Mời xem lại: CHƯƠNG 1: THỜI NIÊN THIẾU — CHƯƠNG 2: HOẠT ĐỘNG VÀ TÙ ĐÀY — CHƯƠNG 3: SAU 1945, LÀM BÍ THƯ HAI TỈNH (Ba Sàm).
CHƯƠNG 4: THAM GIA QUÂN ĐỘI
05-03-2015
Vào cuối năm 1946, thực dân Pháp bắt đầu có nhiều hành động cố tình gây sự ở Hà Nội và đã có tin chúng sẽ điều tàu chiến từ Pháp sang, dĩ nhiên tàu của chúng phải đi ngược sông Hồng qua cửa Ba Lạt. Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (Chủ tịch tỉnh) lo việc mua súng ống, đồng thời tổ chức ra một Tiểu đoàn chủ lực của tỉnh, lại tổ chức phát triển dân quân tự vệ, tổ chức nhân dân phá đường đào hố ngăn chặn xe của giặc… đặc biệt lại còn “sáng kiến” huy động lực lượng chặt tre cắm xuống cửa sông Ba Lạt định để chặn ca-nô của Pháp (thật ấu trĩ?!). Sau đó tôi triệu tập một cuộc họp lớn gồm các cán bộ toàn tỉnh để phổ biến chủ trương của Đảng và bàn kế hoạch chuẩn bị kháng chiến.
Tháng 3 năm 1947, khi Pháp bắt đầu đánh Hải Phòng, tôi lại được Trung ương điều lên Thái Nguyên làm chính ủy khu Một gồm ba tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng. Anh Chu Văn Tấn làm Khu trưởng. Thu đông năm 1947, địch mở chiến dịch đánh lên Việt Bắc chiếm đóng được Bắc Kạn và Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp lệnh cho tôi lên Cao Bằng để nắm tình hình, chỉnh đốn và động viên bộ đội. Tôi cùng đồng chí Nguyễn An (lúc đó mới từ trường Võ bị ra làm thư ký cho tôi) cùng một số chiến sĩ đi bộ theo những đường tắt tránh đồn bốt của địch, gần một tuần lễ mới tới Cao Bằng, xem xét tình hình và gửi báo cáo về cho đồng chí Tổng tư lệnh. Trên đường đi lúc thì ngủ nhờ nhà dân, lúc thì ngủ hang đá, gần nửa tháng trời, ai nấy rận đầy người, áo len trắng xoá đầy trứng rận.