BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

9428. 500 TRIỆU USD CHO NGHIÊN CỨU TIỀN ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG SINH THÁI VÀ MÔI TRƯỜNG THẢM HỌA FORMOSA VŨNG ÁNG

Posted by adminbasam trên 04/08/2016

 

Nguyễn Thị Hải Yến, CHLB Đức

3-8-2016

Thứ trưởng Bộ TN - MT Võ Tuấn Nhân thông tin nguyên nhân cá chết trong cuộc họp báo tối ngày 27.4

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN – MT, họp báo tối 27/4, công bố nguyên nhân cá chết do “tảo nở hoa”, “thủy triều đỏ”, không phải Formosa. Ảnh: báo TN.

Sau thảm họa Formosa Vũng Áng, các loài sinh vật và các hệ sinh thái biển đã chết và còn nhiều loài nhiều vùng vẫn đang âm thầm đi đến cái chết nếu không có những nghiên cứu và kế hoạch phục hồi kịp thời. Chúng ta không thể đứng nhìn và buông xuôi để vùng biển này chết thêm nữa. Người viết mong muốn, với những thông tin trong bài này, các Luật sư/ Đoàn Luật sư, các nhà khoa học, các Viện/ Trường, và các tổ chức xã hội dân sự, cùng chung tay và hợp tác, yêu cầu Formosa phải có trách nhiệm trả các khoản tiền cho các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng, gửi kiến nghị và ủy thác Chương trình Môi trường của Liên hiệp Quốc (UNEP) thành lập và điều phối một ủy ban nghiên cứu độc lập cho kế hoạch hành động giảm thiểu mất mát thêm của những người dân vùng thảm họa và của cả dân tộc. Xin cảm ơn!

Đến nay đã 4 tháng trôi qua, kể từ đầu tháng 4 năm 2016 thảm họa cá chết do chất thải của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh (FSH) đã gây ra tại khu vực biển Vũng Áng. Độc tố từ việc xả thải của Formosa ra vùng biển Vũng Áng đã theo dòng hải lưu kéo dài ảnh hưởng gây cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung VN (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) lên tới hơn 200 km theo chiều ngang [1]. Những độc tố này chắc chắn cũng sẽ được thủy triều mang đến những vùng bờ biển sâu, vào trong đất liền theo phương vuông góc với bờ biển.

Đã có nhiều thông tin chia sẻ những vùng rừng ngập mặn bị chết, nhưng cho đến nay, báo cáo điều tra nguyên nhân cá chết cũng như thiệt hại môi trường của nhóm chuyên gia đứng đầu là ông Vũ Đức Lợi cũng vẫn mới chỉ cung cấp thông tin (họp báo ngày 30 tháng 6) rằng: độc tố là do phenol và cyanide cùng với hydroxide sắt, gây chết hàng trăm tấn cá, hàng trăm ngàn hộ dân lâm vào cảnh thất nghiệp và nguy cơ của nạn đói, phá hủy 400 ha (50%) diện tích san hô thuộc khu vực biển rộng khoảng 20 hải lý của 4 tỉnh miền Trung.

Tập đoàn Formosa đã cúi đầu nhận tội, với cam kết bồi thường 500 triệu USD [1 và 2]. Người dân và trí thức còn phản đối việc chính phủ Việt Nam và Formosa lại tự đàm phán một mức đền bù thiệt hại sinh thái do thảm họa Formosa – Vũng  Áng với giá rẻ mạt 500 triệu USD. Trong khi đó, người viết bài này dựa vào mức lượng giá, giá trị tài nguyên các hệ sinh thái của thế giới, thì thảm họa này đã làm mất đi khoảng 1000 tỷ USD trong vài thập kỷ [3].

Bởi vì sự tách trách của chính quyền Hà Nội

– Chậm trễ trong việc tiến hành xác định nguyên nhân thảm họa Vũng Áng.

– Không công bố minh bạch báo cáo điều tra

– Kết luận nguyên nhân cá chết không thuyết phục

– Ước tính thiệt hại sinh thái sơ sài

– Tự thương thuận với Formosa cho một khoản đền bù rẻ mạt 500 triệu USD

– Loanh quanh bao che, không khởi kiện Formosa và các ban ngành và cá nhân liên quan

– Một nhóm “trí thức đại bàng” tìm mọi cách để bịt miệng những ý kiến phản biện khoa học độc lập [4].

– Đàn áp những cuộc biểu tình đòi minh bạch thông tin của người dân

– Không có kế hoạch cho những nghiên cứu chuyên sâu về mức độ ảnh hưởng sinh thái và môi trường

– Không có kế hoạch tái tạo phục hồi các vùng và hệ sinh thái bị ảnh hưởng

Càng đẩy chính quyền Hà Nội vào thế bế tắc trước những yêu cầu của người dân, và của nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài quan tâm thảm họa như:

Tranh cãi và phản bác về nguyên nhân cá chết

Việc công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt do phenol và cyanide của chính quyền Hà Nội đã không thuyết phục nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước [5]. Chính Formosa cũng có lúc muốn lợi dụng công bố nguyên nhân cá chết không thuyết phục của Hà nội để “lật kèo” việc nhận tội trước đó [6]. Bài viết của TS. Nguyễn Đức Thắng về nguyên nhân cá chết là do lượng lớn (4 tấn) sử dụng Fe+2 trong quá trình xử lý sinh hóa của Formosa, vì mất điện nên đã không chạy phản ứng sinh hóa được, và đã đẩy thẳng ra biển, có tính thuyết phục cao về cơ chế gây chết cá hàng loạt. Hơn nữa, một lượng khổng lồ Fe(OH)3 tương đương lượng Fe+2 mà Formosa xả thải ra đang tồn tại phủ lên bề mặt các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, và đáy biển trong khu vực bị thảm họa [7].

Mới đây, bản tin của trang vnexpress.net ngày 28 tháng 7, trong báo cáo về thảm họa Formosa Vũng Áng mà chính phủ VN gửi cho Quốc Hội VN thì “kết quả khảo sát bằng hình ảnh cho thấy, vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, nền đá cứng và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Việc theo dõi này sẽ được tiến hành lấy mẫu nghiên cứu vào trung tuần tháng 8” [8].

Việc một số bài viết tranh luận về nguyên nhân cá chết là do hàm lượng amonia/amonium và việc nhóm chuyên gia phát biểu rằng không quan tâm đến nồng độ độc tố mà chỉ cần quan tâm đến tổng lượng chất độc, cũng như việc một số bài viết nhầm lẫn giữa giá trị qui chuẩn trong QCVN và liều lượng độc tố gây chết L50 [9, 10] cho thấy năng lực ứng phó trong đánh giá và nghiên cứu ảnh hưởng của thảm họa là không đảm bảo.

Còn chất độc nào ngoài phenol và cyanide?

Tuyên bố những chất gây độc là phenol, cyanide và hydroxide sắt của Hà Nội chưa thuyết phục, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế vẫn đang đặt ra những câu hỏi cho nhà cầm quyền rằng: ngoài phenol và cyanide, còn chất nào nữa không? Phenol và cyanide tồn chỉ tồn tại trong mẫu phân tích ở dạng đơn chất, dẫn xuất hay phức chất? Phenol là hợp chất hữu cơ có vòng thơm benzen, phản ứng thế nguyên tử hydro (H+) tại vị trí của nhóm (OH-) hoặc (H+) trực tiếp tại các vị trí carbon của mạch vòng bằng các halozen như clorua (Cl2) và brom (Br2) sẽ làm tăng tính độc tố của vòng thơm benzen này. Vì thế các nhà khoa học vẫn nghi vấn sẽ tồn tại các độc tố có gốc phenol và cyanide thay vì chỉ phenol và cyanide đơn chất, như lời chia sẻ của ông GS Nhật Yasuaki Maeda, Đại học Osaka, Nhật Bản [11].

Với “tâm thế” của một người “nổi tiếng” nhận giải thưởng “hành tinh đen” của Formosa và việc hạ chuẩn qui định xả thải cũng như việc “bỏ ngỏ” hoàn toàn quá trình giám sát xả thải của chính quyền Hà Nội, có thể Formosa sẽ còn dùng nhiều chất cấm như PCB và PAH, PCB được biết đến là nhóm cực độc và thường được sử dụng làm mát và bôi trơn hệ thống trong các ngành công nghiệp. Theo Công ước Stockholm, Phần II, Phụ lục C. Có 3 thông số đặc biệt nguy hiểm bắt buộc áp dụng đối với ngành công nghiệp thép và kim loại bao gồm: i) Polychlorinated dibenzo-p-dioxins and dibenzofurans (PCDD/PCDF); ii) Hexachlorobenzene (HCB) (CAS No: 118-74-1); và iii) Polychlorinated biphenyls (PCB) [12]. PCB là những hợp chất bền, tồn tại rất lâu trong môi trường và sẽ đi vào cơ thể các loài động thực vật, cá tôm, và đi vào cơ thể của con người qua đường ăn uống và gây ung thư.

Đang viết bài này thì thấy tin trên báo CAND đăng tin Các kết quả thí nghiệm mô phỏng, phân tích ảnh vệ tinh, kiểm toán chất thải và những mẫu vật thu được tại hiện trường chứng minh đã có một nguồn thải lớn từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) có chứa các hạt keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các độc tố như Phenol, Xyanua, kim loại nặng, hydrocacbon thơm đa vòng… (là chất thải hóa học của quá trình luyện cốc) di chuyển theo dòng hải lưu đã gây nên cá chết hàng loạt”. Vâng, các hydrocacbon thơm đa vòng rất có thể là những PCB kia [13]. Yêu cầu chính quyền Hà Nội công bố báo cáo chi tiết kết quả điều tra thảm họa Vũng Áng.

Trang mạng của Quỹ bảo vệ biển Đức (Deutsche Stifung Meerschütz) ngày 26 tháng 7 đã trích dẫn chia sẻ của TS. Friedhelm Schröder, người được mời tham gia trong đoàn nghiên cứu cho rằng, khi không nghiên cứu các nguồn ô nhiễm khác, thì cũng chưa chắc đã kết luận thảm họa cá chết Vũng Áng là chỉ do một mình Formosa [14]. Chính quyền Hà Nội và đặc biệt đoàn điều tra trả lời sao về ý kiến này?

Một số ý kiến cho rằng, san hô chết do nhiều lý do thay vì chỉ chất độc từ Formosa. Việc xác định các nguyên nhân khác nhau từ những vùng san hô khác nhau chết không là chuyện khó đối với những nhà chuyên môn. Vấn đề chính quyền Hà Nội đã thực sự tiến hành, và có thực tâm tiến hành?

Chất độc tồn tại bao lâu trong môi trường và ảnh hưởng lên các hệ sinh thái?

Việc nghiên cứu chi tiết rằng các chất độc này còn tiếp tục chặng đường bao lâu nữa để tấn công các hệ sinh thái biển là một việc làm rất phức tạp, tốn kém và cũng rất khác nhau dựa trên hàm lượng chất độc xả thải và các dạng hợp chất tồn tại trong môi trường. Dư lượng độc tố thủy ngân từ việc xả thải có hàm lượng thủy ngân cao vào Vịnh Minamata kéo dài hàng chục năm. Triển khai nghiên cứu phải thực hiện cả ở ngoài hiện trường và trong phòng thí nghiệm [11 và 15].

Một nghiên cứu tổng kết sự ảnh hưởng dai dẳng của chất độc từ sự cố tràn dầu lên san hô kéo dài ít nhất bắt đầu từ lúc sự cố xảy ra là 0-20 tháng, không kéo dài quá 10 năm, và đối với rừng ngập mặn thì kéo dài hơn 10 năm [16]. Nghĩa là sau 20 tháng và dưới 10 năm với san hô và trên 10 năm với RNM người ta vẫn ghi chép được rằng chất độc vẫn đang tiếp tục phá hủy các hệ sinh thái này. 400 ha san hô đã bị chết tại thời điểm chính quyền Hà Nội điều tra, tháng 5 và tháng 6 năm 2016. Tuy nhiên, việc đánh giá ảnh hưởng lên hệ sinh thái san hô sẽ còn phải tiếp tục cho đến 10 năm. Những chỗ san hô chết hiện nay là do nồng độ quá cao của độc tố, chết do sốc. Nhưng dư lượng của chất  độc vẫn còn tồn dư nhiều trong trầm tích đáy và rất nhiều đã hấp thụ vào những khoang cơ thể của san hô. Chỉ cần một lượng rất nhỏ độc tố san hô sẽ âm thầm chết.  Việc chất độc từ nền đáy sẽ tấn công vào cơ thể các loài san hô, cỏ biển và rừng ngập mặn thông qua rễ con đường hấp thụ chất dinh dưỡng và ngay cả trên bề mặt cơ thể của chúng. Việc đánh giá ảnh hưởng của độc tố từ xả thải của Fomosa xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016 cần phải tiến hành lên hàng chục năm. Tuy nhiên, cho đến nay đã 4 tháng sau khi thảm họa xảy ra, người dân chưa thấy chính quyền Hà Nội có bất cứ một kế hoạch nào cho việc đánh giá chi tiết ảnh hưởng lâu dài của thảm họa cũng như chiến lược phục hồi các hệ sinh thái. 

Một báo cáo khoa học về ảnh hưởng của dầu tràn lên hệ sinh thái biển của tổ chức ITOPF cho thấy thời gian phục hồi đối với các loài thực vật phù du là khoảng vài tuần đến vài tháng, 1-2 năm đối với các hệ sinh thái nền cát, 1-5 năm đối các hệ sinh thái nền đá, 3 – 5 năm đối với các hệ sinh thái bùn lầy, và hơn 10 năm với hệ sinh thái RNM [17]. Đối với san hô, khi bị bọn sao biển gai (Crown – of – Thorn) gặm lớp tảo zooxanthellae sống cộng sinh với san hô, san hô sẽ chết ở phần bị gặm nặng, thời gian phục hồi của những chỗ san hô chết này kéo dài cả thập kỷ với điều kiện xung quanh phải không có bất cứ những tác động nào và phải có sự xuất hiện các ấu trùng san hô con [18].  

Đó chỉ là ảnh hưởng do một phần san hô bị mất lớp tảo cộng sinh. Nhưng với độc tố, sự ảnh hưởng vừa mang tính sốc, độc và kéo dài, trên một diện lớn với một nồng độ gây chết hàng loạt như thảm họa Formosa Vũng Áng. Việc phục hồi những vùng san hô chết là hầu như rất ít cơ hội, mà phải áp dụng kỹ thuật trồng cấy san hô. Mà kỹ thuật này thì hiệu quả không cao, nhất là cho một vùng rộng lớn bị ảnh hưởng. Cho đến nay Hà Nội cũng chưa hề công bố nồng độ độc tố L50 gây chết san hô. Chưa biết chính xác chất độc là những chất nào, chưa tiến hành nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của độc tố từ thảm họa Vũng Áng, thì mọi câu trả lời dùng phương pháp nào để làm sạch môi trường biển? Và cần bao lâu cho từng loài sinh vật và từng vùng của hệ sinh thái biển phục hồi, chỉ bằng thừa và ngớ ngẩn. Và khi nào thì công việc phục hồi và trồng cấy san hô mới được bắt đầu? Các quan chính phủ có vẻ còn đủng đỉnh lắm, nhưng người viết bài này được đào tạo và có gần 10 năm làm trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn tài nguyên ven biển thì sốt ruột lắm.

Vì thế, phần tiếp theo bài viết này đưa ra một trường hợp điển cứu, từ đó làm cơ sở để VN khởi kiện và yêu cầu Formosa phải có những động thái “ăn năn” trong việc nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của thảm họa và thực hiện các dự án tái phục hồi hệ sinh thái.

TRƯỜNG HỢP ĐIỂN CỨU

Thảm họa dầu tràn Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico, Hoa Kỳ năm 2010 do Tập đoàn khai thác dầu BP của Vương Quốc Anh gây ra [19 và 20]. Dầu bị tràn ra từ một giếng khoan ngoài khơi. Mặc dù ngay sau thảm họa xảy ra, BP đã tích cực tổ chức thu vớt dầu tràn, lượng dầu vẫn loang ra trên vùng biển của 5 tiểu Bang (Louisiana, Alabama, Texas, Florida và Mississippi). BP đã phải chi trả cho các khoản tiền đền bù cho các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng, các chương trình nghiên cứu ảnh hưởng ban đầu, các chương trình nghiên cứu chuyên sâu, và các dự án cho việc tái tạo và phục hồi các hệ sinh thái. Cụ thể:

– Ngân sách cho các tiền nghiên cứu: Ngay lập tức ngay trong năm 2010 BP đã cam kết chi trả 500 triệu USD cho một chương trình nghiên cứu độc lập trong 10 năm. Mục đích của chương trình này là để có được những hiểu biết về mức độ ảnh hưởng của thảm họa, kế hoạch ứng phó và hành động làm giảm thiểu những ảnh hưởng tiềm năng của dầu tràn lên các hệ sinh thái biển. Và cho đến cuối năm 2015 số tiền 391 triệu USD đã được dùng cho các hoạt động nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe con người và sinh thái, và phát triển các công nghệ mới để ứng phó kịp thơì sự cố tràn dầu, làm giảm thiểu ảnh hưởng tác hại và thực hiện tái tạo phục hồi sinh thái

– Ngân sách cho các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng tài nguyên: Tất cả những công trình nghiên cứu có liên quan đến thảm họa dầu tràn tại Vịnh Mexico đều được tài trợ bởi Tập đoàn BP. Thêm vào đó BP cũng phải chi trả một khoản 37 triệu USD cho Chính phủ Liên bang để phát triển một hệ thống cơ sở dữ liệu về thảm họa dẩu tràn tại Vịnh Mexico. BP sẽ vẫn còn tiếp tục phải chi trả tiền cho bất cứ hoạt động nghiên cứu nào thuộc mục này.

– Ngân sách ban đầu cho những dự án khôi phục sinh thái: vào tháng 12 năm 2015 Quỹ phát triển tài nguyên đã đồng ý cho thực hiện 64 dự án ban đầu cho các hoạt động khôi phục sinh thái với tổng ngân sách là 832 triệu USD, trong đó BP phải đóng góp 762 triệu USD cho các công việc trong việc nỗ lực tái tạo và phục hồi các hệ sinh thái các loài động vật hoang dã. Tương tự, BP sẽ vẫn còn tiếp tục phải chi trả tiền cho bất cứ hoạt động nghiên cứu nào thuộc mục này.

– Ngân sách cho phục hồi môi trường vịnh Mexico: Tháng 10 năm 2015 dưới sự khởi tố của chính phủ liên bang và chính phủ 5 tiểu bang bị ảnh hưởng, trước dưới sự hòa giải của Tòa án liên bang ở New Orleans, BP phải chấp nhận mức đền bù 18.7 tỷ USD cộng với 1 tỷ trước đó cho cộng đồng dân cư vùng bị thảm họa. Trong đó có 7 tỷ USD được yêu cầu đền bù cho những thiệt hại về tài nguyên.

VÌ THẾ

Người dân nhất là giới trí thức VN trong và ngoài nước cần lên tiếng yêu cầu:

1) LẬP MỘT ỦY BAN NGHIÊN CỨU ĐỘC LẬP gồm các nhà khoa học chuyên sâu đến từ trong nước và quốc tế dưới sự ủy thác và điều phối của Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP)

2) Chính phủ Việt Nam và chính quyền 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của thảm họa phải đứng ra  khởi tố Formosa ra tòa hình sự và tòa dân sự như Chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ và chính quyền 5 tiểu Bang nơi bị ảnh hưởng thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico đã làm.

3) Yêu cầu Formosa: phải ngay lập tức ứng ra 500 triệu USD cho một hành trình 5-10 năm tiền nghiên ảnh hưởng của thảm họa.

4) Đánh giá nhanh (rapid assessement) thiệt hại sinh thái, thiệt hại về thu nhập và sức khỏe để làm cơ sở pháp lý đòi bồi thường tại tòa, và làm cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu cũng như các dự án phục hồi sinh thái và môi trường.

– Trước tiên chạy mô hình cho các kịch bản để minh họa khối nước độc đó di chuyển như thế nào mức độ lưu và đi, nông và sâu của khối nước này theo cả phương ngang và phương vuông góc. Từ đó hình thành bản đồ vùng ảnh hưởng do khối nước quét qua.

– Lập bản đồ những vùng mà các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, RNM chết. Bản đồ diện tích mà lớp chất nhày (bản chất là phức chất của Fe(OH)3 và các độc tố khác) đang phủ lên bề mặt các hệ sinh thái này, và cả mặt đáy biển của vùng thảm họa. Nếu không làm sớm, lớp phủ này sẽ tan dần, và ở những vùng mất dấu tích này, việc đánh giá ảnh hưởng sau này rất dễ bị bỏ qua.

– Thiết lập các bảng câu hỏi (questionnaire) đánh giá những giá trị sinh thái của các dạng tài nguyên có giá trị trực tiếp trên thị trường (direct market values) và những dạng tài nguyên có giá trị gián tiếp trên thị trường (indirect market values) trên cơ sở của các phương pháp/công cụ willingness to pay và tương tự.

– Thiết lập các bộ câu hỏi (questionnaires/ household surveys) đánh giá thiệt hại về thu nhập của tất cả các nhóm đối tượng của các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng

– Thiết lập bộ câu hỏi điều tra các vấn đề liên quan sức khỏe.

5) Khuyến khích các cá nhân và tập thể các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau đẩy mạnh các nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng lâu dài của thảm họa lên các loài và các hệ sinh thái cụ thể

6) Xây dựng và triển khai các dự án khôi phục sinh thái và môi trường dựa trên các kết quả đánh giá nhanh và nghiên cứu chuyên sâu.

7) Lập cơ sở dữ liệu cho thảm họa Vũng Áng

Tất cả các chi phí cho các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng và các chương trình phục hồi hệ sinh thái liên quan đến thảm họa Vũng Áng Formosa phải chi trả như BP đã và đang làm.

____

[1] http://vnexpress.net/tong-thuat/thoi-su/formosa-cam-ket-boi-thuong-500-trieu-usd-sau-su-co-ca-chet-hang-loat-3428561.html

[2] http://soha.vn/bien-mien-trung-chat-o-nhiem-se-nam-trong-hang-hoc-san-ho-20160703191355002.htm

[3] https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/05/9022-formosa-can-boi-thuong-1-000-ty-usd-va-dong-cua-formosa-ha-tinh/

[4] https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/31/9384-tham-hoa-formosa-vung-ang-nhom-tri-thuc-dai-bang-dang-bang-moi-cach-bit-mieng-nhung-tieng-noi-phan-bien/

[5] https://kontumquetoi.com/2016/07/03/nhieu-nguoi-dang-kien-formosa-tai-dai-loan-vi-ty-le-ung-thu-tang/

[6] http://danlambaovn.blogspot.com/2016/07/formosa-phu-nhan-viec-gay-ra-tham-hoa.html

[7] https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/20/9231-can-tra-lai-chan-ly-khoa-hoc-cho-ket-luan-ve-nguyen-nhan-ca-chet/

[8] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/boi-thuong-thiet-hai-do-formosa-gay-ra-se-den-dan-trong-thang-8-3443871.html

[9] https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/28/9337-nghi-van-ve-chan-ly-khoa-hoc-cua-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-o-mien-trung/

[10] http://www.boxitvn.net/bai/43944

[11] https://www.talkvietnam.com/2016/07/stop-polluting-the-water-for-the-sea-to-recover/.

[12] http://www.pops.int/documents/convtext/convtext_en.pdf

[13]http://cand.com.vn/thoi-su/Noi-bo-Formosa-bat-dong-can-tro-viec-thuc-thi-cam-ket-voi-Viet-Nam-402003/

[14] http://www.stiftung-meeresschutz.org/themen/verschmutzung-muell/103-fischsterben-vietnamesische-kueste-grossflaechig-verseucht

[15] Effects of a Dispersed and Undispersed Crude Oil on Mangroves, Seagrasses and Corals, 1987. T.G. Ballou, R.E. Dodge, S.C. Hess, A.H. Knap and T.D. Sleeter Planning Research Institute Inc. Columbia, SC and Bermuda Biological Station for Research Bermuda. NOAA/RSMAS.

[16] Oil Spills in Coral Reefs: Planning and Response Considerations, 2010. U.S. Department of Commerce. National Oceanic and Atmospheric Administration, National Ocean Service Office of Response and Restoration

[17] Effects of oil pollution on marine environment. The International tanker owners pollution federation limited, UK www.ITOPF.com

[18] Marine ecosystem restoration: costs and benefits for coral reefs, 2006. Thomas J. Goreau , Global Coral Reef Alliance, 37 Pleasant Sr. Cambridge, MA 02139 USA. World Resource Review Vol. 17 No. 3

[19]http://www.bp.com/en/global/corporate/sustainability/environment/oil-spill-preparedness-and-response.html

[20] http://response.restoration.noaa.gov/about/media/who-funding-research-and-restoration-gulf-mexico-after-deepwater-horizon-oil-spill.html

7 bình luận trước “9428. 500 TRIỆU USD CHO NGHIÊN CỨU TIỀN ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG SINH THÁI VÀ MÔI TRƯỜNG THẢM HỌA FORMOSA VŨNG ÁNG”

  1. […] [17]https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/04/9428-500-trieu-usd-cho-nghien-cuu-tien-danh-gia-anh-huong-… […]

  2. […] [17]https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/04/9428-500-trieu-usd-cho-nghien-cuu-tien-danh-gia-anh-huong-… […]

  3. […] [17] https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/04/9428-500-trieu-usd-cho-nghien-cuu-tien-danh-gia-anh-huong-… […]

  4. […] [17] https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/04/9428-500-trieu-usd-cho-nghien-cuu-tien-danh-gia-anh-huong-… […]

  5. […] [17] https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/04/9428-500-trieu-usd-cho-nghien-cuu-tien-danh-gia-anh-huong-… […]

  6. […] [17] https://anhbasam.wordpress.com/2016/08/04/9428-500-trieu-usd-cho-nghien-cuu-tien-danh-gia-anh-huong-… […]

  7. […] […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: