7119. Ba cuộc cách mạng biến đổi một xã hội
Posted by adminbasam trên 21/02/2016
Nguyễn Hồng Hải, Canada
21-2-2016
Người Việt Nam luôn mong muốn đất nước phát triển để sánh vai cùng với những nước tiến tiến, phát triển trên thế giới. Nghiên cứu sự phát triển của các quốc gia khác nhau để tìm ra một con đường cho Việt Nam là điều cần thiết. Trong bài viết này, tôi đưa ra một số nhận định về sự phát triển của các quốc gia mà chúng ta nên có những nghiên cứu và học tập. Mỗi quốc gia muốn phát triển vượt bậc đều cần có ít nhất một trong ba cuộc cách mạng. Cách mạng về khoa học kỹ thuật, cách mạng về văn hóa, cách mạng về thể chế chính trị.
1- Cách mạng về khoa học kỹ thuật:
Nếu lấy Trung Quốc là một ví dụ điển hình để nghiên cứu. Họ có thể chế chính trị tương đối giống Việt Nam và lấy xuất phát điểm kể từ năm 1979 khi mà 2 nước nổ ra cuộc chiến tranh biên giới thì Trung Quốc và Việt Nam không khác nhau nhiều về trình độ khoa học kỹ thuật. Trung Quốc trong chiến tranh vẫn phải sử dụng chiến thuật “biển người” để tấn công, chứ không dùng sức mạnh khoa học công nghệ.
Sau gần 40 năm hiện đai hóa đất nước thì giờ đây nền khoa học kỹ thuật của Trung Quốc chiếm vị trí đáng nể trên thế giới và Trung quốc trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Bất cứ cái gì nước khác sản xuất được thì trong thời gian ngắn Trung Quốc sẽ có công nghệ để sản xuất tương tự. Như vậy, người lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ, họ tạo điều kiện cho giới doanh nghiệp, giới khoa học kỹ thuật nhanh chóng tiếp thu mọi công nghệ trên thế giới để Trung Quốc có thể tự mình sản xuất được chứ không phụ thuộc vào nước khác.
Thời kỳ tôi còn học cấp 3 tại Việt Nam thì thầy giáo của tôi đã nói, người Trung Quốc đã không còn dùng câu “Phi thương bất phú” như người Việt vẫn dùng mà họ đã dùng từ “Phi công bất phú”, không phát triển sản xuất công nghiệp thì không thể giàu có, ổn định được. Không chỉ có Trung Quốc mà Ấn độ, Nhật Bản hay các quốc gia khác họ cũng có một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật tương tự.
Nhìn lại Việt Nam thì dường như cả giới lãnh đạo, giới doanh nhân và kể cả đội ngũ tri thức cũng chưa thực sự quan tâm tới vấn đề phải có một một cuộc cách mạng thực sự trong khoa học kỹ thuật đối với Việt Nam. Nhiều lời kêu gọi “thoát Trung “từ các giới tri thức trong nước, nhưng liệu chúng ta thoát Trung bằng cách nào khi mà từ nguyên liệu đầu vào sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ thậm chí đội ngũ kỹ thuật chúng ta cũng phụ thuộc, Việt Nam chỉ làm được đúng công đoạn duy nhất trong sản xuất là gia công. Vậy, Việt Nam không bao giờ có thể “thoát Trung” khi chúng ta phụ thuộc gần như hoàn toàn mọi khâu của sản xuất công nghiệp. Một nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra con đường thay đổi tư duy của người dân, giới doanh nghiệp và du nhập và phát triển những công nghệ nào cho Việt Nam và đảm bảo người Việt Nam có thể làm chủ được các công nghệ đó mới là một điều kiện cho Việt Nam phát triển một cách ổn định và tránh phụ thuộc.
2- Cách mạng về văn hóa, tôn giáo:
So với Trung Quốc thì Ấn độ tiến hành cách mạng khoa học kỹ thuật sớm hơn, từ cuộc cách mạng xanh để tăng sản lượng sản xuất trong nông nghiệp, tới cách mạng về công nghệ thông tin để biến Ấn độ thành quốc gia về xuất khẩu phần mềm. Ấn độ có một thể chế chính trị đa đảng và dân chủ, một thể chế chính trị tiến bộ hơn Trung Quốc. Tuy nhiên Ấn độ vẫn phát triển chậm hơn Trung Quốc về nhiều mặt, từ kinh tế tới khoa học kỹ thuật. Yếu tố cơ bản kìm hãm theo tôi là vấn đề tôn giáo và văn hóa.
Tương tự, nhiều quốc gia Trung Đông tuy có một thể chế chính trị đa đảng nhưng do ảnh hưởng lớn trong vấn đề tôn giáo và văn hóa nên các vấn đề dân chủ còn hạn chế, ví dụ giữa nam và nữ, giữa các tầng lớp trong xã hội, yếu tố tôn giáo và văn hóa tuy không được phản ảnh trong luật pháp nhưng nó lại là một trong những yếu tố khá quan trọng trọng việc kìm hãm sự phát triển dân tộc.
Trong thời kỳ cải cách Minh Trị, Nhật Bản cũng từng có thời kỳ bị ảnh hưởng bởi đạo Khổng khá nặng nề thậm chí còn bị ảnh hưởng hơn Việt Nam. Nhận biết những hạn chế trong yếu tố văn hóa cho sự phát triển của dân tộc , giới trí thức và lãnh đạo đã có một cuộc cách mạng về văn hóa đối với người dân, đưa những tư tưởng tiến bộ từ Châu Âu và các nước văn minh trên thới giới vào Nhật Bản qua hệ thống giáo dục, truyền thông như hàng ngàn cuốn sách, câu chuyện, phim ảnh về cuộc sống mới, cách tự duy mới giữa con người với con người, con người với luật pháp và xã hội. Để tạo ra một sự thay đổi cơ bản về văn hóa cho người Nhật.
Tới bây giờ thì có lẽ không ai phủ nhận được những ưu điểm trong văn hóa của người Nhật trong việc phát triển kinh tế, khoa học và xã hội. Một minh chúng để chúng ta thấy rõ ràng văn hóa của người Nhật là sự đoàn kết, giúp đỡ nhau và cùng vượt khó qua vụ sóng thần đã diễn ra tại Nhật, điều này làm cả thế giới xúc động và ngưỡng mộ.
Đối với Việt Nam, người Việt chỉ thực sự đoàn kết và giúp đỡ nhau trong chiến tranh, khi có những yếu tố ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia. Nhưng trong thời bình so với các cộng đồng khác thì khả năng làm việc nhóm, tính đoàn kết cùng phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật quá yếu. Và một thứ văn hóa mà những người “giỏi” thường bị “vùi dâp” là một yếu tố văn hóa kìm hãm sự phát triển của cộng đồng người Việt không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Tất nhiên, còn rất nhiều những thứ văn hóa khác chúng ta cần phải nghiên cứu để thay đổi, ví dụ càng giàu có, càng quyền cao chức to thì lại càng mê tín dị đoan, luôn hy vọng một giới siêu nhiên nào đó giúp đỡ mình… Nhiều thứ văn hóa xấu khác đề cập trong các cuốn sách người Việt xấu xí là những thứ người Việt cần có sự nghiên cứu nghiêm túc để thay đổi.
3- Cách mạng về thể chế chính trị:
Tôi không muốn viết nhiều về vấn đề cách mạng hay cải cách về thể chế chính trị ảnh hưởng tới sự phát triển quốc gia và dân tộc như thế nào vì đã có quá nhiều bài viết tập trung về vấn đề này. Tuy nhiên, để tiến hành một cuộc cải cách về thể chế chính trị là không đơn giản vì nó ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều nhóm khác nhau trong xã hội. Vấn đề cải cách phải đảm bảo có một sự nghiên cứu nghiêm túc và có lộ trình nên cải cách cái gì và như thế nào cho phù hợp. Không thể bê nguyên một mô hình chính trị sẵn có của một nước khác vào Việt nam mà không có sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và thấu đáo.
Tóm lại, Việt Nam chỉ có thể có sự thay đổi và phát triển một cách thực sự và tích cực khi giới lãnh đạo, giới tri thức thực hiện một cách nghiêm túc từ việc nghiên cứu tới thực thi một trong ba cuộc cách mạng nêu trên từ khoa học kỹ thuật, văn hóa và tôn giáo, thể chế chính trị.
Một bình luận trước “7119. Ba cuộc cách mạng biến đổi một xã hội”
Sorry, the comment form is closed at this time.
Đối Thoại Điểm Tin ngày 22 tháng 2 năm 2016 | doithoaionline said
[…] 7119. Ba cuộc cách mạng biến đổi một xã hội […]