2388. HỢP TÁC BIỂN ĐÔNG TRONG KHUÔN KHỔ LUẬT QUỐC TẾ
Posted by adminbasam trên 26/02/2014
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Chủ nhật, ngày 23/02/2014
( Lưỡng nguyệt san “ Nghiên cứu các vấn đề quốc tế “ , Trung Quốc, số 1/2014 )
Bài viết của hai đồng tác giả: Hải Dân – Nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Đại học Vũ Hán, và Trương Ái Chu – Thạc sĩ luật quốc tế Đại học Vũ Hán, đăng trên lưỡng nguyệt san nói trên, cho rằng theo quy định của “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” (UNCLOS), các nước cạnh các vùng biển khép kín hoặc bán khép kín có nghĩa vụ hợp tác với nhau. Trên thế giới đã có nhiều nơi hợp tác thành công như vậy. Nam Hải (Biển Đông) là vùng biển bán khép kín điển hình, các nước cạnh Nam Hải hợp tác không những phù hợp với lợi ích của các bên, mà cũng là nghĩa vụ theo luật pháp quy định. Hiện nay các nước cạnh Nam Hải đã có sự hợp tác ở mức độ nào đó nhưng cũng tồn tại nhiều nhân tố bất lợi và khó khăn. Các nước liên quan cần tìm ra được hướng đi, trước hết là hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm. Nội dung bài viết như sau:
Tính chất lưu động và tính chất mở cửa hải dương đã khiến việc quản lý và sử dụng biển hữu hiệu, hợp lý phải liên quan đến lợi ích chung của tất cả các nước ven biển. Đối với các nước cạnh các vùng biển khép kín và nửa khép kín, việc triển khai hợp tác biển là đặc biệt quan trọng, vì thuộc tính tự nhiên của các vùng biên khép kín và bán khép kín buộc các vùng biên này phải có đặc điểm như vậy, hoạt động trên biển của một nước cạnh biển thường gây ra ảnh hưởng rút giây động rừng đối với cả vùng biển đó. Nếu các nước ven biển chỉ tính đến lợi ích của mình, sẽ thường dẫn đến kết quả là một bên được lợi, các bên khác bị hại, không những tạo ra ảnh hưởng xấu đối với công tác quản lý và báo vệ của toàn vùng, mà cuối cùng tất yếu sê gây tổn hại cho lợi ích của bản thân và dẫn đến hệ quả “cả hai cùng thua”. Nếu các nước ven biển hợp tác hữu hiệu sẽ có lợi cho việc phối hợp trong các lĩnh vực nuôi trồng và bảo vệ nguồn sinh vật biển, bảo vệ môi trường, nghiên cún khoa học, cứu hộ cứu nạn, tấn công tội phạm, và đương nhiên sẽ có lợi cho việc quản lý, sử dụng và bảo vệ đối với toàn bộ vùng biển đó.
I- Thực tiễn hợp tác
Theo quy định của Điều 123 trong UNCLOS, các nước ven biển khép kín và nửa khép kín cần phải hợp tác với nhau trong khi thực hiện quyền lợi và thi hành nghĩa vụ đã được UNCLOS quy định. Với mục đích như vậy, những nước này cần phải cố gắng trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khu vực thích hợp để: (a) Phối hợp quản lý, bảo hộ, thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên sinh vật biển; (b) Phối hợp thi hành, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của nước đó trong việc bảo hộ và bảo toàn môi trường biển; (c) Phối hợp chính sách nghiên cứu khoa học của các nước ven biển, đồng thời tiến hành nghiên cứu khoa học hỗn hợp ở khu vực đó trong điều kiện thích hợp; (d) Trong điều kiện thích hợp, mời nước hữu quan hoặc tổ chức quốc tế hữu quan hợp tác để phổ biến, mở rộng quy định của điều khoản này. Vì thế, nếu các nước ven biển hợp tác thực chất sẽ không chỉ phù hợp với lợi ích chung của các bên, mà đồng thời cũng là nghĩa vụ theo như luật pháp đã quy định.
Thực tiễn thành công trong các lĩnh vực hợp tác biển khép kín và nửa khép kín
1) Hợp tác nhiều lĩnh vực giữa các nước ven biển Địa Trung Hải
Tháng 10/1990, 10 nước Tây Địa Trung Hải (gồm 5 nước Bắc Phi là Mauritania, Maroc, Algeria, Tunisia, Libya, và 5 nước châu Âu là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Malta) chính thức thành lập cơ chế đối thoại “5+5” tại Rome, cung cấp mặt bằng đối thoại cho các nước khu vực
Địa Trung Hải. Tháng 5/2010, lần đầu tiên 10 nước Tây Địa Trung Hải tổ chức Hội nghị cấp bộ trưởng về môi trường và nguồn năng lượng tái sinh, và đã thông qua bản “Tuyên ngôn Oran”, định ra Quy hoạch phát triển môi trường khu vực, thành lập Hội đồng chuyên gia hỗn hợp 10 nước, đề xuất kiến nghị và tìm kiếm phương án hợp tác giải quyết vấn đề môi trường liên quan. Hội nghị đã thu nạp ba kiến nghị của Algeria về việc thành lập cơ quan đánh giá quan trắc môi trường và phát triển bền vững; thành lập cơ chế hiệp thương về biến đổi khí hậu giữa chính phủ và xã hội của các nước Tây Địa Trung Hải; xác định Quy hoạch khí hậu các nước Tây Địa Trung Hải.
Hội đồng chuyên gia hỗn hợp Địa Trung Hải tiến hành giao lưu trao đổi định kỳ, đề xuất kiến nghị mang tính khả thi về các vấn đề môi trường, hợp tác, xây dựng hệ thống cảnh báo ô nhiễm nước biển, cùng đối phó vấn đề ô nhiễm biển. Vận động các tổ chức phi chính phủ tham gia, bắt đầu từ việc đảm bảo nguồn nước uống của cư dân, nâng cao hiệu quả phát triển và sứ dụng nguồn nước, hạn chế rủi ro về thiên tai như hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm. “Tuyên ngôn Oran” còn xác lập chiến lược về nguồn nước Địa Trung Hải, đặc biệt là tăng cường giao lưu kỹ thuật và kinh nghiệm trong các lĩnh vực làm ngọt nước biển, xử lý nước bị ô nhiễm và tu sửa hệ thống nước ngầm. Tăng cường hiệp đồng, phối hợp các công việc liên quan đến nguồn năng lượng tái sinh, xác định rõ các nước bờ Bắc Địa Trung Hải cần phải chuyển nhượng kỹ thuật về năng lượng sạch cho các nước ở bờ Nam. Cùng với việc mở rộng các lĩnh vực đã được cơ chế đối thoại “5+5” đề cập, cơ chế này cũng đang dần trở thành cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa hai bờ Nam – Bắc Địa Trung Hải. Lĩnh vực hợp tác được mở rộng ra đến hợp tác nguồn năng lượng sạch, bảo vệ an ninh khu vực, chống lại di dân bất hợp pháp, hiệu quả cho thấy rất tốt.
2) Hợp tác an ninh hàng hải của các nước ven biển Tây Ẩn Độ Dương, Vịnh Aden và Biển Đỏ
Tháng 1/2009, tại Djibouti các nước ven biển Tây Ấn Độ Dương, Vịnh Aden và Biển Đỏ đã tổ chức Hội nghị cấp cao do Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đứng ra tổ chức, Hội nghị đã thông qua Điều lệ cùng hợp tác chống cướp biển. Trong phiên bế mạc hội nghị, 9 nước bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Madagascar, Maldives, Seychelles, Somalia, Tanzania và Yemen đã ký kết bản Điều lệ, yêu cầu các bên căn cứ theo luật biển quốc tế
triển khai hợp tác tấn công cướp biển có vũ trang một cách toàn diện, thông qua điều phối viên của các nước và Trung tâm thông tin khu vực để chia sẻ thông tin và thông báo tin tức, ngăn chặn tàu thuyền bị nghi là cướp biển, đảm bảo những kẻ bị tình nghi phải bị bắt và đưa ra khởi tố, đồng thời cứu trợ tàu thuyền và những người bị hải tặc tấn công và cướp của. Hội nghị Djibouti còn kêu gọi các nước thành viên của IMO cùng với các tổ chức quốc tế và khu vực khác hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật để thực thi Điều lệ này.
3) Các nước ven Biển Đen hợp tác ngăn chặn ô nhiễm biển do tàu bè gây ra
Năm 1992, tại Hội nghị ở Bucharest, sáu nước ven Biển Đen (Bulgaria, Gruzia, Romania, Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine) đã ký kết công ước phòng chống ô nhiễm Biển Đen, có tên gọi “Công ước Bucharest”, mục tiêu chính của công ước là ngăn chặn ô nhiễm biển do tàu thuyền, đặc biệt là loại tàu thuyền phải chở đủ trọng tải để có đủ áp lực ổn định chống chọi bão sóng gây nên. Căn cứ theo công ước nói trên, các nước đã thành lập ủy ban Biển Đen và Ban Thư ký thường trực Biển Đen để thực thi công ước một cách toàn diện.
4) Thực tiễn cùng khai thác ở những vùng biển tranh chấp khác
Ngoài thực tiễn hợp tác giữa các nước ở những vùng biển khép kín và nửa khép kín nói trên, ở những vùng biển khác, đặc biệt là vùng biển tranh chấp, các nước liên quan đã có nhiều thực tiễn hợp tác thành công về việc khai thác chung, trong đó có một số trường hợp tương đối điển hình như hai nước Malaysia và Thái Lan thông qua việc ký kết “Bản ghi nhớ năm 1979” và “Thoả thuận năm 1990”, đã cùng nhau khai thác ở vùng biển mà hai bên đang tranh chấp thuộc Vịnh Thái Lan; Năm 1989 hai nước Australia và Indonesia đã ký “Hiệp ước về vùng lòng máng biển Timor”, cùng khai thác ở vùng biển hai nước đang tranh chấp này; Năm 2006 Australia và Timor Leste ký kết “Thỏa thuận giải quyết các công việc đặc biệt ở vùng biển Timor”, đã tiến hành khai thác chung; Năm 2001 Nigeria cùng với São Tomé and Príncipe thông qua ký kết thỏa thuận, cùng khai thác ở vùng biển đang tranh chấp; Năm 1976, Anh và Na Uy ký kết “Hiệp ước Frigg”, cùng khai thác mỏ khí đốt Frigg ở Biển Bắc; Năm 1993 Guinea-Bissau và Senegal ký kết “Thỏa thuận quản lý và hợp tác” cùng tiến hành khai thác ở vùng biển tranh chấp…
Phần lớn những vùng biển đã có sự hợp tác nói trên, giữa các nước cạnh biển vẫn còn tồn tại một số tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vùng biển, nhưng các nước này đã dựa theo tinh thần thực tế, tiến hành hợp tác rất có hiệu quả. Thực tế như vậy chứng tỏ tuy có tranh chấp nhưng hợp tác ở những vùng biển khép kín và bán khép kín không những hoàn toàn có thể thực hiện được, mà còn phù họp với luật quốc tế, và thuận theo xu hướng của thời đại.
Cần phải đặc biệt nhấn mạnh rằng trong tình hình vẫn còn những tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển chưa được giải quyết, việc hợp tác ở những vùng biển khép kín và nửa khép kín như đã được UNCLOS quy định, hoàn toàn không lấy việc giải quyết những tranh chấp này làm tiền đề. Bất cứ điều khoản nào trong UNCLOS cũng đều không quy định rằng trước khi tranh chấp được giải quyết, các bên không được tiến hành hợp tác thiết thực, mà ngược lại còn đề ra những yêu cầu rõ rệt cho các nước ven biển cùng nhau hợp tác. Trong các điều 74, 83 của UNCLOS có quy định trước khi đạt được thỏa thuận về phân giới biển, các nước hữu quan cần xuất phát từ tinh thần thông cảm và hợp tác, nỗ lực hết sức mình nhằm đưa ra được phương án tạm thời mang tính thực tế để thúc đẩy hợp tác, phương án này không gây trở ngại cho các nước ven biển đi đến thỏa thuận cuối cùng về việc giải quyết tranh chấp, trong đó có những tranh chấp về phân định ranh giới lãnh thổ và ranh giới biển.
Trước mắt, trên thế giới vẫn còn hơn 200 đường ranh giới biển chưa được hoạch định, đặc biệt là những vùng biển khép kín và nửa khép kín, nhưng thực tế này không gây trở ngại cho sự hợp tác giữa các nước ven biển. Các nước hữu quan dựa theo thiện chí thực hiện nghĩa vụ được nêu trong UNCLOS, lấy đó làm xuất phát điểm cơ bản, thông qua xây dựng các cơ chế hợp tác, tăng cường quản lý và bảo vệ biển, đem lại lợi ích cho nhân dân các nước. Đồng thời thông qua hợp tác thực chất giữa các bên, đã làm hòa dịu tranh chấp một cách thiết thực, tạo ra được điều kiện và môi trường tốt đẹp để giải quyết tranh chấp.
II- Hiện trạng hợp tác Nam Hải
Nam Hải được vây quanh bởi các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, đó là vùng biển bán khép kín điển hình. Nam Hải nằm ở vị trí xung yếu trên đường vận tải biển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là một trong những hành lang trên biển quan trọng nhất thế giới, mỗi năm có hơn 100.000 tàu thuyền đi qua vùng biển này (trong đó có hơn 40.000 tàu có sức chở vạn tấn). Khí đốt tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển qua tuyến đường biển ở Nam Hải chiếm 2/3 tổng lượng hàng hóa thương mại của cả thế giới. Hơn 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan của Trung Quốc cũng phải vận chuyển qua tuyến hàng hải này. Trong số gần 40 tuyến đường biển để Trung Quốc đi ra thế giới, có hơn một nửa phải đi qua vùng biển Nam Hải.
Vùng biển Nam Hải có các nguồn tài nguyên nghề cá, dầu khí và du lịch phong phú, riêng tài nguyên nghề cá đã chiếm khoảng 10% tài nguyên nghề cá toàn cầu, trữ lượng dầu mỏ khoảng 11,2 tỉ thùng, khí đốt tự nhiên khoảng 190 nghìn tỉ mét khối, trước mắt hiện đang có gần 2000 giếng dầu khí ở đây đang tác nghiệp. Nam Hải là vùng biển chịu nhiều thiên tai, nhất là tần suất bão xảy ra nhiều nhất, mỗi năm có hơn 10 trận bão đi qua Nam Hải hoặc xảy ra ở Nam Hải. Đây cũng là vùng biển xảy ra tương đối nhiều các vụ cướp biển, về mặt khách quan, đòi hỏi các nước ven biển phải có sự hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng và bảo hộ, nuôi trồng tài nguyên, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và tấn công tội phạm. Cho đến nay, các nước cạnh Nam Hải đã sơ bộ triển khai hợp tác thí điểm trên biển.
1,Quy chuẩn và nhận thức chung về hợp tác giữa các nước ven Nam Hải. Từ thập niên 1990 đến nay, tranh chấp ở Nam Hải nóng lên, để có thể kiểm soát thỏa đáng mâu thuẫn, giữ gìn hòa bình ổn định khu vực, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan, tháng 11/2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải” (DOC). về phương diện thúc đẩy hợp tác Nam Hải, Điều 9 trong DOC có quy định rõ: “Trước khi tranh chấp được giải quyết một cách toàn diện và lâu dài,các bên liên quan có thể thảo luận tìm kiếm giải pháp hoặc triển khai hợp tác, có thể bao gồm những lĩnh vực dưới đây: (1) Bảo vệ môi trường biển Nam Hải; (2) Nghiên cứu khoa học biển; (3) Giao thông đường biển và an toàn giao thông đường biển; (4) Tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn; (5) Tấn công tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không hạn chế ở việc chống buôn bán ma túy, chống cướp biển thông thường và có vũ trang và buôn bán vũ khí trái phép”. Như vậy chứng tỏ Trung Quốc và các nước hữu quan của ASEAN đã có được nhận thức chung về ý nghĩa quan trọng trong việc hợp tác Nam Hải đối với yêu cầu giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực, tạo môi trường thuận lợi để tiến thêm một bước tiếp tục giải quyết tranh chấp. DOC tuy không có sức rằng buộc pháp lý nhưng với tư cách là cam kết chính trị của các nước khu vực, DOC cần phải được thực hiện nghiêm túc bằng thiện chí, thiết thực theo hướng thúc đẩy hợp tác.
2,Hiệp định hợp tác chống cướp biển thông thường và có vũ trang ở khu vực châu Á. Tại khu vực Nam Hải, đặc biệt là vùng Eo biển Malacca, các hoạt động tội phạm cướp biển thông thường và có vũ trang đã một thời hoành hành dữ dội. Để có thể hiệp đồng tấn công tội phạm trên biển một cách hữu hiệu, năm 2004, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Brunei, Ân Độ, Bangladesh, Sri Lanka đã tiến hành đàm phán và đã ký kết “Hiệp định hợp tác chống cướp biển và tàu cướp biển có vũ trang khu vực châu Á”, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2006. Đây là bản hiệp định hợp tác đầu tiên giữa chính phủ các nước nhằm chống lại cướp biển thông thường và có vũ trang, là nhận thức chung mang tính nguyên tắc mà các nước đạt được về hiệp đồng tấn công tội phạm trên biển. Đến cuối năm 2013, đã có một số nước ngoài khu vực như nước Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Australia tham gia hiệp định nói trên. Mỹ đã chính thức trở thành Quan sát viên của Trung tâm chia sẻ thông tin – một cơ cấu được thành lập trong khuôn khổ của Hiệp định này, thực hiện chức trách của Ban Thư ký Hiệp định, công bố báo cáo định kỳ về tình hình cướp biển thông thường và có vũ trang ở khu vực châu Á, đồng thời thông báo một số vụ việc xảy ra đột phát cho các nước ký kết hiệp định và các tổ chức liên quan, có thể nói đã làm được nhiều việc nhằm bảo vệ an ninh biển ở khu vực.
3, Hội thảo giải quyết xung đột tiềm tàng ở Nam Hải. Để thúc đẩy hợp tác đối thoại giữa các bên, tạo môi trường hợp tác ổn định ở Nam Hải, từ năm 1990, tại Indonesia hàng năm có tổ chức “Hội thảo giải quyết xung đột tiềm tàng ở Nam Hải” do Trung Quốc và các nước ASEAN cử người tham gia với tư cách cá nhân. Hội thảo đã tiến hành nghiên cứu, thảo luận rộng rãi các nội dung thuộc các lĩnh vực như nghiên cứu tính đa dạng sinh học, thành lập kho dữ liệu hải dương, thay đổi thủy triều và mực nước biển, huấn luyện kiểm tra đo đạc hệ thống sinh thái biển, hệ thống giáo dục và giao lưu về biển Đông Nam Á..,, đã có được tiến triển tích cực, và triển khai một số dự án.
Nhưng bởi nguyên nhân lịch sử, các nước ven Nam Hải lại nhiều, giữa các nước liên quan tồn tại tranh chấp phức tạp về chủ quyền và lợi ích biển, chủ yếu là ở vùng biển Nam Sa (Trường Sa). Vì thế, một vấn đề quan trọng đặt ra là phải làm sao để vùng biển này được quản lý và bảo bộ hữu hiệu, về phương diện này, các bên liên quan đã có rất nhiều nỗ lực và đã đạt nhận thức chung mang tính nguyên tắc, nhưng hợp tác vẫn đứng trước khó khăn cần phải có được bước đột phá. Các bên cần phải dựa theo quy định của UNCLOS và luật quốc tế hữu quan, mở rộng hợp tác, tăng thêm lòng tin cậy lẫn nhau, kiểm soát mâu thuẫn và bất đồng, cùng bảo vệ môi trường biển, giữ gìn hòa bình và an ninh ở khu vực biển Nam Hải, đem lại hạnh phúc cho nhân dân các nước.
III- Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ven Nam Hải
Với tư cách là nước ký kết UNCLOS và DOC, Trung Quốc từ trước đến nay không mãn nguyện, không dừng lại ở những tuyên bố và cam kết suông, mà đã nhất quán kiên trì thực hiện nghĩa vụ theo Công ước một cách thiết thực, thực hiện nhận thức chung về DOC một cách thiện chí, tuân theo tinh thần hợp tác cùng thắng, thông qua liên lạc, phối hợp, thảo luận, đàm phán với các nước khác ở khu vực, thúc đẩy hợp tác có được bước đột phá
1. Hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có tranh chấp tương đối lớn liên quan đến biển ở Nam Hải. Sau nhiều năm nỗ lực, hợp tác song phương đã có được tiến triển quan trọng và có đột phá lớn. Tháng 10/2011, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam”, đạt được nhận thức chung về hợp tác trên biển như sau: “Giải quyết vấn đề trên biển dựa theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Thận trọng thúc đẩy đàm phán phân giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực đàm phán, thương lượng vấn đề khai thác chung ở vùng biển này. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, bao gồm các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Nỗ lực nâng cao lòng tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện đi đến giải quyết những vấn đề còn đang khó khăn hơn”. Sau đó Trung Quốc và Việt Nam đã triển khai nhiều vòng đàm phán về hợp tác ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, từng bước thu hẹp bất đồng, tiếp tục tạo điều kiện hợp tác sâu sắc hơn.
Tháng 10/2013, Thủ tướng Lý Khắc Cường đi thăm chính thức Việt Nam. Hai bên đã trao đổi ý kiến về việc tiếp tục đi sâu hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt trong tình hình mới, trong đó hai bên đã đi đến nhận thức chung quan trọng về hợp tác trên biển như sau:
“Hai bên đồng ý tuân thủ nghiêm ngặt nhận thức chung đạt được giữa nhà lãnh đạo hai đảng hai nước, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, vận dụng hữu hiệu cơ chế đàm phán biên giới giữa chính phủ Trung Quốc và Việt Nam, thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thế chấp nhận, đi sâu thảo luận tìm kiếm biện pháp giải quyết mang tính quá độ, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, trong đó có nghiên cứu, thảo luận vấn đề khai thác chung. Theo tinh thần nói trên, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác thảo luận vấn đề khai thác chung trong khuôn khổ phái đoàn đàm phán chính phủ về biên giới.
Hai bên đồng ý tăng cường chỉ đạo đối với cơ chế đàm phán, thương lượng hiện có, mở rộng mức độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác của các chuyên gia về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm. Dựa theo nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, từng bước thúc đẩy đàm phán phân giới vùng biển ngoài cửa Vịnh bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy khai thác chung ở vùng biển này, trong năm sẽ khởi động khảo sát chung, thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh bắc Bộ. Nhanh chóng thực thi các dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu hợp tác quản lý môi trường biển và các đảo ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, nghiên cứu so sánh diễn biến thay đổi trầm tích thuộc giai đoạn Holocene (là giai đoạn mới nhất thuộc kỷ địa chất thứ tư, bắt đầu từ 17.000 trước đây và tiếp tục cho đến ngày nay-TTXVN) ở hai vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Trường Giang, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, cứu hộ trên biển, phòng chống hiện tại, thông tin liên lạc trên biển….
Hai bên đồng ý kiểm soát thiết thực những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng về kiềm soát khủng hoảng trên biển giữa hai Bộ Ngoại giao, cũng như đường dây nóng liên hệ giữa hai ngành nông nghiệp liên quan đến các sự kiện bột phát trong hoạt động nghề cá, xử lý kịp thời và thỏa đáng những vấn đề mới xuất hiện, đồng thời tiếp tục thảo luận tìm kiếm biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát khủng hoảng, giữ gìn đại cục quan hệ Trung-Việt và hòa bình ổn định ở Nam Hải.
Hai bên còn nhất trí đồng ý thực hiện hữu hiệu toàn diện DOC, tăng cường độ tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác, cùng giữ gìn hòa bình và ổn định ở Nam Hải, theo nguyên tắc và tinh thần của DOC, nỗ lực đi đến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Nam Hải (COC) trên cơ sở hiệp thương nhất trí.
Chúng ta có lý do để tin tưởng rằng nếu hai nước Trung-Việt có được thành ý thiết thực, cùng nỗ lực bằng thái độ tiến thủ thực chất, thì hợp tác hũu quan nhất định sẽ có được bước đột phá mới, đồng thời sẽ có sự đóng góp lớn hơn, lôi cuốn các nước cạnh Nam Hải có thể hợp tác sâu sắc hơn, đem lại ổn định và phồn vinh ở khu vực.
2. Hợp tác giữa Trung Quốc và Indonesia. Năm 2007, Trung Quốc và Indonesia đã ký “Bản ghi nhớ hợp tác trên biển”, theo đó hai bên đã thành lập ủy ban kỹ thuật hợp tác biển. Trong khuôn khổ bản ghi nhớ nói trên, hai nước đã triển khai một loạt hợp tác trong các lĩnh vực an ninh trên biển, an ninh hàng hải, giao lưu hải quân, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển, quan trắc không gian và nghề cá; Năm 2012, hai bên đã ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác trên biển” mới, đồng thời thành lập Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-Indonesia, phía Trung Quốc đã xuất một tỉ nhân dân tệ làm quỹ khởi động, hỗ trợ hai bên triển khai hợp tác thiết thực, đặt cơ sở vững chắc để Trung Quốc và Indonesia tiếp tục đẩy mạnh hợp tác. Trước đó, năm 2011 hai bên đã ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực biển giữa Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Bộ Hải dương-Nghề cá Indonesia”, năm 2012 hai bên cũng ký kết bản “Kế hoạch giữa Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Bộ Hải dương-nghề cá Indonesia về việc thành lập Trung tâm phát triển hải dương và khí hậu Trung Quốc-Indonesia”, xây dựng mặt bằng hợp tác hải ngoại đầu tiên trong lĩnh vực biển.
3. Hợp tác Trung Quốc-Malaysia. Năm 2009, Trung Quốc và Malaysia đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác khoa học kỹ thuật biển”, nội dung đã bao gồm rất nhiều lĩnh vực như chính sách biển, quản lý biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, nghiên cứu và điều tra khoa học biển, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, trao đổi tư liệu về biển. Thỏa thuận đã phát huy tác dụng tích cực trong việc nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học biển, thúc đẩy sự nghiệp biển của hai nước phát triển, cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực Nam Hải. Các cơ quan nghiên cứu của hai nước đã triển khai một loạt dự án hợp tác như phát triển mô hình dự báo và ứng dụng nghiệp vụ biển, hỗ trợ khoa học công nghệ cốt lõi của Malaysia trong việc phòng chống giảm nhẹ thiên tai, an ninh hàng hải, cứu hộ trên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển và nghiên cứu khoa học biển.
4. Hợp tác Trung Quốc-Philippines. Năm 2004 Trung Quốc và Philippines ký kết “Thoả thuận về công tác địa chấn biển hỗn hợp”. Năm 2005, được sự phê chuẩn của chính phủ mọi nước, công ty dầu mỏ ba nước Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã ký kết “Thoả thuận về công tác địa chấn biển hỗn hợp ba bên trong khu vực hiệp định Nam Hải”. Theo thoả thuận, trong các năm từ 2005-2008, công ty dầu mỏ ba nước sẽ triển khai công tác điều tra địa chấn biển hỗn hợp ở bãi cỏ Rong (Reed Bank), nhưng sau đó Philippines đã nhào nặn tin nói rằng công tác điều tra hỗn hợp trái với luật pháp Philippines và cũng do tình hình chính trị Philippines nên phải gác lại.
5. Hợp tác Trung Quốc-Brunei. Năm 2010 Trung Quốc và Brunei bắt đầu thảo luận tìm biện pháp hợp tác cùng khai thác dầu khí trên biển. Tháng 4/2013, trong thời gian chuyến thăm Trung Quốc của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, hai bên đã đạt nhận thức chung quan trọng về việc khai thác chung ở Nam Hải, đồng ý ủng hộ các doanh nghiệp hữu quan hai nước cùng thăm dò và khai thác dầu khí trên biển dựa theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi. Việc hợp tác không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên về chủ quyền và lợi ích biển. Tháng 10/2013, trong chuyến thăm Brunei của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác song phương như “Bản ghi nhớ hợp tác trên biển”, “Thoả thuận giữa ngành dầu khí ngoài khơi Trung Quốc và ngành dầu mỏ quốc gia Brunei về việc thành lập Công ty hợp vốn dịch vụ mỏ dầu”. Hai bên nhấn mạnh phải do quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan thông qua đối thoại và hiệp thương hoà bình giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền quản lý vùng biển ở Nam Hải. Hai bên cũng nhấn mạnh thêm sẽ ra sức cố gắng thực hiện DOC, giữ gìn hoà bình, ổn định và an ninh khu vực, nâng cao lòng tin cậy lẫn nhau và tăng cường hợp tác.
6. Hợp tác Trung Quổc-Thái Lan. Tháng 12/2011, Trung Quốc và Thái Lan đã ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác biển giữa Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Bộ Môi trường Tài nguyên thiên nhiên Thái Lan”. Tháng 3/2012, hai bên ký kết văn bản về “Phương án thành lập Phòng thí điểm hỗn hợp về biến đổi khí hậu và hệ thống sinh thái biển Trung Quốc- Thái Lan giữa Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Bộ Môi trường tài nguyên thiên nhiên Thái Lan”. Tháng 6/2013, Phòng thí điểm hỗn hợp được chính thức khai trương tại Trung tâm Nghiên cứu sinh thái biển Phuket của Thái Lan, đẩy mạnh hợp tác song phương trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, quan trắc biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển và tính đa dạng sinh học biển, phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
7. Quỹ hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN. Tháng 11/2011, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14 tổ chức tại đảo Bali của Indonesia, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề xướng thành lập Quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc-ASEAN do Trung Quốc xuất vốn, ủng hộ và đấy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển, giữ liên lạc thông suốt với nhau, an ninh hàng hải và cứu trợ trên biển, tấn công tội phạm xuyên quốc gia. Về quỹ hợp tác nói trên, trước mắt Trung Quốc đã xuất ba tỉ nhân dân tệ, đã và đang phát huy vai trò tích cực trong hợp tác thực tế giữa các bên ở Nam Hải.
IV- Những vấn đề tồn tại trong hợp tác Nam Hải
Giữa các nước ven Nam Hải tuy có tồn tại tranh chấp các bãi đảo và có những chủ trương chồng lấn lên nhau về quyền quản lý các vùng biển, nhưng trong thời kỳ tương đối dài, Nam Hải vẫn có hoà bình, an ninh, các nước khu vực Nam Hải đã giữ được phồn vinh, ổn định. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của những nhân tố trong và ngoài khu vực, Nam Hải đã xuất hiện một số vấn đề, cụ thể biểu hiện ở những phương diện sau:
Thứ nhất, thế lực ngoài khu vực can thiệp gây tác dụng tiêu cực. Xuất phát từ những tính toán chiến lược của bản thân, một số thế lực ngoài khu vực đã lợi dụng các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực cũng như lợi dụng các phương tiện truyền thông, báo chí để thực hiện ý đồ chính trị và tác động dư luận, tung ra “thuyết Trung Quốc cứng rắn”, “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, bịa đặt ra “vấn đề tự do hàng hải ở Nam Hải”…, kích động nước hữu quan công khai gây khó khăn cho Trung Quốc. Nước ngoài khu vực còn liên tục tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp ở Nam Hải, khiến tranh chấp ở khu vực căng thẳng hơn, hợp tác bị hạn chế nhiều hơn.
Thứ hai, cá biệt có nước ven Nam Hai rắp tâm gây ra vấn đề Nam Hải. Để phục vụ cho ý đồ chính trị ở trong nước, nước cá biệt cố ý gây căng thẳng giả tạo, tô vẽ cho tình hình Nam Hải vốn hòa bình, ổn định trở nên xung đột, nguy cơ rình rập khắp nơi, gây hiểu lầm cho công chúng, hòng khuấy cho “đục nước” để “béo cò ”, mượn cớ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển với Trung Quốc để đẩy áp lực ra bên ngoài. Bởi khu vực này có nhiều quốc gia, tình hình phát triển khác nhau, xu hướng lợi ích khác nhau, thêm vào đó là sự xâm nhập, can thiệp của nước ngoài khu vực nên lòng tin chính trị giữa các nước giảm đi, nghi ngờ tăng lên. Thực trạng như vậy đã trực tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hợp tác khu vực.
Thứ ba, một số ít quốc gia đã giải thích một cách phiến diện, thậm chí còn bẻ cong những quy định trong UNCLOS. Thực chất tranh chấp Nam Hải là tranh chấp lãnh thổ ở các đảo, bãi và vấn đề chồng lấn chủ trương về quyền quản lý biển, trong đó tranh chấp lãnh thổ ở các bãi đảo là tiền đề, quyết định có sự chồng lấn về chủ trương đối với quyền quản lý biển, còn việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở các bãi đảo cũng cần phải xem xét đầy đủ đến sự thật lịch sử và tôn trọng sự thật lịch sử, phải căn cứ theo luật quốc tế và xem xét thực tiễn hữu quan xem bên nào có được lãnh thổ đó chứ không phụ thuộc vào phạm vi quản lý như UNCLOS đề cập. Dù là quyền quản lý biển cũng phải kết hợp với sự thật lịch sử và tất cả mọi cách xem xét toàn diện đến luật biển, chứ không thể chỉ căn cứ theo một điều khoản đơn nhất của UNCLOS như vậy mà có thể giải quyết được vấn đề.
Thứ tư, thiếu cơ chế hợp tác hữu hiệu. Cho dù hợp tác Nam Hải đã có được bước tiến triển tương đối lớn, nhưng hiện nay vẫn đang phải đứng trước khó khăn trong việc thúc đẩy hợp tác theo hướng rộng rãi hơn và ở những cấp độ sâu sắc hơn. Giữa các nước trong khu vực còn thiếu sự phối hợp và liên quan thúc đẩy lẫn nhau, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chưa xây dựng được cơ chế hợp tác hữu hiệu mang tính hệ thống, khiến mô hình hợp tác song phương và hiệu quá mở rộng chia sẻ thông tin ra đến hợp tác đa phương chưa được rõ rệt.
V- Con đường đi đến hợp tác Nam Hải
Là vùng biển bán khép kín quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoàn toàn có lý do để khẳng định được rằng vùng biển Nam Hải cũng giống như các vùng biển bán khép kín và khép kín quan trọng khác trên thế giới như Địa Trung Hải, Biển Caribean, Biển Đen, các nước ven biển có thể tạo ra được cơ chế hợp tác thống nhất, thông qua hợp tác thực chất để tăng cường quản lý và bảo vệ trước khi tranh chấp được giải quyết, khiến Nam Hải thực sự trở thành “biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị”. Theo UNCLOS, tranh chấp là do hai bên đàm phán, hiệp thương để giải quyết, còn hợp tác phải được tiến hành đồng thời giữa song phương và đa phương, thông qua hợp tác, tạo điều kiện để giải quyết tranh chấp.
Vấn đề Nam Hải, trên thực tế bao gồm bốn cấp độ, theo sự khác biệt về tính chất nhạy cảm và mức độ phức tạp, xếp theo thứ tự trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như sau:
Một là bảo vệ môi trường biển, khảo sát khoa học biển, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tấn công tội phạm trên biển, cứu trợ trên biển và an ninh hàng hải;
Hai là phương diện tài nguyên, bao gồm nghề cá, dầu khí, khoáng sản và khai thác khoáng sản đáy biển, sử dụng và bảo hộ nguồn lực du lịch;
Ba là vấn đề chồng lấn chủ trương của các bên về quyền quản lý vùng biển;
Bốn là tranh chấp lãnh thổ các đảo bãi ở Nam Sa (Trường Sa).
Cả bốn phương diện nói trên đều đã được tiến hành hợp tác, dù ít dù nhiều, hoặc đang hợp tác hay hiệp thương ở phạm vi song phương, nhưng hiệu quả thực tế không thật lý tưởng. Thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiệp thương thống nhất là nhận thức chung của các nước liên quan, nhưng làm thế nào để có thể thúc đẩy và tăng cường thì mong muốn này vẫn chưa có được cơ chế và mặt bằng để đảm bảo tiếp tục hữu hiệu. Vì thế, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc song phương giải quyết các vấn đề nhạy cảm cao độ như tranh chấp lãnh thổ và chủ trương về quyền quản lý biển, các bên liên quan cần tích cực tìm được lối ra, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, tăng cường công tác ở một số mặt sau:
Thứ nhất, các bên cần nâng cao thêm một bước về nhận thức chung, nâng cao độ tin cậy chính trị lẫn nhau, tôn trọng lịch sử, chủ trương quyền và lợi ích biển một cách hợp lý, thực hiện nghĩa vụ theo UNCLOS bằng thiện chí, tạo môi trường chính trị tích cực để tiếp tục hợp tác.
Thứ hai, tuân thủ và lý giải luật quốc tế và luật biển một cách toàn diện, chân thành, cần phải nhận thức được rằng UNCLOS không phải là luật biển, lại càng không phải là toàn bộ luật quốc tế, có rất nhiều vấn đề trong rất nhiều lĩnh vực ở Nam Hải đều không thể đơn thuần chỉ dựa vào UNCLOS để giải quyết. Nếu giải thích một cách phiến diện, thậm chí bẻ cong thì không những không thể giải quyết được vấn đề mà ngược lại, có thể còn làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Thứ ba, hợp tác hiện hữu giữa các nước cần được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng thời tăng cường và làm sâu sắc thêm cơ sở đã có, tiếp tục củng cố vững chắc hơn nữa cơ sở hợp tác.
Thứ tư, tăng cường thiết kế ở tầm cao, tăng cường phối hợp, thúc đẩy hợp tác toàn diện. Trên cơ sở hợp tác hiện có, có thể xem xét thành lập một “ủy ban hợp tác giữa các nước ven Nam Hải”, xây dựng cơ chế hợp tác thực tế hoàn chỉnh và toàn diện riêng cho các nước ven biển, tạo mặt bằng hợp tác sâu sắc ở Nam Hải. ủy ban nói trên có thể bao gồm các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, đều do Bộ Ngoại giao của các nước này làm nòng cốt, các ngành chủ quản khác tham gia, cụ thể có thể bao gồm các lĩnh vực không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và phân định ranh giới biển như khảo sát khoa học, bảo vệ môi trường, nghề cá, khai thác dầu khí, hàng hải, du lịch…, đồng thời có thể xem xét tình hình thực tế để thành lập các chi nhánh của ủy ban. Cơ chế này và các cơ chế hiện hữu khác hoặc là tiếp nhận lẫn nhau, hoặc thực hiện song song mà không trái ngược nhau, bổ sung hỗ trợ nhau. Để có thể thích ứng với tình hình phát triển, trong quá trình hợp tác cụ thể, các nước cũng có thể điều chỉnh các lĩnh vực hợp tác.
Cơ chế hợp tác nói trên vừa có cơ sở pháp luật làm căn cứ, vừa có thể là căn cứ thực tiễn để xem xét, có vai trò tích cực trong việc kiểm soát mâu thuẫn, làm hoà dịu tranh chấp, thúc đẩy hoà bình, ổn định ở Nam Hải trước khi tranh chấp lãnh thổ và quyền quản lý biển được giải quyết, cũng có lợi cho việc khai thác hợp lý, quản lý hữu hiệu và hoà bình ổn định lâu dài ở vùng biển này. Nếu các nước cạnh Nam Hải có thiện chí và thành thực theo tinh thần hợp tác cùng thắng thì trong tương lai không xa, chắc chắn Nam Hải sẽ được ổn định, phồn vinh và có trật tự hơn./.
Sorry, the comment form is closed at this time.