2316. NHỮNG XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA NGOẠI GIAO LÁNG GIỀNG TRUNG QUỐC NĂM 2014
Posted by adminbasam trên 11/02/2014
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Bảy, ngày 08/02/2014
(Mạng China.com ngày 2-3/1/2014)
Thế giới đón năm 2014 trong tâm trạng thấp thỏm không yên. Đây sẽ là một năm đầy thay đổi, biến động với rất nhiều mâu thuẫn đều đang tích tụ nhanh hơn, thách thức nơi nào cũng có. Tuy nhiên thách thức thường ẩn chứa cơ hội. Thế giới ngày nay không có nước lớn nào lại không nhận thức được rằng những nhân tố thách thức trong môi trường an ninh của họ đang không ngừng tăng thêm, cũng có nước lớn đang trong quá trình triển khai hoạt động ngoại giao tích cực, thông qua đối phó thách thức để thúc đẩy, tranh thủ điều kiện thực hiện lợi ích chiến lược của mình. Đối với Trung Quốc là nước đang phát triển lớn mạnh lại càng phải là như vậy.
Nhờ có được bố cục tích cực và chủ động tìm kiếm thế mạnh theo chủ trương của tập thể lãnh đạo khóa mới và được thúc đẩy toàn diện trên thực tế nên ngoại giao Trung Quốc năm 2013 đã có sự kết hợp giữa điểm, tuyển và diện, đặt nền tảng vững chắc cho những việc lớn hơn trong thời gian tới. Trong bố cục ngoại giao Trung Quốc, khi làm tốt công việc trên mỗi điểm là có ý nghĩa mang tính cơ sở. Điểm là sự kết nối mạnh mẽ nhất giữa “thiết kế đỉnh điểm” và “tư duy giới hạn cuối cùng”, là đường dẫn tốt nhất để kiểm nghiệm sức mạnh cứng, sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh cùng phát triển. Chỉ có nắm bắt được điểm mới có thể liên kết lại thành tuyến, thúc đẩy đi đến diện, trên cơ sở đó một chiến lược lớn có tiềm lực sung mãn đi liền thế mạnh mới có thể hứa hẹn hình thành.
Nếu nói trọng điểm ngoại giao Trung Quốc năm 2013 là mưu tìm bố cục về mặt vị thế thì trọng điểm năm 2014 cần phải đi sâu, chi tiết, kiểm soát và vận dụng tốt những điểm liên quan lợi ích chiến lược của Trung Quốc, đây là điểm hết sức quan trọng ở khu vực xung quanh. Nếu nhìn vào triển vọng ngoại giao xung quanh năm 2014 thì công tác trong một số điểm sau đây vừa có tính thách thức nhất, lại vừa có khả năng hành động nhất, đặc biệt cần phải được coi trọng:
1– Triều Tiên
Năm 2014 là một năm quan trọng mang tính then chốt đối với tình hình trong nước Triều Tiên và cả bán đảo Triều Tiên. Sau khi xác lập “thể chế lãnh đạo hạt nhân duy nhất”, chính sách đối nội và đối ngoại của Triều Tiên sẽ tuân thủ lối cũ, phô trương sức mạnh hay sẽ thực sự đi theo con đường cải cách sống động, những xu hướng theo dõi đặt ra như vậy sẽ được thể hiện ra bằng những đường nét tổng hòa rõ rệt hơn. Trung Quốc là đối tượng quan trọng hàng đầu mà Triều Tiên không thể không lựa chọn để tồn tại và phát triển, dù tình hình trong nước Triều Tiên có thay đổi thế nào thì Triều Tiên cũng đều không thể quay lưng lại với những cam kết chiến lược giữa Triều Tiên với Trung Quốc, cũng không thể không quan tâm đến những lợi ích và chủ trương hợp tình hợp lý của Trung Quốc.
Trong khi cộng đồng quốc tế luôn cho rằng Triều Tiên là nước không thể dự đoán trước được thì những điều kiện cơ bản để có thể triển khai các hoạt động có ảnh hưởng tích cực lẫn nhau giữa Trung Quốc với Triều Tiên là không thể thiếu được. Trên cơ sở làm giảm bớt tính chất không thể lường trước đối với Triều Tiên và các bên liên quan, việc thúc đẩy quan hệ Trung-Triều trở lại như cũ, từ đó thúc đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên cũng trở về như cũ cần phải được coi là phương hướng nỗ lực trong chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên năm 2014.
Quan hệ Trung-Triều đang thoát ra khỏi đáy vực, việc trở về với trạng thái cũ là đòi hỏi chung đối với cả hai, cũng là lá bài quan trọng để Trung Quốc gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên, nhằm tháo gỡ tình hình khó khăn như hiện nay. Thực hiện chuyến thăm Trung Quốc của Kim Jong-Un là tiêu chí quan trọng của việc vãn hồi quan hệ, bất đồng giữa hai nước cần phải hàn gắn lại đến mức đủ để có thể đảm bảo cho chuyến thăm thành công và xác định được phương hướng cho quan hệ Trung-Triều trong tương lai. Triều Tiên đã tỏ cho thấy rõ dũng khí muốn thông qua tự thân cải cách để trở lại với cộng đồng quốc tế, chứng tỏ quyết tâm dừng lại các hoạt động hạt nhân và trở lại bàn đàm phán sáu bên, như vậy sẽ giúp làm cho lòng tin của Trung Quốc tăng lên.
Kế hoạch hạt nhân của Triều Tiên đã đi quá xa, chủ trương “từ bỏ hạt nhân đổi lấy hòa bình” trong đàm phán sáu bên khó có thể tiếp tục. Triều Tiên yêu cầu khôi phục đối thoại vô điều kiện, Mỹ, Hàn Quốc lại kiên trì lập trường cho rằng chỉ khi nào Triều Tiên có bước đi thực tế ngừng kế hoạch hạt nhân và từ bỏ vũ khí hạt nhân, khi đó mới có thể trở lại bàn đàm phán. Làm thế nào đề tìm được điểm dung hòa giữa hai kiểu lập trường, khởi động lại đàm phán, đồng thời thúc đẩy nỗ lực đi đến được phương án hòa bình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà các bên đều chấp nhận được sau khi khởi động, đòi hỏi này đang khảo nghiệm khả năng thiết kế và dàn xếp ngoại giao của Trung Quốc. Yêu cầu “thiết kế đỉnh điểm” và “tư duy giới hạn cuối cùng” do tập thể lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới nêu ra cần được vận dụng thích hợp trong chính sách hòa bình đối với bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc.
2- Nhật Bản
Đối đầu giữa Nhật Bản với Trung Quổc đã diễn ra từ hơn một năm nay. Cùng với việc Shinzo Abe đến viếng đền thờ Yasukuni khiến căng thẳng leo thang đến đỉnh cao mới, căng thẳng trong quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc cũng đồng thời có bước ngoặt. Cánh cửa tiếp xúc được khôi phục giữa nhà lãnh đạo hai nước mới đây bị đóng chặt, quan hệ hai nước khó được cải thiện thực chất trước khi Abe rời khỏi vũ đài. Ngoại giao Trung Quốc năm 2014 cần thừa thế phát triển, tạo lập kết cục cơ bản để có được hành động trong thời kỳ quan hệ Trung-Nhật khó khăn, củng cố cục diện thắng thế có tính chất cạnh tranh chiến lược trong cuộc đấu ngoại giao, quân sự này với Nhật Bản, chuẩn bị sẵn cho triển vọng phá băng trong “thời đại hậu Abe”.
Duy trì sức ép chính trị cấp cao là hết sức quan trọng. Ngoài tiếp xúc với Abe, cũng cần phải thiết kế được lá bài mà Trung Quốc có thể sử dụng trong điều kiện Nhật Bản tiếp tục thách thức, khi cần thiết có thể xem xét đến biện pháp chống kiềm chế khi quan hệ ngoại giao xuống dốc trên thực tế.
Cần có biện pháp đẩy giá phải trả cho sự đối đầu của Nhật Bản với Trung Quốc lên cao toàn diện. Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông được thực thi, giám sát hữu hiệu và thường xuyên qua lại các eo biển Mayako Kaikyo và Soya/La Perouse, ngành chấp pháp bảo vệ chủ quyền tiếp tục tăng cường bảo vệ chủ quyền thường xuyên gần quần đảo Điếu Ngư, các công ty, xí nghiệp hữu quan căn cứ theo pháp luật mở rộng khai thác dầu khí ở biển Hoa Đông, thực tế như vậy sẽ làm tăng thêm áp lực an ninh quân sự đối với chính phủ và quân đội Nhật Bản, phù hợp với nhu cầu chiến lược hiện thực và lâu dài của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc hiện đã trưởng thành là một đầu tàu tăng trưởng kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, mô hình “kinh tế nóng chính trị lạnh” trước đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản cứ mỗi khi va chạm lại nổi lên, đến nay mô hình đó đã không thể tiếp tục trở lại. Khôi phục lại tình hình kinh tế Nhật Bản suy trầm là mục tiêu hàng đầu của Abe. Việc chính quyền Abe đi ngược dòng trong những vấn đề về an ninh quân sự và vấn đề lịch sử sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đen tình hình thương mại và ngành sản xuất chế tạo ở ngoài nước của Nhật Bản đối với Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi đó tình hình xuất khẩu yếu ớt, đồng yên mất giá chính là những biểu hiện quan trọng về bóng đen giảm phát lâu dài và sâu sắc mà kinh tế Nhật Bản đã lâm vào. Chênh lệch giữa kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Hàn Quốc và kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản đang nhanh chóng thu hẹp, đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang gia tốc. Việc tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc được đẩy nhanh, sẽ vượt kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong hai, ba năm tới đây sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đối với tình hinh kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và đối với xu hướng của nền kinh tế Nhật Bản. Ngoài ra, đối với những sản phâm công cộng mang tính khu vực như đàm phán về khu thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, ảnh hưởng tài chính qua lại lẫn nhau ở khu vực Đông Á, phối hợp chính sách vĩ mô của G20, hợp tác tài chính ngân hàng châu Á…, Trung Quốc có thể xem xét lựa chọn theo cách không hưởng ứng và không phối hợp trong những sáng kiến và lợi ích của Nhật Bản.
Tăng cường liên hệ và nhất trí với Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Triều Tiên, và các nước ASEAN về vấn đề Nhật Bản là đòi hỏi cần thiết đối với Trung Quốc. Trong khi xúi giục Nhật Bản đi tiên phong trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, Mỹ cũng đồng thời cảnh giác với ý đồ “mượn gà đẻ trứng”, phá vỡ sự kiềm chế, ràng buộc sau chiến tranh của Abe, dè dặt với những ảnh hưởng xấu từ đối đầu Trung-Nhật đối với quan hệ Trung-Mỹ. Mỹ sẽ không đứng về phía Trung Quốc trong cuộc tranh giành giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng cũng ra sức tránh phải đi đến sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Nhật Bản, sự kiềm chế của Mỹ đối với xu hướng cực đoan hoá của nền chính trị Nhật Bản sẽ vẫn có một phần tác dụng. Mỹ cần phải biết rõ rằng việc Mỹ thiên vị và dung túng Nhật Bản là đùn đẩy trách nhiệm của Mỹ đối với hoà bình và phồn vinh ở châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ đảm nhận, cũng là đi ngược lại với tinh thần cùng xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ, sẽ sinh ra “hiệu ứng đôminô”, khiến Mỹ phải hứng chịu rủi ro do mất đi quan hệ với Trung Quốc.
Tuy có khó khăn nhưng Trung Quốc cũng cần phải làm công tác với các giới trong xã hội Nhật Bản. Cần phải duy trì và mở rộng đối thoại, giao lưu với các chính trị gia có lương tri, các đoàn thể và cơ sở hữu nghị, những người thuộc giai tầng thấp trong xã hội Nhật Bản, tích cực có được những tín hiệu chính trị hướng đến dân chúng Nhật-Bản, đó cũng là sách lược đấu tranh nhằm vào nhũng chính khách cơ hội và thế lực cánh hữu cơ hội ở Nhật Bản.
3- Myanmar
Thúc đẩy quan hệ với Myanmar năm 2014 là phương hướng ngoại giao láng giềng mà Trung Quốc phải quan tâm cao độ.
Thứ nhất, với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Myanmar sẽ đứng ra tổ chức một loạt hội nghị quan trọng nói chung và hội nghị cấp cao Đông Á nói riêng. Chính phủ do quân đội kiểm soát ở Myanmar sẽ phải tiếp tục tìm kiếm biện pháp cải thiện môi trường tồn tại quốc tế của mình, lại cũng phải đấu sức với thế lực bên ngoài mượn thời cơ nhúng tay hơn nữa vào tình hình của Myanmar.
Thứ hai, tiến trình dân chủ và hoà giải nội bộ ở Myanmar bước vào thời kỳ then chốt trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2015. Một mặt, quân đội chính phủ tiếp tục đàm phán hoà bình với lực lượng vũ trang ở phía Bắc, đồng thời sẽ chèn ép không gian tồn tại của đối thủ, giữa hai bên có thể xảy ra cuộc chiến mới. Mặt khác, bà Aung San Suu Kyi vẫn đang tích cực hoạt động, tranh thủ sửa đổi hiến pháp nhằm có được tư cách tranh cử chức Tổng thống, về phía Chính phủ đã tỏ ra dễ dãi, nhưng vẫn chưa có gì được xác nhận. Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố dù có sửa đổi hiến pháp hay không cũng đều tham gia bầu cử năm 2015, như vậy có nghĩa là tổ chức này có thể cử ra ứng cử viên khác. Năm 2014 cuộc đấu tranh chính trị với biểu tượng hoà bình và hoà giải ở Myanmar sẽ tiếp tục mạnh lên, thế lực ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và thế lực phương Tây có ý đô thâm nhập vào khu vực phía Bắc Myanmar cũng sẽ tăng cường hoạt động, tình hình chính trị ở Myanmar sẽ tương đối khó khăn.
Trung Quốc là nước láng giềng số một của Myanmar, triển vọng quá độ đi đến hoà bình, hoà giải thuận lợi phát triển phồn vinh của Myanmar phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc cần đánh giá đầy đủ, nắm bắt thỏa đáng những nhân tố phức tạp trong phát triển tình hình ở Myanmar, gây ảnh hưởng một cách khéo léo, đúng mức và không để lỡ thời cơ, giữ gìn tốt an ninh vùng biên giới Tây Nam, bảo vệ quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Myanmar và lợi ích quan trọng của Trung Quốc tại Myanmar. Một là khuyến khích chính phủ và lực lượng vũ trang đối thoại hoà giải, phát triển đúng đắn, không chỉ làm tốt công việc của người cung cấp sân bãi, mà cũng cần phát huy vai trò hoà giải một cách thích hợp. Hai là tích cực ủng hộ Chính phủ Myanmar lợi dụng cơ hội của chủ tịch luân phiên, nâng cao vai trò trong tổ chức ASEAN, sử dụng triệt để vũ đài này làm cho hợp tác Trung Quốc-ASEAN đi vào chiều sâu. Ba là thúc đẩy hợp tác hữu nghị với nhà cầm quyền ở Myanmar, đồng thời tăng cường tiếp xúc với thể lực chính trị đối lập chủ yếu ở Myanmar. Theo tin cho biết, Hiệp hội liên lạc hữu nghị quốc tế Trung Quốc đã mời bà Aung San Suu kyi đến thăm Trung Quốc, bà Aung San Suu Kyi đã công khai nhận lời, sẵn sàng đi thăm Trung Quốc. Thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Aung San Suu kyi trong năm 2014 là hợp tình hợp lý. Bốn là thường xuyên giữ liên hệ tích cực với chính phủ và các giới ở Myanmar, khôi phục các dự án đầu tư lớn do gặp khó khăn phải tạm ngừng ở Myanmar, đề phòng, ngăn chặn, không để cho những dự án đã được xây dựng xảy ra vấn đề.
Giữa Trung Quốc và Myanmar có tình cảm hữu nghị “bà con đồng bào”, tình hữu nghị này bén rễ trong quan hệ địa lý, kinh tế, văn hoá đặc biệt giữa hai nước, vượt qua sóng gió chính trị ở những giai đoạn lịch sử khác nhau giữa hai nước, đã trở thành truyền thống chung, hướng tới tương lai quan hệ hai nước. Nếu phía Trung Quốc làm tốt, cho dù trong nước Myanmar có thay đổi thế nào, ngoại giao của Myanma trong tương lai sẽ đều thể hiện kết cục theo đó Myanmar đứng chân ở ASEAN, phía Bắc dựa vào Trung Quốc, phía Tây nhìn sang Ấn Độ, giao hảo với phương Tây.
4– Afghanistan
Năm 2014 là năm mấu chốt trong tình hình ở Afghanistan. Vào tháng 4, Afghanistan sẽ tiến hành bầu cử tổng thống, Hamid Karzai sẽ không tiếp tục tranh cử. Đến cuối năm, Mỹ sẽ bàn giao toàn bộ trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Afghanistan, hoàn thành tiến trình rút lực lượng tác chiến ra khỏi Afghanistan.
Mỹ đang gấp rút bố trí chiến lược và chính trị theo tình hình của “thời kỳ sau rút quân”, đảm bảo cho tình hình Afghanistan không bị mất kiểm soát và tiếp tục làm vùng đệm chiến lược của Mỹ ở giữa đại lục châu Âu và châu Á. Vì thế, Mỹ đang thực thi biện pháp cả cứng và mềm, hối thúc Chính phủ Karzai cùng với Mỹ nhanh chóng ký kết thỏa thuận an ninh Mỹ-Afghanistan về vấn đề miễn trừ tư pháp còn đang mắc mớ, hy vọng đạt được mục tiêu đóng giừ 6.000 đến 9.000 nhân viên an ninh quân sự và giữ lại 9 căn cứ quân sự dưới danh nghĩa “giúp Chính phủ Afghanistan tấn công tổ chức khủng bố và huấn luyện binh sĩ của Afghanistan”. Mỹ còn duy trì tiếp xúc bí mật với tố chức Taliban thuộc phái ôn hòa ở những địa bàn khác nhau.
Các nước cạnh Afghanistan như Nga, Iran, Pakistan, Ấn Độ liên kết với các phái ở Afghanistan thuộc cả bốn phía để tránh xảy ra tình hình bất lợi cho mình ở Afghanistan.
Trong 12 năm chống khủng bố, Mỹ và Chính quyền Kabul chưa bao giờ thực sự kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Đối với tình hình Afghanistan sau thời kỳ quá độ, tình cảm bi quan chiếm vị trí chủ đạo, trên đại thể có ba cách dự báo tình hình tới đây: Một là cả vùng lãnh thổ rộng lớn bị các lực lượng vũ trang cát cứ, rơi vào trạng thái vô chính phủ. Hai là thế lực Taliban lợi dụng bầu cử để trở lại, Afghanistan một lần nữa theo hướng cực đoan. Ba là Chính quyền Kabul và Taliban chia nhau chiếm giữ trên thực tế dưới sự tác động của Mỹ, các thành viên Taliban thuộc phái ôn hòa có thể tham gia Chính quyền Kabul. Cho dù thế nào thì rối ren sẽ là trạng thái thường xuyên, xu hướng vụn nát trở nên rõ ràng.
Trung Quốc là nước láng giềng lớn liền kề với Afghanistan, là lực lượng địa chính trị quan trọng ở khu vực Trung Nam Á. Những năm gần đây, Trung Quốc đã tham gia tiến trình tái thiết và hòa giải ở giai đoạn sau chiến tranh Afghanistan mang tính xây dựng, đã ký kết “Hiệp ước hợp tác láng giềng hữu nghị”, thành lập quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với Chính phủ Afghanistan, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Afghanistan không ngừng tăng lên. Năm 2014, công lao đầu tư chăm sóc của Trung Quốc sau 12 năm đã đến lúc gắn kết với tương lai.
Chính sách của Trung Quốc đối với Afghanistan trong giai đoạn tới cần gắn chặt hơn nữa với chiến lược đại phát triển miền Tây, và thực thi trong toàn bộ khuôn khổ bố cục chiến lược ở Trung Á, Trung Đông, Nam Á. Kết hợp ý tưởng xây dựng “khu vực kinh tế con đường tơ lụa” xuyên qua lục địa Âu-Á, và “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, không ngừng tăng cường sự hiện diện kinh tế ở Afghanistan, tạo cho Afghanistan có được vị trí và vai trò xứng đáng trong hai ý tưởng chiến lược và xây dựng tuyến đường vận chuyển năng lượng của Trung Quốc. Tiến thêm một bước tăng cường quan hệ an ninh Trung Quốc-Afghanistan trên cấp độ song phương và trên bình diện của Tổ chức hợp tác Thượng Hải, mở rộng hợp tác chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực chống khủng bố, huấn luyện nhân viên cảnh sát, đổi mới trang thiết bị an ninh…, đảm bảo an ninh biên giới khu vực miền Tây thông qua hợp tác cụ thể về tấn công “ba thế lực” (Chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa dân tộc cực đoan) và tấn công tội phạm xuyên quốc gia.
Cũng cần phải kết hợp giữa chính sách đối với Afghanistan và công tác đối với Pakistan, coi đó như một chỉnh thể để hoạch định phương án, phối hợp xử lý mối quan hệ với hai đối tác láng giềng hữu nghị có được lòng tin thực sự và tôn trọng Trung Quốc này, bao gồm biện pháp hỗ trợ hai nước phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.
Trong chính sách Afghanistan của Trung Quốc và chính sách Afghanistan của Mỹ đương nhiên có nhân tố cạnh tranh địa lý, nhưng trên tổng thể không có đối đầu, mà hai nước đều cần có sự ổn định ở Afghanistan, đều không muốn Afghanistan một lần nữa tiếp tục cực đoan, hai yếu tố này đã tạo ra sự hiểu ngầm chiến lược và đã hợp tác sơ bộ với nhau. Cần phải tiếp tục mở rộng sự hiểu ngầm này, và nâng lên thành cấp độ hợp tác thực tế hơn, nhưng đòi hỏi phải cương nhu hợp lý, không ôm đồm những gì không thể ôm đồm, không vấp phải những phiền phức không được phép vấp. Đã có báo chí và chuyên gia Mỹ trương lên luận điệu rằng Trung Quốc nhân cơ hội quân đội Mỹ sa vào khó khăn, lấy kinh tế làm đột phá khẩu để “khống chế” Afghanistan, cổ vũ Mỹ chuyển nhượng trách nhiệm an ninh quân sự cho Trung Quốc.
5– Iran, Syria
Năm 2013 quan hệ Mỹ-Iran có dấu hiệu hòa hoãn, đàm phán của Nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân Iran đạt được thỏa thuận mang tính giai đoạn, tình hình khủng hoảng vũ khí hóa học của Syria được tuyên bố hòa hoãn bàng việc chính quyền Bashar al-Assad đồng ý giao nộp và phối hợp tiêu hủy, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh cường độ cao ở khu vực Trung Đông đã giảm, nhưng cuộc đọ sức vẫn chưa thể nào kết thúc, mà sẽ còn tiếp tục sâu sắc hơn. Giữa Mỹ và Iran thiếu lòng tin nghiêm trọng, Syria rơi vào nội chiến sâu sắc, dù chỉ là thực hiện hiệp định đã có hay thúc đẩy đàm phán hòa bình theo thời gian biểu cũng đều là khó khăn cộng thêm khó khăn, khả năng tình hình đảo ngược là không thể đánh giá thấp.
Bối cảnh lớn liên quan đến quan hệ Mỹ-Iran, vấn đề hạt nhân Iran và vấn đề Syria có thay đổi, đó là do Chính quyền Obama lực bất tòng tâm, ưu tiên ngoại giao, tránh tai họa tránh chiến tranh. Đến nay, xu hướng Mỹ thu hẹp chiến lược ở Trung Đông đã rõ. Đây là một trong những thay đổi chủ yếu nhất trong môi trường an ninh chiến lược toàn cầu năm 2013, sẽ là một quá trình lâu dài, sẽ từng bước phá vỡ thế quân bình giữa các lực lượng địa chính trị chủ yếu ở Trung Đông, dẫn đến cơ cấu lại kết cục chiến lược ở khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ thu hẹp ở Trung Đông chỉ là thu hẹp cục bộ và nặng về biện pháp chứ không đồng nghĩa với việc thu gọn, giảm bớt ngoại giao mà ngược lại, trong nhiệm kỳ hai của Obama mức độ vừa đối thoại vừa gây sức ép buộc Iran và Syria phải đi vào khuôn phép có thể sẽ còn lớn hơn.
Một trong những lý do quan trọng để Mỹ cân nhắc thu hẹp chiến lược ở Trung Đông là đảm bảo có đủ nguồn lực để tập trung điều chỉnh “tái cân bằng”, chuyển dịch trọng tâm chiến lược về phía Đông và đối phó với Trung Quổc trỗi dậy. Nhưng những lo lắng và vướng mắc của Mỹ rất nhiều, ở Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương mỗi nơi đều có một đồng minh chủ chốt không lấy gì đảm bảo thật vâng lời, đó là Israel và Nhật Bản. Trên thực tế Mỹ ở vào tình thế muốn đi không đi được hẳn ở Trung Đông, muốn trở về không thật sung sướng khi về lại châu Á-Thái Bình Dương, chuyển dịch sang phía Đông không thể quán triệt toàn diện đến nơi đến chốn. Trong khi đó, mức độ phải nhờ cậy đến Trung Quốc ở cả hai hướng nói trên đều đang tăng lên. Nếu nói một cách chặt chẽ hơn, Trung Đông không thuộc phạm trù láng giềng xung quanh Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng từ những thay đổi trong tình hình Trung Đông đối với lợi ích chiến lược, an ninh năng lượng và lợi ích kinh tế cũng như những ảnh hưởng liên đới đối với tình hình xung quanh Trung Quốc đã trực tiếp hơn trước đây rất nhiều. Trung Quốc cần thực sự tham gia tiến trình hòa bình Trung Đông từ góc nhìn đại chiến lược, thực hiện bước chuyển tiếp từ đi theo đối phó đến chủ động tạo dựng. Nhưng Trung Quốc không thể can thiệp vào các công việc nội bộ của người Trung Đông sâu sắc như Mỹ, lại càng không thể thay Mỹ đảm nhận trách nhiệm của Mỹ ở Trung Đông. Cách nói về triển vọng Trung Quốc và Mỹ “đánh đổi lợi ích cho nhau”, Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành “thế lực lớn nhất ngoài khu vực Trung Đông”… đều chỉ là “chuyện ngàn lẻ một đêm”.
Năm 2013 chính sách Trung Đông của Trung Quốc chưa bao giờ lại chủ động như vậy, “phương án Trung Quốc” đã trở thành động lực quan trọng để mở rộng cánh cửa đối thoại hòa bình giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, Trung Quốc hỗ trợ Syria giao nộp và tiêu hủy vũ khí hạt nhân là công tác phối hợp đắc lực trong quá trình loại bỏ nguy cơ khủng hoảng đáng tiếc. Trong tháng 5, Trung Quốc hầu như đồng thời đón tiếp các nhà lãnh đạo của cả Palestine và Israel đến thăm, như vậy cũng có thể nói năm 2013 là năm đầu tiên Trung Quốc chính thức trở thành bên lợi ích liên quan ở Trung Đông, quan niệm cũ kỹ cho rằng Trung Quốc có thể giữ thái độ “siêu thoát” trong vấn đề Trung Đông đang nhanh chóng bị vùi lấp trên bước đường phát triển trưởng thành của Trung Quốc. Năm 2014 được nhìn nhận sẽ chuẩn bị có nhiều biến số hơn trong tình hình Trung Đông, tin tưởng rằng Trung Quốc có thể sẽ thể hiện rõ hơn ý thức và khả năng đề xướng sáng kiến, đề xuất phương án, thiết kế giới hạn đỏ, thúc đẩy hòa bình ở khu vực Trung Đông.
Học giả Diêm Học Thông có nói, chiến lược ngoại giao Trung Quốc trong thời kỳ mới trở nên tích cực hứa hẹn hơn, “từ né tránh xung đột chuyển sang lợi dụng xung đột, từ chờ đợi cơ hội chuyển sang tạo ra cơ hội, từ chỗ thích ứng với hoàn cảnh thay đổi chuyển sang chỗ tạo ra hoàn cảnh tốt hơn”. Quá trình chuyển biến như vậy đương nhiên phải có sự ưu tiên và biểu hiện rõ rệt ở khu vực xung quanh, những điểm dễ nóng bỏng như vậy chính là nơi chủ yếu để vận dụng thực tiễn./.
Sorry, the comment form is closed at this time.