BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

7114. “Siêu thị vẫn đóng cửa” và công nghệ chính sách

Posted by adminbasam trên 21/02/2016

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

21-2-2016

Sự kiện trước Tết Bính Thân, Tân Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo “các cây xăng phục vụ đến tận đêm 30 và mở cửa trở lại ngay mùng 1. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ bán hàng muộn trong đêm Giao thừa và mở cửa sớm vào sáng mùng 1, nhằm đảm bảo trật tự an ninh và tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết Bính Thân 2016”, nhưng siêu thị vẫn đóng cửa, tạo nên một cuộc bàn luận phản biện sôi nổi rất bổ ích trong giới học thuật quản lý trên truyền thông. Có thể coi đây là một thực tể điển hình để làm rõ công nghệ ban hành chính sách trong nền kinh tế thị trường nói chung mà nước ta đang hướng tới.

Khoa học kinh tế phân biệt giữa 2 mô hình kinh tế kinh điển “quản lý tập trung” và “thị trường” bằng dấu hiệu định lượng: KTQLTT nhằm mục đích thực hiện kế hoạch nhà nước “được coi là pháp lệnh“. Còn KTTT “theo đuổi mục đích lợi nhuận“. Cả 2 mô hình đều có bàn tay nhà nước can thiệp, nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Trong nền KTQLTT, các đơn vị kinh tế làm gì, như thế nào đều do kế hoạch nhà nước chi phối, thống nhất chiều dọc trên xuống, chiều ngang bộ ngành, sâu tới tận người lao động, đối với mọi nghiệp vụ từ giờ mở cửa, đến lao động, tiền lương, vốn, trang thiết bị, kho tàng nhà xưởng, nguyên vật liệu, chi phí, bán ra, thuế, lãi, nợ… Chỉ đạo của Tân Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hoàn toàn đúng với thước đo mô hình KTQLTT đó. Nền KTTT hoàn toàn khác, dù sở hữu nhà nước hay tư nhân, các đơn vị kinh tế hoàn toàn độc lập, tương tự như mỗi công dân là một thực thể. Kinh doanh lấy lợi nhuận làm thước đo, dựa trên quy luật cung cầu, nên mọi nghiệp vụ từ giờ mở cửa, thậm chí cho đóng cửa phá sản cũng là quyền của họ. Nhà nước can thiệp không bằng kế hoạch mà bằng chính sách. Như bất kỳ chính sách nào khác, chính sách giờ mở cửa của họ được ban hành theo công nghệ dựa trên nguyên lý cơ bản của nhà nước pháp quyền vốn là anh em sinh đôi của KTTT: người dân được quyền làm tất cả, trừ những gì luật cấm. Tức nhà nước không quy định giờ mở cửa mà chỉ quy định giờ cấm mở cửa (tức giờ đóng cửa), hay còn gọi giới hạn giờ mở cửa. Nói cách khác, mở cửa hay không, lúc nào, là quyền của cửa hàng, ngoại trừ trong giờ cấm muốn mở cũng không được phép, nếu không sẽ bị chế tài. Giống như nhà ở của người dân, cửa đóng hay mở là quyền của họ, chỉ bị cấm mở khi nhà nước thấy lý do khẩn cấp liên quan đến lợi ích công cộng và chính họ, như thiên tai địch hoạ đe doạ tính mạng. Có thể tham khảo giờ cấm mở cửa một số nước điển hình trên thế giới hiện nay:

– Áo: Bị cấm mở từ 21 giờ đến 6 giờ sáng. Thứ 7 từ 18 giờ tới 6 giờ. Chủ nhật 24/24 giờ. Ngoại lệ được miễn trừ có giới hạn thì vô kể, chẳng hạn tiệm bánh mỳ quy định 6 giờ thay bằng 5 giờ 30. Hay tiệm ăn cửa hàng thực phẩm bị cấm ngắn hơn.

– Thụy Sỹ: 8 tỉnh quy định giới hạn giờ mở cửa khác nhau tới 18 giờ 30, 19 giờ, 20 giờ, 22 giờ. 15 tỉnh không giới hạn.

– Phần Lan: Giới hạn tương tự Áo, chỉ khác mốc thời gian, và bán cả Chủ nhật từ 12 giờ – 18 giờ. Cùng vô số ngoại lệ dành cho bán hàng thiết yếu hay diện tích bán hàng dưới 400m2. Cấm các ngày lễ có giới hạn.

– Luxemburg: Từ năm 2015, chỉ giới hạn giờ mở cửa Chủ Nhật tới 19 giờ.

– Hà Lan: Giới hạn giờ mở cửa từ 6 giờ – 22 giờ. Cấm ngày Chủ Nhật, lễ, với những ngoại lệ nhất định.

– Na Uy: Huỷ bỏ mọi giới hạn thời gian mở cửa trước đây. Riêng ngày Chủ Nhật và lễ có luật riêng, áp dụng tùy mặt hàng thiết yếu và diện tích bán hàng.

– Nga, Thuỵ điển: Không có luật giới hạn giờ mở cửa. Các cửa hàng siêu thị thường mở cửa 24/24 giờ, cả 7 ngày trong tuần.

– Anh: Tương tự Nga, ngoại trừ ngày Chủ Nhật các cửa hàng trên 280 m2 chỉ được bán 6 tiếng.

– Ấn Độ: Quy định mỗi cửa hàng tự chọn một ngày trong tuần phải đóng cửa.

– Mỹ: Hầu như không có quy định giới hạn giờ mở cửa. Thường các siêu thị đóng cửa sau 21-22 giờ, cửa hàng nhỏ 18 giờ. Tại các trung tâm dân cư mở cửa 24/24.

*Căn cứ nào để đưa ra luật giới hạn giờ mở cửa?

Giới hạn giờ mở cửa thế giới rõ ràng cực kỳ khác biệt, nhưng không mang nghĩa tùy hứng, mà căn cứ vào các chính sách ràng buộc khác đồng thời xuất phát từ đòi hỏi của dân chúng nước đó, theo từng giai đoạn, trước khác, nay khác và tương lai có thể khác.

Có thể dẫn liệu lịch sử nước Đức: Giới hạn giờ mở cửa hàng được luật định từ thế kỷ 19, từ 5 – 23 giờ, cả 7 ngày trong tuần. Từ năm 1879 xuất hiện siêu thị làm thay đổi cách thức sử dụng nhân lực bán hàng. 13 năm sau, tháng 10.1890 luật đóng cửa hàng ra đời, giới hạn giờ mở cửa từ 5-21 giờ, và chỉ thứ 2 – 7, ngoại trừ cửa hàng thực phẩm, bánh mỳ được cấp giấy phép ngoại lệ. Từ năm 1919, giờ giới hạn trên chuyển thành 7 – 19 giờ. Sau 1 vài lần thay đổi nhỏ, tới năm 2003, luật giờ đóng cửa hàng thay đổi cơ bản, cấm mở cửa Chủ Nhật và ngày lễ; giới hạn giờ mở cửa 6 – 20 giờ từ thứ 2-7, với một số ngoại lệ, như hiệu bánh, nhà hàng, hay cửa hàng trong nhà ga, sân bay. Tới năm 2006 do Luật cải cách phân cấp chính quyền, luật giờ đóng cửa hàng được chuyển cho các tiểu bang, và phải bảo đảm quy phạm EU về thời gian lao động. Kết qủa hiện nay, thứ 2-7, có 8 tiểu bang không giới hạn giờ mở cửa, 8 tiểu bang còn lại cấm mở cửa từ 20-6 giờ, hoặc 22-6 giờ. Tất cả đều cấm mở cửa Chủ Nhật, lễ, với những ngoại lệ riêng.

Giới hạn giờ mở cửa thay đổi trên nhằm thực hiện các chính sách khác nhau, được quy định trong các văn bản luật, như luật thời gian làm việc, luật bảo vệ thanh thiếu niên trong lao động, luật bảo vệ bà mẹ, luật lao động ban đêm, luật ngày nghỉ chủ nhật lễ, luật bảo vệ môi trường… Như thời gian lao động không được liên tục quá 11 giờ/ngày, rút ngắn đối với người có thai, nghỉ đẻ. Cấm thanh niên làm việc qúa 8 tiếng/ngày, 40 tiếng trong tuần, hoặc từ 20 – 6 giờ. Để bảo đảm môi trường yên tĩnh, Chủ Nhật không được bán hàng ngoại trừ những mặt hàng thiết yếu tại những nơi cần thiết. Ngày lễ cũng vậy phải bảo đảm môi trường yên tĩnh phục vụ cho lễ đó, vì vậy cửa hàng không được phép mở, trừ ngoại lệ.

Luật pháp dù động cơ phục vụ người dân tốt đẹp tới đâu cũng phải được chính họ chấp thuận, chứ không thể chỉ lấy động cơ làm thước đo cứ tốt đẹp là được. Khoa học về thăm dò dư luận bảo đảm nền tảng đó cho nó. Kết quả thăm dò của hãng nghiên cứu thị trường lớn nhất Đức GfK cách năm trước cho biết có tới 63% người dân ủng hộ mở cửa hàng vào 1 số ngày chủ nhật trong năm đúng như hiện nay; nhưng chưa tới 1/ 3 đồng ý mở cửa mọi chủ nhật. Nghĩa là Luật cấm mở cửa Chủ Nhật có ngoại lệ áp dụng hiện nay chưa có dấu hiệu thực tế nào đòi hỏi cần thay đổi.

Từ luật giới hạn giờ mở cửa tổng hợp ở một số nước điển hình trên thế giới nói trên, có thể khái quát về công nghệ ban hành chính sách trong nền KTTT đòi hỏi phải thoả mãn 2 điều kiện cần và đủ: (1) Phải thoả mãn các chính sách khác liên quan tới chính sách cần ban hành, (2) phải được đông đảo người dân chấp thuận; và để đạt được điều đó cần đưa ra các ngoại lệ thích ứng.

*(Xem bài cùng chủ đề đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Một bình luận trước “7114. “Siêu thị vẫn đóng cửa” và công nghệ chính sách”

  1. […] 7114. “Siêu thị vẫn đóng cửa” và công nghệ chính sách […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: