FB Trương Nhân Tuấn
30-9-2015
Vấn đề Biển Đông hôm nay, tôi bi quan nhận định rằng « định mạng của Việt Nam đã được an bài ».
Chủ trương của tôi từ hai thập niên nay vẫn không thay đổi, đó là VN cần đặt nặng vấn đề « chủ quyền biển đảo » lên trên các vấn đề như « an ninh khu vực » hay « tự do hàng hải ».
Dĩ nhiên, đối với các cường quốc như Mỹ, Nhật, các nước Tây Âu… quan trọng đối với họ là an ninh khu vực và tự do hàng hải. Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về ai các nước này sẽ không quan tâm. Điều làm họ quan ngại là an ninh khu vực bị đe dọa khiến các hoạt động kinh tế của họ ở các nước trong khu vực bị đình trệ. Hoặc là quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bị đe dọa khiến tàu bè chở dầu khí và hàng hóa của họ bị cản trở.
Nhưng đối với VN, điều quan trọng hơn hết là chủ quyền biển đảo. An ninh khu vực hay tự do hàng hải cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng chủ quyền HS và TS.
Vấn đề là làm thế nào khai thác các vấn đề « an ninh khu vực » và « tự do hàng hải » của các cường quốc để phục vụ cho « chủ quyền biển đảo » của VN ?
Hay hay dở của lãnh đạo VN là ở điểm này.
Đến nay kết quả cho thấy lãnh đạo VN đã thất bại thê thảm.
Hành vi xây dựng các đảo nhân tạo (trên các bãi cạn, bãi chìm, bãi nửa nổi nửa chìm) của TQ hiện nay hiển nhiên trực tiếp đe dọa chủ quyền lãnh thổ của VN. Các phi trường và các cơ sở đang được TQ ráo riết xây dựng hiển nhiên nhằm mục tiêu quân sự mà điều này trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ VN.
Hành vi của TQ đã làm thay đổi hiện trạng, trong chừng mực cũng đe dọa an ninh khu vực và quyền tự do hàng hải của các nước khác.
Mỹ cũng như một số nước có quyền lợi ở Biển Đông lên tiếng phản đối.
Thực tế thì vừa qua, khi Tập Cận Bình dẫn bầu đoàn thê tử sang Mỹ, trút hầu bao đổ tiền ra, sau đó lên tiếng cam kết bảo đảm quyền lợi cho các nước này. Mọi người lòa mắt, chỉ thấy tiền và quyền lợi của mình được bảo đảm. Còn luật quốc tế bị vi phạm, hay toàn vẹn lãnh thổ của VN bị xâm phạm, đều trở thành chuyện bên lề.
Thất bại của VN, theo tôi, là VN có nhiều « quân sư » thuyết phục rằng VN cần đặt trọng tâm ở vấn đề an ninh và tự do hàng hải hơn là vấn đề chủ quyền (như ông Ngô Vĩnh Long trên các bài phỏng vấn ở RFI hay VOA vừa rồi). Ngoài ra, không thể gạt bỏ giả thuyết tư tưởng Mỵ Châu đã ngập tràn trong đầu óc của quí vị lãnh đạo VN.
Bấy lâu nay VN đã đặt nặng vấn đề an ninh khu vực và tự do hàng hải (lên trên vấn đề chủ quyền). Đó cũng là mặt khác của đồng tiền « đi dây » giữa Mỹ và TQ. Đây là một điều mà nhiều lần tôi cho là sai lầm.
Sai lầm ở đây là đã vội vã kết luận rằng TQ và Mỹ có mâu thuẩn về quyền lợi ở Biển Đông. Lãnh đạo VN (và các quân sư quạt mo) nghĩ rằng họ có thể khai thác sự mâu thuẩn này để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.
Điều này hoàn toàn sai. TQ và Hoa Kỳ không (hay chưa) có mâu thuẩn về quyền lợi mà họ chỉ có các quan điểm khác nhau ở Biển Đông về cách diễn giải bộ Luật Biển 1982. (Có thể về lâu dài hai nước này có thể có những mâu thuẩn về chiến lưọc.)
Nếu đặt một đầu dây là mâu thuẩn chiến lược, đầu kia là sự bành trướng của TQ, thì sợi dây này vừa không căng thẳng, vừa không quân bình. Mâu thuẩn chiến lược chưa rõ nét (nếu không nói là chưa hiện hữu). Còn sự bành trướng của TQ vẫn còn nằm tranh cãi, tùy theo việc diễn giải bộ Luật Biển 1982.
Đặt sai mục tiêu chiến lược dĩ nhiên VN sẽ gặt hái sai lầm chiến lược. Chủ quyền biển đảo của VN không có một ưu tiên nào trong bất kỳ các quan hệ quốc tế, giữa những nước lớn.
Học giả VN, cũng như dư luận VN, thường tỏ ra mừng rỡ mỗi khi đọc một bài báo của học giả Mỹ tố các TQ bành trướng ở Biển Đông. Thì tôi cũng mừng, nếu tác giả các bài viết này không bị VN « mua chuộc » (như một bài viết mới đây tố cáo VN trả tiền cho CSIS để học giả ở đây viết bài), vì ít ra lương tâm nhân loại không bị câm, mù và điếc (như trong cuộc chiến VN 54-75). Nhưng đó lý ra chỉ là một mặt của đồng tiền. Mặt kia, chủ quyền biển đảo của VN, thì hầu như không thấy ai nhắc đến.
Mới đây, khi quốc hội Nhật thông qua luật cho phép lực lượng tự vệ của nước này được phép tham dự chiến tranh để ủng hộ đồng minh, các học giả VN cũng rất vui mừng. Báo chí VN đăng rộ tin tức này, làm như TQ sắp bị « bó rọ » tới nơi rồi ! Luật này bị không ít dân chúng Nhật chống đối.
Một sự thật ít người nhắc tới là Nhật và Nga hiện nay vẫn còn tranh chấp các đảo Kurilles (mà Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc) và hai nước này vẫn chưa ký kết hiệp định hòa bình.
Hành vi Nhật thông qua luật về chiến tranh, có thể để trả đũa các hành vi xây dựng và củng cố các cơ sở quân sự trên các đảo Kourilles mới đây của Nga. Vì vậy lạc quan về việc Nhật sẽ đứng về VN trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông là hơi vội.
Ta cũng chưa bao giờ nghe từ miệng của các lãnh đạo VN một lời khẳng định chủ quyền vững chắc.
Mạnh mẽ nhứt, phải nói là lời của ông Trương Tấn Sang mới phát biểu hôm qua, nhân trả lời phỏng vấn báo chí. Điều mà mọi người cần nghe ông nói, rõ ràng và cụ thể : thách thức TQ giải quyết tranh chấp chủ quyền trước một trọng tài quốc tế, thì không thấy nói.
Người Pháp, trong thời kỳ bảo hộ VN, đã hai lần lên tiếng thách thức TQ giải quyết chủ quyền Hoàng Sa bằng trọng tài quốc tế. Cả hai lần TQ đều im lặng. Dĩ nhiên TQ không dám đưa vấn đề tranh chấp ra tòa, đơn giản vì họ sợ thua.
Ông Trương Tấn Sang cũng chỉ nói gần nói xa, không có giá trị pháp lý. Người ta cần ông nói một lời chính xác, thẳng thắn, thì ông không (dám) nói.
Ông Sang cũng mong muốn Mỹ cởi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng. Điều này tuy cần thiết nhưng nó cần phải gắn liền với một hiệp ước chiến lược. Cuộc chiến Argentine và Anh vào thập niên 80 về quần đảo Malouines (Falkland) cho ta thấy tầm quan trọng của vũ khí sát thuơng. Nếu Pháp không thình lình ngưng giao vũ khí cho Argentine thì Anh không thể thắng cuộc chiến.
Mặt khác, nên quan niệm vũ khí với một giá trị răn đe, hơn là việc sử dụng vũ khí. Để đạt được việc này VN cũng cần đến những hợp tác chiến lược (với Hoa Kỳ) chớ không phải khư khư quan niệm « không hợp tác với bên nào để chống bên nào ».
Thật là tội nghiệp (và đáng trách) biết bao nhiêu. Hợp tác với một cường quốc để bảo vệ là điều thuợng sách hơn mọi thứ lý thuyết càn dở hiện nay.
Điều kiện để VN có thể trở thành « đồng minh chiến lược » vởi Hoa Kỳ xem ra thật là đơn giản. Vấn đề là VN cần phải thay đổi chế độ như thế nào ? xây dựng nhà nước pháp trị ra sao ? và quan niệm của VN về nhân quyền có phù hợp với quần chúng Hoa Kỳ và thế giới hay chưa ?
Tức là, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lại trở thành các vấn đề thuộc thể chế chính trị. Mà các quyết định thay đổi thể chế chính trị thì nằm trọn vẹn trong tay đảng CSVN.
Thích bài này:
Thích Đang tải...