BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2368. VỤ ÁN CHU VĨNH KHANG VỚI KẾ HOẠCH TRỪNG PHẠT CỦA BẮC KINH ĐỐI VỚI TOKYO

Posted by adminbasam trên 21/02/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Ba, ngày 18/02/2014

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề chính trị phức tạp, điển hình là việc xử lý vụ án của Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang và vấn đề đền Yasukuni trong quan hệ với Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có chuyến thăm tới ngôi đền này hoi cuối năm ngoái. Vậy đâu sẽ là ưu tiên chính trị của Bắc Kinh? Tạp chí “Tham khảo nước ngoàisố tháng 2/2014 phát hành tại Hong Kong đã cho đãng bài viết với nhan đề: “Vụ án Chu Vĩnh Khang làm xáo trộn kế hoạch trừtng phạt của Bắc Kinh đối với Tokyo ”, sau đây là nội dung bài viết:

Vụ án Chu Vĩnh Khang là ưu tiên hàng đầu, kế hoạch trừng phạt Nhật Bản đứng thứ hai

Về chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi cuối năm ngoái, mặc dù quan chức Chính phủ Trung Quốc liên tiếp có những phát biểu gay gắt thể hiện thái độ cứng rắn đối với Nhật Bản, song Trung Quốc chưa đưa ra biện pháp trừng phạt cụ thể nào. Thậm chí, đơn xin tổ chức biểu tình phản đối Nhật Bản của quần chúng Trung Quốc gửi lãnh đạo ngành công an nước này cũng không được phê chuẩn. Mạng Sankei (Nhật Bản) dẫn nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh đang bận rộn giải quyết vụ án tham nhũng của cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Bắc Kinh đặt vấn đề ổn định tình hình trong nước là ưu tiên hàng đầu, hơn nữa chiêu bài có thể sử dụng đối với Nhật Bản cơ bản đã dùng hết, hiện vẫn chưa có đối sách hiệu quả.

Trong khi đó, trong các nhân vật có liên quan với chính quyền Bắc Kinh cũng xuất hiện tin đồn cho rằng Trung Quốc có khả năng vào hôm 26/12/2013 – ngày Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni – đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa hoặc có thể đã tuyên bố trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy bất kì biện pháp trừng phạt cụ thể nào.

Theo một số nhân vật có liên quan thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thực tế Trung Quốc đã tính đến phương án triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, song một khi phương án này được đưa ra, sẽ rất khó tìm được thời cơ thích hợp để đưa họ quay trở lại Nhật Bản. Do đó, giới quyết sách Trung Quốc vẫn giữ thái độ thận trọng trong vấn đề này. Nhớ lại mùa thu năm 2010, sau khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu cá Nhật Bản tại vùng biển thuộc quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku, Trung Quốc từng thực hiện trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản, cụ thể là giảm tỷ trọng xuất khẩu đất hiếm và kim loại sang Nhật Bản, song kết quả Trung Quốc phải chịu tổn thất nặng nề hơn Nhật Bản. Vì thế, Nhật Bản dự đoán nhiều khả năng lần này Trung Quốc sẽ không sử dụng biện pháp kinh tế đối với nước này.

Ngoài ra, kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012, các hội nghị thượng đỉnh và hội đàm cấp bộ trưởng giữa Trung Quốc và Nhật Bản tạm thời chấm dứt. Cũng kể từ đó, phong trào phản đối Nhật Bản đã bùng phát trên khắp đất nước Trung Quốc, hình thành “áp lực dân ý” đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các nhân vật có liên quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện nay việc điều tra vụ án tham nhũng của Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đang bước vào giai đoạn quan trọng và cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng cũng ngày càng quyết liệt. Lo ngại những người ủng hộ Chu Vĩnh Khang, sẽ giống như những người ủng hộ ông Bạc Hy Lai vào năm 2012, mượn cớ hoạt động biểu tình phản đối Nhật Bản để thực hiện những mưu đồ khác, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn giữ thái độ phủ định đối với việc xin phép tiến hành biểu tình phản đối Nhật Bản.

Một bài xã luận của “Thời báo Hoàn cầu”, ấn phẩm của “Nhân dân Nhật báo”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị đưa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào danh sách đen “các nhân vật không được Trung Quốc hoan nghênh” và trong vòng 5 năm bị cấm đến thăm Trung Quốc. Việc này cũng được coi là một ý kiến của tầng lớp quyết sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, song nhân vật có liên quan của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối ý kiến trên và cho rằng đây là “tự bó tay chân”.

Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viếng đền Yasukuni gây tổn hại cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Đông Nam Á

Mặc dù hình thức trừng phạt đối với Nhật Bản của Trung Quốc chưa rõ ràng, song Phó Giáo sư trường Đại học Nagasaki đồng thời là Chuyên gia bình luận kinh tế quốc tế, Ohara Atsuji vẫn cho rằng việc Thủ tướng Abe lựa chọn ngày Lễ Giáng sinh, ngày lễ quan trọng nhất trong năm của tín đồ Cơ Đốc phương Tây (theo thời gian ở Nhật Bản, ngày 26/12 là ngày 25/12 của các quốc gia Âu Mỹ) để viếng đền Yasukuni là một hành vi thiển cận, thiếu tầm nhìn quốc tế, bởi vì trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh các tin tức quan trọng tương đối ít nên tin tức về chuyến viếng đền Yasukuni của ông Abe được phát đi phát lại trên truyền hình khiến sự kiện này để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho dư luận. Bất kì hãng truyền thông nước ngoài nào khi nói đến ngôi đền Yasukuni đều cho rằng đó là nơi thờ 14 tội phạm chiến tranh hạng A. Một chuyên gia chính trị Nhật Bản cho biết “đền Yasukuni” không phải một chủ đề chính trị trong nước Nhật Bản, cho dù có thể thông qua hành động đến thăm ngôi đền này để thể hiện nhận thức khác nhau đối với chiến tranh, song về mặt quốc tế, không thể thay đổi sự thật Nhật Bản là nước bại trận trong Thế chiến thứ Hai, ngược lại rất dễ làm cho các chuyên gia bình luận chống Nhật cho rằng đây là thách thức đối với giá trị quan phương Tây, gây ra sự bất tín nhiệm trong cộng đồng quốc tế, từ đó cản trở sự phát triển của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài, ông Ohara Atsuji chỉ ra: “Mặc dù lập trường ngoại giao của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc khác nhau, song các doanh nhân Hoa kiều là sức mạnh chủ yếu của các thực thể kinh tế Đông Nam Á. Các tin tức (kiểu như việc ông Abe thăm đền Yasukuni) khiến dư luận liên tưởng đến chiến tranh Thái Bình Dương cũng như quân đội Nhật Bản trước đây, việc này sẽ chỉ có hại mà không hề có lợi đối với doanh nghiệp Nhật Bản khi mở rộng phát triển nghiệp vụ ở Đông Nam Á”.

Ông Ohara Atsuji đặc biệt cho rằng ngành sản xuất ô tô của Nhật Bản tại Trung Quốc sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Theo ông Ohara Atsuji, cùng với sự phát triển của ngành tư vấn tài chính, sự chấn hưng trở lại của doanh nghiệp Mỹ, châu Âu cũng như sự trỗi dậy của các doanh nghiệp châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia…, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài vốn thiếu tính áp đảo, ngành ô tô Nhật Bản được xem là nổi bật nhất trong số ít đó, song năm 2014 ngành ô tô Nhật Bản chắc chắn sẽ đối mặt với trận chiến gian khổ tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới của Nhật Bản.

Quan hệ Nhật – Trung đối mặt với nguy cơ sâu sắc hơn

Mặc dù kết quả điều tra dân ý của giới truyền thông Nhật Bản cho thấy hơn một nửa số người ủng hộ ông Abe viếng đền Yasukuni, bản thân ông Abe cũng nhận được hơn 40.000 “Like” trên trang Facebook cá nhân về việc làm này, song vẫn không ít người giữ thái độ nghi ngờ kết quả trên. Ví dụ, ông Oda, tác giả chuyên mục đặc biệt cho rằng trong xã hội Nhật Bản, hành vi bàn tán chủ đề chính trị trong cuộc sống hàng ngày bị coi là điều cấm kị, cho nên ý kiến chính trị dễ dàng ẩn náu trong thế giới mạng Internet. Cộng thêm tính chất đặc biệt của mạng Internet là tính nặc danh nên càng dễ nảy sinh ý kiến cực đoan tả khuynh hoặc hữu khuynh. Chỉ cần thể hiện thái độ cứng rắn đối với hai nước Trung Quốc, Hàn Quốc, trên mạng Internet sẽ xuất hiện các tiếng nói bảo vệ mang tính áp đảo.

Liên quan đến vấn đề Yasukuni, trong buổi trả lời phỏng vấn nhật báo Asahi Shimbun, tờ nhật báo lớn thứ hai Nhật Bản, cựu quan chức ngoại giao nước này, ông Kazuhiko Togo, cháu đích tôn của Shigenori Togo – nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, một trong số các tội phạm chiến tranh hạng A được thờ tại đền Yasukuni cho biết ông “không tán thành Thủ tướng Abe viếng đền Yasukuni trong bối cảnh hiện nay”.

Theo ông Togo: “Điểm quan trọng trong vấn đề Yasukuni không nằm ở chỗ việc Thủ tướng đến thăm ngôi đền này liệu có thể đẩy lên thành vấn đề ngoại giao với Trung Quốc và Hàn Quốc, thậm chí là Mỹ hay không, mà ở chỗ người Nhật không đưa ra tổng kết trách nhiệm chiến tranh của đất nước mình., vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm chiến tranh của toàn thể người dân Nhật Bản”. Do người dân Nhật Bản chưa hình thành nhận thức lịch sử của bản thân nên đành tiếp nhận nhận thức lịch sử do Trung Quốc đưa ra. Năm 1972, thời điểm hai nước Trung – Nhật bình thường hóa quan hệ, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đưa ra luận điểm: “Chủ nghĩa Phát xít Nhật là kẻ thù chung của nhân dân hai nước Nhật Bản, Trung Quốc”, tức là người chịu trách nhiệm chiến tranh là một nhóm nhỏ phần tử Chủ nghĩa Phát xít Nhật, trong khi đại đa số người dân Nhật Bản là người bị hại. Trong chuyến công du đến Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei khi đó không phản bác và các đời Thủ tướng Nhật Bản sau này cũng không đưa ra chất vấn, vì thế cộng đồng quốc tế cho rằng không phản bác đồng nghĩa với việc chấp nhận quan điểm trên. Tội phạm chiến tranh hạng A bị cộng đồng quốc tế coi là tượng trưng cho Chủ nghĩa Phát-xít Nhật, muốn phản bác điểm này cần có sự chuẩn bị tâm lý đầy đủ.

Ông Togo cho biết trước khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đến thăm đền Yasukuni vào năm 2006, ông Togo đã từng đề nghị Thủ tướng “tạm thời hoãn lại”, đợi sau khi các vấn đề quan trọng như cùng thờ chung tội phạm chiến tranh hạng A tại ngôi đền này được giải quyết rồi mới bàn tiếp song ý kiến của ông Togo lúc đó đã không được chấp nhận. Tình hình quốc tế hiện nay có sự thay đổi lớn so với thời điểm Thủ tướng Koizumi đến thăm đền Yasukuni năm 2006, quan hệ Trung – Nhật hiện đang đối mặt với những nguy cơ sâu săc hơn.

Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga hình thành vòng vây đối với Nhật Bản về vấn đề nhận thức lịch sử…

Ông Togo đánh giá: “Sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), khả năng hai nước Nhật – Trung xảy ra chiến tranh ở vùng biển xung quanh hòn đảo này luôn trong tình trạng tiềm tàng. Các quan chức trong Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe một mặt giữ vững lập trường đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc lãnh thổ Nhật Bản, mặt khác tránh khai chiến với Trung Quốc. Muốn làm được điều này phải có hai phương thức là ngăn chặn và đối thoại. Ngăn chặn tất nhiên quan trọng, song chỉ tăng cường trang thiết bị Quân sự sẽ làm gia tăng mức độ nguy hiểm, cho nên đối thoại là điều không thể thiếu. Để đối thoại đạt được thành công cần tránh phát sinh bất kì sự việc nào gây ra nghi ngờ lẫn nhau. Trung Quốc coi việc Thủ tướng Nhật Bản viếng đền Yasukuni hồi cuối năm ngoái là trở ngại lớn nhất đối với Hội nghị thượng đỉnh hai nước, Thủ tướng Nhật Bản biết là không đúng nhưng vẫn cố tình vi phạm nên làm gia tăng sự bất tín nhiệm của Trung Quốc đối với nhân vật này, đây là một hành động cực kì nguy hiểm. Huống hồ Mỹ luôn phát đi tín hiệu đối với Nhật Bản, cảnh cáo nước này không được khiêu khích Trung Quốc về vấn đề đền Yasukuni, cho dù như vậy, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đến viếng ngôi đền này”.

Ông Togo chất vấn: “Trong trường hợp Nhật Bản và Trung Quốc thực sự bước vào tình trạng chiến tranh, liệu Mỹ có quay sang giúp đỡ Nhật Bản? Nhiều khả năng kết quả sẽ là ‘Dựa vào cái gì mà phải đổ máu vì một quốc gia ngu ngốc khiêu khích Trung Quốc?’. Hi vọng rằng Thủ tướng Abe có thể nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc Mỹ lên tiếng thể hiện sự ‘thất vọng’ đối với nước đồng minh của mình, Trong lĩnh vực ngoại giao giữa các nước đồng minh, việc đưa ra tuyên bố rõ ràng như vậy là rất không bình thường”.Theo ông Togo, đối với Hàn Quốc, đền Yasukuni không phải là vấn đề cốt yếu, song Hàn Quốc cũng đang nhân cơ hội này để lên tiếng phản đối. Quan hệ Nhật – Hàn vốn chưa xảy ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào thì nay đã ở trong tình trạng ngày càng xấu đi, trong khi đó Thủ tướng Abe, người đang gánh vác trọng trách to lớn cải thiện quan hệ Nhật – Hàn, lại đến thăm đền Yasukuni khiến cho tình trạng căng thẳng trong quan hệ hai nước leo thang, gia tăng sự bất tín nhiệm đối với ông Abe.

Ông Togo cho biết một hậu quả khác của việc Thủ tướng Abe đến thăm đền Yasukuni là những ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ Nhật – Nga. Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga Putin đã tìm được điểm đột phá trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ phía Bắc tồn tại giữa hai nước Nhật – Nga vốn chưa từng được giải quyết trong quá khứ, song sau chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe, Nga cũng tham gia hàng ngũ các nước chỉ trích Nhật Bản; lực lượng thúc đẩy cải thiện quan hệ Nhật – Nga trong nội bộ nước Nga cũng bị suy yếu. Chỉ một hành động đến viếng đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga hình thành vòng vây đối với Nhật Bản về vấn đề nhận thức lịch sử. Ông Togo chất vấn: “Bên cạnh ông Abe có rất nhiều phụ tá xuất sắc, tại sao lại để ông Abe đi nước cờ này? Là người Nhật Bản, tôi cảm thấy cực kì đau xót”./.

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: