BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

5125. “Ông không phải là giáo sư của Việt Nam”

Posted by adminbasam trên 17/09/2015

Nguyễn Văn Tuấn

17-9-2015

H1Sáng nay, nhận được một email của một bạn đọc, với lời lẽ có vẻ giận dữ. Đại khái email nói rằng tôi không phải là người ở trong nước, không được bàn chuyện khoa học ở trong nước, rồi kết thúc bằng câu “Ông không phải là giáo sư của Việt Nam. Ông không được xưng là giáo sư ở Việt Nam.” Lá thư còn nói rằng nếu tôi muốn được công nhận là giáo sư của Việt Nam thì phải làm hồ sơ để được công nhận. Ý này có vẻ hay đây, nhưng …

tôi nghĩ vị độc giả này chắc nhầm lẫn hay sao ấy. Tôi chưa bao giờ xưng tôi là giáo sư ở Việt Nam. Khi viết báo thì ban biên tập họ thêm “râu ria” cho tôi, chứ tôi không bao giờ viết gì trước tên mình. Ngay cả trong những bài nói chuyện trong hội nghị ở trong nước, tôi vẫn ghi rõ nơi làm việc ở ngoài này, chứ có ghi gì ở VN đâu (dù tôi có tư cách đó). Tôi cũng chưa bao giờ viết trên blog mà ghi danh xưng của tôi, vì tôi nghĩ nó không cần thiết và danh xưng làm mất tính thân mật với bạn đọc. Còn xin chức danh giáo sư của Việt Nam thì tôi không bao giờ xin, vì không bao giờ cần đến. Không bao giờ.

Sáng nay cũng nhận được cái giấy “chứng chỉ” này (xem hình) thấy vui vui. Số là tôi trở thành “academic editor” của PLoS ONE từ 2013 (chứ không phải 2014 như tờ giấy này ghi sai), vì tôi ủng hộ phong trào Open Acces (OA). Cần nói thêm là PLoS ONE là tập san khoa học lớn nhất hiện nay trên thế giới, mỗi năm công bố hơn 30,000 bài báo khoa học thuộc tất cả các lĩnh vực. Nói chung là tập san đa ngành, và mô hình này sau này được Nature, Springer, Elsevier, v.v. bắt chước. PLoS ONE có hàng trăm editor như tôi. Tôi vui vì đóng góp được cho họ và cho phong trào OA. Nhưng tôi không ngờ việc làm đó mà cũng có … chứng chỉ!

Sau 2 năm làm việc với họ, tôi học được và gặp rất nhiều người trên thế giới. Hồi xưa và đến nay, tôi ngồi trong ban biên tập của các tập san “chính thống” như Journal of Bone and Mineral Research, Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Osteoporosis International, Bone, v.v. thì toàn gặp những đồng nghiệp trong ngành và hội (nói chung là “bộ lạc”). Nhưng khi làm với PLoS ONE, tôi “gặp” rất nhiều người ngoài bộ lạc, khắp 5 châu 4 biển. Nhiều nhất vẫn là các bạn bên Mĩ, kế đến là Á châu, đặc biệt là Tàu.

Mỗi tháng, tôi phụ trách biên tập cho khoảng 1-2 bài báo, và tỉ lệ từ chối của tôi là khoảng 60% (theo PLoS ONE họ thống kê). Rất nhiều bài từ Tàu tôi từ chối thẳng ngay từ giai đoạn đầu, không gửi ra bình duyệt, vì kém quá. Lí do tôi từ chối là chủ yếu do ý tưởng “me too” nhiều quá, và phương pháp dở. Rất nhiều bài báo của Tàu trong lĩnh vực xương và nội tiết họ gửi cho tôi là phân tích tổng hợp (meta-analysis), mà họ làm rất dở, chưa nói đến việc lặp lại ý tưởng của người khác.

Có lần tôi gặp nạn vì mấy tác giả Tàu. Một bài báo về vitamin D tôi đã gửi cho đi bình duyệt, và sau thời gian gần 6 tháng qua lại, bài báo được chấp nhận cho công bố. Mới công bố online chưa đầy 1 tuần, tôi nhận được một email từ một giáo sư có tiếng bên Hồng Kong báo cho biết là bài báo đó cũng mới được công bố trên một tập san về surgery (in giấy) ở Mĩ. Khi in ra và xem lại thì 2 bài báo Y CHANG nhau về nội dung và số liệu, hình ảnh, biểu đồ, nhưng hai nhóm tác giả hoàn toàn khác nhau! Nơi làm nghiên cứu là hai bệnh viện cũng khác nhau. Tôi tá hoả, liên lạc tác giả thì họ quả quyết là của họ là thật, còn cái nhóm công bố trên tập san surgery là dỏm, ăn cắp. Còn tổng biên tập của tập san Surgery liên lạc tôi nói là nhóm tác giả bên PLoS ONE là tác giả ma, không có thật. Phải sau gần 6 tháng điều tra thì mới biết là cái nghiên cứu đó do một công ti chuyên viết mướn, và họ bán bản thảo cho 2 nhóm nghiên cứu khác nhau để lấy tiền. Phải nói là người Tàu thời XHCN có những chiêu trò mà người thường không nghĩ ra được. Dĩ nhiên, cả hai bài đều phải rút xuống trong im lặng, vì sợ báo chí làm lớn chuyện.

Trong thời gian làm biên tập cho PLoS ONE, tôi chưa gặp bài nào từ Việt Nam. Nếu các bạn có những bài liên quan đến cơ, xương và endo, thì các bạn có thể nộp cho PLoS ONE, và đề nghị tôi làm editor cho bài báo (tôi phụ trách cái mảng đó). PLoS ONE không lấy tiền ấn phí của các tác giả Việt Nam, vì Việt Nam được xem là nước nghèo. Tôi dĩ nhiên chẳng dám hứa gì cả, nhưng ông bà mình có câu “Người mình với nhau, dễ nói hơn”. Đó cũng là một cách trả lời cho người độc giả nói rằng tôi không phải là giáo sư của Việt Nam nên không được bàn chuyện khoa học ở Việt Nam.

4 bình luận trước “5125. “Ông không phải là giáo sư của Việt Nam””

  1. […] 5125. “Ông không phải là giáo sư của Việt Nam” […]

  2. […] gửi đến tất cả những ai quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam 💧 “Ông không phải là giáo sư của Việt Nam” 💧 Để cuộc góp ý của toàn dân không như nước đổ đầu vịt 💧 Thanh tra […]

  3. […] 5125. “Ông không phải là giáo sư của Việt Nam” […]

  4. […] Văn Tuấn ☆(Basam) – Sáng nay, nhận được một email của một bạn đọc, với lời lẽ có vẻ […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: