BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2459. CHÍNH SÁCH KIỀU DÂN TRONG CHIẾN LƯỢC AN NINH CỦA NGA

Posted by News trên 27/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Ba, ngày 25/03/2014

Theo mạng tin “Open Democracy” ngày 12/3, với Crimea đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng quân sự Nga và chính quyền nước Cộng hòa tự trị được Nga hậu thuẫn này trưng cầu dân ý nhằm ly khai khỏi Ukraine, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Tổng thống Vladimir Putin có tìm cách để tiếp tục mở rộng lãnh thổ hay không, và nếu có thì đó sẽ là những khu vực nào?

Ông Putin từng thề sẽ bảo vệ đồng bào Nga của ông ở miền Đông Ukraine và ra lệnh cho Hạm đội Baltic của Nga thực hành các bài tập chiến thuật như một phần của một bài kiểm tra về mức độ sẵn sàng chiến đấu. Rõ ràng là ông Putin có ý định duy trì các nước thuộc Liên Xô trước đây trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Do thiểu số người Nga và những người nói tiếng Nga chiếm một phần khá lớn trong cơ cấu dân số ở một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và do ông Putin sẵn sàng sử dụng bất kỳ lý do nào để bảo vệ đồng bào của mình, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang phải đứng trước nguy cơ bành trướng của Nga trong ngắn hạn và dài hạn. Nằm trong “tầm ngắm” của ông Putin rõ ràng là những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng lớn người Nga và người nói tiếng Nga đang sinh sống, đặc biệt nếu các nước hoặc các vùng lãnh thổ này có biên giới chung với Nga.

“Chính sách kiều dân” được đề cập trong Chiến lược an ninh quốc gia.đến năm 2020 của Nga, nhưng nó đã được xây dựng ngay từ năm 2000, trong cái gọi là “Quan niệm về an ninh quốc gia”. Chiến lược này nêu rõ rằng chính sách đối ngoại của Nga cần tập trung vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Nga ở nước ngoài, thông qua việc sử dụng “những biện pháp chính trị, kinh tế và các biện pháp khác”. Trong thập kỷ qua, cộng đồng người Nga ở nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lợi ích của Nga, đồng thời phục vụ các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Nga đối với các khu vực hải ngoại gần biên giới, được minh chứng bằng các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, và Transnistria ở Moldova.

Các hiện tượng này cho thấy diễn biến tiếp theo có thể là sự ly khai của miền Đông Ukraine, nơi có một số lượng lớn người Nga và những người nói tiếng Nga (cho dù ở mức độ thấp hơn so với Crimea) và nơi có chung biên giới với Nga. Nghe nói những người nói tiếng Nga và các nhà hoạt động từ nước Nga đã tới đây để phản đối chính phủ mới của Ukraine và kêu gọi sự hỗ trợ của Nga. Để đạt được mục tiêu này, người ta không loại trừ khả năng Moskva can thiệp quân sự vào khu vực này.

Các động thái của Nga ở Crimea và miền Đông Ukraine cũng đã làm gia tăng mối quan ngại tại các nước vùng Baltic. Trong mấy ngày qua, Hạm đội Baltic của Nga đã thực hiện các bài tập chiến thuật dọc theo bờ biển Baltic. Trong khi đó, các nước Baltic đã kêu gọi NATO triển khai sáu máy bay chiến đấu tới Litra và khoảng một chục chiếc khác dự kiến sẽ được triển khai tại Ba Lan.

Điều khiến cho các nước Baltic có thể rơi vào “tầm ngắm” của ông Putin là các nước Estonia và Latvia có cộng đồng lớn người Nga, chiếm khoảng từ 1/4 đến 1/3 ba dân số của các nước này. Người Nga ở Litva chiếm khoảng 6%, tập trung ở phần phía Đông gần biên giới với Nga. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga thể hiện những nỗ lực rất lớn nhằm duy trì mối quan hệ chính trị, kinh tế và xã hội với cộng đồng người Nga ở Estonia và Latvia, trong đó họ từng bị cáo buộc là đã tổ chức cuộc bạo động của những người nói tiếng Nga ở Tallinn vào năm 2007.

Estonia và Latvia đã trở thành thành viên của NATO và EU từ năm 2004, vì thế các điều kiện địa chính trị của các quốc gia này khác xa so với các điều kiện của Ukraine, và nguy cơ về một mối đe dọa quân sự trực tiếp của Nga là nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, giống như Crimea, cả ba quốc gia thuộc Liên Xô trước đây ở vùng Baltic cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga. Trong khi Crimea đóng vai trò là căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga và một con đường dẫn tới Địa Trung Hải thì các nước Baltic này lại có các hải cảng không bị đóng băng và là một “cửa sổ” để Nga nhòm ngó sang phương Tây, các điều kiện khiến họ trở thành mục tiêu bành trướng của Nga kể từ thời Pie Đại đế. Sau khi các quốc gia Baltic này tách khỏi Liên Xô vào năm 1991, Moskva đã kịch liệt phản đối sự hội nhập của họ vào NATO và tìm mọi cách để duy trì các nước này trong phạm vi ảnh hưởng của Nga, đặc biệt là thông qua việc kiểm soát nguồn cung cấp khí đốt và dầu lửa.

Trong khi đó, nước Belarus láng giềng với khoảng 70% số người nói tiếng Nga lại có vẻ như không phải là một mục tiêu bành trướng của Nga, do Tổng thống Aleksandr Lukashenko nhìn chung vẫn trung thành với ông Putin, mặc dù đôi khi ông cũng ve vãn phương Tây. Từ những năm 1990 đã có nhiều cuộc thảo luận về việc liên kết Belarus với Nga, nhưng đã không mang lại kết quả. Tuy nhiên, với một đường biên giới chung với Nga và một phần lớn dân số nói tiếng Nga, quốc gia này vẫn là một “mục tiêu mềm” tiềm tàng đối với chủ nghĩa bành trướng Nga.

Tại sân sau của châu Âu, Transnistria – một vùng lãnh thổ ly khai của Moldova – cũng đã trở thành một vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát quân sự có hiệu quả của Nga, nơi Kremlin đã tìm cách “bảo vệ” những người nói tiếng Nga và cuối cùng là công dân Nga. Ngày nay, tại Moldova có khoảng 150.000 công dân Nga và khoảng 11-16% số người nói tiếng Nga, chủ yểu tập trung ở miền Nam của đất nước. Các nhà quan sát cho rằng sự ly khai của Transnistria có thể sẽ lây lan sang các khu vực khác của Moldova.

Xa hơn cả về mặt địa lý nhưng vẫn nằm trong tầm ngắm của chủ nghĩa bành trướng Nga là Kazakhstan. Quốc gia này cũng có thể phải đối phó với những nguy cơ tương tự như Ukraine. Các vùng lãnh thổ phía Bắc của Kazakhstan tiếp giáp với Nga và có dân cư chủ yếu là người Nga. Trong quá khứ, ông Putin đã thực hiện một nỗ lực để giữ mối quan hệ chính trị, kinh tế và xã hội chặt chẽ với người Nga ở quốc gia Trung Á này. Hiện nay, Kazakhstan vẫn là một đồng minh của Nga trong Liên minh Á- Âu do Moskva dẫn dắt. Tuy nhiên, nếu diễn ra một sự thay đổi về chính trị hay một sự tái định hướng đáng chú ý của nước này về phía Tây hay về phía Trung Quốc cũng đều có khả năng gây ra những phản ứng của Nga, tương tự phản ứng đối với Ukraine.

Trong thập kỷ qua, một số nước thuộc Liên Xô trước đây đã bắt đầu quay sang với phương Tây và dần xa lánh nước Nga – một xu hướng mà Nga ra sức ngăn chặn. Khi các quốc gia này không còn muốn đi theo sự dẫn dắt của Moskva, Nga đã tạo ra các nhà nước bù nhìn hoặc các vùng tự trị – như trường hợp Abkhazia, Nam Ossetia, Transnistria và giờ đây là Crimea, thậm chí tiếp theo có thể là cả miền Đông của Ukraine.

Trong tương lai, các nước thuộc Liên Xô trước đây sẽ ngày càng có khuynh hướng thay đổi chế độ, tăng cường dân chủ và có khả năng tách khỏi Moskva. Một vài trong số các quốc gia này có cộng đồng người Nga đủ lớn để tạo điều kiện thúc đẩy nỗ lực ly khai, trong khi những quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi thực tế này. Liệu Nga sẽ có thể dựa vào việc sử dụng quân đội và các chính sách bảo vệ đồng bào trong bao lâu để duy trì ảnh hưởng của họ là vấn đề của tương lai. Tuy nhiên, điều chắc chắn giờ đây là ông Putin đang có ý định giành lại ảnh hưởng và vùng lãnh thổ của Liên Xô trước đây, đồng thời vẽ lại các bản đồ của châu Âu ngày nay./.

 

 

 

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: