02-09-2014
Lúc sinh thời, vào những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9, ba tôi thường kể về các cụ Phạm Quỳnh, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và những chí sĩ yêu nước khác cho anh em chúng tôi nghe. Ông nhận định rằng tiền đồ dân tộc Việt Nam lẽ ra tươi sáng hơn nếu các bậc trí thức ấy lèo lái con thuyền quốc gia. Biết tôi có thiên hướng chính trị hơn cả trong các con, ba thường dặn dò tôi tìm hiểu con đường canh tân đất nước bằng sách lược khai dân trí ôn hòa của cụ Phan Chu Trinh. Từ thiếu thời tôi đã mang hoài bão cải cách xã hội ôn hòa như vậy.
Cụ Phan Chu Trinh từng có công lao dẫn dắt ông Hồ Chí Minh trên bước đường hoạt động chính trị ban đầu khi các ông cùng ở Pháp, nhưng về sau các vị chủ trương đường lối tranh đấu giành độc lập cho đất nước hoàn toàn khác nhau. Cụ Hồ đã thành công hơn cụ Phan, tạo ảnh hưởng lớn, song cũng gây nhiều sóng gió cho vận mệnh dân tộc từ năm 1945 đến nay. Môn sử được giảng dạy tại các trường trung học và đại học ở Việt Nam bấy lâu tuy vẫn chê trách cụ Phan Chu Trinh, nhưng kể ra đã khá nhẹ lời hơn nếu so với thái độ luôn hằn học dành cho các nhà yêu nước phi cộng sản khác đương thời. Đường lối của cụ Phan bị phê phán là “cải lương” trong định đề tưởng tượng về “chủ nghĩa yêu nước cải lương đầu thế kỷ 20”.