BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

6682. MỤC TIÊU TIẾN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CÁCH THỨC TIẾN HÀNH Ở VIỆT NAM – MỘT MÂU THUẪN KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT

Posted by adminbasam trên 23/01/2016

Nguyễn Văn Tuấn

23-1-2016

Đảng cộng sản Việt nam đang tiến hành Đại hội lần thứ 12. Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội 12 vẫn kiên trì con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt nam. Bài viết ngắn này xin chỉ ra mâu thuẫn về lý luận giữa mục tiêu tiến lên CNXH ở Việt nam và cách thức tiến hành – một mâu thuẫn không thể giải quyết.

Theo lý luận của Karl Marx, CNXH bao gồm nhiều đặc điểm nhưng điểm cốt lõi là một xã hội được dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.

Trong phần IV (Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường XHCN), mục 2 (Phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN) của Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội 12 có nêu: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh…”.

Trong nội dung nêu trên chứa đựng hai mâu thuẫn: một mâu thuẫn nội tại và một mâu thuẫn với mục tiêu tiến lên CNXH ở Việt nam.

I. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước:

Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước chỉ có thể có được từ khả năng:

1. Do lịch sử để lại, kinh tế nhà nước tiếp tục phát huy hiệu quả và giữ vững vai trò chủ đạo trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác:

– Ở Việt nam do lịch sử để lại nên hiện nay vẫn có một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động có hiệu quả, có lãi. Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp này đang hoạt động có hiệu quả là dựa trên sự ưu đãi của Nhà nước về tiếp cận nguồn lực, tài nguyên, vốn và có hơi hướng độc quyền (như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp cao su…). Những DNNN hoạt động có hiệu quả mà không hoặc ít dựa vào vị thế trên không nhiều như Vinamilk, Viettel. Còn lại đa số các DNNN hoạt động thua lỗ hoặc có lãi nhưng không hiệu quả so với nguồn lực được giao so với doanh nghiệp tư nhân. Hiệu quả của việc cổ phần hóa các DNNN là một minh chứng rõ ràng, không thể bàn cãi. Điều này là đương nhiên và không bao giờ thay đổi vì đối với DNNN thì người quản lý, điều hành không phải là người sở hữu doanh nghiệp do đó một mặt để giữ vững vị trí lãnh đạo họ vẫn có động cơ để điều hành hoạt động kinh doanh có lãi. Mặt khác do không phải là chủ sở hữu nên họ sẽ có động cơ trục lợi, tham nhũng từ quyền lực của mình bằng cách đẻ ra các doanh nghiệp sân sau, hình thành các nhóm lợi ích để chuyển phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước sang túi cá nhân. Những sai phạm về kinh tế tại Vinashin, Vinaline, Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… chứng minh cho nhận định này

– Trong điều kiện Việt nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới bằng việc ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do với các nước thì những ưu đãi của Nhà nước cho các DNNN sẽ bị giảm bớt và đi tới chấm dứt. Điều đó cho thấy các DNNN sẽ hoạt động với xu hướng ngày càng kém hiệu quả so với trước đây. Tất nhiên vẫn còn một số ít DNNN vẫn kinh doanh có lãi, giữ được vị thế nhất định nhưng xét cho cùng cũng không thể hiệu quả bằng việc cổ phần hóa các doanh nghiệp này.

Với những phân tích ở trên có thể khẳng định trong điều kiện Việt nam hội nhập kinh tế thế giới, Nhà nước không thể tiếp tục duy trì sự ưu đãi cho các DNNN. Trong điều kiện này kinh tế Nhà nước không thể trở thành chủ đạo, Nhà nước sẽ không trở thành ông chủ của các tư liệu sản xuất chủ yếu.

II. Vai trò của kinh tế tư nhân và mục tiêu tiến lên CNXH:

– Từ Đại hội lần thứ 6 (1986) đến nay, về mặt lý luận Đảng Cộng sản Việt nam luôn khẳng định không phân biệt giữa các thành phần kinh tế. Trên thực tế và theo xu hướng hội nhập quốc tế thì điều này là không thể đảo ngược. Do đặc tính tự nhiên xét ở góc độ người chủ sở hữu và góc độ kinh tế thì kinh tế tư nhân luôn hoạt động hiệu quả hơn so với kinh tế nhà nước. Do không còn sự phân biệt với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân sẽ ngày càng lớn mạnh. Theo thời gian, ở Việt nam dần dần sẽ hình thành nên các doanh nghiệp gia đình, các Tập đoàn kinh tế tư nhân có tài sản hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ USD. Điều này sẽ là hoàn toàn tự nhiên giống như ở các nước tư bản phát triển hoặc gần đây ở các nước phát triển tại Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Tại thời điểm này một số Tập đoàn tư nhân ở Việt nam đã có giá trị vốn hóa xấp xỉ 1 tỷ USD. Khi đó các tư liệu sản xuất chủ yếu của Việt nam sẽ thuộc sở hữu của tư nhân chứ không thuộc sở hữu toàn dân.

Đến lúc đó xã hội Việt nam sẽ nảy sinh mâu thuẫn không thể giải quyết: tiếp tục đi lên CNXH thì phải dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu trong khi thực tế những tư liệu sản xuất chủ yếu này lại đang thuộc sở hữu tư nhân (của cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước).

Đảng cộng sản Việt nam sẽ giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

Cách đây khoảng 15 năm, người viết bài viết này (từng được đào tạo lý luận về CNXH tại một trường kinh tế trong nước) đã đặt câu hỏi này trước khoảng gần 1000 học viên tham dự lớp cảm tình Đảng tại Hà nội cho vị Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Sau một hồi lúng túng, vị Giám đốc trả lời là: “Đến thời điểm đó sẽ tiến hành cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, sẽ quốc hữu hóa các tư liệu sản xuất chủ yếu từ sở hữu tư nhân về Nhà nước”. Sau khi vị Giám đốc này trả lời, cả hội trường cười ồ lên và người đặt câu hỏi thấy không còn gì để tranh luận nữa.

Mâu thuẫn giữa mục tiêu tiến lên CNXH – dựa trên chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu và con đường tiến hành ở Việt nam – các thành phần kinh tế được phát triển bình đẳng dẫn tới tư liệu sản xuất chủ yếu sẽ được tập trung vào tay tư nhân từ sự ưu việt về kinh tế của thành phần kinh tế này so với kinh tế nhà nước là mâu thuẫn không thể giải quyết về lý luận của Đảng cộng sản Việt nam.

Vậy 85,5 triệu người dân Việt nam (trừ 4,5 triệu đảng viên?) có thể tham gia trí tuệ để giúp Đảng cộng sản Việt nam giải quyết mâu thuẫn về lý luận này không?

Từ nhận thức của cá nhân, tôi thấy điều này là có thể với điều kiện Đảng cộng sản Việt nam phải cầu thị, biết lắng nghe. Quan điểm cá nhân của tôi như sau:

1. Giả định CNXH là có thực (có thể sau hàng trăm năm nữa như ông Nguyễn Phú Trọng đã nói). Vậy con đường đi lên CNXH ở Việt nam hiện nay đã phù hợp chưa?

– Như đã phân tích ở trên, nếu Việt nam phát triển nền kinh tế thị trường bình đẳng, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế thì sau một thời gian dài nữa ở Việt nam các tư liệu sản xuất chủ yếu sẽ thuộc sở hữu của tư nhân. Lúc đó chỉ còn một cách thức duy nhất để tiến lên CNXH là làm cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất tức là quốc hữu hóa các tư liệu sản xuất chủ yếu từ sở hữu tư nhân (của cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước) về sở hữu nhà nước.

Bản thân Karl Marx trước đây cũng cho rằng CNXH chỉ có thể thoát thai từ các nước tư bản phát triển nhất khi mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất không thể giải quyết. Sau này Lê Nin mới “sáng tạo” cho rằng các nước phong kiến có thể chuyển thẳng quá độ lên CNXH mà không cần qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế, sự ưu việt, hiệu quả về kinh tế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường so với kinh tế nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch, chỉ huy chứng minh lý luận này của Lê Nin là sai lầm.

Như vậy muốn tiến lên CNXH ở Việt nam điều kiện cần là phải xây dựng nền kinh tế tư bản tư nhân phát triển ở Việt nam đã. Muốn vậy chỉ cần học hỏi kinh nghiệm, cách thức tiến hành của các nền kinh tế tư bản phát triển như: vận hành đúng nền kinh tế thị trường, tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập… Việc Đảng cộng sản Việt nam trong giai đoạn này có tiếp tục giữ được sự lãnh đạo đất nước hay không tùy thuộc vào sự đổi mới về lý luận và thực tiễn của họ mà thôi.

2. Giả định CNXH không có thực, chỉ có trên lý thuyết, trong giấc mơ:

– Trong trường hợp này thì đưa Việt nam phát triển thành nước tư bản dân chủ là con đường duy nhất đúng đắn.

Tóm lại trong bất cứ trường hợp giả định nào thì con đường đi lên CNXH ở Việt nam cũng cần thông qua việc xây dựng một nền kinh tế tư bản dân chủ phát triển. Việc còn lại hãy để thế hệ sau của chúng ta quyết định!

Việt nam, ngày 23/1/2016

Một bình luận to “6682. MỤC TIÊU TIẾN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CÁCH THỨC TIẾN HÀNH Ở VIỆT NAM – MỘT MÂU THUẪN KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT”

  1. […] […]

Sorry, the comment form is closed at this time.