BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2490. TẠI SAO TRIỀU TIÊN NGÀY NAY KHÔNG PHẢI LÀ ĐÔNG ĐỨC NĂM 1989?

Posted by adminbasam trên 22/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ hai, ngày 17/03/2014

(Mạng Foreign Policy in Focus – 11/2/2014)

Các nhà phân tích chính sách, các học giả và các chính trị gia từ lâu đã dự đoán rằng Chính phủ Triều Tiên sẽ đi theo con đường của cộng sản Đông Đức. Ngay khi chế độ có vẻ vững vàng của Honecker nhanh chóng tan rã cùng với Bức tường Berlin vào tháng 11/1989, triều đại họ Kim ở Triều Tiên được cho là sẽ sụp đổ bất kỳ giây phút nào. Đương nhiên, “giây phút nào” ở đây đã kéo dài hơn 2 thập kỷ.

Xu hướng gần đây nhất không đơn thuần là dự đoán sự sụp đổ của chế độ mà là chuẩn bị cho điều đó. Từ năm 1999, Mỹ và Hàn Quốc đã cùng nhau dự thảo CONPLAN 5029 như là một bộ kế hoạch khẩn cấp về quân sự trong trường hợp xảy ra hỗn loạn chính trị ở phía Bắc vĩ tuyến 38, một kế hoạch mang tính khái niệm mà chỉ trở thành kế hoạch tác chiến hoàn chỉnh vào năm 2009: Năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng của mình để bao gồm thêm các lữ đoàn phản ứng nhanh, đi kèm với 2.000 xe bọc thép tiên tiến có thể di chuyển nhanh chóng để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng trong trường hợp xảy ra bất ổn nội bộ ở miền Bắc. Bộ kế hoạch khẩn cấp mới nhất và chi tiết nhất này đã được trình bày trong một báo cáo mới đây của RAND, được soạn thảo bởi Bruce Bennett, người đã cố vấn cho cả quân đội Mỹ lẫn Hàn Quốc về cách lập kế hoạch cho sự sụp đổ sau cùng của Triều Tiên.

Chế độ Triều Tiên quả thực có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, và việc lập kế hoạch khẩn cấp hiếm khi là một điều tồi tệ. Nhưng các giả định nhất định được đem sang từ kinh nghiệm Đông Âu năm 1989 đang phủ bóng đen lên cuộc tranh luận về tương lai của Triều Tiên, những giả định về quỹ đạo “không thể tránh khỏi” của lịch sử, chiến lược thích hợp để đối phó với các chính phủ phi dân chủ, và kiểu kế hoạch khẩn cấp vốn có ý nghĩa trong một môi trường sẵn sàng bùng nổ. Vì nhiều lý do, Triều Tiên ngày nay không phải là Đông Đức khoảng năm 1989. Tuy nhiên, có những bài học có thể rút ra từ thời điểm đó và nơi đó, và được áp dụng vào tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên sắp… ra sao?

Trong một phần tư thế kỷ qua, Triều Tiên đã chịu đựng 3 cú sốc mang tính hệ thống lớn, và bất kỳ cú sốc nào trong số này đều có thể dẫn đến hồi kết của một chế độ ít cứng rắn hơn. Sự sụp đổ của nhiều chính phủ cộng sản vào năm 1989 đã tạo ra một hiệu ứng domino, song lại không lật đổ được chính phủ ở Bình Nhưỡng. Việc nhà sáng lập và là nhà lãnh đạo duy nhất của Triều Tiên qua đời vào năm 1994, vốn gây ra nhiều đồn đoán về sự rối loạn chính trị, đã dẫn đến một sự chuyển giao quyền lực tương đối suôn sẻ cho người con trai (và sau đó vào năm 2011, cho người cháu trai). Và nạn đói trên diện rộng trong nửa cuối những năm 1990 – ngay sau những sụt giảm mạnh về sản lượng nông nghiệp và công nghiệp – đã khiến một phần lớn dân số Triều Tiên thiệt mạng nhưng lại không làm thay đổi giới tinh hoa cầm quyền ở nước này.

Khi so sánh, hiện nay tình hình tương đối êm ả ở Bình Nhưỡng. Nền kinh tế đã có sự cải thiện khiêm tốn về tăng trưởng GDP. Sản lượng nông nghiệp tăng nhẹ, và tình trạng thiếu ăn giảm đáng kể. Trung Quốc tiếp tục đầu tư đáng kể sang phía Đông và cũng chiếm phần lớn trong trao đổi thương mại với Triều Tiên. Một tầng lớp giàu có mới đã xuất hiện, đặc biệt ở Bình Nhưỡng, nơi họ được tận hưởng các nhà hàng và cửa hiệu sang trọng. Quan trọng tương tự, các thị trường truyền thống hiện nay đang mang lại cơ hội tồn tại và thậm chí phát đạt cho những người không có dòng dõi chính trị hoàn hảo.

Về mặt chính trị, Kim Jong Un dường như đã củng cố quyền lãnh đạo của mình, ông đã tổ chức lại hàng ngũ quân đội và Đảng Lao động Triều Tiên, thăng chức cho những người như Choe Ryong Hae lên đứng đầu Tổng cục Chính trị của quân đội. Đã có đầy rẫy tin đồn về các âm mưu ám sát và sự kình địch. Nhưng nhà lãnh đạo thứ 3 trong lịch sử Triều Tiên đã hành động với sự tàn nhẫn giống như các bậc tiền nhiệm của mình trong việc loại bỏ những đối thủ tiềm tàng. Vụ xử tử mới đây chú dượng của mình và là người được cho là quyền lực đằng sau ngai vàng, Jang Song Taek, cùng với một số nhân vật đồng lõa của ông này, cho thấy rằng vị trí của Kim Jong Un hiện không bị cạnh tranh. Quan trọng là các vụ xử tử này dường như không làm thay đổi bất kỳ chủ đề thảo luận nào của chế độ Triều Tiên – trong các cuộc đàm phán với Mỹ, trong can dự kinh tế với Hàn Quốc hay trong thương mại với Trung Quốc.

Các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã sụp đổ quá nhanh chóng một phần vì người dân tại đó đã từ bỏ mọi sự gắn kết với hệ tư tưởng chính thức, ở Triều Tiên, chủ nghĩa cộng sản vẫn là một từ hoa mỹ – giống như từ “dân chủ” trong tên chính thức của nước này – nhưng không định hình các chương trình của chính phủ hay tình cảm của người dân. Tư tưởng “chủ thể” (Juche) là một khái niệm rất dễ bị tác động và quá trừu tượng để kiểm soát lòng trung thành. Tuy nhiên, cái còn lại ở đây là chủ nghĩa dân tộc, thứ mà triều đại họ Kim đã triển khai với cấp độ ngày càng gia tăng để rằng buộc tính hợp pháp của chế độ với một lịch sử được cho là 5.000 năm, phân biệt “sự thuần khiết” Triều Tiên với chủ nghĩa thế giới “nhơ bẩn” của Hàn Quốc và mang đến ảo tượng về an ninh trái ngược với sự thiếu an toàn của toàn cầu hóa.

Nói tóm lại, Triều Tiên – không giống các chế độ Đông Âu năm 1989 – dường như sẽ vẫn giữ nguyên, với một số thay đổi nhỏ, trong một thời gian.

Triều Tiên khác biệt như thế nào

Triều Tiên đã không đi theo quỹ đạo tương tự như Đông Đức vì, hiển nhiên, các nước này rất khác nhau. Tuy nhiên, những khác biệt trong kinh nghiệm của họ đáng để xem xét.

Giới lãnh đạo Đông Đức không chỉ già cỗi mà còn bị người dân nhìn nhận rộng rãi là khúm núm trước Moskva. Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà lãnh đạo khác ở khu vực này (với ngoại lệ đáng chú ý là Romania, Nam Tư và Albania, cả 3 nước đều thoát khỏi sự rằng buộc của Liên Xô theo mức độ này hoặc mức độ khác). Hơn nữa, mỗi nước ở khu vực này đều sở hữu một nhóm nhỏ những nhân vật chống đối nổi tiếng đại diện cho một lựa chọn để thay thế giới tinh hoa cầm quyền – từ phong trào Đoàn kết quy mô lớn ở Ba Lan đến một số tiếng nói chống chế độ ở Đông Đức.

Ngược lại, ban lãnh đạo Triều Tiên tự hào là độc lập với tất cả các nước, ngay cả những nước mà Triều Tiên dựa vào (“chủ thể” có nghĩa ngược lại với thói xu nịnh bợ đỡ). Nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên còn rất trẻ. Không có những người chống đối công khai ở nước này. Cũng không có những chia rẽ sắc tộc nào như trường hợp ở Bulgaria và Nam Tư. Và không giống Romania và Đông Đức, đó là chưa nói đến Ba Lan, ở Triều Tiên không có những biểu hiện bất mãn đáng kể nào của người lao động.

Về mặt kinh tế, hệ thống Triều Tiên vận hành ở một mức độ thấp hơn đáng kể so với Đông Đức năm 1989. Nhưng thứ đã điều khiển sự gia tăng bất mãn công chúng ở Đông Âu là những kỳ vọng ngày càng nhiều. Trong những năm 1970, được khuyến khích bởi các khoản cho vay của phương Tây, các chính phủ cộng sản ở khu vực này đã chuyển các nguồn lực từ công nghiệp nặng sang một nền kinh tế hướng tới tiêu dùng hơn. Chính sự bất lực của các chính phủ trong việc đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng (cần nhiều hàng hóa hơn) và người lao động (đòi tăng lương) đã gây ra cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp trong những năm 1980. Ngược lại, người Triều Tiên đã hứng chịu sự sụp đổ của nền kinh tế song lại không lật đổ các nhà lãnh đạo của họ. Trong thập kỷ vừa qua, các thị trường cũng đã mang lại một giải pháp – cung cấp một lượng đa dạng đồ tiêu dùng cho những người có tiền và một con đường thay thế để tiến tới thành công bên ngoài những cấu trúc có từ trước cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro kinh doanh. Các thị trường như vậy có thể thỏa mãn những kỳ vọng vốn xuất hiện như là kết quả của các chuyến đi tới Trung Quốc hay việc xem các chương trình truyền hình Hàn Quốc trên đĩa DVD lậu.

Đã có một kỳ vọng từ lâu rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò của Liên Xô năm 1989. Từ bản ghi nhớ của Donald Rumsfeld năm 2003 cho đến sự phân tích chi tiết hơn trong báo cáo của RAND mới đây, các nhà quan sát Mỹ đã mong chờ Bắc Kinh sẽ xa lánh nước được cho là đồng minh của mình và tìm thấy điểm chung về địa chính trị với Washington. Trong một kịch bản như vậy, một khi các nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận thấy họ bị cô lập giống như những nhà lãnh đạo Đông Đức năm 1989, họ sẽ sụp đổ cũng nhanh chóng như vậy.

Nhưng Trung Quốc đang có một loạt tính toán khác so với Liên Xô vào cuối những năm 1980. Nước này đánh giá sự ổn định ở khu vực “gần kề” của mình là một điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng kinh tế tốt nhất là ở mức hai con số của chính mình. Trung Quốc sẽ không làm gì gây nguy hại cho mục tiêu kinh tế này. Trung Quốc đã có những đầu tư quan trọng vào Triều Tiên và coi các nguồn tài nguyên khai khoáng trong tương lai là đầu vào quan trọng cho sự tăng trưởng của riêng mình. Nhưng kịch bản tiêu cực là chế độ sụp đổ – và những náo động mà nó gây nên cho môi trường đầu tư khu vực – lại quan trọng hơn so với tác động tương đối nhỏ mà những khoản đầu tư vào Triều Tiên gây ra đối với nền kinh tế Trung Quốc. Cho dù một sự sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư ở Đông Bắc Á như vậy là ngắn ngủi, nó vẫn có thể đặt ra một rủi ro lớn cho việc duy trì sự ổn định chính trị trong nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đương nhiên Trung Quốc thất vọng với Triều Tiên – do chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, việc Bình Nhưỡng không thực hiện cải cách kinh tế đáng kể hơn, và xu hướng của Bình Nhường thu hút sự chú ý quá đáng vào khu vực do những hành động và lời nói quá quắt của mình. Do đó, Bắc Kinh đã ủng hộ những biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc chống lại Bình Nhưỡng và sẽ gây áp lực lên chính phủ nước này đe họ quay lại bàn đàm phán. Nhưng rốt cuộc, Trung Quốc lại đối xử với Triều Tiên giống như Mỹ đối xử với Israel – như một đồng minh khó tính, hay gây cáu giận và rốt cuộc là không thể thay thế. Những tính toán kinh tế và địa chính trị của cả Mỹ và Trung Quốc đối với các đồng minh ngoan cố của họ có thể thay đổi, nhưng chắc chắn không phải một sớm một chiều.

Cuối cùng, Mỹ và các đồng minh của mình đã tiếp cận Triều Tiên theo một cách rất khác so với cách họ tiếp cận khối Xôviết trong những năm 1980. Có một số điểm tương đồng trong các chiến lược kiềm chế quân sự trong cả hai trường hợp. Nhưng kiềm chế, đặc biệt trong kỷ nguyên “kiên nhẫn chiến lược” này với Triều Tiên, là vũ khí duy nhất hiện nay của Mỹ. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên đối đầu Mỹ-Xôviêt, Washington đã duy trì nhiều chiến lược gây ảnh hưởng lên diễn biến các sự kiện ở Đồng Âu về mặt kinh tế, Mỹ đã can dự thương mại đáng kể với khối Xôviết, và các ngân hàng Mỹ đã dành nhiều khoản vay lớn cho các nước Đông Âu (chẳng hạn, 230 triệu USD trong các khoản cho Ba Lan vay vào những năm 1970). Trong suốt những năm 1970, Mỹ và các đồng minh đã tham gia một số nỗ lực ngoại giao khác nhau mà đỉnh điểm là Hiệp ước Helsinki năm 1975. Và ở mức độ địa chính trị, Washington đã liên tục tìm cách chia rẽ Đông Âu và Liên Xô, chẳng hạn bằng cách chìa tay ra với cả Romania lẫn Nam Tư khi họ tìm cách tách mình khỏi sự rằng buộc với Moskva.

Do đó, nói tóm lại, Triều Tiên dường như không giống Đông Đức chút nào (hay phần còn lại của Đông Âu) vào khoảng năm 1989 vì các lý do kinh tế, chính trị và tư tưởng. Trung Quốc, do nhấn mạnh quá mức vào sự ổn định khu vực và trong nước, đang chơi một trò chơi khác – trên một sân chơi khác – so với Liên Xô của cuối những năm 1980. Và các bên tham gia bên ngoài như Mỹ đã thực hiện một chính sách phần lớn là đơn sắc đối với Triều Tiên so với một cách tiếp cận đa sắc hơn nhiều với khối Xôviết trong Chiến tranh Lạnh.

Những bài học rút ra

Những thay đổi ở Đông Âu năm 1989, tiếp đó là sự tan rã của Liên Xô năm 1991, đã tạo ra một kỳ vọng nhất định rằng các chính phủ cộng sản đều chắc chắn sẽ sụp đổ. Do hiệu ứng domino chủ yếu đã né tránh châu Á, kỳ vọng tiếp theo là các chính phủ cộng sản sẽ phải thay đổi về căn bản – như trong cải cách kinh tế của Trung Quốc hay “đổi mới” của Việt Nam – hoặc phải đối mặt với sự sụp đổ. Nhưng Triều Tiên vừa không sụp đổ vừa không bắt tay thực hiện những cải cách đáng kể. Nước này vẫn tồn tại.

Vì Triều Tiên đã chứng tỏ là rất khác so với cả những người anh em cộng sản châu Âu xa xôi lẫn châu Á gần gũi, vậy bài học hợp lý nào có thể được rút ra từ kinh nghiệm năm 1989? Có ba loại kinh nghiệm liên quan gắn liền với việc lập kế hoạch khẩn cấp, những diễn biến ở Triều Tiên và ảnh hưởng của sự hội nhập khu vực.

Về việc lập kế hoạch khẩn cấp, sự chú trọng nhằm vào khả năng sẵn sàng về quân sự – nhằm đảm bảo an toàn cho vật liệu hạt nhân, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và giảm khả năng nội chiến hay xung đột khu vực. Trong những giới hạn nhất định, việc lập kế hoạch như vậy là hữu ích. Mặc dù Triều Tiên dường như không sớm sụp đổ, điều không ngờ tới vẫn có thể xảy ra. Và sẽ là vô nghĩa nếu đào tạo các quan chức Bộ Ngoại giao hay nhân viên cứu trợ của các tổ chức phi chính phủ để tìm kiếm và đảm bảo sự an toàn cho vũ khí và vật liệu hạt nhân.

Tuy nhiên, việc triển khai nhân viên quân sự, đặc biệt là binh sĩ Mỹ, nên được tiếp cận thật khéo léo. Sự sụp đổ toàn bộ của chế độ, theo sau là sự hỗn loạn hoàn toàn – một kịch bản có thể tạo ra một sự đồng thuận ủng hộ việc can thiệp quân sự từ bên ngoài – chỉ là một tương lai có khả năng xảy ra cho Triều Tiên và không nhất thiết là khả năng dễ xảy ra nhất. Điều dễ diễn ra hơn là một tình thế nhập nhằng mà trong đó một lực lượng nào đó khẳng định quyền lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, từ trong Đảng Lao động Triều Tiên hoặc quân đội, và chỉ xuất hiện sự phản đối lác đác với trật tự mới. Liệu sự can thiệp quân sự trong một tình thế như vậy sẽ có lợi, đặc biệt ở một đất nước hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và nhất là xét những kinh nghiệm gần đây về sự can thiệp từ bên ngoài ở Iraq và Afghanistan? Báo cáo của RAND cũng nêu tương đối rõ ràng từ việc chuẩn bị cho các sự kiện bất ngờ cho đến thúc đẩy những sự kiện bất ngờ đó, chẳng hạn bằng cách khuyến nghị một chiến dịch bí mật nhằm thuyết phục quân đội Triều Tiên chống lại chế độ.

Kinh nghiệm Đông Âu năm 1989 cũng có giá trị ở đây. Ngoại trừ theo nghĩa hạn chế ở Romania vào tháng 12/1989, các lực lượng quân sự liên kết với những chính phủ cộng sản đã không can thiệp chống lại các phong trào đối lập ngày càng lớn mạnh – mặc dù trong nhiều tình huống, sẽ không cần nhiều sức mạnh như vậy để đàn áp các cuộc biểu tình. Đây có thể đơn thuần là một vấn đề may rủi. Tuy nhiên, nếu các lực lượng nước ngoài được đưa vào tình hình này – hoặc dù có mối đe dọa về một sự can thiệp như vậy – thì những sự kiện năm 1989 có thể đã diễn ra một cách rất khác. Liên Xô cũng có thể không áp dụng thái độ không can thiệp như vậy nếu các lực lượng NATO sẵn sàng can thiệp.

Kinh nghiệm Đông Đức sau năm 1989 mang lại chỉ dẫn nào đó về những diễn biến bên trong Triều Tiên. Ngay cả hiện nay, gần 25 năm sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, người Đông Đức cũ đang than phiền về cách đối xử hạng hai đối với họ ở nước Đức thống nhất. Các nhà làm luật Đông Đức đã từng tạo ra một hiến pháp cho một Đông Đức dân chủ nhưng nó đã bị phớt lờ; việc tái thống nhất diễn ra theo Điều 23 (sáp nhập) thay vì Điều 146 (một hiến pháp mới) của hiến pháp Tây Đức; quá trình tư nhân hóa do Treuhand tiến hành đã mang lại nhiều trao đặc quyền đặc lợi cho các công ty Tây Đức. Về mặt kinh tế, Đông Đức là bên hưởng lợi từ sự hào phóng lớn của Tây Đức. Nhưng các bang Đông Đức vẫn không thể rút ngắn khoảng cách. Mặc dù khoảng cách về lương đã thu hẹp đáng kể, thu nhập hộ gia đình nói chung ở các bang miền Đông vẫn chỉ bằng 70% của các bang miền Tây, và tỷ lệ thất nghiệp ở miền Đông gần gấp đôi của miền Tây. Những khoảng cách giữa phần còn lại của Đông Âu và phương Tây thậm chí còn lớn hơn. Cuối cùng, vấn đề công lý vẫn là điều quan trọng nhất trong tâm trí các công dân từ miền Đông: có phải những người vốn đã từng hưởng lợi từ hệ thống trước đây cũng trở nên phát đạt một cách không công bằng dưới chế độ mới?

Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất của năm 1989 là tầm quan trọng của sự hội nhập khu vực. Các nước Đông Âu có một mục tiêu trước mắt sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản: tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Các cải cách mà nói chung có thể không được lòng dân đã được tiến hành vì lý do đơn giản là việc gia nhập EU cần có chúng. Mặc dù những kỳ vọng ban đầu của các nước Đông Âu chưa được đáp ứng – tiêu chuẩn sống của họ không đạt tới mức cửa Áo – sự hứa hẹn hội nhập khu vực đã tạo nên một các bộ tiêu chí về chính trị, kinh tế và xã hội mà có thể đàm phán được trong những phạm vi nhất định chứ không phải tuân theo mệnh lệnh của bất kỳ nước nào.

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp dụng những kinh nghiệm của một phần thế giới vào một phần khác nhất thiết nên vừa phải. Rốt cuộc, phần lớn bài viết này là dành để giải thích tại sao Triều Tiên rất khác với Đông Âu. Nhưng khi chúng ta nghĩ về tương lai của Triều Tiên, điều bắt buộc là chúng ta không được hạn chế việc lập kế hoạch khẩn cấp của mình trong phạm vi quân sự. Như ở Đông Âu năm 1989, sự chú trọng không nên tập trung vào những phản ứng quân sự, mà là về các hoạt động ngoại giao, nhân đạo và cuối cùng là kinh tế nhằm mang lại sự thay đổi ở Triều Tiên. Hơn nữa, người Triều Tiên nên đóng vai trò trung tâm trong việc xác định tương lai của đất nước họ thay vì đơn thuần là đối tượng để các nước khác hoạch định chính sách đối ngoại. Khoảng cách kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam – và những lo ngại của người dân về công lý – nên được giải quyết trước tiên, với những tiêu chuẩn rõ ràng chứ không phải bằng những hứa hẹn phi thực tế.

Cuối cùng, việc cân nhắc tương lai của Triều Tiên sẽ là quan trọng ở chỗ nó không đơn thuần chỉ cho bán đảo này mà còn cho cả khu vực nói chung. Mặc dù Đông Bắc Á còn cách khá xa kiểu hợp tác khu vực đã tồn tại ở châu Âu trước năm 1989, không bao giờ là quá sớm để theo đuổi một mô hình an ninh khu vực (chẳng hạn, như được Trung Quốc đề xuất ở những giai đoạn sau của tiến trình Đàm phán Sáu bên).

Việc lập kế hoạch khẩn cấp là một hành động hữu ích. Nhưng việc chuẩn bị cho một kết quả được chờ đợi từ lâu không nên được coi là một sự thay thế cho những chính sách mà có thể cải thiện tình hình hiện nay. Giống như các nước châu Âu trong những năm 1970, cùng với Mỹ và Liên Xô, các nước ở tại và xung quanh bán đảo Triều Tiên có thể và nên hành động để khiến sự quá độ của toàn bộ khu vực Đông Bắc Á từ môi trường Chiến tranh Lạnh hiện tại của nó diễn ra suôn sẻ và ít xung đột nhất có thể./.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: