4100. Trung Quốc muốn tàu dân dụng sẵn sàng cho chiến tranh
Posted by adminbasam trên 15/06/2015
Tác giả: Shannon Tiezzi
Người dịch: Huỳnh Phan
12-06-2015
Một cuộc họp được tổ chức tại Thượng Hải vào đầu tháng 6, vừa được China Military Online (Trung Quốc Quân Võng) đưa tin, quy tụ các quan chức quân đội Trung Quốc và các công ty vận chuyển dân sự. Mục đích để cho các quan chức Trung Quốc huấn luyện thường dân về “Tiêu chuẩn kỹ thuật cho tàu thuyền dân dụng mới đóng quán triệt yêu cầu quốc phòng”. Về bản chất, Tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các yêu cầu về tính năng và thiết kế cho tàu dân sự mới đóng để các tàu thuyền này “đáp ứng các yêu cầu quốc phòng”. Tiêu chuẩn kỹ thuật, đã thông qua hồi tháng 3, không công bố rầm rộ, là một phần trong chiến lược Trung Quốc đưa các tàu thuyền dân sự vào các hoạt động quân sự. Theo lời của trang China Military:
Việc thực hiện các tiêu chuẩn quân sự này cho các tàu thuyền dân dụng khiến Trung Quốc có thể nhanh chóng chuyển tiềm năng to lớn của các tàu thuyền dân dụng thành sức mạnh quân sự cho quốc phòng và sẽ tăng cường đáng kể khả năng triển khai chiến lược của PLA (QĐGPND TQ) và khả năng trợ giúp trên biển.
Tiêu chuẩn kỹ thuật được vạch ra nhằm bảo đảm tàu thuyền dân dụng sẵn sàng trong những lúc có khủng hoảng, nếu PLAN (Hải quân TQ) có thúc bách phải đưa chúng vào nhiệm vụ. Nhưng như Andrew Erickson và Conor Kennedy trước đó đã đưa tin cho Wall Street Journal, Trung Quốc đã có một lực lượng dân quân biển phát triển mạnh vốn sử dụng các tàu dân dụng (chủ yếu là các tàu đánh cá) “như tuyến giám sát, trợ giúp và gây áp lực thứ nhất của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy các yêu sách và lợi ích của nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Trong một tin khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ lãnh đạo đối lập và là nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi của Myanmar hôm Thứ Năm, Tân Hoa Xã đưa tin. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu của bà Aung San Suu Kyi và đến đây khi Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà (NLD) được ủng hộ mạnh trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Bình luận của Tập Cận Bình cho thấy rõ vì sao bà Suu Kyi đã được mời – Trung Quốc muốn bảo đảm rằng quan hệ với Myanmar vẫn tiếp tục dù ai là người cầm quyền. “Chúng tôi hy vọng và tin rằng phía Myanmar cũng sẽ giữ lập trường không thay đổi về quan hệ Trung Quốc – Myanmar và hết lòng nâng cao mối quan hệ thân thiện, bất chấp tình hình trong nước thay đổi ra sao”, Tập Cận Bình nói. Tập Cận Bình cũng thúc giục bà Suu Kyi và đảng NLD hướng dẫn dư luận về mối quan hệ Trung Quốc – Myanmar “một cách khách quan và hợp lý”.
Trong khi đó, một thành viên cao cấp của Đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản lạc quan rằng, tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II sẽ tốt cho quan hệ Trung – Nhật. “Chúng tôi đã và đang xây dựng một cái gì đó và không ai trông chờ một tuyên bố làm huỷ hoại nó”, Toshihiro Nikai, Chủ tịch Đại Hội Đồng của LDP nói với Bloomberg, trong khi liên hệ tới những thành quả khó khăn mới giành được trong quan hệ Trung – Nhật. Ông nói thêm, “Thủ tướng Abe có trách nhiệm lớn. Chúng tôi nghĩ rằng ông sẽ đưa ra một tuyên bố đáng ngưỡng mộ”. Tôi đưa thêm dấu hiệu mới nhất của quan hệ Trung – Nhật đang tang băng – đối thoại tài chính đã bắt đầu lại vào đầu tuần này.
Reuters cho biết rằng các quan chức Trung Quốc ngày càng tự tin rằng gói cải cách bầu cử đầy tranh cãi sẽ được thông qua ở cơ quan lập pháp Hong Kong. Việc thông qua dự luật này đòi hỏi phải đạt đa số hai phần ba, điều này có nghĩa là chính quyền Hong Kong sẽ phải thuyết phục ít nhất 4 nghị sĩ phe dân chủ (phe ủng hộ tăng dân chủ theo chủ trương ‘một quốc gia hai chế độ’ – ND) phá rào và bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Nhiều nguồn cho Reuters biết “vận động hành lang rất căng thẳng ở hậu trường” đã xong, có tuyên bố rằng phe dân chủ đã bác bỏ như là chuyện bịp. Tranh luận trong cơ quan lập pháp sẽ bắt đầu ngày 17/6. Douglas Paal của Carnegie Endowment có một tổng quan về cuộc tranh luận cải cách bầu cử Hong Kong – tình hình đã đi đến chỗ như ngày hôm nay thế nào, và điều đó có ý nghĩa gì đối với Hong Kong, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong các tin liên quan tới Trung Quốc – Châu Phi, Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos đang ở Bắc Kinh trong tuần này sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc. Reuters tường thuật về chuyến thăm này, nói rằng mục đích chính của Dos Santos là “tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án … nhằm vực dậy một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô thấp”. Angola, một nguồn nhập khẩu dầu mỏ chính cho Trung Quốc, đã là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở châu Phi từ Trung Quốc. Dự án lớn nhất bàn thảo lần này là một nhà máy thủy điện $4,5 tỉ dự kiến sẽ được tập đoàn Cát Châu Bá (Gezhouba) của Trung Quốc xây dựng.
Cuối cùng, cho tất cả những ai hâm mộ bóng đá đang theo dõi vụ scandal FIFA, truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối cùng đã nhảy vào cuộc trong tuần này. Một bài bình luận trên Tân Hoa Xã chủ yếu theo đường hướng của truyền thông Nga (kể cả trích dẫn các quan chức Nga) rằng Hoa Kỳ đã bước quá quyền hạn của mình qua việc truy tố các quan chức điều hành FIFA. Màn diễn “không những phô bày sự kiêu ngạo chú Sam như là ‘tên sen đầm quốc tế’ mà còn thiết lập một tiền lệ xấu cho các quan hệ quốc tế”, Tân Hoa Xã lập luận.
Sorry, the comment form is closed at this time.