BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2335. Nền dân chủ Athens

Posted by adminbasam trên 15/02/2014

Phan Thành Đạt

Athens là quê hương của nền dân chủ đầu tiên trên thế giới do người Hy Lạp sáng tạo ra cánh đây hơn 2500 năm. Các nền dân chủ ngày nay đều ít nhiều thừa hưởng những thành tựu về dân chủ của người Hy Lạp cổ. Dân chủ trong tiếng Hy Lạp được ghép từ hai từ khác nhau: Démos để chỉ nhân dân, Kratos để chỉ quyền lực, dân chủ thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân.

Các biến động chính trị diễn ra trong thế kỷ thứ VI trước công nguyên, khi nhiều người dân Athens gặp phải khó khăn về kinh tế, họ bị giai cấp quý tộc siết nợ, họ không muốn trở thành nô lệ như nhiều người khác, để thoát khỏi tình trạng này, họ tiến hành nổi dậy, lật đổ những người có thế lực. Sau khi quyền lực không còn bị bất kì ai kiểm soát, người dân quyết định giữ lại quyền lực và không trao cho bất kì ai. Họ tiến hành tổ chức mọi việc trong thành bang, đồng thời bầu ra những đại diện cai quản các công việc chung. Chế độ dân chủ ở Athens ra đời trong hoàn cảnh ngẫu nhiên như vậy.

Nền dân chủ Athens được xây dựng và phát triển trong các thế kỷ thứ VI và thứ V trước công nguyên, thời kì rực rỡ nhất của Athens là cuối thế kỷ thứ V. Athens trở thành Nhà nước-thành bang hùng mạnh nhất trong số các thành bang của nền văn minh Hy Lạp. Ảnh hưởng của Athens lan tỏa đến toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông. Khác với các nền văn minh cổ đại khác đều xuất phát ở lưu vực các con sông lớn, nơi có các đồng bằng mầu mỡ, thuận lợi cho nông nghiệp và giao thông đi lại. Ví dụ nền văn minh sông Hằng, văn minh sông Nil hay văn minh Trung Đông, nơi có hai con sông Tigre và Euphrate. Hy Lạp không có các điều kiện thuận lợi về đất đai, địa hình vì Athens là một vùng trật hẹp, có nhiều núi, đất đai cằn cỗi, không thuận lợi cho phát triển kinh tế. Athens cũng như các thành bang khác luôn phải đối mặt với vấn đề thiếu lương thực, do dân cư đông đúc và thiếu đất canh tác.

Nền dân chủ đã đem lại những thành tựu cho Athens, nơi đây đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị của toàn bộ khu vực rộng lớn từ biển Égée đến Palestine. Cũng nhờ thể chế dân chủ sớm được thiết lập, Athens đã trở thành Nhà nước giàu có nhất trong các thành bang Hy Lạp. Athens phát triển rực rỡ trong mọi lĩnh vực. Những sáng tạo của nền dân chủ ở đây đã làm thay đổi thế giới. Về triết học, Athens trở nên nổi tiếng nhờ các nhà tư tưởng lớn như Socrate, Platon, Aristote. Về quân sự phải kể đến Thémistocle, Aristide, về toán học phải kể đến Thalès, Pythagore. Về văn học, nhờ hai bộ sử thi đồ sộ Odyssée và Illiade do Homère thuật lại, khiến văn hóa Hy Lạp có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn học của châu Âu trong nhiều thế kỉ. Nhờ biết phát huy các giá trị dân chủ, khuyến khích nhiều người tham gia vào chiến tranh tự vệ, Athens đã giành chiến thắng trước đế quốc Ba Tư trong các trận chiến Marathon năm -490 và Salamine năm -480. Hy Lạp đã chiến thắng kẻ thù hùng mạnh và đông hơn mình 6 lần trong trận chiến Salamine, phá hủy 250 tàu chiến và đánh tan đạo quân Ba tư gồm 300.000 người, bảo vệ nguyên vẹn Athens và các thành bang khác.

Người Hy Lạp cũng là những người có sáng kiến tổ chức các hoạt động thể thao giữa các thành bang từ thế kỉ thứ VII trước công nguyên, các giải thi đấu diễn ra 4 năm một lần, các vận động viên tham dự đại diện cho các thành bang. Thế vận hội Olympia được duy trì trong gần 1000 năm, vào cuối thế kỷ XIX lại được con người tiếp tục tổ chức trên quy mô toàn thế giới. Tên trận chiến Marathon năm -490 trước công nguyên, đã được gọi cho các giải thi đấu điền kinh trong các thế vận hội.

Nền dân chủ Athens gắn liền với tên tuổi của các nhà cải cách lớn như Clisthène, Périclès. Những nguyên tắc cơ bản về dân chủ như quyền tự do tham gia các sinh hoạt chính trị, quyền bình đẳng, các nguyên tắc về luật pháp để đảm bảo công bằng, minh bạch đã trở thành các điều kiện cơ bản của nền dân chủ hiện đại. Người Hy Lạp đã nghĩ ra cách lựa chọn các đại diện điều hành đất nước bằng cách bốc thăm, sau đó những người này sẽ tiến hành bầu ra các nhân vật nắm giữ các chức vụ quan trọng trong vòng 1 năm. Để bảo đảm tính bình đẳng, tất cả các công dân đều có quyền tham gia vào việc điều hành đất nước ít nhất 1 lần trong đời. Công dân vừa có cơ hội là người chấp hành luật pháp vừa là người có quyền thảo luận, biểu quyết các dự luật.

Dân chủ là quyền lực của đa số dân nghèo áp đặt lên những người giàu và những người thuộc giai cấp quý tộc. Tuy nhiên, chế độ dân chủ của người Hy Lạp ngay từ đầu đã bộc lộ một số khuyết điểm nghiêm trọng, khiến các nhà tư tưởng như Platon và Aristote luôn tỏ ra nghi ngờ. Vì dân chủ là quyền lực của số đông gồm những người bình dân ít học,  dễ bị kích động, nên họ dễ dàng đưa ra các quyết định theo cảm tính mà không hề nghĩ đến những hậu quả sau đó. Chế độ dân chủ, khi không còn tôn trọng các quy định cơ bản, có thể chuyển thành chế độ mị dân hoặc vô chính phủ.

Nền dân chủ Athens có những đặc điểm tiêu biểu, phục vụ lợi ích cho con người (I) nhưng nó cũng có những hạn chế nhất định (II).

I. Những đặc điểm cơ bản của nền dân chủ Athens

Sinh hoạt chính trị ở Athens dựa trên cơ chế hoạt động của 3 cơ quan chính (A): Đại hội đồng (Ecclésia), Hội đồng hành pháp (Boulè) và Tòa án (Héliée), ba cơ quan này tương ứng với ba nhánh quyền lực quan trọng của Nhà nước hiện đại là các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các công dân tự do có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các cơ quan này (B), các cuộc họp của công dân diễn ra công khai, mọi người đều có quyền tự do biểu đạt.

A. Tổ chức hoạt động của ba cơ quan quyền lực quan trọng

Đại hội đồng (Ecclésia) là hội nghị quan trọng nhất, trong thời kỳ đầu xây dựng nền dân chủ, công dân Athens tập hợp trên quảng trường gần chợ (l’Agora). Sau này, họ tập hợp trên một ngọn đồi có tên là Pnyx. Đại hội đồng sẽ bàn bạc và thông qua nhiều đạo luật quyết định các chính sách kinh tế-xã hội của Athens. Đại hội đồng được tổ chức khoảng 3 đến 4 lần mỗi tháng. Các công dân ở xa phải đi từ đêm để đến nơi hội họp đúng giờ. Chương trình nghị sự của cơ quan lập pháp này do Hội đồng hành pháp định trước. Trong số khoảng 40 000 công dân ở Athens, chỉ có 5000 đến 6000 người thường xuyên có mặt. Vì mỗi lần đi dự họp, các công dân bị mất 1 ngày làm việc, nhiều người bận nên thường xuyên vắng mặt. Trong buổi thảo luận trên đồi Pnyx, người có sáng kiến đưa ra dự luật sẽ bước lên bậc thềm để giải thích, mọi người lắng nghe và nhìn thấy rõ người nói đang đứng ở vị trí cao hơn. Sau khi trình bày xong dự luật, là đến các ý kiến phản biện của các công dân khác. Tất cả những người tham dự đều có quyền được phát biểu trong một khoản thời gian như nhau để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng. Thời gian phát biểu được theo dõi nhờ quan sát đồng hồ nước. Khi dự luật đã được bàn bạc cẩn thận thông qua các ý kiến ủng hộ hay phản đối. Các công dân sẽ tiến hành bỏ phiếu bằng cách giơ tay. Nếu đa số đều ủng hộ, đạo luật sẽ được ban hành.

image002

      Các công dân giơ tay bỏ phiếu trong một phiên họp của Đại hội đồng (Ecclésia)

Hội đồng hành pháp (Boulè) gồm 500 người đại diện thường trực cho toàn thể các công dân Athens. Tổ chức hành chính ở Athens được Clisthènes chia thành 3 khu vực là thành phố, nông thôn và vùng duyên hải. Các đại diện đến từ 3 khu vực khác nhau sẽ tiến hành bốc thăm để bầu ra 50 đại diện cho cơ quan hành pháp trong vòng 1 tháng. Mỗi ngày sẽ có một người đại diện thay phiên nhau nắm giữ chức vụ cao nhất trong hội đồng hành pháp. Như vậy, mọi công dân đều có quyền lãnh đạo, để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng. Sau khi hết thời hạn 1 tháng, 50 đại diện mới lại được chọn ra. Périclès (-495-429) là trường hợp ngoại lệ, vì có nhiều ảnh hưởng nhất tại Athens, cho nên nhân vật này đã giữ chức vụ điều hành cơ quan hành pháp 21 lần.

Tòa án nhân dân (Héliée) là cơ quan tư pháp của Athens. 6000 công dân sẽ tiến hành bốc thăm để chọn ra 500 đại biểu chịu trách nhiệm xử án. Các thẩm phán nhân dân được bố trí vào 12 phòng chuyên đề khác nhau. Mỗi ngày sẽ có một vụ việc được xử lí. Trong phiên tòa, bị cáo sẽ tự biện hộ mà không cần sự trợ giúp của thầy cãi. Thông thường, bị cáo sẽ đọc một văn bản tự thanh minh được các nhà chuyên môn về luật pháp soạn sẵn, dựa trên các chi tiết của vụ việc được bị cáo bàn luận với họ. Sau khi đã nghe bên nguyên và bên bị trình bày, các quan tòa sẽ tiến hành bỏ phiếu kín. Các lá phiếu làm bằng đồng có hình đồng xu. Nếu quan tòa lựa chọn phiếu có hình lõm ở giữa, đồng nghĩa với việc kết tội bị cáo, nếu chọn phiếu có hình lồi, bị cáo sẽ không bị quy tội và được tha. Bỏ phiếu diễn ra bí mật vì quan tòa kẹp chặt lá phiếu giữa các ngón tay, nên không ai biết đó là lá phiếu buộc tội hay tha bổng.

Các công dân được bầu vào Tòa án nhân dân thường là những nhân vật có uy tín như các tướng lĩnh trong quân đội, hoặc những người có ảnh hưởng trong đời sống kinh tế, chính trị ở Athens. Tuy nhiên, có nhiều người tỏ ra nghi ngờ về mức độ chính xác và công bằng trong các vụ xét xử. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ của công dân luôn được nhấn mạnh để duy trì các nguyên tắc dân chủ ở Athens.

B. Quyền và nghĩa vụ của công dân Athens

Một người trở thành công dân khi đến 18 tuổi theo quy định của pháp luật. Khi Clisthènes được bầu làm đại diện cho Hội đồng hành pháp, tuổi để trở thành công dân tăng lên 20. Trước đây, một người muốn trở thành công dân phải có cha là người Athens, sau này, bắt buộc người đó phải có cả cha và mẹ là người Athens. Khi đã thành công dân, cá nhân có đầy đủ các quyền chính trị và kinh tế, được đối xử bình đẳng, được tham gia bầu cử, ứng cử và được bàn luận các công việc quan trọng của thành bang. Công dân có quyền sở hữu, có quyền bảo vệ lợi ích của cá nhân và gia đình trước tòa. Công dân có quyền lấy vợ và được hưởng những trợ giúp về tài chính. Dân chủ trực tiếp gắn liền với việc tham dự vào đời sống chính trị ở Athens. Công dân là người tự do, không chịu bất kì trói buộc nào như các tầng lớp khác trong xã hội. Chủ quyền của công dân thể hiện bằng động tác giơ tay biểu quyết các đạo luật, tham gia vào các phiên bầu cử ra các thẩm phán, hay bàn bạc về các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước.

Công dân Athens có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm lãnh đạo, công việc này được tiến hành hàng năm. 6000 công dân sẽ ghi tên các nhân vật đã được bầu, nhưng bị mất uy tín do tham lam hoặc không có khả năng điều hành công việc. Họ sẽ khắc tên người đó trên các mảnh gốm và bỏ vào hòm phiếu. Sau khi kiểm phiếu, nếu tên của ai bị nêu nhiều nhất, theo luật pháp của thành bang, người đó sẽ phải từ bỏ chức vụ và đi nơi khác sống trong vòng 10 năm. Sau thời gian quy định, người đó được phép trở lại và lại được hưởng các quyền lợi của công dân.

Bên cạnh các quyền cơ bản, công dân có trách nhiệm thực hiện một số nghĩa vụ. Công dân khi đến 18 tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự trong 2 năm để bảo vệ độc lập chủ quyền của Athens. Những công dân giàu có sẽ có khả năng tự trang bị cho mình áo giáp, ngựa và các loại vũ khí đắt tiền. Vì vậy, các công dân này có nhiều cơ hội trở thành chỉ huy trong quân đội. Các công dân có mức sống trung bình, chỉ có thể trang bị những phương tiện tối thiểu, họ trở thành lực lượng bộ binh đông đảo. Các công dân nghèo, không có điều kiện về vật chất, sẽ trở thành lính chèo thuyền, phục vụ trên các tàu chiến. Nhờ có sự tham gia nhiệt tình của công dân vào nhiệm vụ chuẩn bị chiến tranh, cùng với việc huy động thành công các tầng lớp khác trong xã hội cùng tham gia, (dân chủ hóa chiến tranh), Athens và các thành bang Hy Lạp khác đã chiến thắng đội quân Ba Tư của hoàng đế Xerxès. Trận hải chiến Salamine năm -480 đã đem lại tiếng vang cho Athens, giúp nước này trở thành cường quốc về hàng hải, kiểm soát toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Một số người ngoại quốc đến từ các thành bang khác, có công lao bảo vệ Athens, được tặng danh hiệu công dân.

Đa số công dân Athens đều là những người biết đọc, biết viết, nghĩa là có hiểu biết hơn những người khác. Họ tự coi mình là những người văn minh, sống trong một nước văn minh. Đối lập với họ, là những người kém hiểu biết và hoang dại đến từ các thành bang lạc hậu. Cho nên, những người này dễ bị phân biệt đối xử và không có cơ hội để trở thành công dân Athens. Những người nhập cư (métèque) khi đến Athens được hưởng một số quyền lợi về kinh tế. Họ được phép tự do buôn bán, nhưng không được tham gia vào các tranh luận chính trị, xã hội, mặc dù họ đều là những người tự do. Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của Aristote (-384-322, trước công nguyên), ông là người đến từ Stagire thuộc Macédoine, Aristote là người nhập cư và không phải là công dân Athens. Tuy nhiên, ông là một trong những nhà tư tưởng thông thái nhất ở đây, ông từng là học trò của Platon và sau này là gia sư của Alexandre đại đế (-356-323), ông có nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp chinh phục thế giới của nhân vật này.

Nền dân chủ Athens đề cao các quyền tự do và bình đẳng của công dân, nhất là tự do ngôn luận và tự do bầu cử. Những nguyên tắc cơ bản về dân chủ của người Hy Lạp đã được các nhà triết học thời kỳ Ánh sáng tiếp thu. Tuy nhiên, rất nhiều người hoài nghi về những tiêu chuẩn của chế độ dân chủ do người Hy Lạp sáng tạo. Nên xếp Athens là thể chế chính trị đầu sỏ hay là nền dân chủ chưa hoàn thiện, xuất hiện cách đây 2500 năm ? Dân chủ Athens như tấm huân chương cũng có mặt trái của nó.

II. Những hạn chế của nền dân chủ Athens

Danh hiệu công dân ở Athens chỉ dành cho một số người, vì có nhiều nhóm người khác không được phép trở thành công dân (A), dựa trên các quy định chặt chẽ của luật pháp thời đó. Các phiên thảo luận ở Đại hội và mức độ chính xác của các phiên tòa công dân đặt ra những hoài nghi về hiệu quả của thể chế chính trị ở Athens. Nền dân chủ ở đây đã chuyển thành đế chế dân chủ (B), với tham vọng xâm chiếm các thành bang khác.

A. Danh hiệu công dân chỉ thuộc về một số người ở Athens

Khái niệm công dân trong suy nghĩ của người Hy Lạp để chỉ một nhóm người, chứ không hề mang ý nghĩa phổ quát. Vào thế kỷ thứ V trước công nguyên, dân số ở Athens có khoảng 400 000 người, trong đó có khoảng 38 000 đến 40 000 là công dân, 130 000 là nô lệ, còn lại là phụ nữ, trẻ em và dân nhập cư. Ba tầng lớp trong xã hội không phải là công dân là phụ nữ, dân nhập cư và nô lệ.

Vai trò của phụ nữ không hề được coi trọng, theo quan điểm của người Hy Lạp, phụ nữ là những người có tư duy kém và không thể tham gia vào các phiên thảo luận về chính trị trong thành bang, suy nghĩ của họ dễ dẫn đến bế tắc, trong khi đàn ông mới là những người có đủ khôn khéo để bàn luận về chính trị. Khi một công dân bị các công dân khác chế nhạo, họ mặc quần áo phụ nữ cho người đó, coi người đó có tính cách phụ nữ, có suy nghĩ kém cỏi và coi đó là trò cười. Khi quan sát các đồ gốm thời kì đó vẽ hình phụ nữ, người ta nhìn thấy những bức vẽ người phụ nữ đeo khăn che mặt vì sợ xấu hổ. Tuy nhiên, một điều rất ngạc nhiên là Athena vị thần bảo trợ và là biểu tượng ở đây lại là phụ nữ !

Dân nhập cư là những người có một số quyền lợi, họ được luật pháp bảo vệ, họ được tự do buôn bán, làm ăn ở Athens, nhưng họ phải đóng các khoản thuế để được hưởng một số ưu đãi, khi cần họ phải phục vụ nghĩa vụ quân sự. Rất hiếm khi, dân nhập cư có điều kiện trở thành công dân.

Nô lệ là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội. Ở Athens, cứ 3 người thì có một người là nô lệ, đa số là các tù binh chiến tranh, một số khác, do cuộc sống túng thiếu hoặc bị vỡ nợ, họ buộc phải trở thành món hàng. Nô lệ là điều kiện cần thiết cho nền dân chủ Athens, vì cần có nhiều người làm việc thay cho các công dân, để những người này có thời gian thảo luận về các vấn đề quan trọng. Nô lệ đảm nhiệm các công việc nặng nhọc như khai thác hầm mỏ, xây dựng các đền đài. Họ được coi như là đồ vật, hay công cụ lao động. Aristote định nghĩa: “Nô lệ là con vật có hai chân”, ông cho rằng nô lệ là một thực tế của đời sống, chừng nào họ chưa có ý thức tự giải phóng mình, chừng đó họ vẫn là nô lệ. Theo Aristote, các công dân giàu có chỉ nên giữ lại những nô lệ có tư duy lệ thuộc và chịu phục tùng, còn đối với những nô lệ có tâm hồn tự do, cần giải phóng họ, vì giam hãm những tâm hồn tự do là trái với quy luật tự nhiên.

Khái niệm công dân để chỉ 1/10 dân số ở Athens, nền dân chủ ở đây phục vụ cho một nhóm thiểu số. Đa số các công dân là nông dân hoặc thợ thủ công. Một số ở xa nên ít có điều kiện tham gia vào các buổi thảo luận chính trị, một số khác bận rộn với công việc hàng ngày, vì không có nô lệ làm việc thay. Trong số 40 000 công dân chỉ có khoảng 5 000 đến 6 000 người thường xuyên tham gia vào các sinh hoạt chính trị. Để khuyến khích tất cả các công dân quan tâm nhiều hơn đến các công việc chung của Athens, Péricles trợ cấp cho những người đến dự họp một khoản tiền bồi dưỡng (misthos). Périclès còn xây dựng nhà hát biểu diễn nghệ thuật, khuyến khích công dân đến xem để nâng cao dân trí. Các công dân đến dự họp càng ngày càng đông, đặc biệt là những người nghèo, những người không nơi nương tựa. Họ đến với hi vọng nhận được tiền bồi dưỡng, đủ chi tiêu cho một ngày, chứ không mấy quan tâm đến tranh luận hay phản biện mỗi khi Hội đồng bàn bạc sôi nổi về những chủ đề quan trọng. Chất lượng các buổi họp vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Nền nông nghiệp không nuôi đủ toàn bộ dân số Athens vì đất đai cằn cỗi. Một số đạo luật được ban ra, bắt các gia đình đông dân phải có một thành viên di cư đi nơi khác sống, nếu không sẽ bị xử tử hình. Để đảm bảo đủ nguồn lương thực, Athens yêu cầu các công dân sinh sống ở nơi khác đóng thế bằng lúa mì và lúa đại mạch. Giao lưu trao đổi hàng hóa, nhập khẩu nhiều ngũ cốc, tích lũy của cải và áp đặt thể chế dân chủ của mình đối với các thành bang khác là những chính sách đối ngoại cơ bản của Athens trong thời kì hưng thịnh nhất của nền dân chủ vào thế kỉ thứ V trước công nguyên.

B. Từ thể chế dân chủ nhiều khuyết điểm đến đế chế dân chủ Athens

Các nguyên tắc về dân chủ ở Athens có khá nhiều thiếu sót. Các phiên thảo luật của công dân nhiều khi diễn ra theo cảm tính, không phản ánh đúng tinh thần dân chủ. Ví dụ cùng một quyết định về một vấn đề quan trọng nhưng công dân có thể phản ứng theo hai cách hoàn toàn trái ngược. Khi Athens có xung đột với các nước khác. Các công dân bàn bạc về số phận của những người dân ở Nhà nước-thành bang bị thất thủ, có nhiều ý kiến đưa ra: Nên bắt toàn bộ họ làm nô lệ, hay là tha thứ cho họ vì luật pháp của Athens cần tuân theo lẽ phải và phục vụ lợi ích cho con người. Kết quả là các công dân đồng ý tha thứ cho nhân dân ở thành bang bại trận. Nhưng một thời gian sau đó, đa số lại có quyết định ngược lại đối với các thành bang khác, kết quả là nhân dân ở đó bị bắt làm nô lệ, riêng những người dân trên đảo Eubée bị tàn sát, một số khác bị đuổi khỏi đảo.

Các phiên họp của công dân trên đồi Pnyx bị một số cá nhân quá khích nhưng có tài hùng biện chi phối. Kết cục là, những quyết định của công dân nhiều khi không tuân theo lẽ phải, họ không suy nghĩ thấu đáo, mà lại thể hiện tình cảm theo từng hoàn cảnh khác nhau, do tác động của các diễn giả có tài mị dân.

Các thành viên của Tòa án nhân dân là các công dân không có chuyên môn, vì ai cũng có quyền trở thành quan tòa trong một thời gian theo quy định luân phiên, để đảm bảo bình đẳng. Kết quả là nhiều người thiếu hiểu biết về luật pháp lại có quyền định đoạn số phận của người khác dựa theo tình cảm. Điều đó khó đảm bảo được nguyên tắc công bằng và nghiêm minh của luật pháp. Ví dụ trường hợp kết tội cho nhà triết học Socrate (-470-399) vào thời điểm chiến tranh giữa Athens và Sparte. Những nguy cơ mà Athens gặp phải đã được Socrate dự đoán, ông đi khắp nơi để cảnh báo với mọi người về sự suy thoái của Athens. Kết quả là, Socrate bị buộc tội chống lại thành bang, vì ông báng bổ thần thánh và làm giới trẻ hư hỏng. Ông bị kết tội chết bằng cách phải uống độc dược.

Sau trận hải chiến Salamine, năm -480, Athens trở thành trung tâm chính trị, kinh tế ở khu vực Địa Trung Hải. Liên minh quân sự Délos do Athens đứng đầu được duy trì. Theo các nguyên tắc hoạt động của Liên minh này, các Nhà nước-thành bang sẽ đóng góp một khoản tiền lớn hàng năm cho Athens để nước này phát triển quân đội, bảo vệ toàn bộ các thành bang trong Liên minh, chống lại kẻ thù xâm lược từ nơi khác, đặc biệt là ngăn ngừa mối đe dọa của người Ba Tư. Périclès đã sử dụng những khoản tiền đóng góp để xây dựng đền Parthénon, đây vừa là nơi cất giữ của cải vừa là nơi thờ thần linh. Nhà hát và nhiều công trình kiến trúc khác cũng được xây dựng. Khi các công dân chất vấn Périclès về cách dùng tiền vào những việc quan trọng. Ông đã trả lời: “Các nước khác trong Liên minh không đóng góp quân đội, chiến thuyền hay ngựa chiến, nhưng họ góp tiền cho chúng ta. Đây chính là thứ chúng ta cần, các nguồn tài chính này sẽ được sử dụng để xây dựng Athens, đem lại vinh quang cho nơi này, và những cố gắng đó sẽ được lịch sử lưu danh”.

image004

Đền Parthénon, được xây dựng trong các năm -447-432, trước công nguyên, theo sáng kiến của Périclès

Athens trở thành một đế chế hùng mạnh, các công dân mong muốn sẽ áp đặt thể chế chính trị dân chủ ở nhiều khu vực khác. Họ hội họp trên đồi Pnyx để bàn các kế hoạch xâm lăng các thành bang khác. Để biện hộ cho chính sách của Athens, có người phát biểu: “Bản chất của con người là muốn nắm giữ quyền lực, chân lí này ở đâu cũng thế, càng có nhiều quyền càng tốt, kẻ mạnh làm những gì mà mình muốn, còn kẻ yếu phải chấp nhận những điều cần phải chấp nhận”. Những ý kiến như thế đã thuyết phục được nhiều công dân khác, và số đông lại giơ tay bỏ phiếu để ủng hộ chiến tranh.

Kết luận

Nền dân chủ Athens được xây dựng và phát triển trong suốt hai thế kỉ. Sau cuộc chiến tranh Péloponnèse kéo dài 27 năm (-431-404) với thành bang Sparte, Nhà nước có sức mạnh quân sự lớn nhất và là đối thủ duy nhất có thể đánh bại Athens. Sparte đã giành chiến thắng, đó cũng là sự kiện đánh dấu quá trình sụp đổ của nền dân chủ đầu tiên trên thế giới. Athens đã để lại cho con người những di sản quý giá: Những nguyên tắc đảm bảo nền dân chủ và cả những bài học để xây dựng một chế độ dân chủ hoàn thiện hơn so với thể chế chính trị đã tồn tại cách đây 2500 năm. Nền dân chủ phương Tây ngày nay đều thừa hưởng những thành tựu của Athens và chế độ cộng hòa La Mã.

Tài liệu tham khảo

1. http://www.e-olympos.com/democratie.htm

2.http://www.cliolamuse.com/spip.php?article187http://www.herodote.net/Ve_siecle_avant_JC-synthese-524.php

3.  http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/rfsp_0035-2950_1953_num_3_4_452745_t1_0876_0000_001

4. http://www.latinistes.ch/grec/culture/democratie/

 

 

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: