7688. Mạn đàm về sự “tử tế”
Posted by adminbasam trên 31/03/2016
AFR Dân Nguyễn
31-3-2016
Hôm rồi, trong phiên họp chính phủ, có thể coi là phiên cuối cùng, TT Dũng có nói, đại ý sau này về hưu sẽ “ráng làm người tử tế”.
Chẳng cần tra tự điển, có lẽ không ai nhầm hoặc mơ hồ về nghĩa của cụm từ “tử tế”. “Tử tế”, là cái gì đó vừa là căn bản, vừa là cái tối thiểu làm nên một con người “tốt”. Hay một người tử tế cũng được coi là một người tốt rồi?
Nhưng khi một đương kim Thủ tướng tự nhiên đề cập tới “tử tế”, mà lại là “ráng làm…” (tức cố thực hiện) một việc thiết tưởng là bình thường, thấy có gì đó không bình thường!
Nhớ mấy chục năm trước có bộ phim với một cái tên cũng có từ “tử tế”, đã rất câu khách. Hình như đề cập đến Hà Nội hay cái gì liên quan tới Hà Nội…
Có lẽ “tử tế” chỉ là cái từ diễn tả hành động mà người ta cư xử phải lẽ với nhau…
Và đây, tôi mang chuyện này ra kể xem có được mọi người cho là có yếu tố “tử tế” trong câu chuyện đó chăng.
Hôm giáp tết Bính Thân vừa rồi, tôi đi ra đảo Cát Bà thăm người bạn, nhân thể thăm ông bạn tây tên John, người Nam Phi. Ông này đến VN được 2 năm rồi. Trước ông dạy tiếng Anh cho một Trung tâm ngoại ngữ, rồi giờ bỏ, quay ra viết sách. Thỉnh thoảng ông đến Hội thánh thờ phượng Chúa nên tôi quen. Ông ta giờ ở thuê một căn nhà nhỏ xíu nằm giữa đoạn từ Hạ Long sang đảo Cát Bà, trong vườn quốc gia để hoàn thành cuốn sách của mình.
Từ bến phà Gia Luận đi Cát Bà khoảng 20km. Hôm đó tôi từ bến phà lên, đi được quãng 5km thì gặp một anh bạn tây còn rất trẻ đang dắt chiếc xe máy đi cùng chiều về phía đảo Cát Bà. Tôi phóng qua một đoạn, lưỡng lự giây lát, rồi quành lại. Tôi hỏi: Mày có cần giúp gì không. Hắn bảo có. Tôi quay sang hỏi mấy người dân bên đường xem gần đây có hiệu sửa xe nào không. Một người bảo gần đây thì không, nhưng họ có thể gọi điện cho thợ đến để sửa… Tôi quay sang bảo gã trai trẻ ngoại quốc hãy đứng đó đợi, lát nữa có thợ đến sửa. Tôi vù đi, vẫn nghe được câu cám ơn từ hắn.
Đến chỗ ông bạn John, tôi ghé vào thăm một lát trước khi tiếp tục hành trình đến Cát Bà. Lúc đang uống nước và nói chuyện cùng John, thì ông bạn trẻ hỏng xe ban nãy cũng đến. Đi cùng hắn là hai thanh niên trẻ trên một chiếc xe máy. Hai thanh niên này buộc vào đuôi xe họ một đoạn dây thừng để kéo xe gã tây trẻ kia. Cả ba người cùng vào quán nghỉ. Tôi hơi ngỡ ngàng vì không hiểu sao xe gã này hỏng gì mà phải kéo. Lúc gặp hắn dắt xe, tôi ngỡ xe hắn bị xịt lốp, nên chỉ cần người tới “vá” là xong. Hắn cho biết là xe hắn hỏng dây cua roa (xe tay ga). Tôi nhớ lại lúc “vù” đi có nhìn thoáng thấy hai bánh xe hắn không bị xịt, nhưng không dừng lại hỏi xem xe hỏng gì…
Vừa uống ly cà phê hắn vừa bảo mới hôm qua hắn thay dây cua roa ở một tiệm sửa xe ở đảo Cát Bà, sáng nay hắn đi từ Cát Bà về Hạ Long, gần đến bến phà Gia Luận, đầu phía Hạ Long, chỗ tôi gặp hắn khi nãy, thì dây cua roa lại trục trặc, khiến hắn phải dắt. Hắn không dắt đi tiếp về phía Hạ Long vì trước mặt là cái đèo rất dài và khá cao. Nếu không ai giúp đẩy phía sau thì hắn không thể nào dắt lên nổi; thế nên hắn dắt ngược trở lại Cát Bà, tuy hắn chưa biết làm sao có thể dắt đi bộ hơn 10km để về tới tiệm sửa xe bắt vạ chủ tiệm. Dù sao thì đó cũng là biện pháp “tối ưu” hơn.
Tôi dặn hai thanh niên gắng giúp đỡ hắn. Hắn cho biết đã bỏ ra 500 ngàn đồng để thuê hai thanh niên này kéo. Tôi xót cho hắn, và thầm trách mình vội vã, chứ nếu không, tôi có thể kéo hắn cách miễn phí…
Lát sau tôi lên đường. Dọc đường tôi gặp hắn đang được kéo bởi hai thanh niên. Tôi cười, gật đầu tạm biệt hắn.
Sáng hôm sau trên đường về tôi lại ghé thăm ông bạn John. Chủ quán cho John thuê nhà là người đàn ông mau mắn. Anh ta giữ tôi lại ăn cơm trưa rồi hãy về, nhưng tôi không nhận lời. Đang uống giở ly cà phê chủ nhà đãi miễn phí, thì ông bạn trẻ hỏng xe hôm qua lại đến. Vừa uống cà phê hắn vừa kể việc chủ tiệm sửa xe thay đền dây cua roa khác, và sáng nay hắn trở lại Hạ Long.
Tôi bảo hắn vậy lát cùng đi cho vui.
Lets go! Tôi gật đầu với hắn và hai chúng tôi cùng lên đường. Tôi đi trước, vừa đi vừa nhìn gương hậu canh chừng hắn. Được khoảng 2km, tôi thấy hắn dừng lại. Tôi đi chậm, có ý chờ hắn. Nhưng mãi không thấy hắn đi. Tôi dừng hẳn lại đợi, nghĩ là hắn dừng lại đi tiểu chăng. Thấy hắn đứng bên cạnh chiếc xe mãi không đi, tôi vòng lại hỏi có vấn đề gì. Hắn chỉ vào chiếc xe, nói nó lại hư rồi… Tôi bảo đứng đợi, rồi vội quay lại quán nước hỏi chủ quán kiếm cho đoạn dây để kéo hắn. Chủ quán bảo không có dây thừng. Ông ta tìm cho tôi một chiếc dây cua roa cũ và một đoạn dây điện, bảo dùng dây cua roa ngoắc vào cổ xe máy của hắn rồi lấy dây điện buộc vào dây cua roa, đầu kia buộc vào đuôi xe tôi mà kéo…
Về đến bến phà, chúng tôi đợi một lát thì phà đến. Mất 45 phút đi phà, chúng tôi tới bến đảo Tuần Châu, thuộc thành phố Hạ Long. Tôi tiếp tục kéo hắn về Hạ Long. Đến nhà, tôi đưa hắn đến một tiệm sửa xe rồi dẫn hắn đi ăn trưa cùng. Hắn thay chiếc dây cua roa mới tốt hơn mà giá chỉ bằng hơn nửa giá hôm trước. Tuy nhiên, người sửa xe cũng nói nguyên nhân gây hỏng dây cua roa bởi một bộ phận khác. Nếu không thay bộ phận này thì dây tiếp tục hỏng, cho dù dây tốt. Tôi nói lại với hắn ý thợ sửa xe như vậy và nhấn mạnh thay hay không thay bộ phận đó tùy thuộc vào hắn. Khi nói giá của chi tiết cần thay khá mắc, hắn có vẻ lưỡng lự. Sợ hắn nghĩ mình bị chặt chém, nhất là sợ hắn hiểu lầm sự giúp đỡ sốt sắng của tôi là có động cơ gì, chứ không bởi sự “tử tế” nên tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng thay hay không là do hắn quyết định. Cuối cùng hắn cũng thay…
Dù được tôi kéo suốt chặng đường dài, qua đèo cao, khá khó khăn vì lúc dây chùng, lúc dây kéo căng vì hai xe không đồng tốc, nhất là lúc đổ đèo… rồi bữa trưa, cà phê miễn phí… nhưng từ khi tạm biệt, không thấy khi nào hắn gọi lại cám ơn hay hỏi thăm tôi. Mấy lần tôi định gọi hỏi thăm hắn – một gã trai trẻ quê mãi bên kia bán cầu, bang California, nơi có thủ đô Sài Gòn nhỏ của cộng đồng người Việt sinh sống…
Hi…chuyện kể dài lê thê, chẳng đâu với đâu. Tuy nhiên nó liên quan tới chữ “tử tế”, cái đang gây “sốt” sau khi từ này được nói ra từ chính người đứng đầu chính phủ.
Dù còn nhiều những chuyện quá tồi tàn, độc ác, xấu xa diễn ra hàng ngày trong “Xã hội xã hội chủ nghĩa tươi đẹp” của chúng ta; nhưng cũng không thể phủ nhận, cũng trong cái xã hội “dân chủ gấp vạn lần tư bản” này cũng còn nhiều, rất nhiều những tấm lòng trong sạch và đáng kính. Nói đến những con người này, lời đầu tiên mà ta có thể dành cho họ là “tử tế”. Phải. Họ là những con người tử tế. Đó là những “hiệp sỹ đường phố”. Tôi muốn nói tới những người tự nguyện bắt cướp. Họ là những anh, những bác chạy xe ôm. Hằng ngày họ đối mặt với cuộc sống mưu sinh cực nhọc. Vậy mà họ tự nguyện bỏ thời giờ chạy thêm một “cuốc” xe thêm thu nhập… để lao theo bọn cướp dành giựt lại tài sản cho người bị hại. Khốn khó với nghề mưu sinh này, giờ họ phải đương đầu với hiểm nguy đến tính mạng. Họ có thể bị đâm chém chết liền tại chỗ, vì bọn người đã dám cướp ngày, thì có coi luật pháp ra chi…; và nếu họ không bị đâm, bị chém ngay lúc truy đuổi, thì nguy cơ bị trả thù là rất lớn và luôn tiềm ẩn… Họ chết vì bắt cướp, không chỉ thiệt mạng cho cá nhân họ, mà điều này còn đồng nghĩa với việc một người vợ trẻ mất chồng, những đứa trẻ mồ côi cha, một gia đình nhỏ không nơi nương tựa…
Ta gọi những con người đó là những người tử tế.
Gọi họ là những anh hùng cũng được…
Những người tử tế còn nhiều lắm. Họ là những người làm những suất cơm, suất cháo miễn phí tại các bệnh viện. Đó còn là những người đặt những thùng nước trà đá miễn phí nơi vỉa hè cho người qua đường lúc nắng hè đổ lửa… Họ còn là những người dám trương khẩu hiệu “Tôi yêu cây xanh”, dù có thể trong lòng vẫn sợ công an Hà Nội bắt và ghép tội “gây rối”… Đó còn là những người dám tham gia biểu tình chống giặc Trung Quốc xâm lược biển đảo giết hại ngư dân, mà không sợ công an, an ninh, và bọn “nhân dân tự phát” đánh vỡ đầu hay khiêng lên xe chở về bót cảnh sát rồi bị quàng vào cổ cái tội “tụ tập đông người”, nặng hơn, sẽ bị quy chụp là “phản động”…
Có sự khác nhau nào về “tử tế” giữa những con người kể trên với khái niệm “tử tế” mà ngài đương kim thủ tướng vừa đề cập trước khi “nghỉ chính sách”? Lấy “đơn vị đo lường” nào để cân đo đong đếm về những sự tử tế của ngài thủ tướng khi về nghỉ chính sách, với những “hiệp sỹ đường phố” kể trên?
Những Hiệp sỹ đường phố, người bơm vá xe miễn phí cho các cháu học sinh, người biểu tình chống Trung Quốc…là những người tự nguyện làm người “tử tế”; trong khi thủ tướng và những người cộng sự phải “ráng” làm…
Việc “tử tế” có ý nghĩa nhất, và cũng không quá khó với ngài thủ tướng, (dù biết khi đó ngài đã là thảo dân), không phải là việc quan hệ tốt với ông hàng xóm hay vâng lời vợ đuổi gà trong vườn thay vì đi nhậu nhẹt… mà là phải lên tiếng bênh vực cái đúng, lên án cái sai, cái xấu, cho dù cái xấu đó ở đâu, núp dưới danh gì. Sự “tử tế” đầu tiên khiến ông ghi điểm ngay, đó có thể là việc lên tiếng ủng hộ cho những ứng cử viên độc lập trong kỳ bầu cử QH khóa 14 sắp tới đây. Trong thâm tâm ông cũng thừa biết họ là những con người tử tế mà còn có thể thêm chữ “rất” ở đầu…
“Muộn còn hơn không”. Nếu làm được như vậy, không những ích nước lợi nhà, mà ông còn rửa được tiếng xấu là người chỉ biết “nói dzậy mà không phải dzậy”.
Chỉ vài ngày nữa là ông chạm được tới cái “vạn đại”, tức ông… bằng tôi.
Tuy nhiên, cái sự “tử tế” thì vẫn còn ở phía trước…
Một bình luận trước “7688. Mạn đàm về sự “tử tế””
Sorry, the comment form is closed at this time.
Đối Thoại Điểm Tin ngày 31 tháng 3 năm 2016 | doithoaionline said
[…] 7688. Mạn đàm về sự “tử tế” […]