4197. “Các kỳ Quốc hội sau sẽ ra Nghị quyết về Biển Đông nếu cần thiết”
Posted by adminbasam trên 27/06/2015
Nguyễn Hoài
27-06-2015
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Quốc hội sẽ theo dõi sát tình hình Biển Đông và sẽ ra Nghị quyết về vấn đề này nếu cần thiết.
Chiều 26/6, sau phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.
Ra Nghị quyết về Biển Đông nếu cần thiết
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, trước câu hỏi của báo chí bày tỏ tâm tư về sự chờ đợi để rồi thất vọng của cử tri khi tại kỳ họp này Quốc hội một lần nữa đã không ra Nghị quyết về vấn đề Biển Đông, ông Phúc giải thích, đây là vấn đề phức tạp.
Ông giải thích: Trước yêu cầu của các ĐBQH tại phiên họp trù bị ngay đầu kỳ họp, Quốc hội đã bố trí một buổi họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo chi tiết, giải trình trước các ĐBQH. Tại buổi họp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo.
“Vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã nêu rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, khẳng định cơ sở pháp lý của Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình Biển Đông và nếu cần thiết sẽ ra Nghị quyết về vấn đề này tại các kỳ họp sau”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ bãi nhiệm bà Châu Thị Thu Nga
Gọi sự việc Quốc hội buộc phải bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga là điều đáng tiếc, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, bà Nga đã không giữ được tư cách, tiêu chuẩn của một ĐBQH.
“Có ý kiến cho rằng bà Nga đã có sai phạm ngay trong quá trình ứng cử, nhưng trong suốt quá trình bầu cử quy trình diễn ra chặt chẽ, chúng tôi cũng không nhận được đơn thư tố cáo ĐB, nên khi xét tư cách ĐB không phát hiện sai phạm gì. Tuy nhiên, sau 2 năm khi có đơn thư tố cáo bà Nga, chúng tôi đã tiến hành ngay các bước liên quan và tại kỳ họp thứ 8 đã ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐB đối với bà Nga để các cơ quan pháp luật xem xét xử lý. Tới kỳ họp thứ 9 thì Quốc hội đã thông qua bãi nhiệm tư cách ĐB đối với bà Nga” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Nói thêm về trường hợp đáng tiếc này, ông Phúc thẳng thắn, “chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là khi đang chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khoá XIV, và HĐND 2015 – 2020, đặc biệt là sau khi ban hành Luật bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND. Phải rút kinh nghiệm sâu sắc, chặt chẽ để chọn được người xứng đáng” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quả quyết.
Trước đó, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chia sẻ quan điểm về trường hợp bãi nhiệm ĐB Châu Thị Thu Nga. “Quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách ĐBQH, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để ĐBQH luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng tại cuộc họp báo, đánh giá chung về kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt nhắc tới sự đổi mới trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, ông Phúc hồ hởi, các phiên chất vấn đã được đổi mới qua từng kỳ họp.
“Kỳ này những vấn đề dân sinh cũng được đặt lên bàn chất vấn như chuyện một con gà “cõng” 14 loại phí, chuyện quả trứng gánh quá nhiều phí kiểm dịch, hay chuyện hạn hán tại Ninh Thuận…. Còn câu trả lời của các Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề, thiết thực, không né tránh” – ông nói và tiết lộ thêm, kỳ họp thứ 10 tới sẽ có thêm nhiều đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn để giúp giám sát của Quốc hội ngày càng tốt, thực chất hơn.
Sorry, the comment form is closed at this time.