BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

7064. Suy nghĩ nhân ngày tưởng niệm cuộc chiến biên giới

Posted by adminbasam trên 17/02/2016

Ngụy Hữu Tâm

17-2-2016

Hình ảnh lễ tưởng niệm ngày 17-2-2016. Nguồn: FB Hà Hoàng

Hình ảnh lễ tưởng niệm ngày 17-2-2016. Nguồn: FB Hà Hoàng

Vài suy nghĩ tản mạn nhân buổi lễ tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc của một người may mắn chứng kiến cuộc chiến đó và cả 3 cuộc chiến còn lại của dân tộc ta.

Vừa đi tham gia lễ tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới về, ngồi viết ít dòng hồi tưởng bao chiến sĩ và đồng bào 6 tỉnh biên giới đã ngã xuống dưới làn đạn quân thù để cho hôm nay chúng ta được sống trong yên bình. Trời Hà Nội u ám, lạnh lẽo cái tối tăm, lạnh lùng của khí trời phương Bắc chứ không được tươi sáng, ấm áp như những ngày trong Tết. Có lẽ sau mấy ngày vui sướng hồ hởi đó, ông Trời vốn có mắt nhắc chúng ta trở về với cuộc sống thực tại vốn dĩ đầy nghiệt ngã.

Biết bao người đã hy sinh trong tiếng gầm rít man rợ của tiếng xe tăng và bom đạn quân Tàu nhưng sau đó không những không được tôn vinh mà còn bị rơi vào quên lãng của tất cả mọi người chỉ vì lý do duy nhất là những người cầm quyền lợi muốn thế. Nhưng ngày nay tình hình đã khác. Các cuộc tri ân như thế này ít năm trước còn bị ngăn chặn, thậm chí cản phá. Bây giờ tôi thật sự thoải mái, vô tư hàn huyên với bạn bè, những người có cùng chí hướng với mình ngay giữa trung tâm thủ đô nơi có tượng đài Lý Thái Tổ – không biết trong Sài Gòn đầy nắng ấm dưới thời Đinh La Thăng có được như vậy hay không?

Trở lại với Hà Nội và những đề tài mà chúng tôi đã đề cập đến nhân cái ngày mà chúng tôi tụ họp hôm nay ngay giữa trung tâm thủ đô, chúng ta cần bao nhiêu năm nữa để thoát khỏi ảnh hưởng tệ hại của ông bạn to lớn, nay đã cực kỳ giàu có nhưng vẫn giữ tính tiểu nhân và dã man ở phương Bắc và vẫn theo thể chế độc tài toàn trị cực kỳ lỗi thời.

Khi vị trí địa lý bắt nước Việt chúng ta nằm cạnh họ, ta có thuận lợi luôn được tiếp cận nền văn hóa sớm sủa nhưng đồng thời những cuộc đô hộ của một dân tộc luôn muốn làm trung tâm của vũ trụ và muốn tất cả phải lệ thuộc mình. Cái tâm lý đó có từ ngàn đời và nay vẫn chưa thay đổi, dẫu cho thế giới đã bước vào thời đại internet. Cũng may là nước ta sớm phát triển kỹ thuật mạng nên dẫu còn nhỏ bé – tôi nghĩ cuộc tụ họp hôm nay chỉ có một, hai trăm người tham gia, thế nhưng chúng tôi đã góp phần xây dựng nên xã hội dân sự, một khái niệm hoàn toàn mới cho chúng ta nhưng lại là phổ thông trước đây trên 70 năm nhưng bị những người cầm quyền quyết tâm ngăn cản chỉ vì quyền lợi ích kỷ của họ là phải cố giữ thể chế độc tài, vốn xa lạ với khái niệm trên, và phần nào họ đã thành công.

Thế nên anh em chúng tôi bàn luận, dẫu Obama vừa họp bàn hai ngày qua với các nhà lãnh đạo ASEAN, thì bao lâu nữa, nước ta mới thật sự hội nhập được với thế giới văn minh vì hội nhập chắc chắn không chỉ qua TPP, và liệu TPP rồi sắp tới có được nghị viện Hoa Kỳ thông qua hay không vẫn là dấu hỏi lớn, hay trên các giấy tờ, văn bản, hiệp định ký kết giữa các nước.

Nước chúng ta đã để lỡ biết bao cơ hội để phát triển, kể từ khi nhà Nguyễn do ảnh hưởng ngàn năm của Đạo Khổng, đã thay vì mở cửa học phương Tây như hai ông bạn sát nách và xa hơn một chút nhưng nhạy bén hơn là Thái Lan và Nhật Bản để không được liệt vào loại cường quốc – tôi gọi thế vì việc Đức và Nhật sắp là thành viên chính thức Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc, chỉ là vấn đề thời gian ít năm hay ít tháng mà thôi – thì cũng không thuộc top đứng bét thế giới về nhiều chuyện và đứng đầu về những mặt… khác người. Rồi chúng ta rơi vào tay Pháp, dẫu là thuộc địa nhưng mặt thuận lợi là trong 80 năm đó chúng ta đã có dịp tiếp cận thế giới văn minh hơn hẳn ông bạn lớn phương Bắc – tuy có vài tô giới phát triển – chứ cả đất nước rộng lớn bao la đó vẫn chìm đắm trong u mê lạc hậu thời Trung Cổ.

Cụ Hồ năm 1945 có công đuổi thực dân Pháp đi, lúc đó đúng là ta phải đánh đuổi tên thực dân già nua lạc hậu đó đi nhưng vì cụ là cộng sản nên Mỹ từ chối giúp đỡ và thế là số phận lại đẩy dân tộc chúng ta vào tay hai anh cộng sản đang lên là Liên Xô và Trung Quốc và cái ách do còn đeo đẳng cho chúng ta dẫu cho Liên Xô đã sụp đổ từ 1989. Và đau đớn thay, số phận bắt dân tộc ta “đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và đánh cho Trung Quốc“, để nước ta phải liên tục đi qua 4 cuộc chiến với hàng triệu sinh linh. Khi chia cắt nước ta ở Hội nghị Genève 1954, họ Chu đã mang sẵn ý đồ đó rồi mà!

Và trong thời gian ấy, Trung Quốc, với sự lèo lái thần tình của hai con cáo già gian hùng họ Mao và họ Đặng, sau khi đã bắt nạt rồi đánh nước ta, bắt tay với Mỹ và chỉ trong ít năm đã vươn lên đứng hàng thứ hai thế giới về mặt kinh tế. Thế nhưng tình hình thế giới sẽ nhanh chóng thay đổi và Trung Quốc sẽ nhanh chóng mất vị thế này vì nền kinh tế của họ không bền vững, vì nền tảng chính trị quốc gia vô cùng lạc hậu với thể chế độc tài nên sớm muộn cũng thay đổi theo hướng dân chủ hóa như Liên Xô cách đây 37 năm. Chúng ta muốn làm bạn với dân tộc Trung hoa, nhưng ở vị thế hoàn toàn bình đẳng cơ, chứ không lệ thuộc, chư hầu. Chúng ta không muốn và càng chẳng thể làm Trung Quốc sụp đổ như Liên Xô trước đây – chỉ cần nhớ lại quân Tàu ô năm 1945! Nhưng chúng ta phải chuẩn bị để nắm bắt khi thời cơ đến.

Suốt Thiên Chúa giáo từ thời nhà Nguyễn đến nay, chúng ta đã để mất bao nhiêu thời cơ rồi. Nay tôi nghĩ cơ may đã đến, nước ta với 90 triệu người trong nước và 4 triệu người Việt ở nước ngoài hội tụ đầy đủ nhân tài, và hơn nữa, thời thế tạo nên anh hùng. Qua quá trình hội nhập nhanh chóng – hội nhập chứ không hoà tan, để chúng ta thành nô lệ của các công ty đa quốc gia và nước ta biến thành xưởng công nghệ gia công cho toàn thế giới – chúng ta nhanh chóng xây dựng nhà nước dân chủ, pháp quyền, tam quyền phân lập – trước cả Trung Quốc – đồng thời xây dựng nền kinh tế và cùng đó là quân sự, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật hiện đại đủ mạnh thì khi đó chẳng có cớ gì để ta phải sợ Trung Quốc.

Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ hèn như thế. Trái lại, không phải Trung Quốc “dạy cho Việt Nam một bài học“‚ mà ngược lại cơ! Từ trước đến nay dân tộc ta đã không phải là Tàu mà là Trung – Ấn (l’indochine) rồi, yếu tố phương Tây (l’inde) dù sao vẫn đứng trước, tại sao nay chúng ta không tận dụng cơ hội này để một lần nữa bắt tay với phương Tây, lần này ở một vị thế hoàn toàn khác, để “thoát Trung“?

Để kết luận, tôi xin ngỏ ý chân thành ủng hộ sáng kiến đề nghị chính phủ ta kiến nghị với phía Trung Quốc đòi họ phải xin lỗi nhân dân ta như Trung Quốc đã làm và làm thành công với Nhật Bản. Họ vốn không cảm thấy nhục nhã với các trận Bạch Đằng, Đống Đa rồi cơ mà!

Vấn đề hoàn toàn không phụ thuộc nước lớn hay nhỏ mà chỉ là vấn đề thời gian và sức mạnh thôi. Chúng ta sẽ kiên trì làm việc đó cho đến khi nhà nước ta gửi kiến nghị đó cho phía Trung Quốc và khi đó cũng chưa nghỉ mà mãi cho đến tận khi chính phủ Trung Quốc công khai xin lỗi nhân dân ta.

Đây chắc chắn không phải là điều hoang tưởng mà là việc có thể thực hiện được, nó chỉ phụ thuộc quyết tâm và sức mạnh của chúng ta mà thôi và vì vậy nó đòi hỏi sự kiên trì. Cũng như việc lấy lại Trường Sa và Hoàng Sa và tất cả những vùng đất biên giới bị phía Trung Quốc liên tục và âm ỉ lấn chiếm dần dần trong suốt bao nhiêu năm kể từ năm 1974 đến bây giờ.

Xin đề nghị báo mạng basam lập ngay danh sách để xin chữ ký trên mạng. Số người sẽ nhanh chóng tăng từ hàng trăm lên hàng ngàn và rồi hàng triệu ngay thôi. Tôi tin vào lòng tự tôn dân tộc của người Việt chúng ta.

____

Trả lời bác Ngụy Hữu Tâm: Cám ơn bác đã đưa ra đề nghị trang Ba Sàm lập danh sách xin chữ ký, nhưng công việc này có lẽ để cho các trang mạng khác thực hiện sẽ tốt hơn. Trang Ba Sàm chỉ có một mình cháu làm, nếu làm theo đề nghị của bác, chỉ có thể đóng trang Ba Sàm, không đăng bài mỗi ngày, ngưng tiếp nhận thông tin từ độc giả, mới có đủ thời gian làm.

Kính,

Ngọc Thu

Một bình luận trước “7064. Suy nghĩ nhân ngày tưởng niệm cuộc chiến biên giới”

  1. […] 7064. Suy nghĩ nhân ngày tưởng niệm cuộc chiến biên giới […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: