo quốc gia.

Một bình luận trước “9583. Bài học đảo chính”

  1. […] 9583. Bài học đảo chính […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: