BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

5173. Tiến Phong, bổ nhiệm và đề bạt… giáo sư

Posted by adminbasam trên 22/09/2015

Tôi không hiểu nổi là tại sao Việt Nam không thể làm như Mĩ hay như Úc? Tôi nghĩ không ra lí do, ngoại trừ tính bảo thủ và cố chấp của những người muốn tạo ra những đặc quyền theo mô hình “nhóm lợi ích”.

___

GS Nguyễn Văn Tuấn

22-9-2015

Tiếp tục câu chuyện bổ nhiệm giáo sư, dạo một vòng báo chí hôm nay, tôi thấy có vài ý kiến trong báo Nhân Dân (1) và Vietnamnet (2) có vài điều cần thảo luận thêm. Những điều này xoay quanh chuyện phân biệt tiến phong và bổ nhiệm, hiểu lầm về số giáo sư trong mỗi bộ môn, và quan niệm “rừng nào cọp nấy” …

Tiến phong, bổ nhiệm, và đề bạt

Ý kiến 1: Báo Nhân Dân (1) trích dẫn ý kiến của một giáo sư cho rằng ở nước ngoài “Không phải cứ đủ trình độ là phong GS. Dù có giỏi mấy mà trường không có vị trí GS thì cũng không được phong. Thí dụ, một ngành nào đó chỉ cần hai GS thì ai đó có giỏi đến mấy cũng không thể được phong GS thứ ba.”

Bình luận 1: Đây là một phát biểu không đúng, ít ra là ở những nơi tôi biết. Một department hay bộ môn có thể có nhiều giáo sư, chứ không phải chỉ một hay hai người. Chẳng hạn như bộ môn physiology của ĐH Sydney có 8 giáo sư (full professor)! Đó là chuyện rất bình thường. Những người đã đủ tiêu chuẩn học thuật và đáp ứng tiêu chuẩn khác thì họ nộp hồ sơ lên hội đồng học thuật để được xét duyệt đề bạt lên chức giáo sư. Còn bổ nhiệm người từ ngoài vào chức vụ giáo sư thì khác, vì cần phải có ngân sách.

Cần nói thêm rằng các đại học như ở Úc, Mĩ, hay Tây phương nói chung, không có “tiến phong” (confer) chức danh giáo sư, mà là bổ nhiệm (appoint) và đề bạt (promote). Do đó, nói trường đại học nước ngoài “phong” chức danh giáo sư là sai từ bản chất.

Ý kiến 2: Bài báo trên Vietnamnet (2) trích dẫn phát biểu của một vị tiến sĩ giám đốc một trung tâm nghiên cứu về giáo dục có đoạn nói “Hầu hết các nước tiên tiến việc tuyển dụng các chức danh GS, PGS đều thực hiện theo cách công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học và các ứng viên từ khắp nơi đều có thể nộp hồ sơ dự thi miễn là phù hợp với các tiêu chuẩn đã nêu ra.”

Bình luận 2: Phát biểu này chỉ đúng một chút thôi. Cần phải phân biệt giữa tuyển dụng mới và đề bạt. Bổ nhiệm thì có thể từ người trong trường hay ngoài trường đều có thể nộp hồ sơ. Còn đề bạt là trường hợp những người của trường cảm thấy đã đạt tiêu chuẩn của một bậc giáo sư cao hơn thì họ nộp hồ sơ. Nhưng dù là bổ nhiệm hay đề bạt thì vẫn sử dụng một qui trình và một bộ tiêu chuẩn.

Về tuyển dụng hay bổ nhiệm giáo sư mới, các đại học nước ngoài, cụ thể là ở Mĩ là tiêu biểu, có thể tuyển dụng giáo sư qua quảng cáo trên các tập san khoa học chuyên ngành hay báo chí đại chúng. Nhưng ứng viên giáo sư KHÔNG CÓ DỰ THI. Người ta chỉ xét duyệt và bổ nhiệm dựa vào tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, thành tích khoa học của ứng viên, chứ không có thi.

Chẳng hạn như chỗ tôi, khi Viện muốn bổ nhiệm một giáo sư viện trưởng mới, họ quảng cáo khắp nơi, và sau đó là lựa chọn ứng viên để thẩm định. Trong qui trình thẩm định, ứng viên phải trình bày một bài thuyết trình trước toàn viện về viễn kiến và cách tiếp cận để đưa viện lên một tầm cao hơn. Sau đó, ứng viên sẽ tiếp kiến với tất cả giáo sư của Viện đề “hiểu biết nhau” (đó là một hình thức phỏng vấn ứng viên).

Hiệu trưởng là thạc sĩ

Ý kiến 3: Bài báo trên Nhân Dân (1) trích lời của một giáo sư cho rằng “Nhất là hiện tượng có hiệu trưởng chỉ có trình độ thạc sĩ hoặc không phải GS, PGS mà lại ra quyết định việc phong GS là điều khó chấp nhận”.

Bình luận 3: Tôi không rõ hiệu trưởng trường đại học nào ở Việt Nam “chỉ có trình độ thạc sĩ”. Nhưng tôi biết ở UNSW (Úc) hiệu trưởng cũ có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, và ông ấy kí giấy phê chuẩn chức vụ giáo sư cho nhiều người, trong đó có tôi. Điều đó nói lên rằng hiệu trưởng đại học, bất cứ có bằng cấp gì, ra quyết định dựa trên đề nghị của hội đồng học thuật. Đó chính là lí do tôi nói cái qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn làm nên cái chính danh của giáo sư.

“Rừng nào cọp nấy”!

Ý kiến 4: Trong bài báo trên Vietnamnet, vị tiến sĩ nói rằng trường đại học phải tuân thủ theo luật chơi địa phương. Ông nói “Thật ra, anh đang ở môi trường nào phải hoạt động theo cách của môi trường đó. Một trường đại học Nhật không thể bảo với chính phủ Nhật rằng tôi sẽ bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo kiểu Úc. Cũng như không thể ở Việt Nam bảo tôi làm theo kiểu của Mỹ.” Tôi thấy đây là một phát biểu phản ảnh tầm nhìn của cá nhân thì đúng hơn.

Bình luận 4: Giáo dục đại học và khoa học mang tính quốc tế. Cái bằng tiến sĩ là một hộ chiếu để làm nghiên cứu, do đó người ta đòi hỏi người có bằng đó phải biết làm nghiên cứu khoa học, bất cứ người đó xuất phát từ đâu. Tương tự, một cách lí tưởng, giáo sư là phải xứng đáng với cái chức vụ đó qua các tiêu chuẩn về học thuật và đóng góp cho chuyên ngành và xã hội. Thật là xấu hổ khi nói “Tôi là giáo sư của Việt Nam, và giáo sư của Việt Nam không cần giảng dạy, chẳng cần nghiên cứu, vì luật của xứ tôi là thế”. Cũng rất là sai lầm để nói rằng Nhật không bổ nhiệm chức danh giáo sư như Mĩ; thật ra, Nhật làm y chang như Mĩ. Chẳng riêng gì Nhật, mà các nước khác như Đài Loan, Hồng Kong, Hàn Quốc, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, Saudi Arabia, v.v. đều làm như Mĩ và Úc.

Nhiều nước áp dụng mô hình Việt Nam

Ý kiến 5: Thật thú vị, dù có ý kiến “rừng nào cọp nấy”, nhưng lại có ý kiến cho rằng “Ở nhiều nước cũng áp dụng như Việt Nam” (2).

Bình luận 5: Rất tiếc là người phát biểu không nói rõ nước nào đang áp dụng qui trình của Việt Nam. Tôi lại nghĩ Việt Nam bắt chước qui trình của nước khác, nhưng bắt chước không đúng cách.

Có người biện minh rằng cách làm của VN hiện nay là theo mô hình của Pháp, nhưng tôi rất ngờ ý kiến này. Theo tôi biết ở Pháp người ta có cái Uỷ ban đại học quốc gia (Comité National d’Université — CNU) phụ trách việc xét duyệt hồ sơ của ứng viên và công nhận đủ hay không đủ chuẩn giáo sư, chứ không có “phong”. Chỉ có các đại học mới có quyền quyết định bổ nhiệm giáo sư (dựa trên hồ sơ và phỏng vấn). Do đó, qui trình của VN không phải theo Pháp, và cũng chẳng theo Mĩ, mà rất … Việt Nam.

***

Tóm lại, tôi nghĩ cái qui trình tiến phong giáo sư theo kiểu tập trung có quá nhiều vấn đề và bất cập. Rất nhiều người đã chỉ ra sự bất cập. Gs Hoàng Tuỵ nói thẳng là những người soạn những qui định này “chẳng hiểu gì về giáo dục đại học tiên tiến cả” (3). Chức vụ giáo sư là gắn liền với giảng dạy và nghiên cứu của một đại học, nên trao cho đại học quyền bổ nhiệm giáo sư. Bộ GDĐT chỉ quản lí qui trình bổ nhiệm, và thông qua những tiêu chuẩn tối thiểu.

Tôi không hiểu nổi là tại sao Việt Nam không thể làm như Mĩ hay như Úc? Tôi nghĩ không ra lí do, ngoại trừ tính bảo thủ và cố chấp của những người muốn tạo ra những đặc quyền theo mô hình “nhóm lợi ích”.

___

(1) Cần thực hiện đúng quy định phong giáo sư, phó giáo sư (ND).

(2) GS, PGS không là chữ ai cũng “đeo” được lên người (VNN).

(3) GS Hoàng Tụy: Giáo sư không phải ‘giá trị quốc gia’ (VNN).

___

Mời xem lại: Thử giải đáp những ngộ nhận về đại học bổ nhiệm giáo sư (Nguyễn Văn Tuấn/ BS).

7 bình luận trước “5173. Tiến Phong, bổ nhiệm và đề bạt… giáo sư”

  1. […] Tiến Phong, bổ nhiệm và đề bạt… giáo sư(NVT/ BS) […]

  2. […] Thử giải đáp những ngộ nhận về đại học bổ nhiệm giáo sư (NVT/ BS). – Tiến Phong, bổ nhiệm và đề bạt… giáo sư (NVT/ BS). – Cần đào thải những giáo sư, tiến sỹ “nằm vùng” (NVT/ VNN/ BS). […]

  3. […] Thử giải đáp những ngộ nhận về đại học bổ nhiệm giáo sư (NVT/ BS). – Tiến Phong, bổ nhiệm và đề bạt… giáo sư (NVT/ BS). – Cần đào thải những giáo sư, tiến sỹ “nằm vùng” (NVT/ VNN/ BS). […]

  4. […] Thử giải đáp những ngộ nhận về đại học bổ nhiệm giáo sư (NVT/ BS). – Tiến Phong, bổ nhiệm và đề bạt… giáo sư (NVT/ BS). – Cần đào thải những giáo sư, tiến sỹ “nằm vùng” (NVT/ VNN/ BS). […]

  5. […] 5173. Tiến Phong, bổ nhiệm và đề bạt… giáo sư […]

  6. […] Nguyễn Văn Tuấn☆(Basam) – Tôi không hiểu nổi là tại sao Việt Nam không thể làm như Mĩ hay như Úc? […]

  7. […] https://anhbasam.wordpress.com/2015/09/22/5173/#more-152575 […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: