8788. Nghị sĩ Đài Loan đòi điều tra Formosa vụ cá chết ở Việt Nam
Posted by adminbasam trên 17/06/2016
Đôi lời: Không hiểu các ông, bà đại biểu Quốc hội Việt Nam nghĩ gì khi đọc tin này? Hay là các ông, bà ĐBQH cứ để cho các nghị sĩ Đài Loan làm vì đây là việc họ, không liên quan tới chuyện của dân, của nước mình?
____
17-6-2016

Cá chết kéo dài trên nhiều km dọc bờ biển Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh chụp trưa 12/5. Ảnh: Vietnamnet
Các nghị sĩ Đài Loan hôm 16/6 đã yêu cầu chính phủ của họ tiến hành điều tra về vai trò của tập đoàn Formosa trong vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam.
Các nhà hoạt động môi trường hiện cho rằng, việc xả thải công nghiệp từ nhà máy thép triệu đô của Formosa có thể là nguyên nhân khiến hàng tấn cá chết dạt vào bờ biển miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng. Theo các nhà lập pháp Đài Loan, nếu quả thực Formosa là nguyên nhân đứng sau thảm họa môi trường này, nó có thể đe dọa chính sách thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á của tân lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của vùng lãnh thổ này vào Trung Quốc.
Nghị sĩ cao cấp Su Chih-feng thuộc đảng Dân Tiến nhận định, chính sách “hướng về phương nam” của bà Thái Anh Văn sẽ không hết rắc rối nếu tân chính phủ Đài Loan không giải quyết một cách thận trọng trước những bức xúc lan rộng của công chúng Việt Nam về vụ việc.
Trong quá khứ, Formosa từng liên đới đến nhiều vụ bê bối liên quan tới môi trường khắp thế giời, từ Texas (Mỹ) cho tới Sihanoukville (Campuchia). Tập đoàn này cũng từng bị cáo buộc gây ô nhiễm tại Đài Loan, kể cả bế bôi liên quan đến một tổ hợp sản xuất hóa dầu ở miền nam Yunlin, nơi nghị sĩ Su từng làm tỉnh trưởng.
Chang Yu-yin, Chủ tịch Hội luật gia môi trường của Đài Loan kêu gọi nhà chức trách Đài Loan cần vào cuộc và buộc Formosa phải tuân thủ “các tiêu chuẩn về môi trường, nhân quyền và lao động quốc tế”.
Một mục sư người Việt Nam cư trú tại Đài Loan, ông Peter Nguyễn tuyên bố, nếu Formosa được chứng minh có liên quan đến vụ cá chết ở Việt Nam, thì chính phủ của bà Thái Anh Văn cần phải buộc tập đoàn này có trách nhiệm giải quyết thảm họa môi trường và đền bù thiệt hại đầy đủ cho các nạn nhân.
“Việt Nam cần đầu tư nước ngoài, nhưng phải trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Nếu môi trường và người dân của chúng tôi bị ảnh hưởng sẽ tạo ra các thách thức và vấn đề lớn đối với nguồn đầu tư tương lai của Đài Loan vào Việt Nam”, ông Peter Nguyễn nói thêm.
Đài Loan và Việt Nam hiện chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng hai bên đang duy trì quan hệ thương mại gần gũi. Khoảng 250.000 người Việt Nam đang cư trú ở Đài Loan để làm ăn hoặc theo diện kết hôn.
Ông David Wang, Bộ Đầu tư Đài Loan cho biết, Đài Loan đã đề nghị trợ giúp chính phủ Việt Nam điều tra về vụ cá chết, nhưng bị từ chối. Việt Nam dự kiến sẽ công bố kết quả điều tra của mình vào cuối tháng 6 này.
Tuấn Anh (Theo Channelnewsasia)
____
Dư luận Đài Loan lên tiếng về Formosa
16-6-2017
Hôm thứ Năm 16/6, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan, Formosa Plastic Group, gặp sức ép từ các nhóm môi trường địa phương, nghị sĩ và một hội của di dân người Việt yêu cầu tập đoàn trả lời về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.
Việt Nam đã chứng kiến một trong những tai họa môi trường lớn nhất trong lịch sử. Hàng loạt cá chết được tìm thấy dọc 200 cây số đường biển kể từ đầu tháng Tư ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, ảnh hưởng cuộc sống của ngư dân và cư dân tại đó.
Nhiều người nghi ngờ nước thải từ nhà máy thép Đài Loan, một cơ sở của Formosa Plastic, là thủ phạm.
Các nhóm môi trường và người dân địa phương đã có cáo buộc chống nhà máy. Một người như thế, Lê Quang Dũng, một lao động di dân sang Đài Loan ngay trước khi bắt đầu xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, vì ông nói ngay cả khi đó nguồn cá cũng đã bắt đầu giảm. Tại cuộc họp báo ở Đài Bắc, ông mô tả thảm họa đã ảnh hưởng đến gia đình ông và dân làng và vì sao họ nghi ngờ nhà máy thép tại Hà Tĩnh của Formosa.
“Một người thân của tôi là thợ lặn. Ông ấy kể khi ông đến gần miệng ống xả thải của nhà máy thép, ông không thở được và phải rời đi ngay.”
“Nước thải có hai màu, vàng và đen. Kể từ ngày đó, chúng tôi không đánh cá được, nhiều cá chết và ngư dân chúng tôi không có cách sống.”
Một linh mục người Việt giúp đỡ di dân ở Đài Loan nói ít nhất một người đã chết và nhiều người dân địa phương được phát hiện đã nhiễm kim loại nặng trong cơ thể.
“Không chỉ cá chết. Gà cũng chết. Người ăn cá thì bị ốm. Khi họ đến bệnh viện, bác sĩ không cho họ xem kết quả khám nghiệm. Nhiều yếu tố khiến chúng tôi nghi ngờ nhà máy thép Formosa,” cha Nguyễn Văn Hùng nói. Ông là trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan.
“Nếu họ nói không có trách nhiệm trong thảm họa này, họ cần chứng minh,” cha Hùng nhấn mạnh. Tổ chức của ông giúp đỡ cho khoảng 150.000 lao động di dân người Việt giải quyết nhiều vấn đề.
Ông là người giúp thuyết phục hai tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan tổ chức cuộc họp báo. Tại đây, đã có mặt nhiều nghị sĩ lo ngại về vấn đề này cùng một đại diện chính phủ. Nhiều đài truyền hình địa phương và phóng viên đã tham dự.
Nói với truyền thông, cha Hùng mong muốn người dân Đài Loan bày tỏ quan ngại.
“Việc này có thể ảnh hưởng Đài Loan. Sản phẩm từ Việt Nam có thể nhập vào đây và ảnh hưởng người dân Đài Loan,” cha Hùng nói.
Cùng với cha Hùng, Chang Yu-yin, giám đốc hiệp hội môi trường, nói công ty cần tiết lộ họ dùng chất hóa học gì để làm sạch ống thải trước lúc xảy ra vụ cá chết và cho rằng chính phủ Đài Loan cần buộc các công ty Đài Loan không chỉ tuân thủ luật của nước sở tại mà cả tiêu chuẩn và quy định của Đài Loan.
“Formosa Plastic là cổ đông lớn nhất của nhà máy thép. Nhà máy thép ở Hà Tĩnh là công ty Đài Loan. Formosa Plastic cần cung cấp thông tin và tổ chức nhóm điều tra, gồm các chuyên gia độc lập và công khai kết quả điều tra,” theo lời ông Chang.
Ông nói thêm: “Khi chúng ta ra nước ngoài đầu tư, liệu chúng ta chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của các nước đang phát triển? Sao không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, lao động, môi trường, hay chúng ta nới lỏng tiêu chuẩn đi?”
Nhưng Chow Ching-sway, một chuyên viên cao cấp tại Ủy ban Đầu tư của Bộ Kinh tế, nói sau khi chính phủ đánh giá xong và thông qua đơn xin đầu tư hải ngoại của công ty Đài Loan, chính phủ không giải quyết các vấn đề sau đó. Ông nói đó là trách nhiệm của các nước có công ty Đài Loan hoạt động – các nước sẽ giải quyết các vi phạm pháp luật tại nước họ.
“Hiện nay chúng tôi không có luật liên quan đầu tư của một công ty sau khi chính phủ Đài Loan đã thông qua. Nếu người dân muốn chính phủ Đài Loan điều tra các công ty, thì phải thông qua luật mới.”
Nhưng những người chỉ trích nói điều này chỉ làm hại cho kế hoạch của chính phủ mới được bầu lên, muốn tăng đầu tư ở Đông Nam Á để bớt phụ thuộc Trung Quốc.
Formosa hiện không bác bỏ cũng không xác nhận các cáo buộc, chỉ nói rằng không có bằng chứng liên kết nhà máy với vụ cá chết.
Hôm thứ Năm, Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Chang Fu-ning xác nhận tin nói chính phủ Việt Nam tạm hoãn việc cho phép nhà máy thép vận hành do cần đăng ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường, nhưng ông tin rằng việc đình hoãn không kéo dài.
Nhà máy theo lịch trình sẽ bắt đầu vận hành từ cuối tháng Sáu.
“Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường ở đây, chẳng có gì là đình chỉ hoạt động cả. Chỉ là chúng tôi ngừng việc khánh thành sản xuất một chút. Chúng tôi cần sự cho phép của chính phủ [Việt Nam].”
“Chúng tôi đang nộp hồ sơ xin phép đây. Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất thép cuối tháng Sáu, nhưng giờ chúng tôi cần nói chuyện với chính phủ. Có thể việc tạm hoãn này sẽ kéo dài 2 -3 tháng nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ đi vào sản xuất. Nhà máy đã xây xong rồi, sao lại không được vận hành? Chúng tôi cần phải đăng ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường. Việc này không liên quan gì đến chuyện cá chết cả,” ông Chang nói với BBC.
Chính phủ Việt Nam nói đã hoàn tất cuộc điều tra nhưng đang chờ các chuyên gia phản biện. Dự kiến kết quả điều tra sẽ sớm được công bố.
Các nhóm phi chính phủ, vị linh mục và di dân người Việt dự định tổ chức biểu tình hôm thứ Sáu bên ngoài khách sạn, nơi một công ty con của Formosa Plastic tổ chức cuộc họp cổ đông, nhằm tăng sức ép lên công ty.
Một bình luận trước “8788. Nghị sĩ Đài Loan đòi điều tra Formosa vụ cá chết ở Việt Nam”
Sorry, the comment form is closed at this time.
Đối Thoại Điểm Tin ngày 18 tháng 6 năm 2016 | doithoaionline said
[…] 8788. Nghị sĩ Đài Loan đòi điều tra Formosa vụ cá chết ở Việt Nam […]