2468. LIỆU MỸ CÓ TRỞ THÀNH ĐỒNG MINH CỦA VIỆT NAM?
Posted by News trên 29/03/2014
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 26/03/2014
Theo Thời báo châu Á trực tuyến, trong một lịch sử thật trớ trêu, người Việt Nam đã hoan nghênh những kế hoạch của Mỹ về việc gia tăng dấu chân quân sự của Mỹ ở trong khu vực nhằm “cân bằng” với Trung Quốc. Báo này cho rằng từng là một kẻ thù, giờ đây Hà Nội có các mối quan hệ an ninh tốt đẹp với Mỹ, nước có lực lượng hải quân đã được Việt Nam mời sử dụng căn cứ hải quân của Liên Xô trước đây ở Vịnh Cam Ranh vào những nhu cầu hậu cần và sửa chữa tàu.
Cũng với lý do tương tự, Việt Nam đã ủng hộ hoạt động tăng cường quân sự gây nhiều tranh cãi của Mỹ ở Philippines. Tư tưởng của Hà Nội là lý luận cân bằng quyền lực theo chủ nghĩa Lenin kinh điển: Trung Quốc là lực lượng có uy thế đang lên và Mỹ là một cường quốc đang suy yếu, vì vậy các bên yếu hơn – trong đó bao gồm Philippines, Việt Nam, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản – phải tập hợp lại cùng với Mỹ để kiềm chế cường quốc đế quốc đang nổi lên (Trung Quốc).
Về cơ bản, Mỹ không thể được tính là nước ủng hộ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Philippines và Việt Nam, và không thể cho rằng Washington hoàn toàn bị thúc đẩy bởi những tính toán về cân bằng quyền lực. Mỹ sẽ thúc đẩy những lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế riêng của họ, coi đó là một sự đền đáp những yêu cầu hỗ trợ.
Hơn nữa, việc ủng hộ Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự lớn hơn là điều phản tác dụng nếu như mục đích của việc đó là nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ của châu Á với Trung Quốc. Một sự hiện diện lớn hơn của Mỹ sẽ biến đổi bối cảnh khu vực này thành một cuộc xung đột giữa các siêu cường, qua đó khiến cho vấn đề lãnh thổ-lãnh hải và khả năng đạt được giải pháp cho vấn đề này trở thành thứ yếu. Hơn nữa, việc ủng hộ Washington đặt một dấu ấn quân sự lớn hơn nữa ở Philippines sẽ biến đổi đất nước này thành một quốc gia nằm ở tuyến đầu giống như Afghanistan và Pakistan, với toàn bộ những hậu quả khủng khiếp mà một tình trạng như vậy gây ra – trong đó có sự phụ thuộc về phát triển kinh tế của Philipines vào những ưu tiên chiến lược-quân sự của một siêu cường.
Cũng quá sớm để nói rằng liệu sự suy yếu của Mỹ là tạm thời hay là tình trạng không thể đảo ngược, cần phải nhớ một bài học là Mỹ đã trở lại mạnh mẽ trong những năm 1990 sau khi nhiều chuyên gia đã nghĩ rằng họ chắc chắn không thể tránh khỏi việc bị một Nhật Bản đang trỗi dậy vượt qua. Tương tự, cũng không phải là một kết luận đã được dự tính từ trước rằng Trung Quốc sẽ “hất cẳng” Mỹ, đặc biệt là bởi vì mô hình phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng và Bắc Kinh không dám chắc chắn liệu họ có thể thực hiện sự chuyển đổi sang một con đường tăng trưởng do thị trường trong nước dẫn dắt mà không có sự biến động đột ngột lớn ở bên trong hay không.
Cuối cùng, một trạng thái cân bằng quyền lực là điều không ổn định và có xu hướng gây ra xung đột, bởi vì mặc dù không ai muốn xảy ra một cuộc chiến tranh, nhưng những động cơ gây ra xung đột có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của tất cả mọi người và dẫn tới một cuộc xung đột.
Những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hung hăng của Trung Quốc, chiến lược của Mỹ ‘xoay trục sang châu Á,’ và những hành động mang tính chất cơ hội của Nhật Bản càng làm gia tăng sự bất ổn. Nhiều chuyên gia quan sát nhấn mạnh rằng tình hình chính trị – quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên giống với tình hình chính trị – quân sự của châu Âu vào cuối thế kỷ 19, với sự xuất hiện của một hình thái bất ổn tương tự về sự cạnh tranh chính trị cân bằng quyền lực. Có lẽ không bên nào trong số những ‘bên tham gia’ chủ chốt ở khu vực Đông Á hiện nay muốn xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, cũng không có bên nào trong số những cường quốc muốn như vậy trong thời gian trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, vấn đề là trong một tình trạng xảy ra sự kình địch dữ dội giữa các cường quốc, một vụ việc có thể gây ra một chuỗi những sự kiện không thể kiểm soát nổi, điều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực, hoặc là điều tồi tệ hơn.
Philippines và Việt Nam là những đồng minh tự nhiên trong cuộc đấu tranh chung của họ chống lại nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm bá chủ khu vực Đông Á. Là các đối tác trong ASEAN, hai nước này chắc chắn sẽ xích lại gần nhau hơn bởi những sự thể hiện sức mạnh ngày càng trơ tráo của Bắc Kinh khi họ đưa ra yêu sách tuyên bố chủ quyền tới khoảng 80% diện tích Biển Đông. Cả hai nước cũng đã được kéo lại gần Mỹ hơn, tìm cách sử dụng Washington để làm đối trọng với sự hiện diện quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vục. Tuy nhiên, Việt Nam đã chơi quân bài Mỹ một cách khéo léo hơn, dựa vào Philippines để mời chào rõ ràng một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở lãnh thổ và các vùng biển của họ, những điều mà người Việt Nam sẽ không cho phép bản thân họ làm như vậy./.
Một bình luận trước “2468. LIỆU MỸ CÓ TRỞ THÀNH ĐỒNG MINH CỦA VIỆT NAM?”
Sorry, the comment form is closed at this time.
LIỆU MỸ CÓ TRỞ THÀNH ĐỒNG MINH CỦA VIỆT NAM? « Tiếng Nói Dân Chủ said
[…] THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt), trích từ Basamnews […]