BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2161. ADIZ CỦA TRUNG QUỐC: NGÒI NỔ CỦA MỘT CUỘC XUNG ĐỘT MỚI Ở ĐÔNG BẮC Á?

Posted by adminbasam trên 19/12/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Ba, ngày 17/12/2013

TTXVN (Hong Kong 15/12)

Biển Hoa Đông đang trở thành một điểm nóng hàng đầu khu vực sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm cả quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku (giữa Bắc Kinh và Tokyo) và đảo đá Ieodo/Tô Nham (giữa Seoul và Bắc Kinh). Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngay lập tức phản đối, đồng thời thách thức ADIZ của Trung Quốc. Mỹ, quốc gia đồng minh của hai nước này, cũng phản đối và thách thức ADIZ của Trung Quốc.

Sự kiện Trung Quốc thiết lập ADIZ thoạt nhìn có vẻ như là một hành động bành trướng của Trung Quốc, nhưng theo chuyên gia phân tích Pepe Escobar, tác giả của nhiều cuốn sách chính trị nổi tiếng, thì trong vấn đề này mọi thứ không đơn giản như vậy, mà nó liên quan đến những toan tính chiến lược của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc, cũng như ý đồ “chọc thủng vòng vây” của Bắc Kinh thông qua việc thiết lập ADIZ. Thời báo châu Á trực tuyến vừa đăng bài viết của ông Pepe Escobar về vấn đề này. Dưới đây là nội dung bài viết:

Thật là một sự hấp dẫn vô tận khi theo dõi cuộc chơi địa chính trị mà Trung Quốc đang bày ra bằng việc tuyên bố thiết lập một ADIZ ở biển Hoa Đông.

Đối với Mỹ, hành động này không khác gì một sự đe dọa, hành động hiếu chiến và là một “sự khiêu khích” đơn phương. Cuộc gặp mới đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bắc Kinh có thể đã không có tác dụng gì trong việc giải tỏa những căng thẳng trong vụ việc này. Đây là những gì mà Nhà Trắng cho biết về nội dung cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden. Bắc Kinh đã không đưa ra một bản thông báo nào. Về mặt kích động, vấn đề này trên tờ Thời báo Tài chính – phản ánh một sự đồng thuận méo mó ở thành phố London – thậm chí còn bị chơi chữ khi đem so sánh với các mức độ trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Giờ đây hãy so sánh điều đó với quan điểm truyền thông chính thức của Trung Quốc, từ một quan điểm có phần hòa giải hơn trên tờ China Daily cho tới một sự quyết liệt không khoan nhượng trong vấn đề chủ quyền trên tờ Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đưa chúng ta tới kịch bản về sự khiêu khích khu vực trên thực tế có lẽ là Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc.

Toàn bộ vở kịch hoàn toàn không phải chỉ là về một vài hòn đảo và các bãi đá mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku, hay quyền tiếp cận mang tính quyết định đối với những vùng biển giá trị bao quanh chúng, với trữ lượng ước tính dầu mỏ và khí thiên nhiên dồi dào. Nó liên quan đến tương lai của Trung Quốc với tư cách một cường quốc biển địch thủ của Mỹ.

Hãy bắt đầu với những thực tế trên biển. Những tài liệu từ thời Minh Trị chứng minh rõ ràng rằng Chính phủ Nhật Bản không chỉ thừa nhận rằng những hòn đảo đó là của Trung Quốc (ít nhất là kể từ thế kỷ thứ 16) mà còn có âm mưu chiếm đoạt chúng. Đó chính xác là điều đã xảy ra vào năm 1895, trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần đầu tiên, một bước ngoặt lịch sử vào thời điểm khi mà Trung Quốc cực kỳ dễ bị tổn thương.

Sau sự xâm chiếm của Nhật Bản ở Trung Quốc và Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Washington đã nắm quyền kiểm soát khu vực này. Nhật Bản đã ký cam kết trả lại quần đảo này cho Trung Quốc sau chiến tranh. Tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ được tuân thủ. Vào năm 1972, Mỹ đã bàn giao “sự quản lý” quần đảo này cho Nhật Bản – nhưng không tự tuyên bố về việc ai là người sở hữu những hòn đảo đó. Một lời hứa danh dự giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka cũng đã có hiệu lực. Tuy nhiên, điều đó cũng bị phớt lờ.

Tokyo cuối cùng đi đến việc mua lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân, gia đình Kurihara, và quốc hữu hóa chúng vào tháng 9/2012 chỉ một ngày sau hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, và động thái này cũng diễn ra sau khi ông Hồ Cẩm Đào yêu cầu Thủ tướng Noda không được thay đổi hiện trạng.

Gần đây, để làm cho các vấn đề tồi tệ hơn, Chính quyền Obama đã ban hành thêm một “giới hạn đỏ” lố bịch, khẳng định họ sẽ ủng hộ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh xuất phát từ những tranh chấp về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Về mặt địa chiến lược, điều đó thậm chí còn phức tạp hơn. Gần như toàn bộ các tuyến thương mại trên biển của Trung Quốc đều đi qua các điểm then chốt có các tuyến biên giới hoặc là do các đồng minh thân cận của Mỹ kiểm soát, hoặc là thuộc quyền kiểm soát của các nước không thực sự có quan hệ đồng minh với Trung Quốc.

Hãy thử tưởng tượng mình là một chiến lược gia hải quân Trung Quốc. Bạn nhìn vào những bức tranh trên biển xung quanh bạn và tất cả những gì bạn thấy là điều mà các chiến lược gia gọi là Chuỗi đảo Thứ nhất. Chuỗi đảo đó gần như là theo hình vòng cung bắt đầu từ Nhật Bản và quần đảo Ryukyu (Trung Quốc gọi là quần đảo Lưu cầu) cùng bán đảo Triều Tiên, ở phía Bắc. Chuỗi đảo này tiến theo phía Nam qua Đài Loan, Philippines và Indonesia rồi hướng tới Australia. Đó là cơn ác mộng lớn nhất của bạn. Giả sử xảy ra bất kỳ cuộc đối đầu thực sự nào dọc theo chuỗi đảo hình vòng cung đó, hải quân Mỹ sẽ có thể di chuyển các tàu sân bay của họ ở xung quanh và thực sự làm tổn hại sự tiếp cận của Trung Quốc đối với con đường vận chuyển dầu mỏ của nước này qua eo biển Malacca.

Các cuộc tranh chấp lãnh hải là vấn đề nổi bật ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam (Biển Đông). Ở biển Hoa Đông, trọng tâm là quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ở Biển Hoa Nam, trọng tâm là quần đảo Spratly (quần đảo Trường Sa – Trung Quốc tranh chấp với Đài Loan, Philippines và Việt Nam) và quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam). Đó là chưa kể đến những cuộc tranh chấp khác giờ đây đang nóng lên với Malaysia và Brunei.

Vì thế từ quan điểm của chiến lược gia hải quân Trung Quốc, những gì được triển khai là một kiểu “Vạn Lý Trường Thành lộn ngược”, một cách diễn đạt rất phổ biến ở những nơi như Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ. Nó giống như là một bức tường vô hình trên biển kéo dài từ Nhật Bản đến Australia, mà về lý thuyết có thể chặn đứng sự tiếp cận của Trung Quốc tới Thái Bình Dương.

Và nếu như – và đó là một điều “nếu như” lớn, về lâu dài – có một sự phong tỏa của Mỹ, với việc các tuyến đường thương mại trên biển của họ bị đóng lại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp phải rắc rối khủng khiếp. Ở Bắc Kinh, người ta biết rõ điều đó và đang sẵn sàng làm bất cứ điều gì nhằm ngăn chặn nó.

Những gì mà ông Biden (chứ chưa nói tới tổ hợp truyền thông của Mỹ) không nói với công chúng trên thế giới là đối với Washington, trong vấn đề này Okinawa quan trọng như thế nào – một điểm then chốt mà từ đó Mỹ có thể triển khai sức mạnh ở phía Tây Nhật Bản. Okinawa giống như là bức tường biên giới Hadrian của Mỹ.

Ngược lại, Okinawa cũng cần thiết để Nhật Bản duy trì vai trò không thể thiếu được của quốc gia Đông Á này đối với Mỹ. Tokyo giống như là đang thuê Lầu Năm Góc làm lính đánh thuê – cũng giống như là Lầu Năm Góc sử dụng những lính đánh thuê trong các cuộc chiến tranh bí mật của họ trên toàn cầu. Xét về mô hình kinh doanh chi phí thấp đổi lấy lợi nhuận cao, Nhật Bản do đó giữ cho chi tiêu quốc phòng của họ chỉ ở mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – tuy nhiên giờ đây Nhật Bản đang gia tăng con số này trong khi chi tiêu quốc phòng của hầu hết các nước khác là ở mức 3% GDP hoặc hơn. Nếu như Bắc Kinh thực sự thực hiện tốt việc thực thi pháp lý trên không ở khu vực xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, thì đó sẽ là điểm khởi đầu của việc chọc thủng bức tường biên giới Hadrian trên biển này, Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, ADIZ của Trung Quốc là một thông điệp gửi tới Washington, một phần của cái gọi là “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” đầy sự khoe mẽ đang được Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện theo hướng chậm nhưng chắc.

Bắc Kinh có thể đúng về mặt nguyên tắc và chắc chắn muốn tạo ra những thực tế trên biển. Những gì đã xảy ra thực chất là một thảm họa quan hệ công chúng – không đủ khả năng “quảng cáo” ADIZ một cách thuyết phục tới dư luận công chúng thế giới. Sẽ hoàn toàn không có điều gì có thể thuyết phục được Chính phủ Trung Quốc rằng việc này không phải là vì Nhật Bân xâm phạm một vùng lãnh thổ và phạm vi chủ quyền mà. Trung Quốc đã sở hữu trong nhiều thế kỷ.

Thay vì những chuyến viếng thăm tinh thần thường thấy để bày tỏ sự kính trọng đối với các “anh hùng” trong những đền thờ bị cáo buộc phạm các tội ác rợn tóc gáy, Tokyo có thể dễ dàng giải quyết vấn đề bằng cách thừa nhận những việc làm táo bạo của họ tại châu Á dưới thời Thiên Hoàng. Tokyo cũng có thể xác định lại vai trò của họ ở châu Á bằng cách xử sự như là một cường quốc châu Á – và không phải là “kép phụ” luôn vâng lời phương Tây như hàng triệu người khắp châu lục không chỉ riêng người Trung Quốc nhận thấy.

Cuối cùng, cách duy nhất để giải quyết vấn đề Điếu Ngư/Senkaku/ADIZ là Bắc Kinh và Tokyo cùng ngồi vào bàn thương lượng và tìm kiếm một hiệp ước an ninh cho những tuyến đường biển ở biển Hoa Đông – lý tưởng nhất là do Liên hợp quốc làm trọng tài phân xử. Vấn đề là Tokyo hoàn toàn không thừa nhận có tranh chấp. Giờ đây chiến lược của Bắc Kinh là buộc Nhật Bản phải thừa nhận điều đó. Có lẽ Bắc Kinh nên xem xét việc thuê một cơ quan quan hệ công chúng của Mỹ, giống như điều mà nhiều nước khác làm.

***

Tình hình khu vực Đông Á đang ngày càng căng thẳng sau động thái tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc và việc Hàn Quốc mở rộng vùng ADIZ của họ chồng lấn lên ADIZ của Trung Quc. Báo mạng Asia Sentinel vừa đăng bài viết của ông Gavin Greenwood, Giám đc T chức Alan và Các Cộng sự, một tổ chức tư vấn quản lý rủi ro an ninh ở Hong Kong, trong đó so sánh tình hình hiện nay với tình hình châu Âu năm 1941 và đưa ra kết luận rằng mi đe đọa chiến tranh đang hiện hữu ở khu vực Bc Thái Bình Dương. Dưới đây là nội dung bài viết:

Tình hình chiến lược hiện nay tại khu vực Đông Á và những quan ngại về phương hướng diễn biến tiềm năng của nó đã được liên hệ với những sự sắp đặt và quan điểm địa chính trị ở châu Âu khi châu lục này rơi vào cuộc chiến tranh tháng 8/1941.

Mặc dù những sự tương đồng về lịch sử bao gồm nhiều cạm bẫy và “những điều xác thực giả tạo” như bản chất bên trong của chúng, nhưng có một sự tương đồng đáng chú ý và đáng lo ngại giữa một số sự kiện và hành động cụ thể đã xảy ra cách đây gần một thế kỷ với nhũng gì đang diễn ra hiện nay.

Hôm 8/12 vừa qua Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố việc mở rộng Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) hiện nay của họ bao trùm cả Ieodo, một đảo đá ngầm nằm cách đảo Marado khoảng 150 km về phía Nam và cách thành phố Thượng Hải của Trung Quốc 280 km về phía Đông. Tuyên bố của Hàn Quốc về một sự mở rộng đối với vùng ADIZ hiện tại là lần đầu tiên khu vực này được gia tăng phạm vi kể từ cao trào của cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1951. Quyết định mở rộng ADIZ của Seoul liên quan trực tiếp đến quyết định của Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc vào cuối tháng 11 vừa qua như một phần các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây sức ép đối với Nhật Bản xung quanh những tuyên bố tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.

Kết quả là, vào ngày 15/12, khi vùng ADIZ mở rộng của Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực, sẽ có 3 vùng ADIZ chồng lấn bao trùm một khu vực nhỏ ở biển Hoa Đông – tất cả đều được ủng hộ bằng sự đe dọa tiềm tàng về việc sử dụng vũ lực.

Tốc độ mà việc thiết lập ADIZ của Trung Quốc-và Hàn Quốc làm gia tăng một sự căng thẳng vốn ở mức cao trong khu vực có những đặc điểm chung với việc huy động quân đội các nước châu Âu sau vụ ám sát Hoàng tử Áo Franz Ferdinand ở Sarajevo vào cuối tháng 6/1914.

Những tầng lớp phức tạp của tình trạng thiếu tin tưởng và những sự bất bình được phát triển và nuôi dưỡng qua nhiều thế kỷ, thể hiện rõ, mặc dù việc thiết lập các lực lượng quân sự lớn và những khoản đầu tư ồ ạt vào thông tin liên lạc đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 1914. Những quân đội lớn được trang bị các loại vũ khí hiện đại, được hỗ trợ bởi những mạng lưới đường sắt dày đặc và công nghệ thông tin liên lạc sóng vô tuyến mới, đã làm gia tăng nguy cơ một quốc gia bất ngờ bị tấn công áp đảo trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh nếu như không có những biện pháp đối phó mạnh mẽ đã được chuẩn bị tốt từ trước.

Tất cả các cường quốc lớn ở châu Âu đã phụ thuộc vào lực lượng quân sự dự bị trong những lần xảy ra chiến tranh để bổ sung cho các quân đội thường trực tương đối nhỏ. Điều này làm cho vấn đề huy động các lực lượng như thế nào và vào thời điểm nào là hết sức quan trọng bởi vì không thể che giấu sự di chuyển của hàng trăm nghìn người, ngựa và phương tiện vận tải – hoặc hành động đó cho thấy rõ rằng một nhiệm vụ lớn như vậy không có mục đích nào khác ngoài việc di chuyển quân tới một mặt trận của nước đó, hoặc vượt ra ngoài nước đó. Hơn nữa, chi phí kinh tế của việc huy động quân là rất lớn bởi vì việc này ngay lập tức lấy mất hàng triệu người ra khỏi các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Hậu quả là bất kỳ động thái nào hướng tới việc huy động quân đều được xem như là một hành động báo trước xung đột, ban đầu bằng việc đưa ra một hành động huy động quân để đối phó, sau đó rất có khả năng là những hành động thù địch sẽ gia tăng nhiều hơn nữa. Các chuyên gia lịch sử trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, những người có thể nhất trí đối với một số điểm nào đó về những khởi nguồn của cuộc xung đột, thừa nhận rằng việc huy động quân giữa các cường quốc trung tâm – Áo – Hunggary – Đức, và các nước thuộc phe đồng minh – Anh, Pháp và Nga – trên thực tế được coi là một tuyên bố chiến tranh.

Lý do một phần là về mặt kỹ thuật – bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm trái những mệnh lệnh di chuyển quân sẽ làm cho một quốc gia hoàn toàn mất khả năng phòng thủ do việc thiết lập các đội hình và lực lượng quân sự bị rối tung lên và những tuyến cung cấp hậu cần đã được xây dựng sẽ bị sụp đổ – cũng như là về mặt chính trị và tâm lý. Một số ít các nhà lãnh đạo chính trị được bầu chọn sẽ phải ra lệnh ngừng việc huy động quân khi quyết định triệu tập quân dự bị đã gây ra tình cảm chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Thậm chí một số ít hơn các nhà lãnh đạo chắc chắn có nguy cơ đối mặt với sự phẫn nộ của một dân số đã được tôi luyện chuẩn bị cho xung đột nhưng cuối cùng chỉ được bảo rằng họ hãy trở về nhà.

Trong một thời đại mà việc huy động quân đội về mặt tự nhiên đã được thay thế bằng những lực lượng phản ứng nhanh và các lực lượng không quân, tên lửa có khả năng tiến hành tấn công gần như ngay lập tức, thì biểu hiện công khai như vậy về chính sách chính trị hay ý định quân sự giữa các cường quốc lớn giờ đây là hiếm thấy.

Các vùng ADIZ của Trung Quốc và Hàn Quốc rõ ràng là vì mục đích chính trị và nhằm phát đi tín hiệu tới các “khán giả” trong và ngoài nước về một ý định – theo nghĩa đen – vạch ra các giới hạn không thể bị vượt qua, mặc dù đến nay vẫn chưa có những hậu quả được chỉ rõ. Cách đây một thế kỷ, chính mối đe dọa huy động quân, có lẽ được làm nổi bật thông qua những sự di chuyển ban đầu dọc theo một đường biên giới xa xôi, đã mang một thông điệp tương tự.

Giai đoạn đầu của canh bạc ADIZ đã được đánh dấu bởi một sự pha trộn giữa thách thức và chủ nghĩa thực dụng. Quyết định của Mỹ cử 2 máy bay ném bom B-52 bay qua ADIZ mà Trung Quốc đã tuyên bố trong khi Washington khuyến cáo các hãng hàng không dân sự của nước này tuân thủ những yêu cầu về ADIZ của Bắc Kinh là một sự phối họp giữa đe dọa và hòa giải. Điều này rõ ràng đã tạo ra một số sự bối rối khó hiểu cho những nước có liên quan trong khu vực này. Nhật Bản, nước hiện là mục tiêu chính của Trung Quốc, đã phớt lờ những đường giới hạn ảo này.

Giai đoạn tiếp theo sẽ là một sự điều chỉnh chưa chắc đã thành công đối với hiện trạng trước khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ, một sự im lặng có chủ ý của tất cả các bên về việc bên nào sẽ tuân thủ và bên nào không tuân thủ những quy định được đơn phương tuyên bố, hoặc là sẽ xảy ra một “vụ việc”.

Rất có khả năng sẽ xảy ra một sự kiện tiềm ẩn khả năng dẫn những phản ứng gây bất ổn, hoặc thậm chí là không thể quản lý nổi của lực lượng quân sự ngày càng mệt mỏi do những căng thẳng liên quan đến những hoạt động phức tạp như vậy. Ở điểm này, những hành động vội vã thiết lập các ADIZ sẽ vượt ra ngoài một tín hiệu tương đối tiêu cực và trở thành vấn đề động thái và hành động “có động cơ” phức tạp.

Theo Thời báo châu Á trực tuyến, việc Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) đầu tiên của nước này vào ngày 23/11 vừa qua đã nêu lên nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về tham vọng khu vực của Trung Quốc trong tương lai. Trong khi các chuyên gia phân tích đã nhanh chóng kết nối vùng ADIZ này với các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, thì quy mô, thời gian và mức độ thực thi dường như không phù hợp với lợi ích tổng thể trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Quy mô ADIZ của Trung Quốc cho thấy hai ý niệm chính sách đặc biệt. Đầu tiên, ADIZ đang phản ánh tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh bằng việc gộp vào khu vực này quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku (tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản) và bãi đá ngầm Teodo/Tô Nham (tranh chấp giữa Trung Quốc với Hàn Quốc).

Thứ hai, ngoại trừ các khu vực tranh chấp và một vùng lớn ở giữa không trung, ADIZ của Trung Quốc còn bao trùm lên một phạm vi rất lớn, bao gồm các vùng ADIZ tồn tại từ trước của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Tuy nhiên, vấn đề thứ nhất là Đài Loan, mặc dù được loại trừ khỏi ADIZ của Trung Quốc, nhưng lại tượng trưng cho khát vọng thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Nếu như Bắc Kinh loại trừ Đài Loan với giả thuyết hòn đảo này đã là một phần không thể thiểu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì tại sao họ lại còn cần một ADIZ để củng cố các tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực?

Vấn đề thứ hai là việc Trung Quốc gộp cả bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham vào ADIZ. Đây là một đảo đá ngầm nhỏ nằm giữa vùng lãnh hải tranh chấp giữa các vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù cuộc xung đột lãnh thổ này đã xuất hiện từ nhiều năm qua, nhưng nó chưa bao giờ đạt đến cấp độ một cuộc tranh chấp chính trị hay thậm chí tranh chấp ngoại giao.

Điều làm gia tăng sự hỗn độn này là việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố hôm 25/11 rằng “không có tranh chấp lãnh thổ” giữa Seoul và Bắc Kinh đối với bãi đá ngầm Ieodo. Do đó, nếu như không có tranh chấp lãnh thổ thì tại sao Trung Quốc lại cố tình đưa bãi đá ngầm Ieodo vào ADIZ của mình?

Nói một cách đơn giản, ADIZ của Trung Quốc ít nhất cũng là một khu vực quá nhỏ và cũng có thể quá lớn để Trung Quốc có thể chỉ dựa vào nó trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông.

Thời gian của Bắc Kinh dường như cũng đã hết. Ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang thúc đẩy “Sáng kiến hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á” của bà để xây dựng lòng tin ở cấp độ khu vực. Ở Đài Bắc, vào tháng 11 Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã vạch ra một kế hoạch nhằm tăng cường cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc đại lục bằng cách theo đuổi một thỏa thuận thương mại mới. Và ở Washington, các quan chức khá lạc quan về tiến trình phát triển của mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sau kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thổng Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình và tuyên bố của Trung Quốc về chương trình nghị sự cải cách tại Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18.

Chỉ có ở Tokyo là các mối quan hệ với Trung Quốc đã vấp phải căng thẳng dai dẳng xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Và kết quả là Bắc Kinh có thể đã chọn một thời điểm không thể tồi tệ hơn để tiến lên trong một vấn đề sẽ làm cho các mối quan hệ và tiến trình xây dựng lòng tin của họ với Seoul, Đài Bắc và Washington rơi vào tình trạng “ngã bổ nhào”.

Mức độ thực thi bên trong ADIZ của Trung Quốc đã làm gia tăng sự hỗn độn hiện nay. Trong khi các máy bay thương mại buộc phải tuân thủ các quy định về ADIZ của Trung Quốc để tránh bất kỳ tổn thất nào về cổ phiếu trên thị trường, các nhà lãnh đạo quân sự và ngoại giao ở Washington, Tokyo, Seoul, và thậm chí là Canberra đã nhanh chóng khẳng định rằng họ sẽ không phục tùng sự ép buộc và hành động đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông.

Vào ngày 25/11, không quân Mỹ đã thách thức quyết tâm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng việc điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong một sứ mệnh tự do hàng không. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan kể từ đó đã theo chân Mỹ bằng cách điều các máy bay chiến đấu của họ bay vào ADIZ của Trung Quốc mà không thông báo cho nhà chức trách nước này.

Đến nay vẫn chưa có một phản ứng bạo lực nào đối với các vụ xâm phạm. Điều này có thể cho thấy thái độ của Bắc Kinh linh hoạt hơn so với các quy định về ADIZ mà họ nêu ra. Nếu như không quân Trung Quốc không thực hiện quy định này thì ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố ở biển Hoa Đông chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ, ít có hiệu quả trong việc bảo vệ đất nước.

Nói tóm lại: Đầu tiên, ADIZ của Trung Quốc có ít tác dụng đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này. Thứ hai, động thái thiết lập ADIZ của Bắc Kinh đi ngược lại tiến trình xây dựng lòng tin khu vực của họ. Và thứ ba, vùng ADIZ này có lẽ sẽ không góp phần vào việc bảo vệ đất nước của người Trung Quốc, về mặt thực chất, vùng ADIZ đang bỏ lỡ một lý lẽ chính sách đối ngoại, điều sẽ bào chữa cho tác động tiêu cực mà nó đang tạo ra.

Nếu như ADIZ chỉ nhằm để đặt cược vào cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thì nó đã bị phản tác dụng mạnh mẽ. Và nếu như ADIZ là nhằm góp phần vào sự ổn định và hòa bình trong khu vực như đã được Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, thì nó đã tạo ra một hiệu quả hoàn toàn trái ngược.

Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn chưa được trả lời để có thể hiểu đầy đủ về hành vi phi lý của Bắc Kinh. Tại sao Trung Quốc lại chọn việc cố tình làm cho các nước láng giềng trên biển của họ phải khó chịu và gây ra một sự đối đầu quân sự có thể dự đoán được trước với Washington?

Liệu đây có phải là một hành động thiếu chuyên nghiệp của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hay ADIZ của Trung Quốc được khái niệm hóa cho người dân trong nước bằng cách cưỡi lên ngọn sóng chủ nghĩa dân tộc? Dù thế nào, thì tình hình đang rất tồi tệ đối với “câu thần chú” cửa miệng của Bắc Kinh về việc củng cố sự ổn định, hòa bình và hợp tác khu vực, khi những điều mà cả thế giới ngay giờ đây đang nhìn thấy là khủng hoảng, xung đột và chủ nghĩa đơn phương.

Có cảm giác là Bắc Kinh đã tự tay tạo ra cơn ác mộng địa chính trị tồi tệ nhất của họ bằng việc tăng cường các liên minh của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương, trong khi bản thân nước này lại bị coi là kẻ bắt nạt ở biển Hoa Đông. Nếu như Trung Quốc từng lo sợ về việc bị bao vây bởi Mỹ, thì đây sẽ là thời điểm mà điều đó đã hoàn toàn trở thành sự thật.

TTXVN (Roma 16/12)

Dưới đầu đề “Ván bài Thái Bình Dương và những nguy cơ xung đột”, nhà bình luận Guido Santevecchi của nhật báo hàng đầu Italy Corriere della Sera viết về sự căng thẳng ở Đông Bắc Á sau động thái tuyên bố về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc.

Nếu có một người Mỹ hiểu rõ Tập Cận Bình thì chỉ có thể là Joe Biden. Phó Tổng thống Mỹ từng gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc khá nhiều lần, kể cả khi ông Tập chưa trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc. Nhưng họ là hai con người khác nhau: Biden là con trai của một người bán ô tô cũ ở miền Trung nước Mỹ, còn Tập Cận Bình, “thế tử đỏ”, là con của một nhà hoạt động cách mạng theo Chủ nghĩa Mao. Nhưng hai người hiểu nhau, có thể nói chuyện được với nhau. Tuy nhiên lần này, câu chuyện có vẻ phức tạp hơn và đầy rủi ro.

Vào cuối tháng 10, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố về ADIZ, mở rộng ra tận phía Đông đến quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản đóng giữ nhưng đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền dưới tên gọi Điếu Ngư. Thế rồi hàng loạt máy bay, từ B-52 của Mỹ, máy bay tiêm kích của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất hiện, đẩy tình hình đến ngưỡng cửa của một cuộc xung đột quân sự. Bây giờ, Biden gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, với nhiệm vụ mở ra một kênh truyền thông nhằm tránh một sự cố có thể khiến cho các thị trường chứng khoán của thế giới tụt giá xuống mức kỷ lục. Biden cũng kêu gọi sinh viên Trung Quốc hãy “nghĩ một cách tự do” và cảnh báo báo chí Trung Quốc không đi vào những “quan sát sai lầm”. Thế nhưng ở phía Trung Quốc, người ta chờ đợi những đối thoại. Giáo sư Điêu Đại Minh, Giám đốc Viện nghiên cứu về Mỹ thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc nói: “Có vẻ như là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách gần đây, Biden không phải là nhân vật chính. Chúng tôi thấy ông ấy xuất hiện một lần bên cạnh Tổng thống Obama trong một bức ảnh. Chúng tôi tin là ông ta đang tìm kiếm một cơ hội để nổi bật hơn trên sân chơi quốc tế. Hy vọng là Obama sẽ sang thăm Trung Quốc vào năm tới”.

Nhưng tình hình hiện tại nghiêm trọng đến mức nào? Theo Kurt Campbell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và là tác giả của chính sách “xoay trục sang châu Á”, trong đó đưa ra dự đoán về việc tái cơ cấu lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, thì Nhà Trắng cần phải “xác định một đường lối” đối với Trung Quốc. Đường lối nào đây? Đầu tiên là Mỹ cho máy bay B-52 bay qua khu vực được Trung Quốc tuyên bố là “Vùng nhận dạng phòng không”, nhưng sau đó lại yêu cầu các hãng hàng không của Mỹ phải tuân theo các quy định của Trung Quốc, điều đã làm cho đồng minh Nhật Bản thất vọng. Tiếp đó Biden bay đến Tokyo và tuyên bố Mỹ hết sức “lo ngại về việc Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng của khu vực”. Trả lời phỏng vấn của hãng CNN, Campbell nói rằng chỉ có cách, một là phải có câu trả lời bằng quân sự, hai là cần thiết phải tránh những nguy hiểm cho giao thông dân sự. Những kí ức về chuyến bay Kal 007 của hãng hàng không Hàn Quốc, một chiếc Boeing, bị bắn hạ bởi máy bay Liên Xô do “nhầm lẫn” vào năm 1983 khiến 269 người chết vẫn còn nhức nhối. Tuy nhiên Campbell cho rằng một cuộc xung đột về quân sự trên bầu trời Senkaku là không thể xảy ra.

Theo Stephen Hadley, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Bush, nói với tờ Corriere della Sera rằng sai lầm đầu tiên chính là việc Mỹ đưa ra chính sách “xoay trục sang châu Á”, qua đó làm giảm sức mạnh của Washington ở châu Á-Thái Bình Dương và tạo ra lỗ hổng quyền lực cho Trung Quốc khai thác. Ông nói: “Mỹ chưa bao giờ từ bỏ châu Á. Chúng tôi vẫn là một siêu cường ở Thái Bình Dương. Thế nên không thể nói là chúng tôi sẽ trở lại. Có rất nhiều điểm mâu thuẫn trong chính sách “xoay trục sang châu Á”. Những người ủng hộ chính sách này chỉ nghĩ đến việc cơ cấu lại lực lượng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện tại, từ Syria cho đến Siberia, chúng ta đang chứng kiến rằng việc điều chỉnh trung tâm các hoạt động của chúng tôi từ Trung Đông là không thể được nữa rồi. Đó là một thiệt hại kép. Người Trung Quốc đã nhận ra vấn đề ấy và người Mỹ không có đủ khả năng và lực lượng để thực hiện những lời hứa hẹn của mình với các đồng minh.

Hadley tin vào sự nghiêm túc của Tập Cận Bình, khi trong cuộc đối thoại với Obama vào tháng 6 vừa qua, đã nhắc đến một mô hình mới cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, sau đó hai tháng, vào tháng 8/2013, khi cuộc khủng hoảng ngân sách khiến cho Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một thời gian, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa xã đã đưa ra luận điệu đầy khiêu khích về sự “phi Mỹ hóa” trên phạm vi thế giới, ít nhất trên khía cạnh độc lập về tài chính (Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất đối với nợ công của Mỹ và đã tận dụng tối đa sự suy yếu của tài chính Mỹ để kiếm lợi). Trong bối cảnh đầy mâu thuẫn này, ít nhất là trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc vẫn ở thế yếu hơn so với siêu cường Mỹ, trên cả khía cạnh quân sự lẫn kinh tế. Chính ở thời điểm đó có lẽ sẽ chứng kiến cuộc đối đầu thực sự giữa hai quốc gia, siêu cường Mỹ suy yếu và siêu cường Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên. Tuy nhiên, vẫn còn một rủi ro cuối cùng: trong một tài liệu của mình, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu đã nhắc đến một lí thuyết của Sigmund Freud về “hội chứng tự mê hoặc đối với những khác biệt nhỏ nhoi”, xu hướng của những dân tộc và nhà lãnh đạo giống nhau về mục tiêu đã tự so đo những khác biệt nhỏ nhất nhằm xác định tình cảm yêu ghét của họ. Sự tự mê hoặc này không chỉ xảy ra trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Liệu có xảy ra xung đột quân sự như Washington lo sợ không? Các nhà chiến lược của Bắc Kinh tin rằng Mỹ và Nhật Bản không còn con bài nào nữa ngoài bay vào ADIZ. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn chưa thể thắng trong ván bài này ngay vào lúc này.

Sau Tokyo, nơi mà Biden đã thể hiện sự ủng hộ đối với Nhật Bản nhưng cũng chưa đưa ra yêu cầu Trung Quốc phải loại bỏ ADIZ mà nước này đơn phương lập ra, Phó Tổng thống Mỹ đã có cuộc hội đàm dài 5 tiếng với Tập Cận Bình. Nhật báo Corriere della Sera đã phỏng vấn nhà nghiên cứu người Mỹ Robert Kaplan, cựu cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, về căng thẳng ở Đông Bắc Á trong thời gian qua.

+ Cho tới lúc này, liệu Mỹ có thể đi xa đến đâu trong việc thiết lập lại cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương và tăng cường củng cố sự hiện diện của mình ở vùng Cận Đông?

– Người Mỹ đang phải đi trên một con đường rất hẹp. Washington không thể để nổ ra một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc, nhưng cùng lúc lại phải bảo vệ Nhật Bản hiện bị ràng buộc với Mỹ vì một hiệp định đồng minh. Với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản, trong khi chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sử dụng chủ nghĩa đó để lái sự chú ý của người dân trong nước khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành ở các nước châu Á, Washington đang tìm mọi cách để ngăn chặn hai bên lao vào một cuộc đối đầu. Tôi nghĩ rằng tại Tokyo cũng như Bắc Kinh, Biden đã làm nhiệm vụ của một nhà thương thuyết chứ không đem đến một lộ trình nhằm kêu gọi cả hai bên tránh xung đột vũ trang.

+ Một vùng kiểm soát bay được lập ra một cách đơn phương liệu có thể dẫn đến một cuộc xung đột giữa cường quốc kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của thế giới?

– Người Trung Quốc đã tạo ra một Vùng nhận dạng phòng không, nhưng dường như không phải để cho người ta tôn trọng nó. Họ không biết cách kiểm soát các máy bay đi vào vùng đó. Họ không có một hệ thống kĩ thuật để nhận dạng. Về mặt này, không quân Nhật Bản đã đi trước họ từ lâu rồi.

+ Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, vì vùng nhận dạng mà Trung Quốc thiết lập chồng lên vùng mà Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhận là của họ.

– Hãy nhớ là Tokyo và Seoul là đồng minh của Mỹ. Khi Nhật Bản và Hàn Quốc “có động thái” thì điều đó có ý nghĩa lớn hơn nhiều: Họ hoạt động với sự đồng ý của Washington.

+ Nhà Trắng có thêm một vấn đề lớn để lo lắng nữa là Mỹ không có một nhân vật thực sự hiểu vùng Viễn Đông mà lãnh đạo các nước đồng minh ở đây có thể tin cậy được.

– Đúng vậy. Hy vọng là Biden sẽ nắm vai trò của một vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong nhiệm kì đầu của Obama, Phó Tổng thống Biden là người có vai trò quan trọng trong việc rút quân Mỹ khỏi Iraq và thay đổi hướng đi của Mỹ ở Afghanistan. Hiện tại, Mỹ đã rút khỏi Baghdad và sắp tới cả ở Afghanistan, Biden có thể sẽ được cử đến châu Á và Thái Bình Dương thường xuyên hơn.

+ Ở Tokyo, Mỹ vừa bổ nhiệm đại sứ mới, bà Caroline Kennedy. Sự non nớt kinh nghiệm ngoại giao của con gái cố Tổng thống John Kennedy có phải là một vấn đề lớn?

– Không vấn đề gì. Tòa đại sứ ở đó rất lớn và có nhiều chuyên gia giỏi. Bà đại sứ sẽ không thiếu những lời tư vấn tốt.

+ Liệu những đòi hỏi của Trung Quốc có cơ sở hay không, và phải chăng Tập Cận Bình đang tự động chơi con bài dân tộc chủ nghĩa, hay là ông chịu áp lực của giới quân sự hoặc là của Đảng?

– Cả hai điều này đang xảy ra: Quân đội Trung Quốc phát triển nhanh nhất châu Á và họ gây sức ép lên quyền lực chính trị. Trước khi khiêu khích Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đã khiêu khích Việt Nam và Philippines ở phía Nam. Điều này thực ra không có tác dụng tốt đẹp đối với Trung Quốc, khi các nước láng giềng không còn coi họ là những đối tác tốt, siêu cường tốt. Nhưng về mặt đối nội thì những căng thẳng này tạo ra cuộc chơi cho ông Tập Cận Bình, một cuộc chơi khá nguy hiểm. Những đòi hỏi của Trung Quốc có cơ sở hay không thì lịch sử sẽ có câu trả lời. Chỉ có điều người ta không thể có được những giải pháp mang tính lâu dài và rõ ràng thông qua những tranh cãi./.

 

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: