3673. Sự lựa chọn: Quyết định tham chiến Việt Nam của Tổng thống Lyndon Johnson
Posted by adminbasam trên 07/04/2015
Ông Johnson bất đắc dĩ phải can thiệp ở Đông Nam Á nhưng một khi bị bắt buộc do các đòi hỏi về chiến lược và chính trị, ông ta đã bắt đầu phát triển một viễn cảnh không hẳn là vô lý cho Nam Việt Nam, điều đã giúp ông ta duy trì sự can thiệp này. Khi suy nghĩ về Việt Nam, hình mẫu mà LBJ quan niệm là Nam Hàn.
Đó là một quốc gia khai sinh trong các hoàn cảnh khốc liệt. Sau cuộc chiến tranh tàn phá với miền Bắc (1950-1953) và là một trong những quốc gia có mức sống bình quân thấp nhất thế giới năm 1950, Nam Hàn năm 1963 đã trỗi lên từ một quốc gia do quân đội cai quản và năm 1965 bắt đầu đạt được các tiến bộ kinh tế thực sự. Vậy vì sao Nam Việt Nam không thể theo mô hình này?
Randall B. Woods
06-04-2015
Năm mươi năm trước, trong thời gian sáu tháng đầu tiên của năm 1965, tổng thống Lyndon Johnson đã đưa ra quyết định Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam.
Phó tổng thống Hubert Humphrey khuyên ông không nên làm điều này. Cố vấn lâu năm và người bạn của tổng thống — Thượng nghị sĩ Richard Russell của tiểu bang Georgia cũng khuyên như vậy. Thứ trưởng ngoại giao George Ball cũng đưa ra lý do can ngăn.
Theo họ thì cuộc chiến tranh này sẽ phải bị giới hạn về phạm vi. Do vậy, việc làm đó chẳng thể mang lại kết cuộc gì, có nghĩa là một cuộc gửi quân đi không biết bao giờ mới kết thúc.
Những người cộng sản Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không cho phép xâm lược Bắc Việt Nam. Vì lo ngại sẽ khích động một cuộc chiến tranh toàn diện với những siêu cường cộng sản, chính quyền Johnson không chỉ từ bỏ thệ ước về một cuộc đánh chiếm mà còn từ bỏ cả mọi nỗ lực bảo trợ cho một sự nổi dậy chống cộng sản ở miền Bắc Việt Nam.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu trước thời ông Johnson khá lâu và kết thúc năm 1975, vài năm sau khi ông Johnson rời khỏi Nhà Trắng, nhưng với nhiều người dân Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam có sự liên kết chặt chẽ với giai đoạn đương nhiệm của Tổng thống Lyndon Johnson. Ảnh: lbjlibrary.org
Nhà nước Nam Việt Nam theo nhiều khía cạnh là một nhà nước giả tạo. Không phải là một nhà nước với nền lịch sử độc nhất mà Nam Việt Nam là một sự thỏa hiệp chính trị, là sản phẩm tạo ra bởi Các Thế Lực Lớn (Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp và Anh) tại hiệp định Geneva 1954.
Ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đã được nhà lãnh đạo Cộng sản Hồ Chí Minh và những người ủng hộ ông giương cao tại miền Bắc: khó mà giật nó ra khỏi tay của họ.
Thực vậy, ông George Ball đã dự đoán Mỹ cuối cùng sẽ đổ khoảng nửa triệu quân vào Việt Nam, dự đoán này khi đó đã bị Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara kịch liệt phản đối.
Suốt những phiên tranh luận sôi nổi tại những buổi xây dựng chính sách ngoại giao mùa xuân và mùa hạ năm 1965, ông Johnson thường tự mình làm cánh chim đầu đàn.
Trong cuộc hội thoại với Dick Russell, ông nói “Tôi không nghĩ người dân đất nước này biết nhiều về Việt Nam và tôi nghĩ có đầy những thứ khác nữa mà họ còn ít quan tâm hơn.”
Một thời gian ngắn sau đó, ông ta tâm sự với cố vấn McGeorge Bundy trong một cuộc độc thoại mà giờ đây đã trở nên nổi tiếng : ” Tôi không nghĩ [Nam Việt Nam] đáng để chúng ta chiến đấu và tôi không nghĩ chúng ta có thể thoát khỏi cuộc chiến. Đây là mớ hỗn độn tệ hại nhất mà tôi thấy… Việt Nam có cái quái gì đáng giá với tôi?… Có cái gì đáng giá với đất nước này?.. Đây là … điều quá sức tệ hại mà chúng ta đang chuẩn bị làm…”
Nhưng vào tháng Hai năm 1965, ông Johnson thông qua chiến dịch Sấm Rền — chiến dịch không kích Bắc Việt Nam. Và vào tháng Bảy ông ta đồng ý gửi 2 sư đoàn đến Việt Nam.
Vì sao?
Chứa chấp Chủ nghĩa Cộng sản
Vào tháng Tư năm 1964, tình báo Mỹ báo cáo một số lượng đáng kể quân đội chính quy Bắc Việt Nam đang xâm nhập vào Nam Việt Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
CIA dự đoán nếu Washington và đồng minh không hành động, Nam Việt Nam sẽ thất thủ trong vòng một năm. Nhân viên của Tình báo Mỹ và Sở Ngoại Vụ tại chiến trường đã bắt đầu yêu cầu phân công nhiệm vụ mới.
Johnson tin rằng nếu ông ta để Nam Việt Nam thất thủ trước cuộc xâm lấn của Bắc Việt Nam, toàn bộ công trình được xây dựng kỹ lưỡng từ Thế chiến thứ Hai để ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa Cộng sản (và sự ảnh hưởng của Liên Xô) sẽ sụp đổ.
Và còn có những cân nhắc về đối nội.
Đàm phán với người dân Miền Nam và sống dưới cái bóng của John F. Kennedy (JFK)
Vào mùa xuân và hạ năm 1965, Johnson đang nỗ lực thuyết phục Quốc Hội thông qua một số vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, thuộc chương trình Đại Xã Hội (Great Society) của ông ta, bao gồm : Đạo luật Quyền bầu cử, hỗ trợ giáo dục liên bang, chăm sóc người già (Medicare), và nhiều thứ khác.
Cả dự luật giáo dục và chăm sóc người già đều là các biện pháp về quyền công dân nằm trong thẩm quyền của họ, tạo ra các quỹ liên bang tài trợ cho các trường học và bệnh viện, căn cứ trên việc thực hiện chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.
Bản thân ông Johnson là một người miền Nam, lại phải nỗ lực thuyết phục các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ từ khóa Quốc hội trước đồng ý thông qua những biện pháp này, nếu họ không chủ động hỗ trợ.
Miền Nam là khu vực có nhiều người phân biệt chủng tộc nhất và hiếu chiến với bên ngoài nhất. Johnson tin rằng ông không thể yêu cầu người dân vùng này chấp nhận cùng lúc cả hai việc : hủy bỏ đạo luật Jim Crow (đạo luật phân biệt chủng tộc của các bang miền Nam) và thất bại của Nam Việt Nam trước những người cộng sản.
Vấn đề càng phức tạp hơn bởi sự thật là nhóm bảo thủ đứng đầu bởi Giám đốc FBI J.Edgar Hoover và Thống đốc bang Alabama George Wallace đang cố gắng khắc họa quyền được biểu tình ngồi (sit-ins) và biểu tình tuần hành được truyền cảm hứng từ chủ nghĩa cộng sản.
Hơn nữa, Johnson nhận thức sâu sắc rằng mình là người kế thừa JFK.
Cam kết của Mỹ với Nam Việt Nam là di sản của Kennedy. Johnson nhận thấy không có bằng chứng nào cho thấy rằng tổng thống Kennedy muốn giảm leo thang chiến tranh. Thế nên Johnson tiếp tục giữ đội ngũ đối ngoại thời Kennedy — McNamara, Bundy và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Dean Rusk. Họ nhất trí và tỏ ra mãnh liệt trong các lời khuyên nên ở lại Việt Nam (dù nhiều năm sau chính ông McNamara công khai nhận lỗi cho sai lầm của mình).
Canh Bạc
Ông Johnson là một nhà lập quốc. Chương trình Đại Xã Hội bao gồm hơn 1000 quy định pháp luật và mãi mãi thay đổi bức tranh xã hội và chính trị nước Mỹ.
Ông Johnson bất đắc dĩ phải can thiệp ở Đông Nam Á nhưng một khi bị bắt buộc do các đòi hỏi về chiến lược và chính trị, ông ta đã bắt đầu phát triển một viễn cảnh không hẳn là vô lý cho Nam Việt Nam, điều đã giúp ông ta duy trì sự can thiệp này. Khi suy nghĩ về Việt Nam, hình mẫu mà LBJ quan niệm là Nam Hàn.
Đó là một quốc gia khai sinh trong các hoàn cảnh khốc liệt. Sau cuộc chiến tranh tàn phá với miền Bắc ( 1950-1953) và là một trong những quốc gia có mức sống bình quân thấp nhất thế giới năm 1950, Nam Hàn năm 1963 đã trỗi lên từ một quốc gia do quân đội cai quản và năm 1965 bắt đầu đạt được các tiến bộ kinh tế thực sự. Vậy vì sao Nam Việt Nam không thể theo mô hình này?
Cuộc chiến này, dù vậy, là không thể chiến thắng, như Ball và Humphrey đã dự đoán.
Sợ phải đối mặt với lực lượng to lớn của Liên Xô, Mỹ đã tiến hành chiến tranh trong một khu vực hạn hẹp, giới hạn bởi biển Đông ở mặt Đông đến vùng biên giới mở rộng của Lào và Campuchia ở mặt Tây.
Liên Xô hỗ trợ Bắc Việt Nam bằng đường biển. Quân đội Bắc Việt Nam và du kích ngầm dưới lòng đất tự do di chuyển ra vào nơi trú ẩn của họ tại Lào và Campuchia. Trong cuộc chiến Đông Dương lần 2 kéo dài 10 năm, chưa một chính quyền nào nổi lên ở Sài Gòn xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của người dân Nam Việt Nam. Những chế độ tiếp nối ông Ngô Đình Diệm — người bị hất cẳng sau cuộc binh biến năm 1963 — thì đều đặc biệt yếu kém và tham nhũng.
Cuối cùng, ông Johnson đã hiểu ra.
Tại bữa tiệc tối sau khi về hưu ở New York cùng McNamara, Bundy và những trợ lý cũ, ông Lyndon Johnson đã nhận toàn bộ trách nhiệm. Nhìn vào cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia, ông nói, “Các anh biết đấy, tôi muốn các anh hiểu rằng mọi sai lầm ở Việt Nam mà đang bị chỉ trích, đó là quyết định của tôi, không phải của các anh…”
Điều gì sẽ xảy ra nếu Johnson lưu tâm đến lời khuyên của Humphrey và lưu tâm cả những hoài nghi của chính ông?
Nam Việt Nam sẽ rơi vào tay người cộng sản sớm hơn, cứu hàng ngàn mạng sống người Mỹ và hàng trăm ngàn mạng sống của người dân Việt Nam.
Nhưng nếu thế có khi nạn phân biệt chủng tộc và phản đối cộng sản đã chặn đứng nhiều thành tựu về nhân quyền của chương trình Đại Xã hội, thúc đẩy mâu thuẫn sắc tộc tại gia mà biết đâu sẽ biến Detroit thành bình địa.
Chẳng có lựa chọn nào dễ dàng khi bạn là người điều hành một quốc gia, vừa dân chủ vừa quyền lực nhất trên hành tinh này.
Randall B. Woods là một giáo sư lỗi lạc và hiện là giáo sư lịch sử của đại học Arkansas. Bài viết được đăng lần đầu tại TheConversation.com.
2 bình luận trước “3673. Sự lựa chọn: Quyết định tham chiến Việt Nam của Tổng thống Lyndon Johnson”
Sorry, the comment form is closed at this time.
Chiến tranh Việt Nam, đọc lại và suy ngẫm | Tình yêu cuộc sống said
[…] Chiến tranh Việt Nam (1955–1975) bốn mươi năm nhìn lại (1975-2015) với nhiều thông tin được giải mã từ hai phía làm sâu sắc thêm những nghiên cứu lịch sử cùng bài học sâu sắc cho dân tộc Việt và nhân loại. Trong thời gian sáu tháng đầu tiên của năm 1965, tổng thống Lyndon Johnson đã đưa ra quyết định Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam. Khi suy nghĩ về Việt Nam, hình mẫu mà Lyndon Johnson quan niệm là Nam Hàn, bài viết: Sự lựa chọn: Quyết định tham chiến Việt Nam của Tổng thống Lyndon Johnson của Randall B. Woods là một giáo sư lỗi lạc và hiện là giáo sư lịch sử của đại học Arkansas. Bài viết được đăng lần đầu tại TheConversation.com., dịch ra tiếng Việt và đăng tại ĐKN và ABS. […]
Sự lựa chọn: Quyết định tham chiến Việt Nam của Tổng thống Lyndon Johnson | Nhận thức là một quá trình... said
[…] B. Woods (Basam) Theo Đại Kỷ Nguyên – “Ông Johnson bất đắc dĩ phải can thiệp ở […]