7129. Ai kiểm soát các sử gia VN viết sách?
Posted by adminbasam trên 22/02/2016
22-2-2016

Sử gia Việt Nam thừa nhận với truyền thông sách giáo khoa viết về cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979 và xung đột biên giới biển đảo đã bị chỉ đạo rút ngắn thời lượng từ nhiều trang viết xuống vài dòng. Photo: Getty
Một nhà văn và blogger từ Việt Nam vừa nêu bình luận về việc ai kiểm soát sử gia Việt Nam viết sách giáo khoa từ hơn một chục năm trước và ai cản trở cuộc tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 tuần qua ở Sài Gòn.
Trao đổi với BBC nhân một sử gia của Việt Nam, GS Vũ Dương Ninh, mới tiết lộ với truyền thông nước này rằng các nhà viết sách giáo khoa ở Việt Nam về chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979) bị buộc phải giảm từ ‘4 trang xuống 11 dòng’ vì lý do ‘quan hệ tế nhị’ vào đầu thập niên 2000, ông Phạm Viết Đào nói:
“Tôi nghĩ rằng giới trí thức, báo chí Việt Nam, nói chung họ yếm thế rất nhiều. Bây giờ trên họ bảo thế nào thì họ cứ thế họ viết…
“Việc đưa (các nội dung trên) vào sách giáo khoa, Thủ tướng đã chỉ đạo, Quốc hội đã nói, nhà xuất bản họ vẫn không đưa, thì chúng tôi chịu thôi.
“Cho nên bây giờ vấn đề là các tướng lĩnh lên tiếng nhiều, giới sử học họ cũng không tự ý đưa lên sách được, họ cũng chỉ viết, còn cho như thế nào là quyền của nhà xuất bản, của bên Ban Tuyên Giáo họ chỉ đạo.
“Sắp tới, cái việc này họ phải xử lý thế nào? Tình hình bây giờ thì họ không thể né tránh được nữa rồi.”
Tại sao chơi rắn?
Hôm 17/2/2016, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra một số cuộc tưởng niệm cuộc chiến tranh Biên giới.
Trong ngày này tại Hà Nội, theo các nhà hoạt động và quan sát, một lễ tưởng niệm ở trung tâm thủ đô của Việt Nam đã diễn ra mà không bị chính quyền, an ninh, cảnh sát ngăn cản như trước đây.
Đài truyền hình Việt Nam và các phương tiện báo chí, truyền thông nhà nước còn đưa tin Chủ tịch Nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang thắp hương và tưởng niệm tại một nghĩa trang liệt sỹ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến biên giới từ 17/2/1970, ông cũng được đưa tin tới thăm thân nhân, gia đình một số liệt sỹ của cuộc chiến tranh này.
Nhà văn Phạm Viết Đào. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, vẫn theo các nhà hoạt động, cuộc tưởng niệm chiến tranh Việt – Trung 1979 ở TP. Hồ Chí Minh đã bị chính quyền địa phương ‘can thiệp và ngăn cản thô bạo’, hình ảnh trên các trang mạng xã hội cũng cho thấy một số vòng hoa bị giật, phá v.v…
Bình luận về nguyên nhân khác biệt này ở Sài Gòn, nhà văn Phạm Viết Đào, người có em trai ruột hy sinh trong thời gian cuộc chiến này xảy ra, nói:
“Nói rõ cụ thể ai thì chắc tôi không dám nói và tôi cũng không biết, nhưng theo tôi hiểu thông thường, những hoạt động trật tự an ninh mà cái ngành đó thuộc về chuyên môn của họ, về lãnh đạo, chỉ đạo, thì cơ quan an ninh, lãnh đạo chỉ đạo. Nên chủ trương, đối sách với dân sự thì phía an ninh họ chịu trách nhiệm những đợt ấy.
“Còn tại sao ở Hà Nội họ lại để cho tổ chức, mà ở trong kia (TP. Hồ Chí Minh) họ lại chơi rắn, tôi cũng không rõ động cơ của họ tại sao lại như thế,” nhà văn, blogger nói với BBC.
____
Học sinh VN sẽ học về cuộc chiến 1979?
22-2-2-16
Cảnh diễn ra ở Hà Nội ngày 17/2/2016. Photo: Getty
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nói sẽ xem xét việc đưa cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc năm 1979 và hải chiến Hoàng Sa 1974 vào sách giáo khoa sắp biên soạn.
Trả lời báo trong nước, Thứ trưởng giáo dục Nguyễn Vinh Hiển nói sách giáo khoa hiện nay cũng đã nhắc đến chiến tranh biên giới Việt – Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa.
“Thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp,”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay.
Hôm 21/2, trang tin VnExpress dẫn lời GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách Lịch sử lớp 12, cho biết khó khăn khi làm sách.
Ông Ninh kể lại cuốn sách ra đời đầu những năm 2000.
“Sự kiện Hoàng Sa thời điểm đó chưa công bố thông tin nên chỉ có vấn đề chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc được đưa vào sách.”
“Ban đầu các tác giả viết khá dài và chi tiết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau vì khuôn khổ sách giáo khoa quy định, chủ yếu vì lý do “quan hệ tế nhị” với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều. Từ 4 trang xuống chỉ còn 11 dòng.”
Ông Ninh nói tiếp: “Cuối cùng, chúng tôi đành chấp nhận vì ít nhất, sự kiện đã được nêu ra để học sinh biết đến.”
2 bình luận trước “7129. Ai kiểm soát các sử gia VN viết sách?”
Sorry, the comment form is closed at this time.
Đối Thoại Điểm Tin ngày 23 tháng 2 năm 2016 | doithoaionline said
[…] 7129. Ai kiểm soát các sử gia VN viết sách? […]
Ai kiểm soát các sử gia VN viết sách? | Nhận thức là một quá trình... said
[…] (Ba Sàm) Theo (BBC) – Một nhà văn và blogger từ Việt Nam vừa nêu bình luận về việc ai kiểm soát sử gia Việt Nam viết sách giáo khoa từ hơn một chục năm trước và ai cản trở cuộc tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 tuần qua ở Sài Gòn. […]