BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

8040. THÁNG TƯ VÀ NHỮNG TÂM HỒN NHẠY CẢM

Posted by adminbasam trên 29/04/2016

Nguyễn Tuấn Khoa

29-4-2016

Trần Khoa Văn và tác giả

Tác giả và Trần Khoa Văn

Chạy trốn Sài Sòn với ồn ào về hào quang chiến thắng 41 năm. Vũng Tàu chẳng những không giúp tôi bịt hết âm thanh ca ngợi của kẻ thắng trận mà còn gợi lại cho tôi một kỷ niệm rất buồn. Nó không những gây cho tôi một cú shock kéo dài suốt 4 năm học tại BK mà kể cả mỗi khi nhắc lại…

Tháng 7/1979, đoàn sinh viên năm I trường ĐHBK vừa nhận phòng, Trần Khoa Văn nói rât nhỏ vào tai tôi, rủ tách đoàn để đi thăm lại mái nhà xưa vốn nằm trong trại gia binh thuộc trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Đứng ngoài hàng rào, Văn chỉ vào căn nhà có người đàn ông đội nón cối, mặc áo may-ô đứng cạnh chiếc xe đạp và nói đó là nhà của Văn trước kia.

Ngày 30/4/1975, hai tiếng sau lệnh đầu hàng có hiệu lực, ba của Văn – Trung tá truyền tin – đã rời đài Radar trên đỉnh Núi Lớn vội vã về nhà trên chiếc xe Jeep lùn. Chiếc xe Jeep vừa đậu trước sân nhà, vị Trung Tá bước vội xuống xe, chân vừa chạm đất thì nhận lấy một tràng đạn AK47 vào ngực trước sự bàng hoàng của vợ và bốn đứa con thơ. Mẹ của Văn ngất lịm tại chỗ ngay sau loạt đạn đến đích, Văn và 3 đứa em khóc ngất bên Mẹ. Lúc đó tao chỉ sợ Mẹ chết theo Ba thì không biết sống ra sao, Văn nói.

Nhiều câu hỏi của tôi lúc đó không được Văn trả lời: Hai tên bộ đội đã làm gì sau đó? Năm Mẹ con bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo rồi đi đâu? Người đàn ông đứng kia, giờ là chủ căn nhà của Văn, có phải là người đã gây ra cái chết oan nghiệt 4 năm về trước? Mộ được an táng ở đâu? Thay cho câu trả lời, chúng tôi đi đến thăm mộ tại đồi cát Chí Linh. Đã 4 năm nhưng nấm mộ buồn vẫn không có được tấm bia vì nghèo và cũng vì sợ người đã khuất không được yên thân nếu lộ tung tích. Tôi nhớ Văn lúc đó khóc nhiều lắm và hai đứa không nói gì trong suốt cả đợt thực tập 5 ngày. Tôi an ủi nó: thôi đừng buồn nữa, CS đã để cho hai đứa mình thoát qua cánh cửa hẹp ĐHBK là may mắn rồi. Hôm nay Ba mày sẽ rất vui khi biết mày đã đến đây và việc học của mày không bị dở dang. 

Sự phân biệt của nhà nước CS đối với các học sinh có cha mẹ ở “phía bên kia” trước ngưỡng cửa ĐH thật khắc nghiệt, dã man và hèn hạ! Lý lịch vừa là bản án đối với người này vừa là bệ phóng cho người khác. Chính sự bất công của nhà nước CS đã làm cho các tâm hồn ngây thơ bị phân hóa hoàn toàn: trong cùng một lớp họ tự hình thành nên hai nhóm riêng biệt theo quan điểm chính trị, đoàn viên và không đoàn viên mà những thằng như tôi và Văn là thiểu số. Với những tâm hồn nhạy cảm, 4 năm đại học của chúng tôi là những chuỗi ngày u uất và cô độc…

Sau này, sự “hòa giải” giữa những người bạn cùng lớp thật tự nhiên và dễ dàng bởi internet cho họ quyền để tìm đến sự thật. Tuyên truyền dối trá của CS thật khó phân hóa được tình cảm thật. Tuy nhiên con đường hòa giải của dân tộc sau 41 năm sao vẫn còn mờ mịt…

2 bình luận trước “8040. THÁNG TƯ VÀ NHỮNG TÂM HỒN NHẠY CẢM”

  1. […] 8040. THÁNG TƯ VÀ NHỮNG TÂM HỒN NHẠY CẢM […]

  2. […] https://anhbasam.wordpress.com/2016/04/29/8040-thang-tu-va-nhung-tam-hon-nhay-cam/ Posted by adminbasam on 29/04/2016 […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: