BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

3402. Tháng 2 giữ đất cha ông

Posted by adminbasam trên 16/02/2015

Thanh Niên

Mai Thanh Hải

15-02-2015

Kỳ 1: Đánh giập đầu điệp báo

(TNO) Đi dọc biên giới phía Bắc thắp hương trong các nghĩa trang và bia tưởng niệm liệt sĩ, thi thoảng chúng tôi tìm thấy những người lính hy sinh trước ngày 17.2.1979, roi rói nụ cười bất tử trên vành sao đỏ đỉnh bia.

Họ có thể là bộ đội, công an, dân quân, tự vệ… nhưng đều ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những cuộc tranh đấu – giằng co giữ từng góc rừng, đoạn suối, cột mốc, vạt nương luôn âm thầm dai dẳng, không phải ai cũng biết và hình dung nổi. Bao giờ cũng vậy, chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. 36 năm qua cùng ngàn năm nữa, điều này vẫn vẹn nguyên giá trị.
Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi ghi dấu chiến công của lực lượng trinh sát, bóc dỡ mạng lưới gián điệp Trung Quốc năm 1974

Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi ghi dấu chiến công của lực lượng trinh sát, bóc dỡ mạng lưới gián điệp Trung Quốc năm 1974

Nhắc đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, người ta thường đề cập đến mốc thời gian 17.2.1979 – ngày Trung Quốc đồng loạt nổ súng tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Ít ai biết rằng, ngay từ năm 1974, cùng với việc tranh thủ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc còn đồng thời tiến hành các hoạt động tranh chấp tại biên giới phía Bắc và tung người dọc biên giới nhằm điều tra tình báo, lũng đoạn lực lượng.

Bắt gián điệp “con thoi”

Giữa năm 1974, đoàn khảo sát biên giới tỉnh Cao Bằng tiến hành khảo sát đoạn Trà Lĩnh, đối diện với công an xã Long Bang (huyện Trịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Ngay khi đoàn tiến hành công việc, số người từ Trung Quốc qua biên giới đi chợ, thăm thân nhân tăng lên đột biến và qua xác minh thấy có nhiều đối tượng khả nghi, trong đó nổi bật là Đàm Quế Thỏ.

Với nhận định ban đầu: “Đàm Quế Thỏ có khả năng là gián điệp con thoi, do một trung tâm tình báo bên kia chỉ huy, xâm nhập vào khu vực biên phòng Trà Lĩnh để thu thập tình báo, gây dựng cơ sở hoạt động phá hoại”, cơ quan chức năng quyết định cử một tổ cán bộ nghiệp vụ từ dưới xuôi lên đánh án.

Ông Vàng Vần Sải (nguyên cán bộ xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) kể lại những ngày phối hợp cùng bộ đội, công an phục bắt gián điệp Trung Quốc

Ông Vàng Vần Sải (nguyên cán bộ xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) kể lại những ngày phối hợp cùng bộ đội, công an phục bắt gián điệp Trung Quốc

Các biện pháp nghiệp vụ được triển khai đồng thời với công tác xác minh làm rõ đã nhận định: “Thỏ là gián điệp xâm nhập kiểu con thoi”. Điều này được khẳng định khi Đàm Quế Thỏ liên tục mò sang dò la.

Giữa tháng 9.1974, khi hai ô tô của Công an vũ trang tỉnh tới Đồn Trà Lĩnh, Thỏ sang tìm chiến sĩ có họ với y đang công tác trong đơn vị và tò mò: “Xe đưa những ai mà đông thế? Có việc gì quan trọng à? Chừng nào họ về, cho em đi nhờ một quãng?”.

Ngay sau đó, phía Trung Quốc cho một phân đội bộ đội với đầy đủ vũ khí tới đóng ở Phai Can, đồng thời 1 tổ công an Trung Quốc cũng được phái đến phối hợp với bộ đội của họ.

Cuối tháng 9.1974, Thỏ giả vào thăm Trạm Kiểm soát Trà Lĩnh giữa lúc chiến sĩ Vũ đang ghi chép sổ sách. Lấy lý do đi tráng ấm pha trà, chiến sĩ Vũ để nguyên sổ sách và từ góc bí mật, cán bộ ta ghi nhận Thỏ đọc trộm tài liệu. Khi chiến sĩ Vũ đem nước ra mời, Thỏ giả vờ nhắc nhở: “Cần phải đề cao cảnh giác!”…

Ngày cuối tháng 1.1975, trong khi uống rượu với 1 cán bộ Hợp tác xã mua bán huyện, Thỏ moi hỏi nhiều tin tức bí mật về Đồn Công an vũ trang và dân quân Trà Lĩnh, sau đó ghi chép vào giấy, giấu trong gấu áo.

Sau đó ít giờ, tổ tuần tra Công an Vũ trang đã bắt quả tang Thỏ trao đổi tài liệu mật và y đã phải khai nhận: được Vương Minh Lượng, đặc phái viên của Sở Phái xuất thuộc Công an Trung Quốc huấn luyện nghiệp vụ và nhận nhiệm vụ “Điều tra để cung cấp tin tức về chính trị, quân sự, kinh tế Việt Nam”…

Sự thật về “Tổ Công tác Dân tộc”

Di tích cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế (Hà Giang), đây là tuyến giao thông huyết mạch từ huyện lỵ Mèo Vạc đi các xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ những năm trước và trong chiến tranh biên giới

Di tích cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế (Hà Giang), đây là tuyến giao thông huyết mạch từ huyện lỵ Mèo Vạc đi các xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ những năm trước và trong chiến tranh biên giới

38 năm trôi qua, nhưng nhiều cán bộ Tỉnh ủy Hà Tuyên (nay là Hà Giang) vẫn không quên Chuyên án PL-92, làm rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của bọn gián điệp từ bên kia biên giới.

Sự việc bắt đầu vào cuối tháng 12.1978, tại xã Phú Lũng, Đồng Văn (đối diện bên kia biên giới là Công xã Phù Sáng, huyện Ma Li Pho, Vân Nam, Trung Quốc).

Đồn Công an Vũ trang Bạch Đích phát hiện các đối tượng từ Trung Quốc xâm nhập qua Việt Nam tìm cách gặp 1 cán bộ người Dao có uy tín trong xã và viết thư đề nghị: “Vận động nhân dân tập hợp lực lượng chống lại chính quyền. Trung Quốc sẽ giúp đỡ”.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan chức năng và sự phối hợp, giúp đỡ của lực lượng nghiệp vụ, cán bộ ta đã triển khai các động tác giả theo phía bên kia. Đại diện nhóm người bên kia biên giới là Phàn Vần Xèng đã chỉ đạo cán bộ ta “Tổ chức lại dân quân gồm những người thân tín, càng đông càng tốt. Thông qua lực lượng này và những đồng chí thân Trung Quốc mà vận động dân bám biên giới, không di chuyển về sau”.

Di tích cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế (Hà Giang), đây là tuyến giao thông huyết mạch từ huyện lỵ Mèo Vạc đi các xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ những năm trước và trong chiến tranh biên giới. Đây cũng là nơi các lực lượng chức năng chặn bắt các đối tượng gián điệp, tình báo Trung Quốc đột nhập vào nội địa Việt Nam.

Di tích cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế (Hà Giang), đây là tuyến giao thông huyết mạch từ huyện lỵ Mèo Vạc đi các xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ những năm trước và trong chiến tranh biên giới. Đây cũng là nơi các lực lượng chức năng chặn bắt các đối tượng gián điệp, tình báo Trung Quốc đột nhập vào nội địa Việt Nam.

Thậm chí, Xèng còn yêu cầu gửi gấp danh sách “dân quân thân Trung Quốc” gồm 24 người, để Xèng “báo cáo xin vũ khí trang bị cho họ” và sau đó Xèng dẫn hai đối tượng khác mang theo súng ngắn, AK báng gấp xâm nhập Việt Nam.

Khi bị phục kích bắt gọn tại “điểm hẹn”, các đối tượng thừa nhận là gián điệp Trung Quốc đã phải khai nhận: “Hoạt động thám báo, tình báo vào khu vực biên phòng Việt Nam với nhiệm vụ xâm nhập, điều tra, thu thập tin tức tình báo phục vụ cho các yêu cầu về quân sự; đồng thời lôi kéo, móc nối cơ sở trong hàng ngũ chủ chốt cấp xã để xây dựng chính quyền hai mặt, phục tùng sự điều khiển của Trung Quốc”…

Ba đối tượng gián điệp còn cho biết: chính quyền Trung Quốc phiên chế những kẻ xâm nhập trong các tổ chức được gọi là “Tổ Công tác Dân tộc”. Thực chất đây là những tổ tình báo gián điệp hoạt động sâu vào lãnh thổ Việt Nam, có sự chỉ đạo chặt chẽ theo hệ thống bí mật từ trên xuống dưới.

Các đối tượng thừa nhận vậy và cung cấp thêm: Ở Ma Ly Pho còn có 3 tổ tình báo khác hoạt động tại các hướng Má Lĩnh, Pả Pú, Múng Tủng (đối diện huyện Đồng Văn). Tất cả các tổ đang cố gắng móc nối sang Việt Nam để nhanh chóng biến chính quyền cấp xã ở khu vực biên giới Việt – Trung của Việt Nam thành chính quyền 2 mặt, biến dân quân Việt Nam thành lực lượng ngầm tại chỗ của Trung Quốc, sẵn sàng nổi dậy gây bạo loạn chống Việt Nam… (Còn tiếp)

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) thắp hương tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ Biên phòng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, tháng 2.1979

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) thắp hương tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ Biên phòng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, tháng 2.1979

Khu vực mốc 485 đặt tại địa bàn xã Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang ngay sát đường ô tô hai nước Việt - Trung đi lại nên được coi là điểm đáng chú ý trong việc ngăn chặn đối tượng xâm nhập trái phép

Khu vực mốc 485 đặt tại địa bàn xã Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang ngay sát đường ô tô hai nước Việt – Trung đi lại nên được coi là điểm đáng chú ý trong việc ngăn chặn đối tượng xâm nhập trái phép

—–

Thanh Niên

Mai Thanh Hải

16-02-2015

Kỳ 2: Chặn đứng âm mưu xâm lấn

(TNO) Sáng sớm 17.2.1979, những quả pháo từ bên kia Trung Quốc nã vào đất Việt Nam có thể khiến nhiều người sửng sốt, nhưng với các chiến sĩ Công an Vũ trang Hà Tuyên (nay là Bộ đội Biên phòng Hà Giang) thì điều này không có gì bất ngờ. Bởi từ trước đó, họ đã đối mặt với vô số âm mưu xâm lấn từ phía Trung Quốc.

Khu vực gần mốc 3 (cũ), nơi Tổ công tác của Đồn Công an nhân dân Vũ trang Nghĩa Thuận bị lực lượng Vũ trang Trung Quốc bắt cóc trái phép, tháng 5.1977

Khu vực gần mốc 3 (cũ), nơi Tổ công tác của Đồn Công an nhân dân Vũ trang Nghĩa Thuận bị lực lượng Vũ trang Trung Quốc bắt cóc trái phép, tháng 5.1977

10 ngày tuyệt thực

Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) giờ đóng ngay trung tâm xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) cạnh khu chợ mỗi tuần 1 lần tíu tít đông vui và quấn quýt trường học, trạm y tế, cơ quan hành chính của xã.

Ít ai biết ngày 29.3.1959, tiền thân của đơn vị là Đồn Công an nhân dân Vũ trang Nghĩa Thuận ra đời và đứng chân ngay tại Đồn Na Tro Cai (do người Pháp xây dựng từ trước đây) với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến đường biên dài gần 40 km thuộc 2 xã Nghĩa Thuận, Cao Tả Tùng.

Mốc giới 18 cũ từ thời Pháp - Thanh phân định biên giới Việt - Trung, đang được trưng bày tại Đồn Biên phòng Tùng Vài (Quản Bạ, Hà Giang), sau khi đã cắm mốc mới

Mốc giới 18 cũ từ thời Pháp – Thanh phân định biên giới Việt – Trung, đang được trưng bày tại Đồn Biên phòng Tùng Vài (Quản Bạ, Hà Giang), sau khi đã cắm mốc mới

Ông Giàng Thìn Lù, nguyên Đồn trưởng Nghĩa Thuận (thời kỳ 1977-1984) đến giờ vẫn không quên thời điểm 1976-1977, khi ông là Đồn phó Trinh sát và cả đơn vị ngày đêm đối mặt với tình trạng lính Trung Quốc xâm nhập vũ trang, xâm canh lấn chiếm khu vực biên giới Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn.

Đỉnh điểm trong thời kỳ này là một đêm đầu tháng 5.1977, tại khu vực mốc 3 (đối diện thôn Hoàng Thèn, Bắc Bố, Trung Quốc) lợi dụng sương mù dày đặc, ỷ thế đông người, lực lượng vũ trang Trung Quốc đã mai phục, bắt cóc, đưa về bên kia biên giới cả tổ tuần tra gồm 6 cán bộ chiến sĩ do Trung úy – Đội trưởng Viên Đình Thượng phụ trách, đang trên đường tuần tra từ thôn Cao Mã Pờ về Đồn Nghĩa Thuận.

Lúc đầu, phía Trung Quốc dụ dỗ, mua chuộc từng chiến sĩ công nhận việc “vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”. Không đạt được kết quả, phía Trung Quốc chuyển sang đe dọa, hành hung, hòng mong chiến sĩ ta công nhận vị trí cột mốc biên giới mà họ mới di chuyển là “đúng thực tế lịch sử”… Trong nhà giam đối phương, các chiến sĩ đã nêu cao khí tiết, kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn lấn chiếm, hành động vu khống và đồng loạt tuyệt thực, yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng lịch sử, đưa cột mốc biên giới trở về đúng vị trí ban đầu.

Mốc 504 do Đồn Biên phòng Lũng Làn (Mèo Vạc, Hà Giang) quản lý

Mốc 504 do Đồn Biên phòng Lũng Làn (Mèo Vạc, Hà Giang) quản lý

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ huy Công an nhân dân Vũ trang Hà Tuyên đã cử Đoàn cán bộ do đồng chí Ma Phúc Cung phụ trách, sang cơ quan Biên phòng Trung Quốc phản kháng, đòi phía Trung Quốc phải tôn trọng đường biên giới nguyên trạng lịch sử, yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ bị bắt trái phép và trao trả ngay cho phía Việt Nam.

Sau 10 ngày kiên trì phản kháng, phía Trung Quốc buộc phải trao trả toàn bộ 6 cán bộ chiến sĩ Đồn Công an vũ trang Nghĩa Thuận cùng với vũ khí, trang bị.

5 chọi 40

Bia Tưởng niệm ghi tên các Liệt sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược

Bia Tưởng niệm ghi tên các Liệt sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai)
hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược

Lâu nay, cứ nhắc đến Đồn Biên phòng Lũng Làn (Mèo Vạc, Hà Giang) là người ta nghĩ ngay đến Liệt sĩ – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài, người Đồn trưởng đã chỉ huy cán bộ chiến sĩ quyết liệt đánh trả quân Trung Quốc xâm lược ngay từ mờ sáng 17.2.1979, là người chặn địch cho thương binh rút vào rừng an toàn và hy sinh khi bắn đến viên đạn cuối cùng. Nhưng trước ngày 17.2.1979, Lũng Làn cũng đã từng đổ máu…

Đại tá Lưu Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang kể: Trước năm 1979, phần lãnh thổ giữa cột mốc 23, 24 – đoạn III là khu vực rộng gần 6 km2 thuộc bản Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc), do Đồn Công an Vũ trang Lũng Làn phụ trách. Đây là nơi đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác nên phía Trung Quốc rắp tâm lấn chiếm. Trong 3 năm (1975-1978), phía Trung Quốc đã 11 lần tổ chức lấn chiếm khu vực này, nhưng đều bị Công an Vũ trang Đồn Lũng Làn và nhân dân các bản Lũng Ly, Lẻo Trá Phìn đấu tranh ngăn chặn, đồng thời đẩy đuổi người Trung Quốc xâm canh, xâm cư lấn chiếm về phía bên kia đường biên giới.

Đỉnh điểm là ngày 10.8.1978, phía Trung Quốc cho 40 “xã viên” công xã Tà Sáy (chủ yếu là lính Biên phòng cải trang) xâm nhập khu vực giữa mốc 23 và 24 hì hục phát cây cuốc đất làm nương. Hành động này bị tổ tuần tra của Đồn Lũng Làn (gồm 3 chiến sĩ Nguyễn Vũ Dương, Hoàng Văn Nở, Nguyễn Văn Định) đang trên đường làm nhiệm vụ phát hiện.

Nhận thấy việc đấu tranh sẽ căng thẳng hơn những lần trước do tương quan lực lượng chênh lệch, cả tổ hội ý chớp nhoáng và quyết định cử chiến sĩ Nguyễn Văn Định quay về đơn vị báo cáo tình hình, xin thêm chi viện. Đồn cử thêm 2 chiến sĩ tăng cường và cả tổ 5 người vừa tiếp cận địa bàn, vừa tuyên truyền giáo dục, ngăn cản hành động lấn chiếm của “xã viên” Trung Quốc.

Trung tâm xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) từng là nơi tập hợp nhân dân cùng bộ đội đến các điểm nóng ngăn chặn dân binh Trung Quốc lấn chiếm đất đai của đồng báo các dân tộc trong xã

Trung tâm xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) từng là nơi tập hợp nhân dân cùng bộ đội đến các điểm nóng ngăn chặn dân binh Trung Quốc lấn chiếm đất đai của đồng báo các dân tộc trong xã

Bia Tưởng niệm ghi tên các Liệt sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược

Bia Tưởng niệm ghi tên các Liệt sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai)
hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược

Thấy lực lượng ta ít, các “xã viên” Trung Quốc la ó: “Công an vũ trang Việt Nam mờ mắt, đem vũ khí sang đất Trung Quốc, xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc” và dùng dao, cuốc bao vây 5 chiến sĩ, đòi bắt trói đưa về Công an xã Tà Sáy (Trung Quốc) xử lý.

Trước hành động hung hãn, cả tổ tựa lưng, chắn hậu cho nhau và dùng báng súng kiên quyết chống trả các đòn tấn công của các đối tượng côn đồ, đồng thời mở đường phá vây. Đội hình của các “xã viên” liên tục co vào, giãn ra theo thế chống trả của chiến sĩ ta. Lợi dụng địa thế có lợi, tổ trưởng Nguyễn Vũ Dương lệnh cho 2 chiến sĩ phóng mình qua vách đá, lùm cây chạy về đơn vị xin chi viện.

Cuộc chiến đấu của 3 chiến sĩ còn lại diễn ra trong hơn 2 tiếng đồng hồ, khiến nhiều tên côn đồ dính đòn phản công ngã gục. Thấy tổ công tác thấm mệt, các “xã viên” Trung Quốc ào lên tấn công từ 4 phía và dùng dây giật ngã chiến sĩ ta, trói chặt từng người.

Lợi dụng phút sơ hở khi các đối tượng côn đồ túm tụm chặt cây làm đòn khiêng chiến sĩ về phía Trung Quốc, chiến sĩ Hoàng Văn Nở trườn người, cọ dây trói lên cạnh đá sắc làm đứt dây. Sau đó, anh Nở dùng động tác võ thuật hạ tên đang đứng canh, cởi trói giải thoát cho 2 chiến sĩ Dương và Định.

Khi 3 chiến sĩ vừa thoát khỏi vòng vây, cũng đồng thời lực lượng chi viện do Đồn trưởng Công an Vũ trang Lũng Làn chỉ huy, cùng nhân dân các bản gần đó ào lên đấu tranh. Thấy lực lượng ta áp đảo, các đối tượng côn đồ xưng là “xã viên Công xã Tà Sáy” hò nhau tháo chạy về bên kia biên giới…

Năm 1978 có thể nói là thời điểm gian nan nhất của lực lượng Công an Vũ trang kể từ khi được thành lập, trong đó phải kể đến địa bàn tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang). Theo thống kê của Ban Chỉ huy Công an Vũ trang Hà Tuyên, trong năm 1978 đã xảy ra 32 vụ (tại 11 điểm) phía Trung Quốc lấn chiếm với tính chất hung bạo, khiêu khích ngày càng rõ rệt.

Ở phía Tây, khu vực Hồ Pả, Mã Tẻn (xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì) nhiều năm bị người Trung Quốc xâm canh trái phép. Ngày 20.7.1978, phía Trung Quốc lén lút di chuyển cột mốc và cho lực lượng vũ trang của họ mai phục, bắt trói tổ công tác 3 người của Đồn Công an Vũ trang Bản Máy, do Thiếu úy Nguyễn Xuân Thiều chỉ huy, đang làm nhiệm vụ tuần tra.

Lính Trung Quốc cải trang làm dân thường không chỉ bắt trói, khênh các chiến sĩ Công an Vũ trang về Trung Quốc mà còn la ó, vu khống tổ công tác “vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”. Thấy chiến sĩ ta kiên quyết đấu tranh phản đối hành động bắt người sai trái và thủ đoạn đơn phương di dời cột mốc, lính Trung Quốc xúm lại dùng sống dao và báng súng đánh đập.

 (Còn tiếp)

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: