BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

7387. Thanh Hóa ngưng thu hồi đất sau các cuộc biểu tình

Posted by adminbasam trên 07/03/2016

VOA

Trà Mi

7-3-2016

Hàng trăm người dân tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi FLC trả lại bãi biển. Ảnh: Dân Làm Báo

Hàng trăm người dân tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi FLC trả lại bãi biển. Ảnh: Dân Làm Báo

Giới hữu trách Thanh Hóa loan báo dừng việc thu hồi một bến thuyền cho dự án du lịch gây tranh cãi sau 11 ngày biểu tình quyết liệt của ngư dân.

Truyền thông nhà nước dẫn thông báo của Bí thư tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến, tại cuộc đối thoại trực tiếp với dân chúng địa phương sáng nay (7/3) cho biết trước mắt bà con được tiếp tục ra khơi, tỉnh chưa ban hành quyết định thu hồi bến.

Diễn tiến này xảy ra sau khi hàng trăm ngư dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, hơn tuần qua kéo về bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy Thanh Hóa, yêu cầu trả lại bãi biển Sầm Sơn.

Họ phản đối quyết định của chính quyền thu hồi và giao 3,5 km đất ven biển cho Tập đoàn FLC phát triển dự án du lịch, dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 4 tới đây, để phục vụ du khách mùa hè năm nay. 

Dự án quy hoạch phía Đông đường Hồ Xuân Hương với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng do tỉnh Thanh Hóa phê duyệt hồi tháng 10 năm ngoái chiếm trọn bờ biển kể cả một bến thuyền, kế sinh nhai duy nhất của ngư dân địa phương từ bao đời nay.

Người dân đề nghị chính quyền chừa lại ít nhất từ 300m đến 1,5km bờ biển để họ neo đậu tàu bè, tiếp tục ra khơi.

Bí thư Trịnh Văn Chiến, tại buổi họp với người dân sáng nay, tỏ ý lấy làm tiếc và nhận trách nhiệm về sự việc khiến dân tập trung biểu tình trước các cơ quan công quyền hơn tuần nay.

Báo chí nhà nước dẫn lời ông Chiến nói ‘Dù dưới gốc độ nào, chúng tôi cũng thấy có lỗi với bà con.’ Tuy nhiên, ông khẳng định việc người dân tụ tập đông người ‘gây mất an ninh trật tự’ là vi phạm pháp luật.

Hàng trăm lực lượng an ninh đã được huy động trong những ngày qua trong lúc dân chúng bao vây các trụ sở chính quyền khiến giao thông thành phố tê liệt.

Công an Thanh Hóa cách đây hai ngày loan báo đã bắt đầu điều tra các cáo trạng về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ liên quan đến các cuộc biểu tình này, một cáo buộc thường được giới hữu trách trong nước sử dụng để đối phó với các cuộc biểu tình của dân chúng giữa bối cảnh người dân chưa được thực thi quyền này trên thực tế dù Hiến pháp có công nhận.

Anh Nguyễn Lân Thắng là một nhà hoạt động tích cực cổ xúy phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam cũng là một ký giả độc lập từng theo sát các vụ việc tương tự trước nay để phản ánh thông tin trên các trang mạng xã hội.

Quan sát, đối chiếu diễn tiến ở Sầm Sơn với các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền với dân chúng, anh Thắng nói giới hữu trách Thanh Hóa đang lùi một bước để tiến tới nhiều bước:

“Việc ở Sầm Sơn giống như rất nhiều dự án khác đã từng xảy ra trên đất Việt Nam này. Thường khi sự phản đối của dân chúng quá lớn thì các cấp chính quyền tìm cách xoa dịu. Nhưng sau đó, khi sức phản đối của người dân bắt đầu chùn xuống, họ bắt đầu sử dụng lực lượng công an-an ninh để điều tra, sàng lọc tất cả những người tham gia, tìm những người dẫn dắt quần chúng để bắt giam, khởi tố. Khi những người đi đầu bị tấn công, sức phản kháng sẽ tụt hẳn xuống. Rồi nhà nước lại tiếp tục lấy đất của dân, tiếp tục dự án thôi. Tình trạng đó rất phổ biến nhiều năm qua, chẳng hạn như vụ ở Ninh Hiệp hay Văn Giang. Sự tấn công của họ rất bài bản, rất tinh vi. Người dân thiếu hiểu biết pháp luật rất dễ bị tấn công.”

Theo giới hoạt động xã hội, trong một đất nước thiếu dân chủ, đầy rẫy tham nhũng, và mọi việc đều bị kiểm soát chặt chẽ như Việt Nam, phương tiện duy nhất có thể giúp người dân bảo vệ lẽ phải, chống lại sự áp bức-bất công chính là truyền thông xã hội:

“Hỗ trợ bằng truyền thông rất quan trọng. Dù trong các sự việc, chúng tôi không có sự hợp tác ở phía người dân, nhưng có những biến động gì hay vấn đề gì chúng tôi đều vẫn thông tin qua mạng xã hội để khai mở vấn đề. Tác động đến với khối quần chúng, tuy không thể ngay được, nhưng sẽ tác động đến nhận thức của quần chúng về lâu về dài, và họ sẽ dần dần thức tỉnh.”

Nhà hoạt động này kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự độc lập cần quan tâm, tham gia mạnh mẽ vào các vụ việc như ở Sầm Sơn để hỗ trợ những người dân thấp cổ bé miệng, tăng cường sức mạnh cho những tiếng nói của các nạn nhân bị mất đất, đảm bảo công lý được thực thi.

Bình luận về sự việc ở Sầm Sơn, một blogger trên mạng xã hội nói ‘Các dự án được vẽ ra để ăn chia, khi vấp phải phản ứng của người dân chịu ảnh hưởng, thay vì tìm lối thoát bền vững và đặt mục tiêu phát triển lên tối cao để tạo sự chuyển biến lâu dài về kinh tế xã hội cho địa phương, đám quan chức này chỉ đơn giản là lùi bước. Đây không phải là cai trị để phát triển, mà là cai trị để ăn hút và bảo tồn ghế ngồi khi có căng thẳng.’

Blogger này viết tiếp ‘Bà con Sầm Sơn Thanh Hóa đã dành được chiến thắng. Nhưng cần phải đề phòng mưu hèn, kế bẩn của bọn chính quyền’.

Tranh chấp đất đai là nội dung của đại đa số các đơn khiếu kiện tại Việt Nam và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn xã hội.

____

Doanh nghiệp VN

Bài 1: Hé lộ hàng loạt sai phạm của FLC tại Thanh Hoá

Huệ Nguyễn

7-3-2016

Ngư dân Sầm Sơn tập trung tại bến thuyền phản đối quyết định thu hồi đất giao cho FLC. Ảnh: DNVN

Ngư dân Sầm Sơn tập trung tại bến thuyền phản đối quyết định thu hồi đất giao cho FLC. Ảnh: DNVN

(DNVN) – Bên cạnh những vấn đề gây “nóng” dư luận và người dân Thanh Hoá trong thời gian qua liên quan đến dự án xây dựng khu du lịch FLC Sầm Sơn tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn FLC tiếp tục bị phát lộ thêm nhiều sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án tại đây.

Theo báo cáo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hoá ngày 05/11/2015, hàng loạt sai phạm của UBND thị xã Sầm Sơn liên quan đến dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) đã được chỉ rõ.

Ngoài việc Tập đoàn FLC phá nát hàng chục héc ta rừng phòng hộ và chiếm dụng 15,4 héc ta đất rừng phòng hộ, đất ven biển để “gộp” vào dự án được phê duyệt, công ty này cũng bị người dân “tố” tiếp tay cho cát lậu, một số đơn vị bơm hút cát trái phép để bán cho FLC san lấp mặt bằng.

Vào thời điểm thanh tra, Tập đoàn FLC ngang nhiên khai thác cát trái phép khi chưa được cấp quyền khai thác từ UBND tỉnh Thanh Hoá, với số tiền phê duyệt cấp quyền, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Kết luận cũng nêu rõ sai phạm của Tập đoàn FLC liên quan đến việc tự ý thi công tuyến đường Hồ Xuân Hương kéo dài, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đồng ý cho thi công. Theo đó, sau khi UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt dự án đầu tư với hạng mục đường Hồ Xuân Hương kéo dài có giá trị xây lắp trên 120 tỷ đồng, giao cho UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư.

Ngày 15/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 2603/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Gói thầu xây lắp tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, UBND thị xã Sầm Sơn đã “cầm đèn chạy trước ô tô” khi tổ chức kiểm đếm, chi trả trước một phần kinh phí cho các hộ để bàn giao mặt bằng cho Công ty FLC thi công khi chưa có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường GPMB. 

Công ty FLC đã tự lập hồ sơ thiết kế và tiến hành thi công thảm nhựa mặt đường, lát đá vỉa hè, hệ thống thoát nước, dải phân cách… khi chưa được các cấp có thẩm quyền đồng ý.

Ngoài việc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đầu tư xây dựng nhưng đã triển khai thi công, Tập đoàn FLC còn ngang nhiên xây dựng cổng bảo vệ, chiếm trọn đoạn đường này làm “của riêng”, ngăn cấm người dân địa phương đi lại.

Nhiều người dân tại đây tỏ ra bất bình, bởi đây là công trình do UBND tỉnh giao cho UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư, xây dựng để phục vụ mục đích phát triển du lịch của tỉnh, nhưng không hiểu vì lý do gì, đơn vị thi công lại tự ý chiếm dụng để phục vụ mục đích riêng.

Liên quan đến các dự án của FLC tại đây, nhiều ngày qua, hàng trăm người dân tại các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn của thị xã Sầm Sơn đã tập trung “vây” kín cổng UBND tỉnh Thanh Hoá để phản đối việc giao đất cho Công ty FLC thực hiện dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

Một số ngư dân cho rằng, việc thu hồi đất bến thuyền của họ gây ảnh hưởng lớn tới việc đi lại, đánh bắt, chặn đường mưu sinh của họ.

Chiều qua 6/3, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá phát đi công văn cho biết, vào lúc 8h sáng nay 7/3, ông Trịnh Văn Chiến – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá sẽ đối thoại trực tiếp với người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

____

Mời xem lại: Thư của một sinh viên ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, gửi lãnh đạo tỉnh (FB Sầm Sơn/ BS). – FLC ‘không liên quan’ vụ Thanh Hóa? (BBC).

Một bình luận trước “7387. Thanh Hóa ngưng thu hồi đất sau các cuộc biểu tình”

  1. […] 7387. Thanh Hóa ngưng thu hồi đất sau các cuộc biểu tình […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: