BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2469. TRỪNG PHẠT NGA: CON DAO HAI LƯỠI CỦA PHƯƠNG TÂY

Posted by News trên 29/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Tư, ngày 26/03/2014

( Đài BBC 21/3)

Chuyện sáp nhập Crimea của Ukraine vào Liên bang Nga coi như đã xong, một cách êm thấm, hoà bình, hợp pháp và thể hiện đúng ý dân ở đó – theo cách nhìn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi kết quả trưng cầu dân ý ngày 16/3 được công bố, với 97% số phiếu đồng ý tách Crimea khỏi Ukraine, ngay sau đó nước Nga chính thức đón nhận Crimea trở về với đất mẹ. Điều ông Putin muốn thực hiện đã thành công, dù có cảnh báo trước nếu làm thế sẽ bị Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt.

Mỹ và EU coi việc sáp nhập Crimea là vi phạm hiến pháp Ukraine và luật quốc tế nên không công nhận kết quả. Cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và với khối EU cho đến nay mới chỉ là ngôn từ ngoại giao, kèm với biện pháp chế tài hàng chục nhân vật người Ukraine và người Nga.

Sau khi Nga công nhận chủ quyền độc lập của Crimea, ngày 17/3 Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng và ngăn cấm không cho vào Mỹ 11 nhân vật đã gây ra khủng hoảng Ukraine. Trong số đó có tổng thống đã bị phế truất Viktor Yanukovych, một số cố vấn thân tín của Tổng thống Putin như Dmitry Rogozin, Vladislov Surkov và Sergei Glazyev.

EU cũng có biện pháp tương tự với 10 chính khách và 3 sĩ quan quân đội Nga, 7 người Crimea và một chỉ huy hải quân Ukraine đã đào thoát sang Nga.

Quyết định của Tổng thống Obama bị một số nhân vật trong chính giới Mỹ cho là quá yếu, biểu lộ sự thiếu cương quyết của Mỹ trong việc đối đầu với Nga. Trong bài bình luận trên báo Wall Street Journal ngày 18/3, cựu ứng viên tổng thống Mitt Romney cho rằng từ 5 năm qua chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama đã đặt Mỹ vào thế yếu, không còn được thế giới tin tưởng, qua một số sự kiện như “giới hạn đỏ” ở Syria hay việc Iran đe dọa sản xuất vũ khí hạt nhân mà Mỹ đã không có những biện pháp mạnh hơn. Khi Nga nhìn ra thế yếu và sự thiếu cương quyết từ Mỹ, khủng hoảng Ukraine đưa tới việc sáp nhập Crimea là hệ quả của chính sách ngoại giao “cài đặt lại” của Tổng thống Obama, ông Romney nhận định.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Obama chỉ hù dọa mà không có những hành động cụ thể khiến thế giới coi đó là sự yếu kém của Mỹ.

Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho rằng chủ trương của Chính quyền Obama là Mỹ nay không còn đóng vai trò cảnh sát thế giới nên đưa đến những hệ quả hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel mới đây cũng có nhận xét nước Mỹ đã tỏ ra yếu mềm trong việc ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

‘Khuyến khích họ thêm’

Trước những trừng phạt của Mỹ, các quan chức Nga có tên trong danh sách coi việc này như chuyện hài. Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin có lời nhắn qua Twitter khi hay tin bị Mỹ trừng phạt: “Một nhân vật diễn hài nào đó đã viết sắc lệnh này cho Tổng thống Mỹ”.

Ngay cả một nhân vật Nga đối lập với Tổng thống Putin là ông Aleixe Navalny cũng cho rằng cách trừng phạt của Mỹ “chỉ làm những kẻ lừa đảo vui lên và khuyến khích họ thêm”.

Đến ngày 20/3, Tổng thống Obama ký thêm một sắc lệnh nhằm vào Chánh Văn phòng của ông Putin là Sergei Ivanov và 19 nhân vật thân tín nữa như Arkady Rotenberg, Gennady Timchenko. Sắc lệnh mới cũng ngăn cấm giao dịch với Ngân hàng Rossiya của Nga được coi là “sân sau” về tài chính của ông Putin và thuộc cấp.

Về phía EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng nhóm G8, gồm những cường quốc kinh tế trong đó có Nga, đã bị khai tử và hội nghị thượng đỉnh EU-Nga cũng sẽ không diễn ra.

Đáp lại, Nga ban hành lệnh cấm nhập cảnh với chín chính khách Mỹ, gồm ba phụ tá cố vấn an ninh Nhà Trắng, ba nghị sĩ Đảng Cộng hoà và ba thuộc Đảng Dân chủ.

Khi biết bị cấm đến Nga, Thượng nghị sĩ John McCain viết trên Twitter: “Tôi hãnh diện bị Putin trừng phạt và sẽ không bao giờ ngưng những nỗ lực và cống hiến cho tự do và độc lập của Ukraine, bao gồm cả vùng Crimea”.

Thượng nghị sĩ Robert Menendez cũng viết qua Twitter: “Nếu yểm trợ cho nền dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đưa đến việc bị Putin trừng phạt; tôi sẽ chọn điều đó”.

‘Chiến tranh lạnh trở lại?’

Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng nóng lên và hiện tại mới chỉ có những biện pháp kinh tế. Tuy nhiên, có lo ngại rằng Chiến tranh Lạnh đã trở lại vì không chỉ căng thẳng ở Ukraine mà cùng lúc Trung Quốc đang trỗi dậy ở phương Đông cũng để đối đầu với Mỹ qua xung đột trên biển, qua sự kiện Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền theo “đường lưỡi bò” và xác định vùng nhận dạng phòng không.

Trong biến cố Crimea, một nghị quyết không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea được biểu quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ với 13 phiếu thuận, phiếu chống duy nhất của Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Lá phiếu trắng khiến những nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc quan ngại nước này có thể cũng sẽ có hành động lấn chiếm hay sáp nhập vùng tranh chấp và Nga cũng sẽ đồng tình im lặng.

Với khủng hoảng Ukraine còn kéo dài, liệu chiến tranh có bùng nổ? Giới quan sát dự đoán là không, vì kinh tế EU và Nga ngày nay lệ thuộc nhiều vào nhau, vì Ukraine không là thành viên NATO và vì Mỹ nay không còn muốn trực tiếp can dự vào những giải pháp quân sự ở nước ngoài.

Tổng thống George w. Bush, dù đã khởi động hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan với lý do bảo vệ an ninh Mỹ, cũng đã không can thiệp khi Nga đem quân vào Guzia gia năm 2008.

Hơn phần tư thế kỷ qua, quan hệ giữa các cường quốc, bất kể thể chế chính trị, đã thay đổi theo chiều hướng rằng buộc nhau qua hiện tượng “toàn cầu hoá”. Nếu có chiến tranh, ảnh hưởng xấu về kinh tế sẽ bao trùm thế giới.

Sau những đối đầu quân sự ở Việt Nam trong thập niên 1960, Afghanistan và Campuchia thập niên 1980, các cường quốc đều muốn tránh chiến tranh.

Trước cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu-thời điểm còn Chiến tranh Lạnh và trước khi quan hệ Mỹ-Trung chính thức mở ra năm 1979 thì quan hệ thương mại hầu như đóng khung trong các định chế chính trị gần như cứng nhắc.

Các nước kinh tế thị trường buôn bán với nhau, các nước xã hội chủ nghĩa giao thương với nhau mà không có nhiều trao đổi thương mại giữa hai khối.

Thời Chiến tranh Lạnh, Hồng quân Nga đã tiến vào Budapest, vào Praha khiến Mỹ tăng cường phòng thủ quân sự ở Tây Âu thông qua NATO để đối đầu với sự bành trướng của Liên Xô.

Ở châu Á, Mỹ đưa quân vào Nam Việt Nam, có Liên minh quân sự SEATO để phòng thủ, ngăn chặn Trung Quốc. Khi Mỹ đã tạo dựng quan hệ kinh tế với Trung Quốc vào đầu thập niên 1970, Mỹ quyết định rút khỏi Đông Duơng và khối SEATO tan rã.

Cuối thập niên 1970 lại bùng nổ chiến tranh. Trung Quốc tấn công Việt Nam, Liên Xô đem quân vào Afghanistan. Khi xe tăng Liên Xô tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan cuối năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter có lệnh trừng phạt kinh tế, sau đó là tẩy chay Olympics Moskva. Kết quả không buộc được Hồng quân rút về và năm 1984, Liên Xô cùng các nước Đông Âu đáp trả bằng cách tẩy chay Olympics Los Angeles.

Khi Ronald Reagan lên làm tổng thống, Mỹ giúp vũ khí cho các lực lượng thánh chiến để giải phóng Afghanistan và cuộc chiến này kéo dài một thập niên cho đến khi Liên Xô rút lui năm 1989.

‘Không muốn đương đầu’

Các cuộc điều quân vào một nước khác đều làm hao tốn con người: Mỹ tại Việt Nam, Nga ở Afghanistan. Cũng như trong thập niên trước Mỹ đưa quân vào Iraq và Afghanistan.

Qua những trải nghiệm đó của nhiều quốc gia, việc đối đầu quân sự kéo dài không còn là đáp án cho những xung đột. Nếu có chỉ là can thiệp nhanh chóng như ở Kosovo, Somalia, Lybia.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với Đông Âu dân chủ hoá và Liên Xô tan rã, cùng lúc Trung Quốc mở cửa, phát triển thương mại với nhiều nước, từ đó trao đổi thương mại thế giới tăng nhanh nhờ các hiệp ước được ký kết song phương hay giữa các khối như EU ở châu Âu, ASEAN ở châu Á, NAFTA ở Bắc Mỹ và WTO cho toàn cầu.

Ngày nay mối quan hệ giữa các nước là một rằng buộc chằng chịt, lệ thuộc vào nhau trong quan hệ kinh tế, thương mại nên các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc-nhiều nước có vũ khí hạt nhân-không muốn phải đối đầu qua chiến tranh, vì nếu xảy ra, ảnh hưởng của nó không chỉ tác động cục bộ mà lan ra toàn cầu.

Không muốn đối đầu với chiến tranh nên chế tài kinh tế, phong toả giao thương đang được áp dụng.

Dù trong nội các của Chính phủ Obama có ý kiến muốn Mỹ phản ứng quyết liệt hơn, nhưng lãnh đạo thương mại và tài chính của Mỹ đã ngần ngại trừng phạt nặng đối với Nga vì sợ sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế của EU nếu Nga đáp trả, từ đó lây lan sang kinh tế Mỹ.

EU chi một năm 550 tỉ USD để nhập xăng dầu và khí đốt, một phần ba từ Nga. Nếu Nga trả đũa, liệu Mỹ và các nước sản xuất dầu khí khác có khả năng giúp EU đủ nhiên liệu để giữ vững mức phát triển kinh tế?

* **

(Đài Tiếng nói nước Nga 23/3)

Xét theo mọi phương diện, phương Tây thật sự có ý định cắt đứt quan hệ với Nga. Họ đã tuyên bố bãi bỏ các cuộc gặp thượng đỉnh G8 và “Nga- EU”. Liên minh châu Âu đóng băng liên lạc chính thức song phương với Moskva, và Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với các chính trị gia và doanh nhân Nga. Liệu biện pháp này có mang lại hiệu quả như phương Tây mong muốn và cuối cùng ai sẽ là người thua cuộc?

Sau khi Crimea tự nguyện sáp nhập Nga theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo, trong thế giới phương Tây đã lên cơn sốt chống Nga. Đặc biệt là, không ai cố gắng lý giải tại sao một số khu vực (ví dụ như Kosovo, Scotland, Falklands) có quyền tổ chức cuộc trưng cầu dân ý còn những khu vực khác – trong trường hợp này là Crimea – lại không được. Rõ ràng là, thái độ không hợp lý và mang tính phá hoại như vậy có thể được giải thích bởi cơn giận dữ của những nhà chính trị kế thừa quan điểm của Zbigniew Brzezinski: thế nào là, lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ Nga không bị mất mà ngược lại lấy lại khu vực vốn có quan hệ lịch sử với Nga.

Phương Tây hành xử phi lý và một cách mù quáng tuân theo nhà lãnh đạo và chủ nhân của họ – Washington. Rõ ràng không thể nói về chính sách độc lập của các chính trị gia châu Âu. Mỹ quả quyết rằng, Nga nên chờ đợi những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn sẽ được thông qua trong sự phối hợp với các đồng minh trong Liên minh châu Âu và các biện pháp này sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga. Tất nhiên, Moskva đã và sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa. Nhưng, có thể hỏi: liệu bản thân EU và Mỹ sẽ có lợi nếu bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh mới, các biện pháp trừng phạt sẽ dẫn đến đâu? Sau đây là ý kiến của Giáo sư Aleksandr Mikhailenko từ Học viện Hành chính quốc gia trực thuộc Tổng thống Nga:

“Việc hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh G8, không có lợi cho Nga vì đó là vấn đề uy tín. Đồng thời đó là đòn giáng mạnh vào phần còn lại của “G7” và các quốc gia được mời đến dự hội nghị với tư cách quan sát viên. Các nước thành viên câu lạc bộ này đang hợp tác tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ, về vấn đề an ninh. Bây giờ, các vấn đề này sẽ không được thảo luận hoặc được thảo luận mà không có sự tham gia của Nga. Trong khi đó, Moskva đóng vai trò rất lớn trong quá trình giải quyết một số vấn đề cơ bản như chương trình hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng Syria. Bây giờ, những vấn đề này không thể được giải quyết và điều đó tạo mối nguy cơ đe dọa nghiêm trọng an ninh của các quốc gia phương Tây”.

Nói chung, việc thiếu cuộc đối thoại và sự hợp tác giữa Nga và phương Tây không phục vụ lợi ích của bất cứ ai. Nhưng, trước hết không phục vụ lợi ích của những người châu Âu bởi vì họ phụ thuộc vào các đợt cung cấp nhiên liệu dầu khí từ Nga. Mỹ, nước thúc đẩy tình cảm chống Nga, hoàn toàn thờ ơ với vấn đề này. Đối với họ, vấn đề châu Âu xếp hàng thứ yếu, đó chỉ là một loại công cụ thô sơ trong cuộc đấu tranh duy trì vai trò “chủ nhân thế giới” và “sen đầm quốc tế”. Ngày 18/3, trong bài diễn văn tại điện Kremlin nhân dịp Crimea sáp nhập Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã nói rõ về tình trạng này. Có vẻ, chính bài phát biểu này đã gây ra phản ứng hết sức tiêu cực từ Washington. Ngoài ra, cần phải nhớ về thị trường rất lớn của Nga và hàng nghìn công ty nước ngoài đang hoạt động tại Nga. Số phận của các công ty đó sẽ ra sao? Giáo sư Oleg Matveychev từ Trường Kinh tế cao cấp cho rằng, người châu Âu sẽ thể hiện thái độ thực dụng và không áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế:

“Trong mọi trường hợp, không ai trong số các nước châu Âu chủ trương cắt đứt hoàn toàn liên hệ với Nga. Họ phụ thuộc rất nhiều vào một số vấn đề quan trọng.. Có một số vấn đề mà ngoài Nga không ai có thể giải quyết. Nhưng rất tiếc, phương Tây chưa bao giờ bước ra khỏi tình trạng Chiến tranh Lạnh. Tình trạng hiện nay không khác gì với tình hình dưới thời Liên Xô và thời kỳ nước Nga Sa Hoàng. Nhưng, mỗi khi họ cố gắng trừng phạt Nga, chúng tôi đáp trả bằng cách củng cố đất nước mình và điều này, đến lượt nó, gây cơn tức giận của họ”.

Khi cố gắng nói chuyện với Nga bằng giọng điệu dọa nạt và tối hậu thư, phương Tây gây tình hình bất ổn không chỉ trong nội bộ mà cả ở phần còn lại của thế giới, mà trong những năm gần đây các thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã phấn đấu chống lại tình trạng như vậy./.

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: