BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

7846. Tập Cận Bình vs Lưu Vân Sơn: Cuộc chiến kiểm soát truyền thông Trung Quốc

Posted by adminbasam trên 16/04/2016

Đại Kỷ Nguyên

Tác giả: Larry Ong, Epoch Times

Dịch giả: Phạm Duy

15-4-2016

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở trụ sở LHQ ở New York vào ngày 28 tháng 9 năm 2015. Spencer Platt / Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở trụ sở LHQ ở New York ngày 28-9-2015. Spencer Platt / Getty Images

Tiếp theo chuyến thăm thu hút sự chú ý của công chúng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đến các trụ sở chính của các hãng truyền thông nhà nước trong tháng 2, các nhà kiểm duyệt của Đảng đã trở nên năng nổ và hung hăng một cách bất thường. Tài khoản tiểu blog nổi tiếng của một ông trùm bất động sản đã bị xoá hoàn toàn trên Internet; một ấn phẩm tài chính Trung Quốc được tôn trọng đã thực hiện một bước hiếm có, kêu gọi các nhân viên kiểm duyệt, không chỉ một lần mà hai lần (yêu cầu, tức nhiên, kiểm duyệt nhiều hơn); và một nhà báo Trung Quốc đã bị biến mất trên đường ông ta đến Hồng Kông. Việc bắt giữ nhà báo này được cho là có liên quan đến một bức thư ngỏ kỳ lạ kêu gọi ông Tập từ chức.

Một loạt những hành động kiểm duyệt đã được thực hiện như là một dấu hiệu rộng khắp [cho thấy] rằng Tập Cận Bình, người đã vươn tới vị trí [lãnh đạo Đảng] của mình trong năm 2012 trong bối cảnh một cuộc đấu tranh quyền lực chưa bao giờ thực sự kết thúc, đã nắm hoàn toàn quyền kiểm soát bộ máy tuyên giáo của Đảng, và bây giờ bộ máy đó đang thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt hoàn toàn tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, một bức tranh phức tạp hơn nổi lên khi xem xét sự tồn tại dai dẳng của những cuộc tranh giành quyền lực giữa những nhân vật có thế lực [của ĐCSTQ] trong vài năm qua, [và xét đến] lòng trung thành của những người phụ trách công tác tuyên giáo, và lịch sử những nỗ lực của các nhà lãnh đạo cộng sản đương nhiệm để thực sự giành quyền kiểm soát các ngòi bút – mà các cây bút, cùng với súng mác, vẫn luôn là một trong những vũ khí quan trọng để Đảng kiểm soát.

Sự kiểm duyệt và phản kháng

Nhậm Chí Cường đã nhiều năm được biết đến như là Donald Trump của Trung Quốc bởi những nhận xét thẳng thừng, nhưng đôi khi gay gắt của ông về những mặt trái của sự cai trị của ĐCSTQ. Với số lượng 38 triệu người theo dõi, tài khoản của ông Nhậm trên mạng Sina Weibo, một mạng tiểu blog nổi tiếng của Trung Quốc tương tự như [mạng xã hội] Twitter, đã cung cấp một diễn đàn có ảnh hưởng lớn, để bày tỏ quan điểm của mình. Tài khoản này đã bị xóa vào cuối tháng 2.

Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cho biết họ đã xóa tài khoản của ông Nhậm do “tác động rất xấu” mà nó đã gây ra; để đáp lại chuyến thăm của ông Tập đến các cơ quan truyền thông nhà nước, chẳng hạn như ông Nhậm đã viết: “chính phủ của nhân dân đã thay đổi thành chính phủ của Đảng khi nào vậy?”.

Việc bịt miệng ông Nhậm đã làm hỏng hoạt động của hội nghị chính trị hàng năm ở Bắc Kinh vào đầu tháng 3. Các quan chức và các nhà kinh tế đã e ngại không dám nói chuyện thẳng thắn ngay cả với báo chí nhà nước dễ bảo. [Đó là] một sự thật đã được nhận xét bởi đại biểu Giang Hồng, và được báo cáo bởi Caixin, một tạp chí kinh doanh có uy tín. Điều này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi qua lại hiếm có [giữa Caixin] với những người kiểm duyệt, trong đó có tổng cộng 3 bài báo về kiểm soát báo chí đã được xuất bản bởi tạp chí Caixin và sau đó bị kiểm duyệt.

Đã có nhiều kịch tính hơn xảy ra khi hội nghị chính trị gần kết thúc.

Vào ngày 15 tháng 3, nhà báo Giả Hà, người phụ trách một chuyên mục trên một trang web tin tức của Trung Quốc là Wujie News, đã bị biến mất [bí ẩn] có liên quan tới sự xuất hiện của một bức thư ngỏ, được viết bởi “những Đảng viên cộng sản trung thành,” trong đó cáo buộc ông Tập Cận Bình đã chèo lái Trung Quốc đến bờ vực của sự hỗn loạn thông qua chiến dịch chống tham nhũng và củng cố quyền lực của mình.

Sự cả gan của Nhậm Chí Cường và [tạp chí] Caixin, và những người dự thảo bức thư, đã được xem như là một kết quả từ sự oán giận ngày càng gia tăng đối với sự nổi lên của ông Tập Cận Bình trở thành một nhà độc tài giống Mao Trạch Đông, mặc dù ngay từ đầu bức thư thực sự có thể được mớm bởi phe phái đang tranh giành quyền cai trị với ông Tập. Người ta không rõ liệu với quyền lực mà ông Tập đã thâu tóm được, ông Tập hiện nay có thể tự mình phụ trách vững chắc được cơ quan tuyên giáo hay không.

Khó khăn khi kiểm soát cơ quan tuyên giáo

Mặc dù bộ máy tuyên giáo là một mắt xích quan trọng mà bất kỳ nhà độc tài cộng sản nào cũng mong muốn kiểm soát, lịch sử riêng của ĐCSTQ cho thấy sự khó khăn của quá trình này.

Mao Trạch Đông, người được ĐCSTQ thần thánh hóa, khi muốn khởi động cuộc Cách mạng Văn hóa vào năm 1966, đã không thể ngay lập tức tuyên truyền các bài xã luận của mình trên các tờ báo lớn của nhà nước. Ông Mao và vợ ông [là] Giang Thanh, đã phải bí mật sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các nhân vật quan trọng ở Thượng Hải, và xuất bản chúng trên tờ Báo Văn Hối (Wenhui Bao), một tờ báo bán chính thức của Thượng Hải.

Tương tự như vậy, Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo tối cao của Đảng sau Mao, đã phải quảng bá cho “chuyến Nam du” của mình (một chương trình cải cách kinh tế) ở Thâm Quyến. Nguyên trưởng ban tuyên giáo Đặng Lực Quần (Deng Liqun) và Cao Địch, khi đó là người đứng đầu tờ Nhật Báo Nhân dân, đều là đối thủ của Đặng Tiểu Bình, vì vậy ban đầu ông Đặng không thể sử dụng các kênh [truyền thông] chính thức để thực hiện mệnh lệnh của mình.

Tập Cận Bình dường như cũng đang ở trong một tình trạng khó khăn tương tự. Trong một nghịch lý rõ ràng về tuyên truyền của Đảng, chuyến thăm các cơ quan truyền thông của ông Tập, được đưa tin một cách xu nịnh chứ không phải là biểu hiện của sự kiểm soát đã được thiết lập, có thể được hiểu như là một dấu hiệu cho thấy ông Tập vẫn chưa có được sự kiểm soát [đối với truyền thông].

Phe phái chống đối

Điều này chủ yếu là do thực tế rằng [bộ máy] tuyên giáo, trong một chừng mực lớn, vẫn còn trong tay của Lưu Vân Sơn, là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị [gồm 7 người] và là người trung thành với cựu lãnh đạo chế độ Giang Trạch Dân, một trở ngại chính trị lớn nhất đối với ông Tập.

Ông Lưu là người lãnh đạo trong việc kiểm duyệt, tuyên truyền và nhồi sọ trên qui mô lớn của chế độ [Trung Quốc] kể từ năm 2002. Trong một thập kỷ, ông Lưu đã trực tiếp kiểm soát Ban Tuyên giáo Trung ương, và từ năm 2012 là chủ tịch của ‘Ủy ban trong bóng tối’ kiểm soát Nhóm lãnh đạo Trung ương về Tư tưởng và Văn hóa. Ông Lưu cũng là chủ tịch của Ủy Ban Trung Ương Hướng dẫn về Xây dựng Văn minh Tinh thần, trong đó bao gồm một hợp phần nặng về tư tưởng và tuyên truyền, và là chủ tịch của Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo những cán bộ [của ĐCSTQ].

Điều này làm cho ông Lưu trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong chế độ [Trung Quốc]. Lòng trung thành của ông Lưu đối với đối thủ của ông Tập Cận Bình là ông Giang Trạch Dân – người đã chỉ đạo việc gia nhập của ông Lưu vào Bộ chính trị mở rộng được chi phối bởi các tay chân thân cận khác của ông Giang, ngay cả khi ông Hồ Cẩm Đào là người lãnh đạo của Đảng trên danh nghĩa – có nghĩa là tất cả mọi thứ có thể không đúng như nó xuất hiện trong thế giới của tuyên truyền chính thức .

Ông Lưu chỉ là một bộ phận trong mạng lưới quyền lực sâu rộng của Giang Trạch Dân: các bộ phận quan trọng khác đã được nắm giữ bởi các quan chức mà tên của họ đã trở nên quen thuộc trong những năm gần đây, chẳng hạn như Bạc Hy Lai, một ứng cử viên cho chiếc ghế [lãnh đạo] cao nhất; Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh; và các cựu tướng lĩnh cấp cao là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Tất cả những người đàn ông có ảnh hưởng này đều đã bị thanh trừng vì tội tham nhũng sau khi ông Tập lên nắm quyền.

4 người trong số 7 ủy viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, trong thực tế, không được bổ nhiệm bởi Tập Cận Bình, nhưng được thừa hưởng bởi chính quyền khi ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, [đó là] kết quả của việc mặc cả chính trị kéo dài mà ở đó quyền lực không bao giờ được chuyển giao một cách tự nguyện.

Đấu tranh trong bóng tối

Một số nhà phân tích hệ thống chính trị Trung Quốc thậm chí còn nghi ngờ rằng việc quy chụp Tập Cận Bình như một sự hiện thân của Mao Trạch Đông, trong một chừng mực nào đó, ngay từ đầu là một thủ đoạn xảo trá – đó là cách mà các đối thủ chính trị của ông Tập xây dựng hình ảnh của ông Tập lên cao với mục đích sẽ hạ bệ ông ta xuống [sau đó].

Ví dụ, ông Tân Tử Lăng, một quan chức Đảng đã về hưu có nhiều quan hệ cấp cao, là người đã từng lãnh đạo ban biên tập tại trường Đại học Quốc phòng của Trung Quốc, có quan điểm nêu trên. Các bài hát bộc lộ tình cảm tràn trề, đã được viết để ca ngợi “Bác Tập” hoặc “Tập Đại Đại”, khuôn mặt tươi cười của ông Tập đeo huy hiệu và những đồ trang sức rẻ tiền khác, và thay đổi chương trình truyền hình nhà nước Gala mừng xuân hàng năm thành một cuộc họp tuyên truyền, đối với ông Tần Tử Lăng, dường như đã bị cố tình đẩy đi quá xa.

Trần Phá Không, tác giả của một số cuốn sách về văn hóa chính trị của Trung Quốc, có quan điểm cho rằng Tập Cận Bình đang thực sự tìm cách xây dựng [hình ảnh của] mình như một người mạnh mẽ [thiên vệ bạo lực] – cách duy nhất để thực sự kiểm soát bộ máy Đảng. Nhưng ông Trần nghi ngờ rằng bộ máy tuyên giáo do Lưu Vân Sơn đang điều hành đang đồng thời thực hiện “lời khen chết người”, [mà tiếng Hoa gọi là] “peng sha”.

“Tâng bốc một người nào đó lên tận trời, thì sẽ là thảm họa nếu như họ ngã ngựa” ông Trần cho biết, khi nói thêm chi tiết về quan điểm của mình trong một chương trình gần đây trên đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), một đài truyền hình tiếng Trung Quốc có trụ sở tại New York, và là một bộ phận của Tập đoàn Truyền thông Đại Kỷ Nguyên (Epoch Media Group).

Khi Trung Quốc đang bị bao vây bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính hoặc các cuộc khủng hoảng khác, những kẻ thù của ông Tập sẽ nổi lên và cáo buộc ông xây dựng sùng bái cá nhân, ông Trần nói. Kịch bản đó có thể nghe kỳ dị với sự phức tạp của nó, nhưng Đặng Tiểu Bình, trên cơ sở đó, đã có thể hạ bệ Hoa Quốc Phong, người kế thừa Mao Trạch Đông, ông Trần chỉ rõ (mặc dù dường như Hoa Quốc Phong cũng là tác giả của những lời khen ngợi bản thân mình).

Mingjing, trang mạng tin tức trực tuyến của người Trung Quốc ở nước ngoài, một trang [mạng có khả năng] mua bán các thông tin từ các phe phái ở Bắc Kinh, báo cáo rằng ông Tập đã nói với các quan chức tuyên giáo “Đừng gọi tôi là Bác Tập”, và yêu cầu dừng ngay lại sự sùng bái cá nhân.

Các lý thuyết về những hoạt động bí mật của các nhà chính trị Trung Quốc thường dẫn tới một vấn đề “ống kính nào” họ lựa chọn để nhìn nhận những sự việc, và do đó nó chủ yếu là những công cụ giải thích chứ không phải là tuyên bố có thể kiểm chứng theo thực nghiệm.

Trong bối cảnh của cuộc chiến về nhận thức ở Trung Quốc, khi đọc bức thư kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức, người ta thấy dấu ấn của một hoạt động khác chống lại ông Tập, theo Văn Chiêu, một nhà bình luận chính trị đã xuất hiện trên chương trình của đài truyền hình NTD “Giải mã Tin tức Đại lục”. Lá thư đã được phổ biến đến các tài khoản email cá nhân của nhiều thành viên trong cộng đồng quan sát Trung Quốc.

Trang web Wujie News được tài trợ bởi Ban tuyên giáo Tân Cương, Tập đoàn Alibaba, và Tập đoàn truyền thông SEEC Media Group. Ông Văn Chiêu chỉ ra rằng Tân Cương đã từ lâu là một thành trì của Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh và được ủng hộ chính trị bởi Giang Trạch Dân. Tân Cương là tỉnh hiện đang được quản lý bởi đồng minh của ông Giang là Trương Xuân Hiền [bí thư Khu tự trị Tân Cương].

Dĩ nhiên người ta không thể biết được liệu bức thư đó có phải là một phần trong âm mưu của kẻ thù chính trị của Tập Cận Bình, mặc dù rõ ràng nhiều nguồn lực đã được huy động cho việc truyền bá rộng khắp [như vậy]. Tuy nhiên, sự náo động và xôn xao xung quanh bức thư, rõ ràng là một phần của cuộc chiến đang diễn ra về sự kiểm soát của tuyên giáo.

Một bình luận trước “7846. Tập Cận Bình vs Lưu Vân Sơn: Cuộc chiến kiểm soát truyền thông Trung Quốc”

  1. […] 7846. Tập Cận Bình vs Lưu Vân Sơn: Cuộc chiến kiểm soát truyền thông Trung Quốc […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: