BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

5019. Báo Việt Nam đả kích phóng viên bị tước thẻ hành nghề

Posted by adminbasam trên 08/09/2015

VOA

8-9-2015

Nhà báo Đỗ Hùng của tờ Thanh Niên điện tử bị cách chức, rút thẻ hành nghề vì "đụng chạm đến những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Nhà báo Đỗ Hùng của tờ Thanh Niên điện tử bị cách chức, rút thẻ hành nghề vì “đụng chạm đến những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Một tờ báo ở trong nước mới viết rằng việc nhà báo Đỗ Hùng của tờ Thanh Niên điện tử bị cách chức, rút thẻ hành nghề là “bài học cho kẻ ngông cuồng”, và là “quả báo” vì “đụng chạm đến những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Tờ Năng lượng mới (Petro Times) còn dẫn lời “nhiều người cho rằng, hình thức xử lý đó là xác đáng, là luật pháp đã được thực thi”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 4/9 đã ký quyết định thu hồi thẻ nhà báo đối với ông Đỗ Hùng, Phó Tổng thư ký tòa soạn điện tử báo Thanh Niên, một ngày sau khi báo này “triệu tập phiên họp khẩn” để miễn nhiệm chức vụ đối với ông.

Bộ hay được các phóng viên gọi là 4T cũng yêu cầu tờ báo có số người đọc thuộc loại lớn ở Việt Nam phải nộp lại thẻ của nhà báo này trước ngày 18/9.

Cả báo Thanh Niên cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông đều không nêu ra lý do cụ thể vì sao ông Hùng lại bị cách chức.

Trong bài viết đăng trên mục “Xã hội” hôm 8/9, tờ Năng lượng mới viết thêm rằng “Đỗ Hùng đã có nhiều lần sử dụng blog và mạng xã hội đăng tải những bài viết có nội dung sai trái, gây bức xúc trong cộng đồng suốt 2 năm qua”.

Tờ báo là cơ quan ngôn luận của ngành dầu khí Việt Nam còn sử dụng từ như “anh ta” hay gọi tên không chức danh để đề cập tới nhà báo Đỗ Hùng cùng với cách viết mang tính cáo buộc, một chiều, như thường thấy trong các thông tin về tội phạm mà công an Việt Nam từng phát cho báo chí.

Hiện trang Facebook cá nhân của ông Hùng không còn truy cập được, và VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với ông để xin phỏng vấn.

Các nhà báo ở trong nước nhận định với VOA Việt Ngữ rằng nhà báo này vấp phải “sự cố” trên sau khi đăng một đoạn viết trên trang Facebook nhân ngày Quốc khánh 2/9, trong đó có nhắc tới ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong khi nhiều người cho rằng đoạn viết ngắn sử dụng toàn dấu sắc có tính chất hài hước, một số người khác lại nghĩ rằng nó giễu cợt những đóng góp của hai nhân vật trên.

Đoạn đó là một trong 5 bài viết bị tờ Petro Times nêu lên, coi đó là “một phần nhỏ trong những hành vi sai trái, những nội dung xấu mà Hùng phát tán trên Internet”.

Tờ báo này viết thêm: “Hùng treo trên facebook của mình bài “Quốc khánh” với sự giễu cợt, đả kích, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cả ý nghĩa thiêng liêng của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9”.

Trong khi đó, blogger Đoan Trang, một người từng làm báo ở Việt Nam, viết trên trang Facebook cá nhân: “Không biết tuyên giáo và tòa soạn báo Thanh Niên căn cứ vào đâu để xử lý cách chức, thu hồi thẻ của một nhà báo đã viết một status hài hước trên facebook”.

Trong khi đó, nhiều phóng viên cũng đặt câu hỏi như blogger này, đồng thời bày tỏ lo ngại về nghề đầy rủi ro ở Việt Nam cũng như việc các nhà báo bị “vạ miệng” trên Facebook thời gian qua.

Một nhóm thậm chí còn lên tiếng vận động Bộ 4T trả lại thẻ nhà báo cho ông Hùng.

____

BBC

Ý kiến trái chiều về vụ nhà báo Đỗ Hùng

8-9-2015

Một tờ báo trong nước ‘lên án’ gay gắt nhà báo Đỗ Hùng, người vừa bị Bộ Truyền thông tước thu hồi thẻ hành nghề, và kết luận việc xử lý ông là ‘thỏa đáng và nhân văn’.

Hôm 8/9, trong bài ‘Cái giá phải trả của ông Đỗ Hùng’, báo Năng Lượng Mới (Petrotimes) viết:

“Nhiều người cho rằng, hình thức xử lý đó là xác đáng, là luật pháp đã được thực thi”, gieo gió gặt bão, “bài học cho kẻ ngông cuồng”. Thậm chí có người còn cho rằng, Hùng đã bị “quả báo” khi đụng chạm đến những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc như chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

‘Trượt dài trên vũng bùn chữ nghĩa đen tối’

Báo này cũng điểm lại những bài viết của ông Hùng trên Facebook được cho là ‘có nội dung sai trái, gây bức xúc trong cộng đồng suốt hai năm qua’ như:

Trong bài ‘Cờ vàng, cờ đỏ’, ông Hùng đã “phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, tuyên truyền quan điểm sai trái, không đúng với đường lối đối ngoại cũng như chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông, gây hại cho cộng đồng và cho quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Với bài ‘Chán như con gián’, ông Hùng “đã cố ý suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa khi viết: “Trong một nghị viện dân chủ thực sự, thật khó mà có một tỉ lệ phiếu 100% thuận, hoặc 100% chống. Trong khi đó, cái tỷ lệ này từng là một điều gì đó rất quen thuộc ở Việt Nam…”.

Petrotimes còn ‘ghi tội’ ông Hùng “tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngay từ những ngày đầu dù lẽ ra với vai trò là một nhà báo của một cơ quan ngôn luận, hơn ai hết, anh ta phải biết rõ sự thật của những đám ‘biểu tình’ đó là ai, có yêu nước thật không”.

Bài báo kết luận ông Hùng “đã vi phạm Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ các hành vi bị cấm trong sử dụng Internet và mạng xã hội, đồng thời vi phạm Luật Báo chí, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội nhà báo Việt Nam ban hành”.

“Một nhà báo mà không thực hiện nghĩa vụ nhà báo thì chắc chắn không xứng đáng đứng trong hàng ngũ”, Petro Times viết.

Nhà báo Nguyễn Trung Dân cho rằng 'người làm báo ở Việt Nam khó cất lên tiếng nói thật'. Photo: AFP

Nhà báo Nguyễn Trung Dân cho rằng ‘người làm báo ở Việt Nam khó cất lên tiếng nói thật’. Photo: AFP

Ý kiến nhà báo

Hôm 8/9, BBC Tiếng Việt đã liên hệ ông Thuận Hữu, người vừa tái đắc cử chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vào tháng trước, nhưng ông mau chóng dập máy khi nghe hỏi về vụ việc này.

Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt hôm 8/9, nhà báo Nguyễn Trung Dân, người từng công tác tại báo Thanh Niên, nơi ông Hùng bị mất chức, cho biết:

“Tôi thấy việc xử lý ông Hùng như vậy là không đúng pháp luật và vô lý. Việc ông Hùng viết status trên Facebook là chuyện cá nhân chứ không liên quan đến chuyện ông ấy làm nghề. Tôi không hiểu tại sao Bộ Truyền thông và báo Thanh Niên có thể xử lý ông Hùng lạ lùng và không coi pháp luật ra gì, dù báo chí luôn kêu gọi thượng tôn pháp luật”.

Ông Dân nói thêm rằng “chỉ khi nào tòa án buộc tội thì mới có thể nói ông Hùng phạm tội”.

Tuy vậy, cựu Phó Tổng biên tập báo Du Lịch cho rằng ở Việt Nam, một số trường hợp bị cáo buộc phạm luật như điều 258 là do ‘lỗi nhận định’ chứ không theo pháp luật.

Từ góc độ cá nhân, ông Dân không nghĩ status hôm 2/9 của ông Hùng là ‘nói xấu ông Hồ và ông Giáp’.

Ông Dân cũng chia sẻ: “Làm báo ở Việt Nam có cái khó là do chính quyền nuôi dưỡng và quản lý nên khi nhà báo muốn có tiếng nói trung thực thì không được chấp nhận. Do vậy, nếu nhà báo muốn dấn thân bảo vệ sự thật thì chỉ có cách tìm việc khác”.

“Trường hợp ông Hùng một khi đã bị thu hồi thẻ thì ông ấy không còn chọn lựa nào khác ngoài việc rời cuộc chơi và tìm nghề khác để nuôi gia đình”, ông Dân nói.

Hiện tại trang Facebook của ông Đỗ Hùng không còn truy cập được.

4 bình luận trước “5019. Báo Việt Nam đả kích phóng viên bị tước thẻ hành nghề”

  1. […] ngoài cuộc’ nói về vụ RFA cắt hợp đồng blogger Lê Diễn Đức (VOA/ BS). – Báo Việt Nam đả kích phóng viên bị tước thẻ hành nghề (VOA/ BS). – Tự do ngôn luận: những lời nói xúc phạm có tốt cho xã hội không? […]

  2. […] ngoài cuộc’ nói về vụ RFA cắt hợp đồng blogger Lê Diễn Đức (VOA/ BS). – Báo Việt Nam đả kích phóng viên bị tước thẻ hành nghề (VOA/ BS). – Tự do ngôn luận: những lời nói xúc phạm có tốt cho xã hội không? […]

  3. […] ngoài cuộc’ nói về vụ RFA cắt hợp đồng blogger Lê Diễn Đức (VOA/ BS). – Báo Việt Nam đả kích phóng viên bị tước thẻ hành nghề (VOA/ BS). – Tự do ngôn luận: những lời nói xúc phạm có tốt cho xã hội không? […]

  4. […] 5019. Báo Việt Nam đả kích phóng viên bị tước thẻ hành nghề […]

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: