Một Thế Giới
Nguyễn Thiện
09-08-2015
Bài Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng qua tự kiểm tra trên một tờ báo cho biết “theo báo cáo của thành phố Hà Nội về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị… dù đã được chỉ đạo, giao nhiệm vụ, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2015 chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”.
Trước đó, “theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014 được Ban cán sự đảng Bộ Công Thương công bố, với trên 1.500 cuộc tự kiểm tra theo kế hoạch mới chỉ phát hiện được 1 vụ vi phạm”, đó là vụ câu kết với người ngoài đơn vị trộm cắp than tại Công ty Than Hạ Long !
Chúng ta đã biết qua nhiều vụ án tham nhũng đã được xét xử thì bản chất của tham nhũng là hết sức ngoan cố, hầu hết những kẻ tham nhũng chỉ nhận tội với cơ quan điều tra hay với hội đồng xét xử trước những bằng chứng không thể nào chối cãi, chứ hiếm khi chúng tự giác khai báo cả. Vì thế, chuyện để các cơ quan, tổ chức tự kiểm tra xem có tham nhũng trong nội bộ của mình hay không là chuyện không thể, thậm chí ảo tưởng, nhất là khi người có điều kiện để có thể tham nhũng thường là người có chức có quyền tại đơn vị!
Hãy thử hình dung một vụ tự kiểm tra nội bộ công trình xây dựng – giao thông hoặc mua bán máy móc thiết bị thì sẽ thấy rõ. Khi tự kiểm tra nội bộ thì đơn vị thành lập một nhóm/ tổ kiểm tra và nhóm/tổ này chỉ có thể xem xét đại diện bên A ký hợp đồng thiết kế, hợp đồng thi công, mua bán máy móc thiết bị… có đủ tư cách pháp nhân không? Tư cách pháp nhân của bên B có hợp pháp không? Hai bên ký hợp đồng là do trúng thầu, chọn thầu hay chỉ định thầu? Việc ký kết có đúng …quy trình không? Nội dung hợp đồng có đầy đủ các điều khoản chủ yếu như số lượng mua bán, khối lượng xây dựng, chất lượng, tiến độ, giá cả, tổ chức giám sát, nghiêm thu, bảo hành…? Tức là chỉ kiểm tra các vấn đề có tính thủ tục, quy trình, tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ chứng từ chứ kiểm tra nội bộ thì không thể biết những gì diễn ra đằng sau các thủ tục, quy trình có vẻ hợp pháp đó, mà “đằng sau” mới có chuyện.
Với một công trình xây dựng – giao thông hoặc mua bán máy móc thiết bị chẳng hạn, thông thường có các thủ đoạn tham nhũng như sau: (1) Nâng giá nguyên vật liệu, thiết bị máy móc, như vụ nâng khống giá trị con tàu từ 100 triệu đồng lên 130 tỉ đồng do Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II cùng đồng phạm thực hiện. (2) Khai khống khối lượng, số lượng, nhân công. (3) Giảm chất lượng nguyên vật liệu so với yêu cầu tiêu chuẩn thiết kế, giảm chất lượng máy móc thiết bị so với hợp đồng. (4) Giảm chất lượng công trình, nhất là phần bị che khuất. (5) Tiến hành đồng thời các thủ đoạn nêu trên. Để tham nhũng được thì phải tạo lập ê kíp, có ô dù che chắn và thông đồng câu kết trong ngoài với nhau, ngay các cơ quan điều tra, thanh tra cũng gặp rất nhiều khó khăn để chứng minh hành vi tham nhũng thì thử hỏi làm sao mà có thể phát hiện tham nhũng bằng tự kiểm tra được?
Tham nhũng chỉ có thể phanh phui bằng thanh tra, điều tra chứ không thể nào tự kiểm tra hay bằng tự phê bình được. Xin đừng tiếp tục đùa dai!
Thích bài này:
Thích Đang tải...