BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

5237. Đại học Hàn Quốc, Singapore tăng hạng: Có đóng góp của người Việt

Posted by adminbasam trên 27/09/2015

GS Nguyễn Văn Tuấn

27-9-2015

Nhìn bảng xếp hạng đại học toàn cầu của QS, và sự tăng hạng của các đại học của Hàn Quốc, Singapore, và sự trống vắng của các đại học Việt Nam, bất cứ ai quan tâm đến vấn đề cũng có chút … chạnh lòng. Tôi nghĩ người Việt chúng ta đã đóng góp một phần cho sự thăng tiếng của các đại học 2 nước về kể.

Ở các trường danh giá của Singapore, tôi thấy có nhiều người Việt mình. Ba năm trước tôi ghé Singapore làm việc, và có dịp trò chuyện cùng các bạn trong NUS, thì mới biết có khá nhiều (con số hơn chục người cấp tiến sĩ) người Việt mình qua đầu quân cho NUS. Chưa kế con số ở Nanyang cũng khá nhiều. Một số là Việt kiều từ các nước phương Tây về lập lab, một số thì “tị nạn khoa học” từ Việt Nam sang. Tôi nghe nói NUS trả lương cho người nước ngoài cao hơn người trong nước, chẳng biết thực hư ra sao.

Chẳng những người Việt qua Singapore tị nạn khoa học hay đầu quân, mà Singapore còn thu hút học sinh giỏi của VN. Hôm về quê, tôi thấy NUS còn có chiến dịch vào tận tỉnh lẻ để thu hút học sinh giỏi Việt Nam qua cho học bổng. Tôi còn nhớ tấm biểu ngữ khổng lồ ở Rạch Giá viết là “Đại học Quốc gia Singapore đã đến Rạch Giá!”. Chính tôi đã từng giúp một cháu, là con của một người bạn ở Rạch Giá, phỏng vấn cho nó đi Singapore.

Singapore dĩ nhiên không phải là nước thu hút nhân tài Việt Nam, mà Hàn Quốc còn cạnh tranh hơn nữa. Năm ngoái trong một chuyến công tác ở Hàn Quốc, tôi có cơ duyên gặp vài bạn nghiên cứu sinh bên đó cũng tham gia hội nghị. Người xa xứ gặp nhau nơi đất khách rất dễ làm quen, và thế là chúng tôi có một buổi trò chuyện trong đêm dạ tiệc và sau đó ở nhà hàng do tôi thiết đãi (nghiên cứu sinh nghèo rớt mồng tơi, tiền đâu mà đãi). Tôi ngạc nhiên khi biết con số sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt trên đất Hàn cả ngàn người.

Các nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc làm việc như “trâu”. Nghe các em kể thì môi trường làm việc cực nhọc chẳng khác gì bên Mĩ, nhưng thoải mái hơn bên Úc. Em kia kể là ở trường em (hình như là Postech), nghiên cứu sinh làm việc từ sáng đến 9-10 giờ đêm là bình thường. Thầy cô cũng thế, chứ chẳng riêng gì trò. Thầy cô toàn từ Mĩ về, và họ rập khuôn Mĩ. Họ cạnh tranh kinh khủng trong công bố quốc tế. Văn hoá “Publish or Perish” ở Hàn Quốc là một thực tế. Không có công bố quốc tế là không cho bảo vệ luận án. Mà, không chỉ công bố linh tinh, phải công bố trên tập san đàng hoàng. Có 1 trường hợp bi thảm, khi một nghiên cứu sinh người HQ chịu không nổi đành tự mình tìm đến cái chết.

Hãy xem qua công bố quốc tế của Singapore, Hàn Quốc và vài nước ASEAN để biết họ ở đâu và ta ở đâu. Số liệu dưới đây trình bày số bài báo trên các tập san trong danh mục ISI trong thời gian 2006-2010:

ĐHQG Singapore (NUS): 28972 bài;
ĐHQG Seoul (SNU): 27089;
UNSW (Úc): 21459;
ĐH Sydney: 26865;
ĐH Malaya: 6755;
ĐH Mahidol: 6217;
ĐHQG-HCM: 720.

Chỉ riêng trường NUS và SNU đã công bố gấp 40 lần trường ĐHQGHCM!

Công bố quốc tế đóng vai trò quan trọng trong bảng xếp hạng. Con số bài báo khoa học có trọng số 60% trong thứ hạng đại học của QS. Trong những con số trên của SNU và NUS, chắc chắn có đóng góp của các nghiên cứu sinh Việt Nam. Tôi không biết mức độ đóng góp là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là có đóng góp. Nếu hai trường đó có 500 nghiên cứu sinh VN, và mỗi em đóng góp 3 bài trong thời gian 2006-2010, thì con số là ~1500 bài. Dù con số đó vẫn chưa đủ để nâng cao VN lên bảng “Top 100”, nhưng nhiều người như thế thì tiềm năng là khá cao.

Dĩ nhiên, các bạn có thể phản bác là dù ở ngoài thì người VN có đóng góp như thế, nhưng về đến VN thì sẽ “tịt ngòi”. Đúng là chuyện đó có thể xảy ra, vì môi trường VN quả là chưa lành mạnh cho khoa học. Tôi cũng đồng ý là có tình trạng đó. Nhưng kinh nghiệm cá nhân của tôi là trong cái khó và thiếu lành mạnh đó thì vẫn có nơi chào đón. Chẳng hạn như cá nhân tôi cũng đã đóng góp cho VN vài chục bài trong thời gian qua, và phần lớn là nhờ hợp tác với đồng nghiệp trong nước. Tôi biết có vài đại học mới như Duy Tân, TDTU, ĐHQT, v.v. sẽ chào đón các bạn. Nếu như mai mốt các bạn tốt nghiệp và có công bố quốc tế tốt trong di truyền học thì tôi rất muốn chào đón về lab tôi ở Việt Nam. Sau một thời làm thuê cho người ở ngoài, thì cũng nên nghĩ đến ngày về làm “thuê” cho VN. Chỉ có thế thì may ra VN mới có cơ may có tên tuổi trong bảng “Top 100” của QS.

TB: Tôi còn biết là Mã Lai và Thái Lan đang có kế hoạch biến vài đại học của họ thành World Class, và họ nhắm đến Việt Nam để thu hút nhân tài. Họ thừa biết VN trả lương bèo, nên họ có lợi thế thu hút người giỏi từ VN. Một ông giáo sư của Malaya (trước kia là bộ trưởng Bộ giáo dục Mã Lai) nói như thế với tôi trong một hội nghị.

3 bình luận trước “5237. Đại học Hàn Quốc, Singapore tăng hạng: Có đóng góp của người Việt”

  1. […] 5237. Đại học Hàn Quốc, Singapore tăng hạng: Có đóng góp của người Việt […]

  2. […] Nguyễn Văn Tuấn☆(Basam) – Sáng nay 27 tôi đọc bảng xếp hạng đại học của QS mới công bố (1), […]

  3. […] https://anhbasam.wordpress.com/2015/09/27/5237-dai-hoc-han-quoc-singapore-tang-hang-co-dong-gop-cua-… […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: