2387. NHỮNG HẠN CHẾ KHI DÙNG LUẬT BIỂN ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
Posted by adminbasam trên 25/02/2014
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Chủ Nhật, ngày 23/02/2014
( Tạp chí “ quan sát quốc tế “, Trung Quốc, số 4/2013 )
Do rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân ý thức về biển của nước ta lâu nay mơ hồ, kỹ thuật biển và thiết bị đi biển lạc hậu, môi trường địa lý biển khá bất lợi, Trung Quốc đã tích tụ rất nhiều vấn đề về biển. Cùng với việc cộng đồng quốc tế khai thác sử dụng biển và mức độ khai thác tài nguyên gia tăng, đặc biệt là “Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển” (viết tắt là UNCLOS) có hiệu lực và việc thực hiện quy chế đi kèm (như quy chế các đảo, vùng đặc quyền kinh tế, quy chế thềm lục địa), và khuyết điểm của quy chế khu vực (Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải, gọi tắt là DOC), tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) nổi cộm và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, như đã xuất hiện khuynh hướng “tư pháp hóa”. Xu hướng này có liên quan đến việc xử lý và giải quyết đối với vấn đề Nam Hải, đặc biệt là vấn đề liên quan đến UNCLOS.
Thực chất tranh chấp Nam Hải
Vấn đề Nam Hải chủ yếu bao gồm tranh chấp những đảo san hô ở Nam Sa (Trường Sa) và tranh chấp phân giới trên biển, có nhiều nguyên nhân xuất hiện tranh chấp và tranh chấp leo thang. Ngoài nguyên nhân lịch sử, cũng có nguyên do từ sự phát triển kinh tế xã hội, việc thực hiện quy chế khu vực, quốc tế cùng những khiếm khuyết của cơ chế này, liên quan đến “lợi ích” về mặt tự do hàng hải và an ninh mà các nước lớn bên ngoài khu vực quan tâm. Do đó, vấn đề Nam Hải rất phức tạp, việc giải quyết cũng rất khó khăn. Người ta thường cho rằng cốt lõi của vấn đề Nam Hải là phải xác định tính chất của đường đứt đoạn (hoặc đường hình chữ U) của Trung Quốc và địa vị pháp lý vùng nước trong đường chín đoạn đó đặc biệt là việc làm của chính phủ Trung Quốc ngày 7/5/2009 trao phụ lục (bản đồ đường đứt đoạn ở Nam Hải) kèm theo công hàm cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, làm cho nhiều nước nghi ngờ về hàm nghĩa hoặc tính chất đối với đường đứt đoạn này của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc nêu rõ ý đồ thực sự của mình tại Nam Hải. Tuy nhiên, xem xét từ bối cảnh và ý đồ khi xuất hiện đường đứt đoạn của Trung Quốc ở Nam Hải, mục đích chủ yếu để Trung Quốc tuyên bố về đường đứt đoạn ở Nam Hải là thể hiện chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải.
Giới học giả Trung Quốc có 4 học thuyết chủ yếu về vấn đề tính chất của đường đứt đoạn ở Nam Hải: Thuyết về vùng biển lịch sử, thuyết về quyền lợi mang tính lịch sử, thuyết về đường biên giới trên biển, thuyết về đường ven biển quanh các đảo. Điểm chung của họ là Trung Quốc có chủ quyền đối với tất cả các đảo san hô, bãi đá bên trong đường đứt đoạn của Trung Quốc tại Nam Hải, đồng thời có chủ quyền đối với vùng biển gần các đảo tại Nam Hải, điểm khác nhau là địa vị pháp lý đối với vùng biển trong đường đứt đoạn. Tuy nhiên, những học thuyết này tồn tại khiếm khuyết khi chứng minh việc quản lý có hiệu quả hoặc mang tính liên tục lợi ích của Trung Quốc lại không tính đến lợi ích của bên ngoài. Tính chất của đường đứt đoạn tại Nam Hải của Trung Quốc phải là chủ quyền các đảo và tuyến đường quản lý các tài nguyên, nội hàm cơ bản chủ yếu là: Thứ nhất, chủ quyền của toàn bộ các đảo trong đường đứt đoạn đều thuộc về Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc có thể lựa chọn một bộ phận quần đảo Nam Sa để vạch ra một đường cơ sở thẳng phân định vùng nước quần đảo, nhưng trong vùng nước quần đảo, không ngăn cản quyền tự do quá cảnh đi lại của nước khác. Thứ ba, Trung Quốc có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên ở trên mặt biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trong phạm vi quần đảo Nam Sa. Còn về phạm vi khu vực biển, phải căn cứ vào quy chế UNCLOS và trên cơ sở vùng biển với quyền lợi lịch sử để xác định, nhằm thể hiện quyền quản lý đối với tài nguyên. Thứ tư, trong vùng biên bên ngoài nội thủy của Trung Quốc, các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải, bay qua, đặt cáp điện và đường ống ở đáy biển và quyền sử dụng hợp pháp khác có liên quan đến các quy định của UNCLOS. Xem xét về tính chất của đường đứt đoạn phản ánh cụ thể địa vị pháp lý của vùng nước bên trong, vùng nước trong ranh giới đó có hai loại, do có nguyên gốc khác nhau nên có tính chất khác nhau, nhưng không mâu thuẫn nhau, có thể tồn tại song song. Loại hình thứ nhất là vùng nước được quy định trong UNCLOS; loại thứ hai là vùng nước đặc thù trên cơ sở quyền lợi mang tính lịch sử.
Xu hướng “Tư pháp hóa” tranh chấp Nam Hải
Nhũng năm gần đây, Chính phủ Philippines coi thường sự phản đối quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc, đã tự tiện đưa tranh chấp Nam Hải lên Ban Trọng tài của Tòa án quốc tế về luật biển (ITCLOS). Đồng thời, trong tình hình Trung Quốc phản đối trọng tài hoặc không chấp nhận trọng tài, tòa án này còn chỉ định thẩm phán thay mặt Trung Quốc. Tranh chấp Nam Hải dường như xuất hiện xu hướng và xu thế phát triển “tư pháp hóa”. Vậy thì, căn cứ vào Điều 286 của UNCLOS, việc Philippines đơn phương gửi đơn kiện về tranh chấp Nam Hải lên (ITCLOS) để phân xử có hợp lý hay không?
Thứ nhất, Philippines đệ đơn lên Ban trọng tài của ITCLOS phải chăng có nghĩa là quá trình giải quyết tranh chấp Nam Hải giữa Trung Quốc và Philippines bằng phương thức đối thoại song phương đã chấm dứt ? Điều kiện tiên quyết đệ đơn kiện được áp dụng căn cứ vào Điều 286 của UNCLOS là kết thúc quá trình sử dụng đối thoại song phương mà vẫn chưa được giải quyết. Nếu Philippines cho rằng cuộc đàm phán đối thoại song phương với Trung Quốc bao gồm cả việc trao đổi ý kiến đã kết thúc, nhận định tranh chấp Nam Hải không thể giải quyết, thì họ có thể đệ đơn lên ban trọng tài này. Tuy nhiên, những thiệt hại do hành động này gây ra sẽ do một phía Philippines gánh chịu, bao gồm có thể sử dụng phương thức phi hòa bình (như bạo lực) để giải quyết tranh chấp, bởi vì Philippines đã đơn phương nhận định đàm phán đối thoại song phương đã kết thúc. Đồng thời, hành động hoặc biện pháp gửi đơn kiện về tranh chấp Nam Hải cũng vi phạm nhận thức chung đã đạt được về DOC. Bởi vì, Điều 7 của DOC quy định các bên có liên quan mong muốn thông qua phương thức được các bên đồng ý để tiếp tục đàm phán và đối thoại về vấn đề có liên quan. Các biện pháp này bao gồm tổ chức đàm phán định kỳ đối với vấn đề tuân thủ DOC, nhằm tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và nâng cao tính minh bạch, tạo ra sự hài hòa, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác, thúc đây giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng phương thức hòa bình. Vì vậy sau này khi thảo luận văn kiện có tính rằng buộc pháp lý như xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Nam Hải (COC), các bên cũng có thể loại trừ sự tham gia của Philippines, bởi vì hành động của Philippines đã vi phạm nhận thức chung mà DOC đã quy định.
Thứ hai, Philippines gửi đơn kiện lên Ban trọng tài của ITCLOS, thì ITCLOS có thẩm quyền giải quyết không? Theo quy định của Điều 286 UNCLOS, đơn phương đệ trình vấn đề tranh chấp lên Tòa án quốc tế hoặc ITCLOS phải là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Vậy thì tranh chấp Nam Hải có phải thuộc về tranh chấp trong giải thích và áp dụng UNCLOS không? Mục đích chủ yếu khiến Philippines kiện lên Ban trọng tài của ITCLOS là hy vọng các thẩm phán của ban trọng tài này tuyên bố đường đứt đoạn do Trung Quốc vạch ra ở Nam Hải là phi pháp, vi phạm quy định mang tính cơ chế của UNCLOS, nhằm giành được “chủ quyền” và “lợi ích biển” của Philippines tại Nam Hải, có ý đồ gạt bỏ trở ngại để Philippines khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên tại đáy biển phía Tây Philippines. Vấn đề là ban trọng tài này không thể áp dụng quy chế và nguyên tắc của UNCLOS, ra phán quyết về vấn đề địa vị pháp lý của đường đứt đoạn tại Nam Hải của Trung Quốc do vấn đề này không liên quan đến bất kỳ tranh chấp nào về giải thích và áp dụng UNCLOS. Bởi vì cộng đồng quốc tế tồn tại lý luận về luật mốc thời gian. Khái niệm luật mốc thời gian là việc tạo lập quyền lợi phải căn cứ vào luật lệ ở thời điểm đó để xác định. Sự tồn tại của quyền lợi phải được xác định căn cứ vào thời điểm then chốt liên quan đến nó. Khái niệm luật liên thời gian đã thể hiện nguyên tắc pháp luật không quay ngược lại quá khứ. Căn cứ vào thời điểm và bối cảnh xuất hiện, thì không thể dùng UNCLOS để xác định vấn đề địa vị pháp lý của đường đứt đoạn này. Ngoài ra, ITCLOS cũng không thể phán xử vấn đề như tranh chấp lãnh thổ đảo san hô ở Nam Sa, trừ phi các quốc gia có liên quan ký kết hiệp định quốc tế trao cho ITCLOS thẩm quyền giải quyết. Bởi vì, Khoản 2 Điều 286 của UNCLOS quy định Tòa án quốc tế hoặc ITCLOS cũng có thẩm quyền xử lý đối với tranh chấp mà các nước ký hiệp định quốc tế có liên quan đến UNCLOS đề xuất với Tòa án quốc tế hoặc ITCLOS cách hiểu và áp dụng có liên quan đến hiệp định này. Nói cách khác, nếu các quốc gia có liên quan không thể ký kết hiệp định quốc tế để giải quyết tranh chấp, thì các tòa án đó không có thẩm quyền xử lý. Hơn nữa, ngày 25/8/2006, Trung Quốc đã đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc tuyên bố bằng văn bản không chấp nhận bất kỳ một Tòa án hoặc Trọng tài quốc tế nào xét xử tranh chấp phân chia biên giới trên biển, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp hoạt động quân sự, cho nên cũng không thể áp dụng thủ tục trọng tài được quy định trong Khoản 3 Điều 297 của UNCLOS. Trên thực tế, đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Nam Sa, phải căn cứ vào lý luận về chủ quyền lãnh thổ mà luật pháp quốc tế đã quy định để xác định chủ quyền của quần đảo này, chứ không thể áp dụng nội dung điều khoản trong UNCLOS. Bởi vì, lời nói đầu của UNCLOS đã nêu rõ mục đích của công ước này là xây dựng một trật tự pháp lý mới trên biển trong tình hình quan tâm thỏa đáng đến chủ quyền của tất cả các quốc gia. Lời nói đầu của UNCLOS còn nêu rõ phải tiếp tục lấy quy tắc và nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế làm căn cứ chuẩn xác đối với những điều khoản chưa quy định trong hiệp ước. Trên thực tế, đối với vấn đề phân giới vùng biển Nam Hải, mới có thể áp dụng quy định mang tính quy chế của UNCLOS.
Có thể thấy, hành động của Philippines đưa tranh chấp Nam Hải lên ITCLOS để phân xử là rất sai lầm, cũng không thể được Trung Quốc chấp nhận. Đồng thời Ban trọng tài được ITCLOS xây dựng cũng không có thẩm quyền giải quyết vụ việc này. Hiện nay, mục đích chủ yếu mà Ban trọng tài của ITCLOS thụ lý vụ việc này là có ý đồ tạo ra dư luận trong cộng đồng quốc tế bất lợi cho Trung Quốc, tạo giả tưởng Trung Quốc thách thức quy tắc quốc tế, chúng ta phải nhận thức rõ về điểm này. Tóm lại, trong tình hình hiện nay, căn cứ vào biện pháp hòa bình, đặc biệt là thông qua biện pháp chính trị, là phương thức có hiệu quả và khả thi để giải quyết tranh chấp giữa các nước có liên quan, phải thường xuyên thực hiện. Do đó, các quốc gia có liên quan phải thể hiện thiện chí trở lại con đường giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đồng thời thúc đẩy đàm phán hiệp thương, nhằm giải quyết hợp lý tranh chấp Nam Hải, cùng chia sẻ nguồn lợi tài nguyên, đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.
Phân tích phương pháp giải quyết tranh chấp Nam Hải
Vấn đề Nam Hải liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, liên quan đến việc duy trì và đảm bảo lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, cũng liên quan đến tiến trình phát triển hòa bình của nước ta, phải xử lý và giải quyết một cách hợp lý, có hiệu quả. Hơn nữa, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp Nam Hải, là nguyên tắc và biện pháp phải tuân thủ.
Thứ nhất, việc sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp Nam Hải là nguyên tắc và biện pháp phải kiên trì. Khi tồn tại tranh chấp giữa các quốc gia, trước hết phải sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết, đây là nguyên tắc và nghĩa vụ mà quốc gia phải tuân thủ. Nguyên tắc này được khẳng định rõ ràng trong các hiệp ước, luật pháp quốc tế, quy định mang tính cơ chế của khu vực. Chẳng hạn như Khoản 3 Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 279 của UNCLOS. Nguyên tắc này cũng được xác định trong “Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia theo Hiến chương Liên hợp quốc”. Khoản 4 Điều 2 (nguyên tắc cơ bản) của “Hiệp ước hợp tác thân thiện Đông Nam Á” quy định các nước ký kết hiệp định phải lấy các nguyên tắc sau làm kim chỉ nam khi xử lý quan hệ với nhau, bao gồm sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết khi bất đồng ý kiến hoặc có tranh chấp. Điều 4 của DOC quy định các nước có liên quan cam kết căn cứ vào nguyên tắc luật quốc tế được công nhận, trong đó có UNCLOS, các nước có chủ quyền trực tiếp thông qua đàm phán hữu nghị, lấy phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp quyền quản lý và lãnh thổ của họ, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với nhau.
Có thể thấy, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp Nam Hải là nguyên tắc và yêu cầu phù hợp với luật pháp quốc tế và cơ chế khu vực có liên quan, cũng là nghĩa vụ các nước phải tuân thủ. Biện pháp hòa bình bao gồm biện pháp chính trị và biện pháp pháp lý.
Thứ hai, việc sử dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp Nam Hải gặp trở ngại. Việc sử dụng pháp luật, bao gồm tòa án quốc tế có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải được sự đồng ý của bên liên quan, bên liên quan có thể đưa ra tuyên bố lựa chọn trong đó có Điều 36 “Quy ước tòa án quốc tế”, thực hiện biện pháp giao quyền tố tụng để chấp nhận sự giải quyết của tòa án quốc tế. Mặc dù Philippines đã đưa ra tuyên bố ngày 18/1/1972 chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế, nhưng họ vẫn bảo lưu đối với tranh chấp có liên quan đến quyền quản lý biển và lãnh thổ trên đất liền có liên quan. Các quốc gia khác (như Việt Nam, Malaysia…) đều chưa đưa ra tuyên bố mang tính lựa chọn về Điều 36 “Quy ước tòa án quốc tế”. Do đó, họ gặp khó khăn rất lớn để sử dụng quy định của Điều 36 thuộc “Quy ước tòa án quốc tế” để tòa án quốc tế có thẩm quyền đưa ra phán quyết về vấn đề tranh chấp lãnh thổ các đảo san hô ở Nam Sa.
Đồng thời, xem xét đến các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines… đều là thành viên của UNCLOS, cần xem xét khả năng sử dụng ITCLOS để giải quyết vấn đề tranh chấp các đảo san hô ở Nam Sa.
Như trên đã phân tích, Trung Quốc đã gửi tuyên bố bằng văn bản lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, nêu rõ đối với mọi tranh chấp được quy định trong Khoản 1 (a), (b) và (c) thuộc Điều 298 thuộc UNCLOS (bao gồm tranh chấp trong phân giới trên biển, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp hoạt động quân sự…), Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế nào phán xử theo quy định trong Điều 15 Khoản 2 của UNCLOS. Nói cách khác, Trung Quốc loại trừ khả năng áp dụng tư pháp quốc tế hoặc trọng tài giải quyết tranh chấp trên biển liên quan đến lợi ích lớn lao của quốc gia. Đương nhiên, cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc rút lại tuyên bố trên, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để xử lý tranh chấp trên biển. Bởi vì, Khoản 2 Điều 298 của UNCLOS quy định các nước ký hiệp ước có thể rút lại tuyên bố vào bất kỳ thời điểm nào theo Khoản 1 Điều 298 của UNCLOS, hoặc đồng ý đưa tranh chấp mà tuyên bố đã loại trừ lên bất kỳ tòa án nào theo mọi thủ tục quy định của công ước này.
Do Trung Quốc đã loại trừ khả năng tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế xử lý nhũng tranh chấp liên quan đến phân giới trên biến, lãnh thổ và hoạt động quân sự, nếu Trung Quốc không rút lại tuyên bố trên hoặc không đồng ý chấp nhận thủ tục theo quy định, thì tòa án luật biển quốc tế sẽ không thể xử lý vấn đề tranh chấp các đảo tại Nam Sa.
Tóm lại, việc sử dụng pháp luật để giải quyết vấn đề tranh chấp các đảo ở Nam Sa còn tồn tại một số trở ngại không thể xóa bỏ hoặc khắc phục. Do đó, trong tình hình các bên liên quan không thể ký hiệp định về trọng tài phân xử tranh chấp tại Nam Sa, họ vẫn mong được sử dụng biện pháp chính trị, đặc biệt là ưu tiên thông qua đối thoại hiệp thương để giải quyết. Đây cũng là bản chất của lý do Trung Quốc duy trì sử dụng biện pháp chính trị hoặc ngoại giao để giải quyết tranh chấp các đảo tại Nam Sa.
Thứ ba là kiên trì sử dụng biện pháp chính trị để giải quyết tranh chấp Nam Hải. Mặc dù sử dụng biện pháp chính trị là biện pháp cần thiết để giải quyết tranh chấp tại quần đảo Nam Sa, nhưng do tranh chấp Nam Hải liên quan đến chủ quyền quốc gia và lợi ích lớn, các bên nói chung rất khó nhượng bộ và thỏa hiệp. Đặc biệt là tuy Đặng Tiếu Bình năm 1984 đã đưa ra phương châm “chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” để giải quyết tranh chấp Nam Sa, nhưng nguyên tắc hoặc phương châm này bị thách thức ở mức độ khác nhau, đồng thời chưa được nhiều nước chấp nhận trong thực tế; mặc dù vấn đề này có căn cứ luật pháp quốc tế rõ ràng ở Khoản 3 Điều 74 và Khoản 3 Điều 83 của UNCLOS. Nói cách khác, chính sách và phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác” khi được sử dụng ở Nam Hải, đặc biệt là vấn đề tranh chấp Nam Hải, vẫn tồn tại một số khó khăn. Biểu hiện chủ yếu là: (1) Một số quốc gia ASEAN thiếu nguyện vọng chính trị để thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai thác”, khó có thể khởi động; (2) Không có lợi ích trong thực tế, bởi vì một số nước ASEAN đã khai thác mạnh mẽ tài nguyên của Nam Hải; (3) Tranh chấp Nam Hải liên quan đến nhiều bên, đặc biệt là khó phân định khu vực biển tranh chấp, có những khó khăn về cách giải quyết. Do đó, chính sách hoặc phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác” bị lạnh nhạt, đồng thời chưa được tôn trọng.
Xem xét từ thực tiễn quốc gia, “Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ” có hiệu lực vào ngày 30/6/2004, “Hiệp định ba bên về thăm dò địa chất” do Trung Quốc, Philippines, Việt Nam ký vào ngày 14/3/2005 là thành quả cụ thể khi thực hiện chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ngày 20/7/2011, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được nhận thức chung về phương châm chỉ đạo thực hiện DOC, cũng tạo ra cơ sở cơ chế bảo đảm để giải quyết bằng biện pháp chính trị tranh chấp các đảo thuộc quần đảo Nam Sa, Đặc biệt là “Hiệp định nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam” ký ngày 11/10/2011 và “Tuyên bố chung Trung Quốc – Việt Nam” được công bố ngày 15/10/2011 đều đem lại đảm bảo chính trị để hai nước sử dụng biện pháp hòa bình giải quyết vấn đề tranh chấp Nam Hải, có ý nghĩa quan trọng. Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là hiệp định -hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm về biển giữa các quốc gia có liên quan (như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, giảm thiểu và phòng ngừa tai họa), nhằm tăng cường nhận thức chung giữa các quốc gia, đồng thời tạo ra môi trường và điều kiện tốt đẹp để ký kết thỏa thuận tạm thời và cuối cùng giải quyết dứt điểm vấn đề Nam Hải. Những việc làm này cũng phù hợp yêu cầu và nguyên tắc của UNCLOS và quy chế của DOC.
Nguyên tắc cơ bản và biện pháp cụ thể của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp Nam Hải
Để thực hiện chuyển đổi mô hình thành công từ nước lớn về biển tầm khu vực sang nước lớn về biển mang tầm thế giới, thực hiện mục tiêu xây dựng “cường quốc biển”, Trung Quốc phải xử lý và giải quyết hợp lý tranh chấp Nam Hải.
Thứ nhất là Trung Quốc phải duy trì nguyên tắc xử lý tranh chấp Nam Hải. Sử dụng biện pháp hòa bình để xử lý hợp lý tranh chấp Nam Hải, , chủ yếu bao gồm các nguyên tắc như kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền lãnh thổ giữa các nước, sử dụng một cách hiệu quả, công bằng và hợp lý tài nguyên biển, hợp tác và trao đối ý kiến…
Thứ hai là biện pháp cụ thể mà Trung Quốc phải thực hiện để giải quyết tranh chấp. Để thực hiện thực sự mục tiêu xây dựng “biển hài hòa” mà Trung Quốc đưa ra, Trung Quốc phải đóng góp cho cộng đồng ở mức độ thích hợp, để phục vụ nhân loại. Đối với tranh chấp Nam Hải, Trung Quốc phải nêu ra ý kiến nghiên cứu và thảo luận về an ninh eo biển quốc tế và tuyến đường trên biển, nhằm ký kết cơ chế bảo vệ và quản lý tuyến đường biên quốc tế, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc phải nổ lực ký với các nước ASEAN cơ chế tuần tra chung và hợp tác quản lý nghề cá ở Nam Hải, đưa ra đóng góp tích cực của Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, khu vực.
Thứ ba, Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường nghiên cứu quy chế của luật pháp quốc tế. Khi bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích biển, Trung Quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và cơ chế của khu vực, đồng thời tăng cường nghiên cứu, giảm bớt những hành động vi phạm luật pháp và không thỏa đáng trong quá trình thực thi pháp luật, từng bước xây dựng hình tượng quốc gia Trung Quốc tuân thủ luật pháp.
Đối với vấn đề tranh chấp các đảo san hô tại quần đảo Nam Sa, thực tiễn của luật pháp quốc tế đã hình thành quy định với ba cấp độ ưu tiên khác nhau, cụ thể là ưu tiên áp dụng hiệp ước, sau đó xem xét chiếm hữu, cuối cùng sử dụng phù hợp lý luận kiểm soát hiệu quả, cũng đã xuất hiện xu hướng hiệu lực của biện pháp kiểm soát có hiệu quả cao hơn quyền lợi ban đầu, với ý nghĩa theo khuynh hướng làm yếu đi quyền lợi lịch sử, làm nổi bật hiệu lực của kiểm soát có hiệu quả.
Đối với tranh chấp biên giới trên biển, tòa án quốc tế tuân thủ những bước đi sau. Trước hết là phân định tạm thời đường trung gian hoặc đường khoảng cách ngang nhau. Thứ hai là tòa án xem xét tình hình đặc thù có liên quan, xem xét có cần thiết phải điều chỉnh đường khoảng cách ngang nhau hoặc đường trung gian tạm thời hay không, nhằm giải quyết một cách công bằng đường phân giới. Cuối cùng tòa án sẽ sử dụng tỷ lệ ít hay nhiều để kiểm nghiệm đường phân giới sau khi sửa đổi có công bằng hay không và nếu không công bằng thì sẽ sửa chữa lại một lần nữa. Khái niệm tỷ lệ là một tỷ lệ hợp lý được tạo ra giữa phạm vi thềm lục địa của các nước đó và độ dài đường bờ biển kéo dài của họ.
Từ đó, đối với vấn đề Nam Hải, Trung Quốc phải nhanh chóng bổ sung một số biện pháp sau: (1) Công bố vào thời điểm thích hợp lập trường chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Nam Hải hoặc đường đứt đoạn. (2) Thực hiện “Luật bảo vệ hải đảo” trong thực tế, đặc biệt là kiếm tra tổng quát quần đảo Nam Sa, trong đó nhắc lại việc đặt tên, đồng thời tăng cường quản lý hành chính, nhanh chóng bảo vệ và quản lý những hòn đảo san hô đã kiểm soát được, tạo điều kiện để xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ công ích như cột mốc phao tiêu trên tuyến đường biển, trạm quan sát khí tượng; thực thi các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và điều tra bảo vệ môi trường biển; đẩy nhanh tiến trình hoạt động khai thác nguồn tài nguyên Nam Hải. Về các hoạt động này, Trung Quốc phải phát huy vai trò tích cực của thành phố Tam Sa mới được xây dựng. (3) Tuyên bố đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc tại Nam Hải; phải công bố rõ ràng hơn về đường cơ sở lãnh hải tại các quần đảo khác ngoài quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) ở Nam Hải, nhằm thể hiện phạm vi quản lý biển, đồng thời tạo thuận lợi cho tăng cường tuần tra trên biển hơn. (4) Phải tăng cường nhiều hơn lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hoàn thiện cơ chế. Sự kiện bãi cạn Hoàng Nham, quần đảo Điếu Ngư xảy ra thời gian gần đây đã khiến Trung Quốc thức tỉnh, phải tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hoàn thiện cơ chế đó, bao gồm làm rõ cơ quan có quyền đứng ra xử phạt, đơn vị quản lý việc bắt giữ, biện pháp trừng phạt rõ ràng… Do đó, việc xây dựng điều lệ để Trung Quốc quản lý vùng biển, duy trì quyền tuần tra trên biển, quản lý, trừng phạt rất cấp bách.
Thứ tư là tư duy cơ bản để Trung Quốc ứng phó với tranh chấp Nam Hải. Để làm dịu tranh chấp Nam Hải, vấn đề quan trọng là tuân thủ các quy chế của khu vực, bao gồm DOC và phương châm chỉ đạo của DOC, then chốt là thúc đấy tiến trình hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Người viết (Giáo sư Kim Vĩnh Minh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu luật biển thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải) cho rằng biện pháp cơ bản để Trung Quốc ứng phó với tranh chấp trên biền có thể chia làm 3 giai đoạn. (1) Trung Quốc phải thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm với ASEAN, bao gồm bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trên tuyến đường biển, tìm kiếm cứu nạn, tấn công cướp biển… Việc làm này phù hợp yêu cầu mang tính cơ chế của Điều 6 của DOC và Điều 123 của UNCLOS. (2) Đưa hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đi vào chiều sâu, sau khi tăng cường lòng tin, phải nhanh chóng xây dựng văn bản mang tính rằng buộc như Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Nam Hải (COC), nhằm thực hiện mục đích quản lý mang tính quy phạm. (3) Phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm tranh chấp Nam Hải, hoặc thực hiện chính sách và quy chế tự chủ khai thác, hợp tác khai thác, liên kết khai thác.
Thứ năm, Trung Quốc Đại lục phải tăng cường hợp tác với vùng lãnh thổ Đài Loan về vấn đề biển. Hợp tác trong vấn đề biển giữa hai bờ eo biển Đài Loan rất quan trọng đối với vấn đề biển mà Trung Quốc đối mặt. Một trong những vấn đề biển then chốt đặt ra trước Trung Quốc hiện nay là sự chia rẽ giữa hai bờ đã đem lại cơ hội cho các nước khác cướp đoạt và độc chiếm, tạo thành cục diện bị động trong vấn đề biển. Trên cơ sở tình hình phát triển hòa bình giữa hai bờ, đặc biệt là cục diện có lợi khi Hiệp hội quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan ký 18 hiệp định hợp tác với Quỹ giao lưu eo biển Đài Loan, thời cơ hai bờ tăng cường hợp tác biển đã đến gần, do đó, hiệp định hợp tác về vấn đề biển giữa hai bờ rất quan trọng. Trong quá trình hợp tác, hai bên có thể tuân thủ nguyên tắc “dễ trước khó sau, tuần tự từng bước”, nhằm cùng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Đương nhiên, mặc dù Trung Quốc luôn kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình, đặc biệt là biện pháp chính trị để giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề biển, nhưng trong tình huống đã cố gắng sử dụng biện pháp hòa bình vẫn không thể giải quyết dứt điếm tranh chấp Nam Hải, lại đứng trước sự khiêu khích vô lý của nước khác, làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích quốc gia. Do đó, việc phát triển sức mạnh quân sự trên biển một cách phù hợp trở nên vô cùng cần thiết.
Kết luận •
Tình hình quốc tế, khu vực biển đã cảnh báo chúng ta, nước ta phải lấy vấn đề biển đang nổi lên hiện nay làm cơ hội điều chỉnh cải cách các tổ chức liên quan đến biển ở trong nước, tăng cường trọng điểm xây dựng luật pháp trong nước, mục đích là kiện toàn hoàn thiện cơ chế biển. Hơn nữa, biện pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu trên là: Xây dựng chiến lược phát triển và hoàn thiện các luật liên quan đến biển, bao gồm xây dựng luật cơ bản về biển để quản lý toàn bộ công việc liên quan đến biển, nhằm tạo điều kiện bảo đảm. Đây vừa là lựa chọn cơ bản để cộng đồng quốc tế ứng phó hợp lý vấn đề biển, vừa là kinh nghiệm thực tiễn đã được nhiều quốc gia ven biển thực hiện thành công. Đối với vấn đề này, Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ./.
Sorry, the comment form is closed at this time.