BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2266. QUY ĐỊNH CẤM ĐÁNH BẮT CÁ MỚI CỦA TRUNG QUỐC: HÀNH ĐỘNG CƯỚP BIỂN NHÀ NƯỚC?

Posted by adminbasam trên 23/01/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Bảy, ngày 18/01/2014

Trang mạng The Diplomat ngày 13/1 đã đăng bài bình luận của Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, về quy định đánh cá mới tại Biển Đông mà tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) lặng lẽ thông báo mới đây. Theo nhận định của ông, động thái này sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa Bắc Kinh với ASEAN.

Ông Thayer cho rằng cùng với thông báo thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, cả hai hành động này đều đơn phương và nhằm mở rộng nền tảng pháp lí cho tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Những động thái này đang thách thức chủ quyền của các nước láng giềng, và có nguy cơ làm dấy lên căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố xung đột vũ trang.

Quy định đánh cá mới, được tỉnh Hải Nam công bố ngày 3/12/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, yêu cầu mọi tàu thuyền nước ngoài vào đánh cá hoặc tiến hành khảo sát trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều phải có sự chấp thuận trước từ “cơ quan hữu quan và có trách nhiệm” thuộc Chính phủ Trung Quốc. Hiện tỉnh Hải Nam tuyên bố có quyền quản lí hành chính với đảo Hải Nam, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và “các vùng biển lân cận”. Vùng biển này xấp xỉ 2 triệu km2, tương đương khoảng 57% trong số 3,6 triệu km2 nằm trong tuyên bô đường 9 đoạn ở Biển Đông của Trung Quốc. Các tàu cá và tàu khảo sát nước ngoài không tuân thủ quy định trên sẽ bị buộc phải rời khỏi khu vực, bị giam tàu và bị phạt lên tới 83.000 USD. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng có quyền tịch thu số hải sản đánh bắt được trên các tàu mà họ thu giữ.

Trung Quốc có quyền tài phán đối với vùng biển và đáy biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Chính quyền tỉnh Hải Nam có quyền áp đặt các hạn chế đối với tàu nước ngoài đánh bắt cá trong phạm vi 200 hải lí này. Tuy nhiên, chính quyền Hải Nam phải tôn trọng việc đi lại bình thường của mọi loại tàu khác. Trung Quốc cũng đang đòi quvền tài phán đối với vùng biển lân cận quần đảo Hoàng Sa. Tuyên bố này đang vấp phải sự phản đối của Việt Nam. Cả Trung Quốc và Việt Nam, đều đã kí Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), có trách nhiệm tránh đưa ra hành động đơn phương và có trách nhiệm hợp tác và kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Những trách nhiệm này đã được tôn trọng trong quá khứ.

Quy định mới của tỉnh Hải Nam bao trùm lên vùng biển trong khu vực mà tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc chồng lấn với các EEZ mà Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố. Bất kì nỗ lực nào nhằm thực hiện quyền tài phán của Trung Quốc ở những vùng biển này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản kháng và có thể dẫn đến các vụ đụng độ vũ trang trên biển. Tuy nhiên, phần gây tranh cãi nhất trong quy định đánh cá mới lại liên quan đến những gì mà thường được coi là vùng biển quốc tế. Mọi tàu cá và tàu khảo sát đều có quyền tự do đi lại ở vùng biển quốc tế. Mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào các tàu này có thể được xem là một hành động “cướp biển nhà nước”. Điều này có thể đẫn đến hành động pháp lí quốc tế nhằm vào các tàu Trung Quốc có liên quan.

Nhiều khả năng là Trung Quốc không thể thực hiện dược quy định mới này tại vùng biển rộng lớn mà tỉnh Hải Nam tuyên bố trực thuộc, Bất chấp nỗ lực liên tục xây lực năng lực hành pháp biển, bao gồm việc sáp nhập nhiều cơ quan thành một lực lượng tuần duyên mới, Trung Quốc thiếu các máy bay và tàu hải quân tuần tra biển hiệu quả để liên tục tuần tra khu vực này. Điều này làm dấy lên khả năng rằng Trung Quốc có xu hướng áp đặt những quy định đó đối với ngư dân Philippines. Điều này làm gia tăng thêm áp lực lên Manila cũng như làm tăng hậu quả từ hành động khiêu khích chính trị chống Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

Quy định mới của tỉnh Hải Nam cũng có khả năng phá hoại nỗ lực ngoại giao của giới chức Trung Quốc và Việt Nam trong xử lí tranh chấp lãnh thổ. Tháng 10/2013, trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Hà Nội, hai bên đã nhất trí thiết lập một đường dây nóng giữa các bộ nông nghiệp để xử lí nhanh chóng các sự cố đánh cá. Họ cũng nhất trí thiết lập một nhóm công tác về hợp tác biển. Mặc dù tiếp tục xuất hiện các sự cố riêng lẻ liên quan đến tàu hải giám Trung Quốc và tàu cá Việt Nam, song con số các sự cố được thông báo công khai trong năm ngoái dường như đã giảm mạnh. Quy định đánh cá mới sẽ làm tăng khả năng đảo ngược xu thế này.

Ngay sau khi tỉnh Hải Nam thông báo quy định mới, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng đã tìm cách xác minh từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Philippines là quốc gia lớn tiếng nhất chỉ trích các quy định này. Trong thông báo ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định các quy định mới này “gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp không cần thiết tình hình tại Biển Đông và đe dọa hòa bình ổn định khu vực.” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố tương tự, “việc thông qua các quy định này đối với hoạt động đánh cá của nước khác tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông là một hành động gây hấn và nguy hiểm tiềm tàng”.

Mặc dù ban đầu giữ thái độ im lặng, Việt Nam cuối cùng cũng đưa ra phản ứng vài ngày sau khi Việt Nam và Trung Quốc có vòng tham vấn đầu tiên về phát triển tài nguyên biển chung ở Bắc Kinh như là một kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi năm ngoái. Người phát ngôn chính phủ tại Hà Nội cho rằng các quy định mới là “bất hợp pháp và vô giá trị”, và tuyên bố “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng trước những chỉ trích theo cung cách mà họ đã làm trong quá khứ. Theo quan điểm của Trung Quốc, hành động của họ “hoàn toàn bình thường và là một phần trong thủ tục của các tỉnh giáp biển của Trung Quốc nhằm thiết lập các quy định khu vực theo luật pháp quốc tế để kiểm soát việc bảo tồn, quản lí và sử dụng các nguồn tài nguyên sinh học biển”.

Hiện có hai câu hỏi lớn liên quan đến những diễn biến trong tương lai. Trước tiên, liệu Trung Quốc có tiến tới thiết lập một ADIZ ở Biển Đông hay không? Hồi tháng 11/2013, khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo về ADIZ ở Biển Hoa Đông, họ cũng tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận dạng phòng không khác ở thời điểm thích hợp khi quá trình chuẩn bị hoàn tất”. Câu hỏi thứ hai là diễn biến mới nhất sẽ tác động gì đến các cuộc tham vấn sắp tới giữa Trung Quốc và ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trước đây, một vài nước ASEAN đã tự tách mình ra khỏi những chỉ trích Trung Quốc công khai của Philippines. Nếu ASEAN không thể đạt được đồng thuận về việc làm thế nào để phản ứng trước thái độ kiên quyết mới của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ là bên được hưởng lợi.

***

(Đài RFA 14/1)

Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc mới đây ra quy định mới về cấm đánh bắt cá tại vùng nước trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là do tỉnh Hải Nam quản lý. Quy định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Tại sao Trung Quôc ra quy định mới vào lúc này? Liệu Trung Quốc có khả năng thực thi quy định mới hay không?

Nhà nước cướp biển

Chỉ trong vài tuần cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Trung Quốc liên tục đưa ra các thông báo và quy định về hạn chế đánh bắt cá tại một vùng rộng lớn trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, nhưng thực tế đang tranh chấp với các nước khác. Quy định mới nhất của tính Hải Nam yêu cầu các tàu cá nước ngoài đi vào vùng nước trên Biển Đông do tỉnh Hải Nam tuyên bố quản lý phải xin phép nếu không sẽ bị xua đuổi, tịch thu tài sản, xử phạt hành chính và phạt tiền đến 83.000 USD.

Nhận xét về quy định mới của tỉnh Hải Nam, nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam, ông Đinh Kim Phúc cho biết: “Thực ra những tuyên bố và quy định của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông không có gì mới. Trước đây vào tháng 2/1992, Trung Quốc đã ra luật về lãnh hải, luật này là sự tiếp nối tuyên bố của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước đây vào năm 1958. Từ những quy định vô lý của Trung Quốc với các nước khác trên Biên Đông, chúng ta thấy rõ là Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn những gì mà Trung Quốc đã cam kết với quốc tế, nhất là Trung Quốc là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây không phải là lần đầu Trung Quốc biển Luật Biển của Liên hợp quốc thành những tờ giấy lộn”.

Theo học giả Đinh Kim Phúc, từ tháng 2/1992, Trung Quốc đã ra luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gồm 17 điều. Luật này cho phép Trung Quốc có quyền truy đuổi tàu bè nước ngoài vi phạm luật pháp Trung Quốc và giữ quyền truy đuổi ở vùng biển nằm ngoài lãnh hải Trung Quốc. Việc truy đuổi được thực hiện bởi những lực lượng quân sự như tàu chiến, máy bay của quân đội hay tàu bè, máy bay được chính phủ trao quyền chấp hành công vụ.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, trong bài viết liên quan đăng tải trên blog cá nhân cho rằng đây là hành động nhằm mở rộng quyền tài phán của Trung Quốc lên các vùng nước mà Trung Quốc không có quyền theo luật quốc tế. Ông gọi đây là một hành động của một “nhà nước cướp biển”.

Với quy định mới, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp thực thi luật trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh đảo Hải Nam, vùng nước xung quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam và vùng biển quốc tế mà Trung Quốc không có quyền kiểm soát. Theo ước tính của Giáo sư Carl Thayer, vùng nước trong vùng lưỡi bò mà Trung Quốc đòi chủ quyền nằm trong khu vực do tỉnh Hải Nam kiểm soát chiếm khoảng 57% diện tích Biển Đông.

Theo học giả Đinh Kim Phúc, với lực lượng tàu hải giám hùng mạnh, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thực thi quy định mới của mình: “Tôi nghĩ rằng khi chính quyền tỉnh Hải Nam ra quy định mới này thì Trung Quốc có đủ lực để thực thi quy định của họ, vì trong thời gian quan sát diễn biến trên Biển Đông, chúng ta thấy rõ là Trung Quốc đưa nhiều tàu hải giảm để ức hiếp ngư dân, phạt tiền… mà các nước chỉ phản ứng cho có, chủ yếu không làm gì được với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc khó có khả năng gây sức ép trên “toàn mặt sân” vì chưa có đủ phương tiện. Nhưng Trung Quốc sẽ áp dụng một cách có chọn lọc như một biện pháp gây sức ép lên Philippines. Theo ông, đây là biện pháp mà Trung Quốc sử dụng để đe dọa các nước khác ở Đông Nam Á nếu có ý định đoàn kết với Philippines. Với quy định mới, Trung Quốc tự cho mình quyền tiếp tục làm những gì mà họ vẫn đang làm từ trước đến nay là xua đuổi tàu cá, thu giữ tàu cá và các thiết bị trên tàu, giam giữ các ngư dân để đòi tiền chuộc.

Tại sao vào lúc này?

Mặc dù Luật lãnh hải của Trung Quốc đã có từ năm 1992, nhưng chỉ cho đến khoảng vài năm trở lại đây, các địa phương ven biển của Trung Quốc mới liên tục đưa ra nhiều quy định vô lý như quy định vừa nói của tỉnh Hải Nam. Cách đây hai năm, thành phố Tam Sa cũng ra một quy định cho phép lực lượng tuần duyên nước này được phép lên các tàu nước ngoài đi qua vùng biển quốc tế. Chính phủ trung ương của Trung Quốc sau đó đính chính rằng quy định đó chỉ được áp dụng ở vùng đường cơ sở và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Học giả Đinh Kim Phúc cho rằng Trung Quốc đang leo thang gây sức ép với các nước trong khu vực thời gian gần đây bằng những quy định mới. Ông nói: “Hành động leo thang trong thời gian qua của Trung Quôc cho ta thấy rõ rằng phản ứng của các nước có quyền lợi liên quan trong khu vực Biển Đông là không nhất quán. Hay nói cách khác là sự đoàn kết của các nước ASEAN trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc là không có. Mỗi một nước quan hệ với Trung Quốc theo cách riêng, do đó Trung Quốc muốn từng bước bẻ từng chiếc đũa trong nội bộ các nước ASEAN. Trong thời gian từ những năm 1990 đến nay, Trung Quốc với cách đó đã thành công và tới giờ này khi họ tiếp tục đưa ra các quy định mới thì chúng ta thấy rõ ràng phản ứng của các nước liên quan rất yếu ớt, không mạnh mẽ thì làm sao chống lại được chính sách bá quyền của Trung Quốc”.

Sau khi tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ra tuyên bố về quy định mới, chính phủ các nước Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Mỹ đều đã lên tiếng phản đối quy định này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, ngày 10/1, đã lên tiếng khẳng định những hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông theo UNCLOS và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho rằng luật mới cùng với đường 9 đoạn của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế và làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình ở biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Jen Psaki, ngày 9/1, gọi đây là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm.

Trung Quốc mới đây nói rằng quy định của tỉnh Hải Nam là nhằm bảo vệ nguồn cá mà thôi. Đây cũng là lý do mà Trung Quốc đưa ra khi áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông vào mùa Hè kể từ năm 1999 đến nay, bất chấp các phản đối từ phía Việt Nam và Philippines.

Học giả Đinh Kim Phúc không loại trừ khả năng đây là một biện pháp thăm dò khác của Trung Quốc với Mỹ, nhất là sau khi Ngoại trưởng Mỹ, ông Jonh Kerry, trong chuyến thăm tới Đông Nam Á vào cuối năm ngoái đã cam kết viện trợ 32,5 triệu USD để giúp các nước Việt Nam, Philippines gia tăng khả năng bảo vệ lãnh hải của mình.

* **

Theo báo mạng Asia Sentinel (Hong Kong), nếu ai có bất cứ sự hoài nghi nào về thái độ gây hấn hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng của nước này, thì những hoài nghi đó sẽ bị cuốn trôi bởi yêu cầu của chính quyền tỉnh Hải Nam rằng các tàu đánh cá nước ngoài phải được sự cho phép của họ mới được quyền đánh bắt cá ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), nơi Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh hải của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và tuyên bố của nước này về một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) rộng lớn ở gần Nhật Bản và Hàn Quốc phải được coi là một phần của chính sách chủ nghĩa dân tộc mở rộng hơn và một sự tập trung gia tăng sẵn sàng hành động quân sự dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chắc chắn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không làm cho mọi việc dễ dàng hơn với chuyến thăm đầy khiêu khích tới ngôi đền Yasukuni, nhưng mối đe dọa đối với hòa bình khu vực giờ đây đã đi xa hơn các vấn đề trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Đến nay vẫn chưa rõ liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có sử dụng những vấn đề này để xây dựng sự ủng hộ ở trong nước hay không trong khi nhà lãnh đạo này đang cố gắng thúc đẩy các cuộc cải cách kinh tế thực sự, điều đòi hỏi phải đối đầu với các nhóm lợi ích thâm căn cố đế đầy quyền lực trong đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc, hay là ông Tập Cận Bình sẽ coi bản thân mình là một nhà lãnh đạo quốc gia hùng mạnh đang xây dựng danh tiếng như một anh hùng bằng cách đối xử với các nước láng giềng như thể họ là các quốc gia chư hầu.

Tập Cận Bình đã tăng cường vai trò của riêng mình bằng việc làm giảm bớt quyền lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường theo một cách thức cho thấy ông coi bản thân mình là một nhà lãnh đạo chuyên quyền với quyền lực cá nhân nhiều hơn là người đứng đầu của một ban lãnh đạo tập thể như phong cách của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào trước đây.

Với tư cách là một tỉnh, Hải Nam – nơi Bắc Kinh sử dụng để “quản lý” Biển Đông – không có vị thế quốc tế nào. Vì thế tuyên bố của chính quyền tính Hải Nam về các biện pháp mới ở Biển Đông thực sự là vô nghĩa và chắc chắn sẽ bị phớt lờ. Những tuyên bố của chính quyền tỉnh Hải Nam không thể tồn tại ngoài việc là một phần của một tuyên bố quốc gia đã được xác định rõ.

Tuy nhiên, đây rõ ràng là một động thái nữa của Bắc Kinh nhằm đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc và nhiều khả năng theo sau đó sẽ là những vụ bắt giữ thường xuyên các tàu đánh cá của Việt Nam và Philippines hoặc là ăn cướp số hải sản mà họ đánh bắt được.

Thực chất, đó là một động thái nữa của Trung Quốc nhằm dần dần thực thi những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông như đã được cho thấy bởi đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) trong các bản đồ chính thức của Trung Quốc. Tuyên bố đó hoàn toàn xung đột với cả lịch sử của vùng biển này và những người dân sống trên các bờ biển của khu vực này – hầu hết trong số họ không phải là người Trung Quốc và chưa bao giờ là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, tuyên bố này giống như những sự phân biệt chủng tộc ở trung tâm của nền văn hóa Trung Quốc – rằng “những kẻ man di mọi rợ bên ngoài”, những người láng giềng của Trung Quốc, là những người có địa vị thấp kém hơn, có nghĩa vụ cống nạp cho Hoàng đế ở Bắc Kinh. Hệ thống triều cống được các nước bị gọi là quốc gia chư hầu nhìn nhận rộng rãi là một sự trả lễ cần thiết để được giao dịch thương mại với Trung Quốc. Tất nhiên, họ đã cống nạp nếu được yêu cầu bởi vì các quốc gia trong khu vực trước đây gần như chủ yếu phải vượt biển, các quốc gia có nền kinh tế tồn tại nhờ giao thương cũng đã đóng vai trò là các nhà trung gian trong giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và các nước ở phía Tây Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, những người cho rằng nước này có địa vị cao hơn tất cả các nước khác, có thể đắm mình trong ảo tưởng rằng “những kẻ man di mọi rợ” này thực sự là chư hầu đầy tớ của họ.

Mỹ và Nhật Bản cùng các nước đồng minh nhỏ hơn của họ đủ khả năng để ngăn không cho Trung Quốc kiểm soát hoạt động của các tàu thuyền ở trên biển và thực hiện đầy đủ các tuyên bố chủ quyền của họ. Tuy nhiên, họ chưa chắc đã ngăn chặn sự xâm lấn dần dần trên các vùng biển của tất cả các quốc gia ven biển, với việc các tàu đánh bắt cá đang là đối tượng dễ bị quấy nhiễu nhất.

Các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Bắc Kinh dường như tin rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cho họ quyền khôi phục tư tưởng triều cống và làm cho điều đó trở thành thực tế thay vì là sự ảo tưởng kỳ lạ. Một số người ở Trung Quốc có thể nghĩ rằng nước này có một tổ chức bí mật tiềm tàng trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Hoa, chi phối rất nhiều hoạt động thương mại trong khu vực. Chắc chắn, một số người trong những nhà tài phiệt này dường như quan tâm nhiều đến việc mua đặc quyền thương mại ở Trung Quốc Đại lục hơn là đầu tư ở trong nước họ.

Một số quốc gia bị đe dọa tiềm tàng đã “giấu đầu trong cát” – ví dụ như Malaysia – sẽ rất dễ bị nguy hiểm trong giai đoạn lấn tới tiếp theo của Trung Quốc sau Việt Nam và Philippines, nhưng các chính trị gia quan tâm đến tiền bạc nhiều hơn là lợi ích quốc gia lại thấy dễ chịu với Trung Quốc, nước có tuyên bố chủ quyền lãnh hải cũng bao trùm các khu vực lớn trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Indonesia rõ ràng cũng quan tâm nhiều đến việc đóng một vai trò ngoại giao hơn là dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong một phản ứng mang tính phối hợp và đoàn kết.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ luôn luôn chia rẽ bởi vì một số thành viên của tổ chức này không có quyền lợi trực tiếp trong vấn đề biển – mặc dù tất cả các nước này đều dễ bị nguy hiểm đối với tư tưởng chư hầu hoặc những tuyên bố hải giới dựa trên “lịch sử ma” hiện đang được sử dụng ở Biển Đông.

***

Theo Thời báo châu Á Trực tuyến, Trung Quốc đã bước vào năm 2014 bằng cách phát tín hiệu về ý định của nước này nhằm củng cố các tuyên bố tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Chính quyền tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, đã thực hiện một quy định hàng hải được sửa đổi, theo đó yêu cầu các tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải được sự cho phép của nhà chức trách địa phương trước khi đi vào đánh bắt cá tại vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố thuộc quyền thực thi pháp lý của họ ở Biển Đông.

Quy định mới đã được thông qua bởi Đại hội Đại biểu Nhân dân (Hội đồng Nhân dân) tỉnh Hải Nam từ hồi tháng 11 năm ngoái và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua. Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Tân, các tàu thuyền đánh cá nước ngoài có thể bị bắt giữ và bị trục xuất đồng thời đối mặt với mức phạt lên tới 500.000 nhân dân tệ (khoảng 83.000 USD) nếu như họ không được các cơ quan chính quyền có trách nhiệm của tỉnh Hải Nam cho phép mà đã đi vào đánh bắt tại các khu vực chịu lệnh cấm của tỉnh Hải Nam ở Biển Đông.

Như đã được Giáo sư Taylor Fravel của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) dịch lại, Điều 35 quy định đánh bắt cá mới nêu rõ: “Người nước ngoài hoặc các tàu đánh cá nước ngoài đi vào các vùng biển do chính quyền tỉnh Hải Nam quản lý và tham gia hoạt động đánh bắt cá hoặc các cuộc khảo sát nguồn cá cần phải được sự chấp thuận từ các cơ quan liên quan của Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc)”.

Biện pháp mới là lần sửa đổi thứ hai đối với Luật Nghề cá năm 1993 của tỉnh Hải Nam và phù hợp với một bộ luật Hàng hải Quốc gia của Trung Quốc. Lường trước được khả năng các biện pháp mới sẽ gây ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao, nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng hạ bớt những tác động của quy định mới bằng việc nhấn mạnh vai trò chủ yếu của quy định này là một văn kiện làm sáng tỏ luật pháp hàng hải đã tồn tại từ trước của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra tuyên bố biện minh cho biện pháp mới của chính quyền tỉnh Hải Nam: “Trung Quốc có quyền và trách nhiệm điều chỉnh các hòn đảo và bãi đá ngầm cũng như là các nguồn tài nguyên phi sinh học có liên quan. Trong hơn 30 năm qua, các luật ngư nghiệp và quy định liên quan của Trung Quốc đã được thực hiện trước sau như một theo một cách thức thông thường và chưa bao giờ gây ra bất kỳ căng thẳng nào.”

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tiếp tục miêu tả biện pháp mới là một quy định môi trường nhằm đảm bảo việc bảo tồn và sự bền vững của các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Mục tiêu của biện pháp này là nhằm tăng cường an ninh các nguồn cá và để sử dụng công khai, hợp lý, đồng thời bảo vệ các nguồn cá”.

Những người có quan điểm chỉ trích biện pháp mới của Trung Quốc ở Biển Đông đã tuyên bố rằng quy định mới đã tạo vỏ bọc gần như hợp pháp cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền rộng khắp các vùng nước tranh chấp mênh mông ở Biển Đông. Dựa trên các tài liệu do Cục Hải dương và Ngư nghiệp tỉnh Hải Nam công bố năm 2011, nhà chức trách tỉnh này tuyên bố quyền thực thi pháp lý đối với hơn một nửa Biển Đông, hay nói cụ thể hơn là khoảng 2 triệu km vuông trên tổng số diện tích gần 3,5 triệu km vuông của vùng biển này.

Ngay sau khị quy định mới của Trung Quốc có hiệu lực, các cơ quan truyền thông Việt Nam đã đưa tin về vụ việc hôm 3/1 trên Biển Đông, khi một tàu đánh cá Việt Nam bị nhà chức trách thực thi luật pháp của Trung Quốc tịch thu. Khi đó, Chính phủ Việc Nam, nước đang thương lượng một kế hoạch “phát triển chung” với Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Hoàng Sa/Tây Sa, đã giữ im lặng về vấn đề này.

Tuy nhiên, các nước và khu vực láng giềng như Philippines và Đài Loan, cũng như Mỹ, đã chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng thông qua biện pháp luật pháp mới. Nhà chức trách Philippines, ít nhất đã tính toán kỹ hơn trong phản ứng ban đầu của họ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã lịch sự bày tỏ Manila không hài lòng về việc không được thông báo một cách phù hợp về việc thực hiện quy định mới của Trung Quốc và sau đó đã tìm kiếm “sự sáng tỏ” hơn nữa từ nhà chức trách Trung Quốc thông qua Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh.

Phản ứng thận trọng ban đầu của Bộ Ngoại giao Philippines đã đánh dấu một sự chuyển hướng nổi bật so với sự chỉ trích thẳng thừng hơn của nước này đối với các biện pháp tương tự của Trung Quốc trong quá khứ. Trong những tháng gần đây, chính quyền của Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tìm cách mở lại các kênh liên lạc với Trung Quốc bằng cách hạ bớt giọng điệu khoa trương của họ và nhấn mạnh các khu vực lợi ích chung cũng như là tâm quan trọng của việc đối thoại giữa hai bên.

Quyết định mang tính chiến thuật được đưa ra vào cuối năm 2013 nhằm sửa đổi chiến lược của Manila đối với Bắc Kinh, đã được thể hiện rõ ràng qua: những lời kêu gọi liên tiếp của Tổng thống Benigno Aquino về việc đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Trung Quôc; sự ủng hộ thận trọng của Tổng thống Benigno Aquino đối với quyết định của Trung Quốc trong việc lại một lần nữa thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc của các bên liên quan trên Biển Đông; một quyết định của Tổng thống Benigno Aquino mâu thuẫn rõ ràng với các thành viên nội các của nhà lãnh đạo này bằng việc bác bỏ những thông tin cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu đặt các khối bê tông tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag), một điểm nóng tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.

Với sự ủng hộ của Washington trong vấn đề này, Philippines kể từ đó đã tăng cường những tuyên bố mang tính khoa trương của mình, với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez sau đó đã đề cập đến quy định mới của Trung Quốc là một “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế” làm “leo thang các căng thẳng và gây phức tạp quá mức cần thiết đối với tình hình Biển Đông, đồng thời đe dọa hòa bình và sự ổn định của khu vực”.

Tuyên bố của Manila đã được hưởng ứng bởi sự chỉ trích của Washington đối với biện pháp mới của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Paski tuyên bố: “Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích hay cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho những tuyên bố bành trường lãnh hải này. Bà Jen Psaki đã nhấn mạnh Washington cam kết tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế. Bà Jen Paski nêu rõ: “Lập trường từ lâu của chúng tôi là tất cả các bên liên quan nên tránh bất kỳ hành động đơn phương nào làm gia tăng các căng thẳng và xói mòn những triển vọng về một giải pháp ngoại giao hay các giải pháp hòa bình cho các bất đồng”.

Một số chuyên gia phân tích đã đánh giá thấp những tác động địa chính trị của biện pháp mới mà Trung Quốc vừa áp đặt, bằng cách nhấn mạnh tính chất có thể thay đổi và bản chất tùy tiện của việc thực hiện biện pháp này. Ông Thời Ân Hoằng, Giáo sư Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nhận định: “Tôi nghĩ chính quyền tỉnh Hải Nam muốn nói với các quốc gia liên quan là chúng tôi có một quy định như vậy, nhưng việc chúng tôi thực hiện nó như thế nào phụ thuộc vào các mối quan hệ song phương. Nếu các mối quan hệ diễn ra tốt đẹp, quy định này có thể được nới lỏng. Nếu các mối quan hệ không tốt đẹp, chúng tôi sẽ thực hiện nó nghiêm ngặt, một điều có nghĩa là bạn phải nhận được sự phê chuẩn của chúng tôi (Chính phủ Trung Quốc) trước khi đi vào vùng biển đó”.

Quy định hàng hải mới của Trung Quốc ở Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh những căng thẳng do tranh chấp lãnh hải đang gia tăng, chủ yếu là do quyết định hồi cuối tháng 11 năm ngoái của Bắc Kinh về việc áp đặt một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao gồm các vùng lãnh hải được tuyên bố chủ quyền bởi Hàn Quốc (bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham) và Nhật Bản (quần đảo Điếu Ngư/Senkaku). Mỹ và các đồng minh của nước này đã nhanh chóng thách thức biện pháp mới của Trung Quốc bằng việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, trong khi tuyên bố rằng Trung Quốc phá vỡ tự do hàng không trong khu vực.

Sự thách thức này đã được Nhật Bản hưởng ứng bằng những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tập trung sự ủng hộ của khu vực chống lại Trung Quốc. Trong một sự chỉ trích gián tiếp đối với ADIZ của Trung Quốc, Nhật Bản và 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ sự quan ngại chung của họ đối với tự do hàng không và an toàn hàng không dân sự trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản vào giữa tháng 12 năm ngoái.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam, quan ngại lớn hơn là khả năng Trung Quốc có thể áp đặt một ADIZ ở khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh này, quy định hàng hải mới nhất của chính quyền tỉnh Hải Nam có thể được coi là một sự lựa chọn dự trữ của Trung Quốc – trong bối cảnh không có một ADIZ ở Biển Đông – trong việc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ ở khắp khu vực Tây Thái Bình Dương và đáp lại những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Quy định hàng hải mới nhất của Trung Quốc không báo hiệu ngay lập tức một sự leo thang mạnh mẽ ở Biển Đông, do những bất ổn đối với bản chất thực tế và mức độ quyết liệt trong việc thực thi quy định đó. Tuy nhiên, quy định này phục vụ cho một động thái mang tính tượng trưng cho những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của họ ở trong khu vực, bất chấp những ảnh hưởng căng thăng ngoại giao và chiến lược tiềm tàng./.

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: