2412. NĂM ĐIỀU RÚT RA TỪ CÁC CUỘC BIỂU TÌNH TẠI UKRAINE VÀ VENEZUELA
Posted by adminbasam trên 04/03/2014
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Bảy, ngày 01/03/2014
Ngày 21/2, Viện Cato có trụ sở tại thủ đô Washington đăng bài phân tích của hai học giả Dalibor Rohac và Juan Carlos Hidalgo về 5 bài học rút ra từ các cuộc biểu tình tại Ukraine và Venezuela, trong đó khẳng định có một số điểm tương đồng nổi bật cũng như một số khác biệt quan trọng giữa các sự kiện diễn ra tại hai quốc gia này. Dưới đây là nội dung bài phân tích:
1. Nền kinh tế có vấn đề
Mặc dù tình trạng bất ổn xã hội ở Ukraine đã được kích hoạt bởi quyết định của chính phủ nước này hủy ký Thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu, song sự bất mãn của người dân có nguyên nhân sâu xa hơn. Nhiều năm quản trị theo kiểu tham nhũng và trục lợi đã đẩy nước này trật khỏi đường ray chuyển hướng tới một nền kinh tế thị trường làm cho người dân Ukraine tuyệt vọng. Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Ukraine là 8.200 USD, tương đương với mức của Ba Lan. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Ba Lan là 18.300 USD trong khi đó con số này ở Ukraine đã sụt giảm xuống còn 6.400 USD. Không giống các nước láng giềng hậu cộng sản hướng tới phương Tây, Ukraine đã không theo đuôi cải cách thể chế sâu sắc và nền kinh tế nước này bị một nhóm nhỏ các đầu sỏ chính trị nắm giữ có kết nối quyền lực chính trị chặt chẽ với điện Kremlin. Con trai của Tổng thống Viktor Yanukovych, Oleksandr, đã trở thành một trong những người giàu có nhất đất nước này trong thời gian cha mình tại vị trong khi thu nhập của hầu hết người dân Ukraine sụt giảm.
Ở Venezuela, tình hình kinh tế xấu đi đáng kể từ cái chết của cựu Tổng thống Hugo Chávez hồi năm ngoái. Nước này có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Số liệu công bố chính thức là 56% trong năm 2013, mặc dù theo kết quả nghiên cứu về siêu lạm phát của tác giả Steve Hanke, tỷ lệ lạm phát thực sự hàng năm là 305%. Sau nhiều năm quốc hữu hóa, tước quyền sở hữu và kiểm soát tiền tệ và giá cả dưới cái tên “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”, khu vực tư nhân đã bị tàn phá. Tình trạng dòng người xếp hàng kéo dài hàng giờ ở các siêu thị diễn ra hàng ngày và tình trạng thiếu thực phẩm, dược phẩm cơ bản cũng phổ biến. Cũng giống như ở Ukraine, tham nhũng tràn lan khi giới tinh hoa cầm quyền kiếm được các món lợi từ doanh thu dầu lửa. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng của một tầng lớp đặc quyền mới với tên gọi “Boligarchs”. Sở dĩ họ được gọi tên như vậy do đã giàu lên rất nhanh dưới cái gọi là cuộc cách mạng Bolivar. Bên cạnh đó, Venezuela hiện là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới với gần 25.000 vụ giết người vào năm ngoái. Một bộ phận lớn dân số chủ yếu là tầng lớp trung lưu tỏ ra chán ghét khi đất nước của họ nhanh chóng trở thành nơi không đáng sống.
2. Các chính phủ đã phản ứng lại bằng việc đàn áp biểu tình
Ở Ukraine, phong trào thân châu Âu (Euromaidan) bắt đầu tiến hành các cuộc biểu tình ôn hòa vào cuối tháng 11 nhằm phản ứng lại việc chính phủ hủy bỏ ký thỏa thuận liên kết với EU. Tại Kiev, những người biểu tình tụ tập và dựng trại ngay ở Quảng trường Độc lập với tên gọi “Maidan” theo tiếng Ukraine. Sau khi cảnh sát chống bạo động Berkut dùng bạo lực giải tán người biểu tình vạo ngày 30/11, bạo lực dần dần leo thang mà đỉnh cao là các sự kiện mới đây làm ít nhất 77 người thiệt mạng. Chính phủ thậm chí đã trả tiền cho các nhóm côn đồ xâm nhập các trại đối lập và kích động các cuộc đụng độ. Trong những ngày qua, lực lượng an ninh Ukraine đã sử dụng súng bắn tỉa và vũ khí tự động để chống lại người biểu tình, gây ra thương vong lớn.
Tại Venezuela, các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 12/2 sau khi chính phủ từ chối thả một số sinh viên bị bắt giữ tùy tiện những ngày trước đó. Cũng giống như chế độ của Tổng thống Viktor Yanukovych, Tổng thống Nicolás Maduro đã đàn áp các cuộc biểu tình trên với một lực lượng chưa từng có, trong đó sử dụng cả lực lượng Cảnh sát quốc gia và các nhóm quân sự bán vũ trang. Ngày 19/2, các lực lượng chính phủ đã leo thang, sử dụng bạo lực nhằm vào dân thường, bao vây các tòa nhà chung cư và bắn người dân trên phố. Bang biên giới Tachira hiện đang thực hiện lệnh giới nghiêm. Cho đến nay, ít nhất 8 người đã thiệt mạng, hàng chục người bị giam giữ và nhiều người mất tích.
3. Nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện này
Điện Kremlin đã can dự vào công việc nội bộ của Ukraine kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1991. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”. Nhìn Ukraine dần thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của mình, các nhà lãnh đạo Nga đã cổ gắng sử dụng giá khí đốt tự nhiên bán cho Ukraine như một biện pháp để có được các nhượng bộ chính trị. Gần đây nhất, điện Kremlin sử dụng giá xăng để buộc Chính phủ Ukraine từ bỏ Thỏa thuận liên kết với EU, hành động dần đến tình trạng bất ổn hiện nay. Kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình của phong trào Euromaidan, Nga đã cung cấp cho Chính phủ Ukraine đang trong tình trạng thiếu tiền mặt khoản viện trợ dưới hình thức mua trái phiếu. Các vai trò được đảo ngược một chút khi nói đến ảnh hưởng của Cuba tại Venezuela. Đất nước Cuba thiếu tài nguyên đóng một vai trò quan trọng chống đỡ cho Chính phủ Venezuela để đổi lấy nguồn cung dầu lửa mà nước này đang rất cần. Venezuela cung cấp cho Cuba 120.000 thùng dầu mỗi ngày với giá trị ước tính vào năm 2012 là 3,6 tỷ USD (khoảng 5% tống sản phẩm quốc nội của Cuba). Các cơ quan mật vụ Cuba giúp kiểm soát bộ máy an ninh cho chế độ của Tổng thống Maduro. Bản thân Tổng thống Maduro được biết đã được đào tạo theo hệ tư tưởng cộng sản ở Cuba . Trong thập niên 1980, nhiều năm trước khi người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Hugo Chávez nắm quyền thực sự và xây dựng chính quyền cộng sản hiện nay. Nhiều người cho rằng các anh em nhà Castro cầm quyền ở Cuba là những nhân tố quan trọng đằng sau việc lựa chọn Maduro kế vị Chávez. Nếu không có dầu lửa, rất có khả năng nền kinh tế mong manh của Cuba sẽ đổ vỡ. Mối quan hệ giữa hai nước có lẽ là độc nhất trong lịch sử thế giới khi quốc gia lớn và giàu có hơn đã thực sự trở thành một nước lệ thuộc vào khách hàng (dầu lửa) của mình cho đến thời điểm mà các lá cờ Cuba tung bay tại nhiều căn cứ quân sự của Venezuela.
4. Các quốc gia dường như bị chia rẽ về dân tộc và xã hội
Việc đề cập đến sự khác biệt giữa một phần khu vực nói tiếng Ukraine ủng hộ liên minh châu Âu (EU) với các khu vực phía Đông củc nước này có quan hệ gần gũi hơn với Nga đã trở nên phổ biến. Sự thật không thể phủ nhận là phong trào biểu tình đã thu hút khá ít sự ủng hộ của các khu vực mà người nói tiếng Nga chiếm đa số. Sự khác biệt về sắc tộc và ngôn ngữ cũng không giải thích chính xác được sự khác biệt trong quan điểm về tương lai đất nước của người dân Ukraine, kể cả những người nói tiếng Nga lẫn người nói tiếng Ukraine ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với EU.
Sự chia rẽ trong nội bộ người dân Venezuela không phải là vấn đề sắc tộc mà là giữa các tầng lớp kinh tế xã hội. Kết quả chính thức và gây nhiều tranh cãi của cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái ở Venezuela khiến đất nước này đã bị chia đôi. Trong khi ông Maduro nhận được 50,6% số phiếu bầu thì ứng cử viên đối lập Henrique Capriles cũng có 49,1% ủng hộ chế độ hiện tại đã nhận được hầu hết sự ủng hộ từ các tầng lớp dân chúng nghèo nhất, những người vẫn nhận được các trợ cấp đáng kế từ chính phủ cũng như công chức và bộ máy quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Madup không có được mức độ trung thành, thậm chí là tôn thờ mà cựu Tổng thống Hugo Chávez đã có từ những người ủng hộ. Trong khi đó, phe đối lập chủ yếu tập hợp bởi tầng lớp trung lưu và sinh viên. Không may là sự hận thù và nghi ngờ ở mức độ cao giữa cả hai phe sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.
5. Láng giềng và tổ chức khu vực phản ứng một cách chậm chạp
Có thể nói phản ứng của EU với các sự kiện ở Ukraine là quá thận trọng và chậm chạp. Chỉ đến ngày 20/2, các lãnh đạo châu Âu mới nhất trí các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhằm vào Ukraine trong đó có cai thị thực, đóng băng tài sản và đình chỉ giấy phép xuất khẩu các thiết bị có thể được sử dụng để đàn áp phong trào trong nước. Hồi tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, EU đã gây ra đôi chút thất vọng khi đề cập đến mối quan hệ tiềm năng với Chính phủ Ukraine sẽ hấp dẫn hơn so với việc làm sâu sắc mối quan hệ với Nga. EU từng đưa ra một sổ đề nghị trong đó có một “lộ trình” tăng tốc để trở thành thành viên EU và các lợi ích của việc này như tự do đi lại cho người dân và tiếp cập thị trường chung.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, một số chính phủ cánh tả Mỹ Latinh đã tuyên bố về sự đoàn kết của họ với chế độ Maduro trong đó có khối thương mại Mercosur. Các quốc gia khác có nền dân chủ chín muồi hơn như Mexico, Colombia, Peru và Costa Rica đã im lặng, hoặc là hèn nhát, hoặc là hoài nghi. Chỉ có Chile và Panama lên tiếng quan ngại một cách hạn chế về việc vi phạm nhân quyền tại Venezuela. Các liên minh khu vực như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribean nhiều khả năng vẫn muốn đứng về phía Venezuela. Vì vậy, Chính phủ Venezuela không phải lo lắng , về việc phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động đàn áp người dân.
Một đặc điểm chung cuối cùng của hai sự bùng phát bất ổn trong dân chúng là sự không chắc chắn về điều gì sẽ tiếp diễn. Thỏa thuận ngày 21/2 ở Kiev mang đến hy vọng cho một quá trình chuyển giao có trật tự đối với một bản hiến pháp và một cuộc bầu cử mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Yanukovych đã từng không giữ lời hứa trong quá khứ, bất kỳ thỏa thuận nào để ông nắm quyền cho tới khi người kế nhiệm được bầu là rất mong manh. Tương tự như vậy, ở Venezuela, chính phủ đã từ chối đàm phán với những người biểu tình, gọi họ là “phát xít”. Tuy nhiên, khi sự bất mãn lên cao và các cuộc biểu tình thu hút được người dân tham gia đông hơn, họ sẽ trở thành vấn đề đau đầu với chế độ./.
Sorry, the comment form is closed at this time.