BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2194. VAI TRÒ CỦA NGA VÀ MỸ TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG SYRIA

Posted by adminbasam trên 06/01/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Bảy, 04/01/2014

TTXVN (Pretoria 2/1)

Trang “Tin Trung Đông” mới đây có bài phân tích đánh giá về tác động của Mỹ, Nga tới tình hình Syria và chiến lược của Mỹ đối với Damascus như sau:

Vai trò của Nga-Mỹ

Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng các nước diễn ra tại Geneva vào trung tuần tháng 10/2013, Nga và Mỹ đã thảo luận trực tiếp với nhau mà không cần đến sự có mặt của bên thứ ba để thực hiện một bước đi lớn trên con đường tìm ra giải pháp chính trị cho một trong những vấn đề quốc tế nóng bỏng nhất hiện nay, đó là khủng hoảng Syria. Điều này từng xảy ra tại thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tất cả các nước trên thế giới, kể cả châu Âu, đều coi đó là một thực tế hiển nhiên. Cũng như cách họ chấp nhận rằng, Nga đang là cường quốc hàng đầu thế giới, điều được chứng thực bởi kết qua của Hội nghị thượng đỉnh G20 và các sự kiện diễn ra tiếp theo sau đó. Báo Ma’ariv của Israel đã giật tít bài viết như sau “Nga chiến thắng trong cuộc chiến tranh Lạnh mới”. John McCain, một trong những nhân vật hàng đầu ủng hộ chiến tranh, đã tuyên bố trong cuộc phỏng vấn chương trình “Gặp gỡ báo chí” của hãng NBC như sau: “Hội đàm Geneva tạo cho Nga một vị thế ở Trung Đông mà nước này đã không có kể từ những năm 1970”.

Không phải mọi vấn đề quốc tế đều có thể được đánh giá dưới góc độ “được-thua”, có những cuộc chơi kết thúc bằng kết quả được mất ngang nhau. Điều hiển nhiên đối với các nhà quan sát theo dõi diễn biến tình hình sự kiện quốc tế là sự nhận thức về lập trường kiên quyết của Nga đã nâng cao vị thế quốc tế của nước này (điều đơn giản mà ai cũng nhìn thấy), cũng như gia tăng cơ hội cho hòa bình Trung Đông. Nga đã ngăn chặn cuộc Không kích của Mỹ vào Syria vì lợi ích của tất cả các bên.

Điều rõ ràng là mối đe dọa chiến tranh chỉ được tạm hoãn lại. Khả năng tấn công quân sự vẫn còn trong chương trình nghị sự. Mối đe dọa chiến tranh đối với Syria đã diễn ra ba năm liên tiếp. Thời điểm này, chiến trường không phải diễn ra ở vùng ngoại ô Damascus, không phải ở Aleppo hay khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Thực tế, cuộc chiến tranh thông tin mới là điều dang diễn ra với Syria.

Trận chiến trên mặt trận ngoại giao

Đó là những điều được công luận Mỹ phản ánh. Mỹ đang theo dõi lợi ích của mình với những bước đi vội vã của Obama để tiếp cận Tehran sau khi ký thỏa thuận khung với Nga. Có lẽ bởi đó là chủ đề sắp diễn ra trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Chúng ta đang chứng kiến khoảng cách ngày càng tăng giữa chính sách của Mỹ và các cường quốc trên thế giới trong việc thực hiện quan điểm độc lập hơn. Hay khoảng cách giữa Nhà Trắng với hiện thực tình hình trong việc cố gắng đạt được mục tiêu thay đổi chế độ ở Damascus với sự giúp đỡ của lực lượng quân sự và công luận Mỹ. Đặc điểm chung cho tất cả các khoảng cách đang trở nên rõ ràng hơn: bây giờ và trong thời gian tới, Mỹ đã mất sức mạnh mà họ có trước đây. Mỹ chỉ là một trong những cực của thế giới và các cực còn lại đang trở nên mạnh mẽ hơn như: Trung tâm Âu-Á, Mỹ Latinh và vùng đất Ba Tư cổ đại.

Đây là xu hướng quốc tế thực sự mới và không thể đảo ngược. Nước Mỹ của George Washington và Abraham Lincoln vẫn chưa đánh giá lại rất nhiều thứ. Nói cách khác, việc đánh giá lại từng diễn ra, đôi khi là rất đột ngột. James Petras, Giáo sư về chuyên ngành xã hội học, đã nghỉ hưu của trường Đại học Binghamton (New York) và là trợ giảng tại đại học Saint Mary, Halifax, Nova Scotia, Canada, cho biết: “Những sự khác biệt tích lũy làm sâu sắc và dai dẳng thêm, họ đã nhào nặn công luận của chúng ta. Mâu thuẫn chính trị biến thành thù hận cá nhân, sự bất đồng của người dân biến thành sự tức giận, thậm chí cả lòng căm thù. Hành vi lừa đảo của Obama, những lời ông ta nói được lặp đi lặp lại và đáng khinh thường. Không có gì khó chịu hơn khi phải nghe một người đàn ông tự tin lột mặt nạ ra trong khi ông ta vẫn cố gắng lừa bịp công luận đang không còn mấy hứng thú nữa. Người Mỹ không còn bị lừa thêm một Lần nữa”. Và đó là những ngôn từ rất cứng rắn dành cho Chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, còn có khoảng cách lớn trong cách tiếp cận với vấn đề Syria trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trận chiến ngoại giao thực sự đang diễn ra phía sau cánh cửa đóng kín. Có nhiều cách giải thích khác nhau về vấn đề này, nhưng sự thật nên được ưu tiên hơn là tập trung vào những phỏng đoán. Hơn nữa, có một cuộc chiến về cách giải thích các văn bản quốc tế có hiệu lực hoặc đang ở giai đoạn được xây dựng. Điều này được áp dụng trong khuôn khổ thỏa thuận Nga-Mỹ về việc tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Syria, những báo cáo liên quan đến đội ngũ thanh sát viên của Liên hợp quốc do nhà khoa học Thụy Điển Ake Sellstrom làm Trưởng đoàn và Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thực hiện thỏa thuận Geneva của Nga-Mỹ.

Đây là một diễn biến mới của các sự kiện quốc tế. Tình hình không đơn giản, vì vậy điều quan trọng là để tăng cường hy vọng cho hòa bình ở Trung Đông. Tổng thống bình tĩnh và đầy tự tin Vladimir Putin đã hành động vì mục tiêu này, nhấn mạnh Syria từng sở hữu vũ khí hóa học trong nhiều năm, nhưng bằng cách nào đó nó đang trở thành tiêu điểm số một cho các vấn đề của thế giới. Tổng thống Nga đã phát biểu tại diễn đàn Valday bàn về vấn đề khu vực Novgorod của Nga như sau: “Chúng tôi có đủ căn cứ để tin rằng đó là một hành động khiêu khích. Tất nhiên, hành động đó rất khéo léo và thông minh, nhưng đồng thời cũng rất đơn giản về phương diện thể hiện chuyên môn. Họ đã lấy một tên lửa cũ do Liên Xô chế tạo, từng được loại khỏi trang thiết bị vũ khí chiến đấu của quân đội Syria từ nhiều năm trước. Điều quan trọng nhất là có hàng chữ viết “sản xuất tại Liên Xô” trên quả tên lửa đó. Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học cần phải được điều tra toàn diện và những ai chủ mưu đứng đằng sau đó phải bị vạch mặt. Cho dù điều đó khó khăn đến mức nào và nếu cuối cùng chúng ta tìm ra được câu trả lời “ai mới chính là thủ phạm?” thì bước đi tiếp theo sẽ được thực hiện. Sau đó, cùng với đồng nghiệp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng tôi sẽ phải xác định mức độ trách nhiệm của những người phạm tội ác.

Bước đi dọn đường cho kế hoạch mới

Đến nay, không có bằng chứng cho thấy Mỹ có kế hoạch tổng thể phù hợp đối với Trung Đông nói chung và Syria nói riêng. Tuy nhiên, suy luận lôgích về nhược điểm trong kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ vào Syria không phải là một tin tốt lành, cần phải nhắc lại diễn biến tình hình gần đây nhất tại Syria. Liên hợp quốc và Damascus phải mất vài tháng đàm phán về việc cử thanh sát viên quốc tế đến giám sát sử dụng vũ khí hóa học tại nước này. Tháng 3/2013, truyền thông quốc tế lần đầu tiên đưa tin về những xác chết do vũ khí hóa học gây nên. Ngày 18/8/2013, thanh sát viên Liên hợp quốc đã đến Damascus, ba ngày sau khi truyền thông Saudi Arabia đưa tin hàng nghìn người thiệt mạng bởi khí độc thì Mỹ, Anh, Pháp ngay lập tức yêu cầu trừng phạt Syria. Không cần đến bất kỳ bằng chứng nào thêm nữa, số này lập tức đổ lỗi cho Chính phủ Syria là thủ phạm. Các thanh sát viên Liên hợp quốc, sau nhiều ngày trì hoãn, đã đến các khu vực bị nghi ngờ sử dụng khí độc ở ngoại ô Damascus.

Ngay sau đó, sức ép ngoại giao quốc tế gia tăng. Obama đã chứng tỏ về cái gọi là “giới hạn đỏ” mà ông ta vạch ra trước đó đã bị vượt qua và tuyên bố phát động chiến dịch quân sự tấn công Syria. Thủ tướng Anh Cameron, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cùng đứng về phe ủng hộ can thiệp quân sự. Putin và Lavrov lại đứng ở phía ngược lại, tìm mọi cách đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Nga gián tiếp đe dọa sẽ chuyển giao hệ thống phòng không tên lửa S-300 theo như hợp đồng đã ký trước đó cho Assad. Đồng thời, Nga lại chỉ ra lối thoát cho Ngoại trưởng John Kerry (trong bữa tiệc ngoại giao bên lề cuộc gặp). Mà theo như lời biện hộ sau này của Ngoại trưởng Mỹ thì tại đó ông ta đã bị mắc kẹt vào tình thế khó xử. Tại buổi họp bảo, khi Kerry vô tình đề cập đến việc Washington có thể xem xét lại kế hoạch không kích Syria nếu Assad giải giáp các kho vũ khí hóa học. Ngoại trưởng Nga Lavrov ngay lập tức nắm lấy tuyên bố trên của Kerry và đề xuất lộ trình giải giáp vũ khí. Washington sau đó tạm thời hoãn kế hoạch tấn công quân sự Syria. Điều gì sẽ xảy ra nếu Kerry không lỡ lời về việc giải giáp vũ khí hóa học của Syria? Vậy liệu ông ta có ý thức nghiêm túc về những gì mà mình đã phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9/9/2013 hay không? Phải chăng đó không phải là việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho Syria mà ngược lại là lối thoát khỏi bế tắc bởi vì Kerry đã có kế hoạch cụ thể để định hình lại khu vực Trung Đông và dựng lên một chính phủ Hồi giáo hậu Assad?

Kế hoạch hậu Assad: Chính phủ Hồi giáo không có vũ khí hóa học

Kế hoạch tổng thể của Mỹ như sau: Washington không thể hoàn toàn dựa thêm được nữa vào phe nổi dậy thế tục và theo định hướng phương Tây do có sự thay đổi tương quan lực lượng mạnh mẽ giữa lực lượng Hồi giáo và phe nổi dậy dân sự trên thực địa tại Syria, cũng như số sống lưu vong ở nước ngoài. Bài học kinh nghiệm tại Libya cho thấy không thể điều hành một đất nước với các nhóm chính trị theo định hướng phương Tây trong tình hình chính trị thực tế quá nóng của các cuộc nổi dậy “Mùa Xuân Arập”. Washington dường như bị lên án đứng về phía phe đồng minh Hồi giáo. Giải pháp thay thế của Nga cho Syria, ủng hộ Assad hoặc người kế vị ông ta đều bị gạt ra khỏi kế hoạch của Mỹ vì tất cả đồng minh của Washington tại khu vực, từ Saudi Arabia đến Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đều đặt cược vào lực lượng nổi dậy Sunni, bất chấp đến hành động trả thù hay tiêu diệt cực đoan mà các chiến binh đấu tranh cho tự do người Sunni có thể thực hiện.

Một Trung Đông được định hình lại theo mô hình của Washington dựa trên 3 trụ cột chính: chuyển đổi kinh tế, lợi thế địa chính trị và thay đổi chế độ. Lúc đầu, Washington dự kiến chuyển đổi kinh tế theo hướng hình thành thị trường kinh tế tự do hoàn toàn không có trở ngại đầu tư nước ngoài; như Assad từng thực hiện trong một số lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, điều này quá chậm chạp và thận trọng cho dòng vốn đầu tư nước ngoài cần có. Bằng cách gây chiến, những thiệt hại to lớn do chiến tranh tạo ra sẽ mở thêm cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ trong giai đoạn tái thiết đất nước sắp tới. Cũng quan trọng như vấn đề kinh tế là vấn đề địa chính trị. Cảng Tartus của Syria có căn cứ quân sự của Nga là một cái gai trong mắt của Mỹ. Tartus là nơi duy nhất Hải quân Nga neo đậu tại Địa Trung Hải. Và mục tiêu thứ ba trong kế hoạch tổng thể của Mỹ là cũng theo như trình tự thông thường: thay đổi chế độ. Thay đổi chế độ là một trong những động lực cho sự can thiệp của Mỹ từ Afghanistan đến Nam Tư, từ Iraq tới Libya để đảm bảo cho sự chuyển đổi kinh tế và địa chính trị của Washington theo mục tiêu mà nước này đang hướng đến. Nhưng thay đổi chế độ tại Syria là điều không dễ dàng ngay từ khi bắt đầu xung đột.

Những lợi ích nêu trên đưa chúng ta đi đến giả thuyết rằng việc tạm hoãn tấn công quân sự của Mỹ vào Syria có thể có lợi cho Washington. Lực lượng Hồi giáo cực đoan hay các nhóm chiến binh thánh chiến tham gia chính phủ chuyển tiếp không phải là lựa chọn tốt nhất đối với Obama. Tuy nhiên, khi Mỹ để Syria tự nguyện giao nộp kho vũ khí hóa học quân sự của mình thì tương lai tiềm lực của Assad sẽ không còn là mối nguy hiểm cho Mỹ và Israel. Do đó, Mỹ tạm hoãn tấn công quân sự tại thời điểm này không có nghĩa nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình để có quan hệ tốt đẹp với Nga hoặc có nghĩa đã từ bỏ kế hoạch thay đổi chế độ. Ngược lại, thay đổi chế độ có thể trở nên ít nguy hiểm hơn cho Washington. Trên hết, trong trường họp này, Washington muốn kiểm soát Syria hoặc đảm bảo về thành phần, thái độ đối với lực lượng chính phủ Hồi giáo Damascus, đồng minh của họ trong tương lai. Và một điều chắc chắn là lý do can thiệp quân sự vào Syria để loại bỏ Assad và biến kế hoạch của Mỹ thành hiện thực có thể được thực hiện khi có thời cơ thuận lợi.

* * *

Có một số cách để giải thích quyết định của Chính quyền Obama ngày 31/8/2013 khi đề nghị Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông một cuộc “tấn công hạn chế” vào Syria. Tuy nhiên, cần phân tích xem lý do thực sự đằng sau kế hoạch của Mỹ này là gì khi họ đe dọa lôi kéo Syria vào một cuộc chiến tranh trực tiếp.

Lý giải đầu tiên là Tổng thống Obama không muốn chịu trách nhiệm về cuộc tấn công quân sự bất hợp pháp, đơn phương vào Syria. Mục đích của Obama là nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ để tuyên bố rằng Washington có sứ mệnh dân chủ từ những đại biểu dân cử Mỹ giao cho. Đồng thời, có được đảm bảo trong mọi trường hợp nếu có phản ứng dữ dội và đổ lỗi trách nhiệm pháp lý từ phía công luận thì Tổng thống Obama sẽ không đơn phương phải chịu trách nhiệm. Bằng cách lôi kéo Quốc hội đồng lõa với chính quyền, Obama có thể đổ lỗi trách nhiệm lên Hạ viện và Thượng viện. Nói cách khác, Obama muốn đảm bảo ông ta có một số hình thức che chắn, bảo vệ trước khi bắt tay vào thực hiện hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế khi núp sau cái gọi là cơ quan lập pháp Mỹ. Nếu Quốc hội đồng ý tấn công Syria, Obama có thể tuyên bố, mình chỉ thực hiện hành động ủy nhiệm theo mong muốn của người dân Mỹ và Nhà Trắng sẽ không phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tội ác chiến tranh nào. Quốc hội Mỹ cũng sẽ ủng hộ quan điểm này và phản đối bất kỳ lời kêu gọi nào từ các cường quốc cũng như cộng đồng quốc tế đòi hỏi giới lãnh đạo Mỹ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành động xâm lược.

“Giới hạn đỏ” của Obama trong việc chống lại sự sử dụng vũ khí hóa học là chủ đề nổi bật trong những cuộc tranh luận về bản chất của mối đe dọa Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Obama đơn thuần chỉ là cố gắng giữ thể diện bằng cách buộc tội Syria đã vượt qua “giới hạn đỏ” mà ông ta đã đặt ra trước đó. Tuy nhiên, quan điểm này lại không tính đến thực tế ràng, gần như toàn bộ thời gian trước vụ tấn công vũ khí hóa học xảy ra tại Ghouta, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần đe dọa trừng phạt Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học. Trước khi rút lại quyết định của mình, Chính quyền Obama thực sự không do dự để tuyên bố “giới hạn đỏ” về vũ khí hóa học đã bị vượt qua. Tuy nhiên, Washington đang nỗ lực tìm mọi cơ hội giải quyết để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể đến từ tuyên bố này.

Chính quyền Obama đã tuyên bố giả dối rằng mình không cần đến sự cho phép của Quốc hội Mỹ để bắt đầu phát động chiến tranh. Tương tự như vậy John Kerry cùng thể hiện rất nhiệt tình đối với kế hoạch tấn công Syria. Tuy nhiên, có nhiều lý giải khác về việc Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry muốn rút lại việc ra lệnh cho Lầu Năm Góc tấn công Syria. Những người đưa ra quan điểm này nhận định Chính phủ Mỹ đã bị lừa gạt về việc tấn công Syria hoặc muốn rút lui khỏi cuộc tấn công bằng cách sử dụng quyền phủ quyết của Quốc hội Mỹ để cứu vãn thể diện cho mình.

Một số quan điểm khác lại nghiêng theo hướng cho rằng Mỹ bị lôi kéo tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Syria bởi phe nổi dậy đang bị thất thế. Sự can thiệp quân sự của Washington nhằm mục đích cân bằng tương quan lực lượng, kéo dài cuộc chiến tranh và chuẩn bị cho việc thay đổi chế độ Damascus. Việc nhấn mạnh vào bản chất tấn công hạn chế của Chính quyền Obama không chỉ có nghĩa chuyển giao chiến tranh cho người dân Mỹ và công luận quốc tế mà còn là cách thức để khiến đồng minh của Syria không phản ứng.

Một cách giải thích khác là Obama, Kerry đang thăm dò đối thủ và muốn linh hoạt trong hành động. Đe dọa tấn công là cách để họ thăm dò phản ứng đồng minh của Syria như Iran, Trung Quốc, Nga. Đe dọa can thiệp quân sự Syria dường như là phép thử nghiệm quyết tâm của Nga, Iran và Trung Quốc. Nhiều đặc phái viên cùng thông điệp được gửi đi đến các cường quốc khu vực Á-Âu, nhất là Moskva và Tehran, để xem phản ứng của các nước này sẽ như thế nào.

Obama thử phản ứng của các nước khu vực Á-Âu

Từ lâu ai nấy đều hiểu rằng Iran, Hezbollah, Iraq và đồng minh Palestine có thể phản ứng quân sự trong trường hợp Mỹ tấn công Syria. Điều này cũng có nghĩa, kế hoạch tấn công Damascus cũng đồng nghĩa với sử dụng vũ lực chống lại đồng minh của Syria, đặc biệt là Tehran. Theo Walter Posch, chuyên gia Iran tại Viện Quốc tế và các vấn đề an ninh của Đức (WSP) thì Iran không vô tình bị Mỹ đe dọa tấn công quân sự. Theo Poch, Tehran từng được thông báo một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông tin về việc Mỹ chuấn bị tấn công Syria. Trong chuyến công du Tehran, Quốc vương Qaboos của Oman có thể đã gửi đi thông điệp từ Obama đến Iran thông qua vấn đề Syria. Quốc vương Oman từng được biết đến với vai trò là trung gian giữa Tehran và Washington trước đó.

Chuyến thăm của Quốc vương Qaboos đến Tehran diễn ra cùng thời điểm với Jeffry Feltman, Phó Trợ lý phụ trách quan hệ chính trị tại Liên hợp quốc của Tổng thư ký Ban Ki Moon đến Tehran. Trước khi nắm giữ vị trí hiện nay tại Liên họp quốc, Feltman từng là quan chức ngoại giao Mỹ làm việc tại Israel, Iraq, Liban trước khi ông ta được bổ nhiệm là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung Đông và Bắc Phi. Lý do chính trong chuyến công du của Jeffery Feltman đến Iran là tổ chức cuộc gặp song phương với giới chức Iran về xung đột Syria. Chuyến thăm Iran của ông ta trên danh nghĩa chính thức là cho cơ quan quốc tế Liên hợp quốc, nhưng thực tế lại gắn liền với sứ mệnh của Chính phủ Mỹ. Nói cách khác, ông ta đã gửi đi một thông điệp đến Iran về Syria mà chủ yếu muốn xem Tehran sẽ làm gì nếu Mỹ tấn công hạn chế Syria.

Câu trả lời mà Chính quyền Obama có từ Iran và đồng minh khác của Syria có thể không trùng lặp với những gì mà giới chức Mỹ mong đợi. Điều này được thể hiện sau đó khi Mỹ tuyên bố có thể tấn công Syria ngay khi Hezbollah Liban bắt đầu huy động lực lượng quân sự thực hiện cuộc chiến tranh tổng lực chống Mỹ. Tại Iraq, nhiều lực lượng du kích đe dọa tấn công các mục tiêu của Mỹ, hủy diệt lợi ích kinh tế của Washington. Kremlin đã điều động tàu tình báo SSV-201 Priazovye đến bờ biển Syria đế thu thập tin tức về động thái của Mỹ và tăng cường cho hạm đội hải quân Nga ở Đông Địa Trung Hải. Một lãnh đạo quân sự của Nga cho hãng thông tấn Nga Interfax biết lực lượng hải quân ở Đông Địa Trung Hải đã được thay đổi cơ cấu, chức năng nhiệm vụ để điều chỉnh vị thế quân sự của Nga cho phù hợp với tình hình thay đổi tại khu vực. Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố giúp Syria chống Mỹ và gọi John Kerry là kẻ lừa bịp dư luận. Trung Quốc đồng thuận với Nga bằng cách điều tàu đổ bộ Jinggangshan đến Đông Địa Trung Hải. Hơn thế nữa, Chính phủ Mỹ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của các nước tham dự Hội nghị G20 được tổ chức tại Nga. Tại Hội nghị đó, Nga và Trung Quốc được hàng loạt các nước thể hiện quan điểm ủng hộ phản đối Mỹ tấn công Syria như Argentina, Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi.

Chiến tranh: Sự lựa chọn tồi tệ hơn của Mỹ

Chính phủ Mỹ biết rằng tấn công Syria là một dấu ấn thảm họa thực sự với những hậu quả khó lường. Nếu Syria bị tấn công, điều tối thiểu nhất là Mỹ sẽ phải quên đi hành động tái lập quan hệ với Iran hoặc giảm thiểu quan hệ với Nga. Đồng thời có thêm quan điểm phản đối của Trung Quốc tại Liên hợp quốc trong khi Bắc Kinh đang phản đối với cái gọi là xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Obama. Nếu Chính quyền Obama tấn công Syria, nó sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu lớn hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, chiến lược và quân sự của Mỹ.

Syria sẽ không ngồi im thụ động chờ Mỹ tấn công. Syria có thể sử dụng toàn bộ kho vũ khí quân sự chủ lực đang có cho cuộc quyết chiến. Đây là những vũ khí rất hữu dụng trong các trận đánh du kích. Tên lửa Tishreen có thể gây thiệt hại đến bất kỳ đơn vị hải quân nào của Mỹ thả neo quá gần bờ biển Syria ở Đông Địa Trung Hải. Các đơn vị phòng không của Syria có thể ngăn chặn Mỹ thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria. Damascus sẽ chiến đấu phản công, từ đó kéo theo việc mở rộng leo thang tại khu vực chiến sự và lôi kéo Liban, Israel, Jordan, Thố Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran vào vòng xoáy này.

Ngoài ra, khi Obama đe dọa tấn công Syria, Mỹ không thực sự ở tâm thế thích hợp để thực hiện hành động này. Cả Mỹ, NATO đều không đủ lực lượng quân sự gần Syria để không kích an toàn mà không bị Damascus đẩy lùi. Điều tốt nhất so với một cuộc tấn công mà Lầu Năm Góc có thể làm trong điều kiện hiện nay của Bộ Quốc phòng Mỹ là cố thay đổi cán cân quyền lực ở Syria theo hướng có lợi cho phe nổi dậy. Chính phủ Mỹ cũng có thể đã lên kế hoạch ám sát Tổng thống Bashar al-Assad, các tướng lĩnh quân đội chủ chốt của Syria và các quan chức dân sự của chính phủ như là một phần của cái gọi là “tấn công hạn chế”.

Chính phủ Mỹ đang tính toán điều gì?

Mỹ đang cố gắng để làm gì nếu biết rằng không thể bắt đầu một cuộc chiến tranh chống Syria? Không đánh giá quan điểm nào ở trên là đúng, nhưng kết quả của mối đe dọa mà Tổng thống Obama dành cho Syria đã đạt được là: Iran đồng ý đàm phán trực tiếp với Mỹ và Syria chấp thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình.

Syria về cơ bản bị buộc phải giải giáp vũ khí hóa học trong bối cảnh răn đe chiến lược từ vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân của Irsael, điều có thể quan trọng hơn với cuộc chiến tranh của Syria chống lại Israel và liên minh khu vực lớn hơn của Mỹ-Israel. Chính quyền Obama dường như đang ngấp nghé tiến tới một món hời lớn. Bước đột phá ngoại giao với Iran được đánh giá như tái lập quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc một thời khắc mới “Nixon-Mao Trạch Đông”.

Những gì được biết đến hiện giờ là Tổng thống Obama đã gửi một bức thư bí mật đến Tehran để mở ra cơ hội đối thoại và đàm phán với người đồng cấp, tân Tổng thống Hassan Rouhani trong khi vẫn đe dọa tấn công quân sự Syria. Chính quyền Rouhani thực sự đã bắt đầu nói về kết quả đôi bên cùng có lợi đối với Mỹ, Iran. Chính phủ Iran cũng giúp đề nghị với Nga rằng Syria nên tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình để dung hòa mối đe dọa tấn công quân sự của Mỹ. Ngoại trưởng John Kerry và tân Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif đã tổ chức hội đàm song phương tại thành phố New York ngày 26/9/2013. Ngày hôm sau, Rouhani và Obama đã điện đàm trực tiếp, lần đầu tiên trong lịch sử giới của lãnh đạo Mỹ và Iran kể từ năm 1979.

Đàm phán với Tehran và giải giáp vũ khí hóa học của Syria là kết quả của mối đe dọa tấn công quân sự Syria của Obama hoặc tất cả các mục tiêu tính toán của Obama là đe dọa tấn công Syria? Nếu Nga, Iran và Trung Quốc thành lập liên minh đối lập có thể ngăn chặn Mỹ tấn công Syria và nếu Damascus có thể đủ khả năng tự bảo vệ mình thì đó cũng là điều mà nhiều người mong đợi./.

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: