BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

4448. Ông Vũ Ngọc Hoàng “bắn bổng”

Posted by adminbasam trên 21/07/2015

Thiện Tùng

21-07-2015

Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chỉ trong vòng một tháng, tôi được đọc hai bài Lợi ích nhóm, Chủ nghĩa tư bản thân hữu và “Không nên coi vấn đề nhạy cảm là vùng cấmcủa Vũ Ngọc Hoàng, Tiến sĩ, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban trực Ban Tuyên Giáo TW trên Tạp chí Cộng sản và báo Năng Lượng.

Đây là một hiện tượng lạ, chẳng những đọc cho mình, tôi còn in ra gởi cho một số bè bạn quan tâm đến thời cuộc tham khảo.

Không “quăng chài buông chốp”, đến hẹn lại lên, chúng tôi gặp nhau trà luận về 2 bài viết nầy, có cùng chung nhận xét: “Ngọc Hoàng bắn bổng nguyên băng”, chẳng qua “bình mới rượu cũ”- người mới nói những chuyện người ta đã nói”. Không lấy gì làm lạ, Ngọc Hoàng bắn bổng nguyên băng mà không bị buộc tội như những người chỉ khỉ khầm bắn tỉa trước đó – bắn bổng có chết ai, chỉ rùm tai, hao đạn.

Sự thật không phải vậy sao, cứ kiểm lại xem, Ngọc Hoàng chỉ nói thế, người ta đã nói hơn thế: “Lợi ích nhóm, nhóm lợi ích, cánh hẩu, chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa tư bản sơ khai, hoang giả, thân hữu, vùng cấm, vùng nhạy cảm..v.v..và..v.v… người ta nói về chúng khô cổ, viết hết giấy mực. Những người nói và viết những sự thật, không theo định hướng ấy, nếu là người quốc doanh mất chức mất quyền; nếu là người ngoài quốc doanh bi thảm hơn nhiều.

Vì là một tiến sĩ môn khoa học Xã hội, lại chuyên nghề “tai mắt, mũi, họng”, Ngọc Hoàng nói tình trạng xã hội rất hay, phong phú… Có điều cũng dễ nhận ra là ông nói hiện tượng chớ không đi vào bản chất – nói quả mà không nói nhân.

Ông Hoàng lên án: Lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, ông không chỉ mặt đặt tên, không nói ai sinh ra nó – nói chung chung không đi vào cụ thể; nói nhánh mà không nói gốc, chỉ có tác dụng như những viên thuốc giảm đau, có chăng chỉ trị cơn chớ không trị được căn. Ước gì ông nói sâu hơn: “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu” là con đẻ của “thể chế chính trị độc tài”; đặc dược trị thể chế chính trị độc tài là “Nhà nước Dân chủ Pháp trị, Xã hội dân sự”.

Là một học giả, là cán bộ cao cấp, chắc hẳn ông Hoàng thừa biết điều đó. Ông không tiện hay không dám nói ra vì biết rõ đó là vùng “cấm” được mơ hồ hóa bắng 2 từ “nhạy cảm”. Ai có quyền cấm? Nó nhạy cảm đối với ai? chắc ông Hoàng thừa biết. Bởi vậy, dầu có bạo gan, ông cũng chỉ chạy vòng vòng.

Ông Hoàng thừa nhận một thực tế: “Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vào vùng cấm, thường là né tránh, không viết, không nói, kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm…”.Phê phán những người sợ không dám vào “vùng cấm”, vùng “nhạy cảm”, để rồi ông cũng chỉ dám mơ hồ một câu: “Không phải bỗng nhiên mọi người lại sợ như vậy mà do thực tế nó cũng có vậy. Chẳng lẽ dưới bảo trên, Ban Tuyên Giáo của Đảng, là cơ quan thay mặt Đảng quản lý Thông tin, Báo chí, cớ sao Ông Hoàng không thay mặt Ban Tuyên Giáo nhận sai lầm trong chỉ đạo mà đổ cho trách nhiệm chung: “Chúng ta bảo nhau phải tránh né vấn đề “nhạy cảm”Ai bảo ai, chẳng lẽ dưới bảo lên trên?! . Ông Hoàng cũng thừa nhận thời gian qua Thông Tin, Báo chí “quốc doanh” không làm tròn nhiệm vụ xã hội giao phó Ăn cơm chúa múa không giáp vòng, ông viết:“Những vấn đề “nhạy cảm” thường là những vấn đề không bình thường, nhiều người quan tâm, đòi hỏi phải có câu trả lời. Nếu trả lời đúng, thì xã hội tiến lên, lẫn tránh nó là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời, cũng là biểu hiện của thiếu năng lực, thiếu dũng khí”- Thấy được vậy là tốt, hãy tổ chức thực hiện đi, đừng chỉ nếu thế nầy, phải thế kia, công chúng đã mệt mõi về việc nói mà không làm lắm rồi!

Không nói rõ do thể chế chính trị, kinh tế nào cản trở sự phát triển đất nước, ông Hoàng kể ra biết bao thảm cảnh, chỉ làm cho lòng người thêm chua xót: “Nước ta gần 30 năm công nghiệp hóa, theo tôi có thể nói là chưa thành công, có nhiều mặt tụt hậu xa hơn. Năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan và Malaysia, 1/10 Hàn Quốc và 1/15 Singapore; hiệu quả đầu tư chỉ bằng một nửa so với các nước, cũng tức là mất mát hoặc lãng phí quá nhiều.

Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn quá thấp. Khi kết thúc cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Hàn Quốc là 20.000USD, Nhật Bản là 30.000USD. Còn Việt Nam theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025, sau đó là sang giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của Việt Nam tối đa chỉ khoảng 3.000USD. Nói cách khác, trong khi họ còn trẻ đã giàu, còn Việt Nam ta già rồi vẫn còn nghèo. Đã già mà vẫn còn nghèo thì coi chừng là cả đời vẫn nghèo mãi, không ngóc lên được.

Hiện nay đã có hơn 10 vạn người Việt Nam sống ở Hàn Quốc và hơn 10 vạn người Hàn Quốc sống ở Việt Nam. Nhưng khác một điều : Người Hàn Quốc làm ông chủ ở Hàn Quốc và làm ông chủ kể cả ở Việt Nam, còn người Việt Nam thì làm thuê ở Hàn Quốc và làm thuê cả ở Việt Nam….Ước gì Ngọc Hoàng đủ gan phán gọn cho một câu “Đảng giành cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm mọi sự trì trệ nầy”.

Nói ba đồng bảy đổi, lòi ra 2 vấn đề cốt tử: Một là “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu” là con đẻ của “Thể chế chính trị độc tài toàn trị”. Hai là Đảng CSVN, qua Ban Tuyên Giáo của Đảng, hoạch định “vùng cấm”, vùng “nhạy cảm”. Vùng cấm là không được đụng đến tổ chức và con người của Đảng; Vùng nhạy cảm là không được nói chỏi lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng – còn gọi là phản biện.

Vậy là việc công chúng đã và đang đòi nhân quyền, dân chủ… là có cái lý của họ?

____

Mời xem lại: TRAO ĐỔI THÊM VỚI ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG (Ba Sàm). – MẠN ĐÀM VỚI ÔNG PHÓ BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG (BVN/ Ba Sàm). – Ủy viên TƯ Đảng bàn về sự bóc lột và thâu tóm quyền lực (VNN/ Ba Sàm).

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: