BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2137. TƯƠNG LAI CỦA INTERNET SAU VỤ BÊ BỐI GIÁN ĐIỆP TOÀN CẦU CỦA MỸ

Posted by adminbasam trên 02/12/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Tư, ngày 27/11/2013

TTXVN (Pretoria 22/11)

Theo mạng “Tin Toàn cầu” ngày 17/11, tiết lộ gần đây của Edward Snowden về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe trộm điện thoại các nguyên thủ quốc gia và thu thập thông tin cá nhân của người dân châu Âu rõ ràng gây tác động nghiêm trọng trên cả mức độ bê bối ngoại giao đơn thuần.

Điều này đã được chứng tỏ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tổ chức vào ngày 24-25/10/2013 vừa qua. Mức độ phẫn nộ của các nước châu Âu thể hiện khá rõ ràng. Thay vì thảo luận những vấn đề kinh tế đang nóng bỏng, hầu như toàn bộ thời gian diễn ra hội nghị dành để lên án Mỹ và đồng minh nghe trộm điện thoại của Thủ tướng Đức A.Merkel, Tổng thống Pháp F.Hollande và nhiều nguyên thủ châu Âu khác. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị khẳng định rõ: hành động trên không được phép tiếp diễn. Một số nguyên thủ thậm chí còn đề xuất Mỹ cần phải ký Hiệp ước đặc biệt “chống hoạt động gián điệp” với các nước châu Âu. Theo đó, Washington phải cam kết không tiến hành hoạt động không mấy thân thiện như trên đối với đồng minh châu Âu. Đức đã biến lời nói thành hành động khi một phái đoàn đặc biệt của Chính phủ Đức đến Mỹ với nhiệm vụ đạt được một quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, mặc dù cuộc gặp giữa đại diện hai nước đã diễn ra tại Nhà Trắng vào ngày 30/10/2013 nhưng họ không đi đến được một quyết định chung. Theo tin tức của giới truyền thông, Mỹ tiếp tục chống lại việc ký kết “Hiệp ước chống gián điệp”.

Chúng ta có thể dự đoán rằng cuộc thảo luận giữa Đức và Mỹ về chủ đề này sẽ chẳng đi đến đâu. Không đơn thuần chỉ là việc Mỹ sợ ký vào một văn bản mà sau đó sẽ phải tuân thủ, mà tất cả đều hiểu rằng văn bản này cùng lắm vẫn chỉ là “tuyên bố về ý định”. Đơn giản là Nhà Trắng hiểu rõ tại sao không nên ký bất cứ văn bản nào sẽ hạn chế tham vọng của Chính phủ Mỹ, hơn nữa lại là với các đối tác mà Mỹ không coi là đồng minh của mình. Washington hẳn chưa quên quan điểm của Berlin trong cuộc xâm lược của Mỹ đối với Iraq.

Và tại sao Washington lại phải tự bó tay bó chân chính mình trong lĩnh vực mà Mỹ đã tạo ra lợi thế độc quyền? Cấu trúc liên kết rộng rãi của Internet (world wide web), một mạng lưới xương sống quan trọng, hiện đang liên kết với Mỹ và 75% lưu lượng thông tin đi qua Mỹ. Nếu bổ sung thêm đường truyền Internet do Anh kiểm soát thì con số lưu lượng trên sẽ lên đến 95%. Và vì vậy, Mỹ không có ý định từ bỏ lợi thế mà họ đã bảo vệ cho chính mình trong 20-30 năm qua. Phần lớn hoạt động kiểm soát Internet được thực hiện (trực tiếp hay gián tiếp) bởi các công ty của Mỹ có quan hệ mật thiết với chính phủ như ICANN, IANA, ISOC… và một số công ty khác có sự kiềm soát lưu lượng đường truyền quốc, tế hạn chế hơn. Hơn nữa, để quyền kiểm soát Internet nằm trong tay các công ty trên là mục tiêu chiến lược dài hạn của Mỹ. Điều này đã quá rõ ràng. Nỗ lực của một số nước buộc ICANN chuyển giao quyền lực của mình cho Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) hay bất kỳ tổ chức nào khác nằm dưới sự bảo trợ của Liên họp quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của từ chính giới Mỹ, ví dụ như K. Alexander, Giám đốc NSA và Bộ Tư lệnh không gian mạng Mỹ.

ICANN dường như đang tích cực tìm kiếm giải pháp “thỏa hiệp” nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn nắm quyền kiểm soát Internet. Một ví dụ cho thấy Mỹ đang cố gắng nói theo cách của họ khi né tránh vấn đề là cuộc thảo luận về mô hình đa cổ đông. Theo đó, Mỹ đồng ý rằng mô hình quản lý Internet cần phải được thực hiện dân chủ, đồng thời đề xuất thành lập một tổ họp quản lý trên cơ sở ICANN bao gồm đại diện của các công ty máy tính nêu trên, các đại diện doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và một số cá nhân. Rõ ràng một mô hình như vậy ít nhất sẽ không thể kiểm soát được hoạt động của mạng Internet trên cấp độ quốc tế thực sự. Khó có thể tin được rằng ICANN muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Chính phủ Mỹ như lãnh đạo công ty này F.Chehadé đã tuyên bố vào cuối tháng 10 vừa qua.

Hội nghị ITU tổ chức tại Dubai vào tháng 12/2012 đã nói về vấn đề này. Tại thời điểm đó, Nga và Trung Quốc đặt vấn đề chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực Internet vào chương trình nghị sự đã gây ra sự phản đối quyết liệt của Mỹ và các nước, đồng thời đe dọa làm gián đoạn hội nghị này. Cũng tại thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết cam kết “thúc đẩy tự do Internet trên toàn cầu thoát khói sự kiểm soát của chính phủ”. Tại Dubai, quan điểm của Mỹ được các nước EU, trong đó có Đức, nhiệt liệt ủng hộ.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy quan điểm của các nước châu Âu có thể sẽ phải điều chỉnh đáng kể. Mikko Hypponen, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong tập đoàn chống virus máy tính F-Secure đã tuyên bố ràng theo quan điểm của ông “Internet đã trở thành thuộc địa của Mỹ. Chúng ta đang trở về thời đại chủ nghĩa thực dân; chúng ta nên nghĩ về việc người Mỹ như những ông chủ của chúng ta. Đây là một tình huống bất bình đẳng. Tất cả các tập đoàn cung cấp dịch vụ chủ yểu đều nằm tại Mỹ”.

Và châu Âu đang bắt đầu thực hiện những bước đi nhất định để chấm dứt uy thế tối cao của Mỹ. Vào ngày Hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc, với sự ủng hộ của Brazil và một số nước Mỹ Latinh, Đức đã yêu cầu Liên hợp quốc làm cho Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị phù hợp với thực tế hoạt động của mạng Internet. Ngày 11/11, một nghị quyết đã được đệ trình lên ủy ban thứ ba Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét. Nghị quyết này kêu gọi tất cả các nước “xem xét trình tự, thực tế và luật pháp liên quan đến việc giám sát thông tin liên lạc, hoạt động xâm nhập và thu thập dữ liệu cá nhân”.

Ngày 23/10 vừa qua, Nghị viện châu Âu thông qua một nghị quyết với đa số phiếu ủng hộ bãi bỏ Hiệp ước về chuyển giao thông tin ngân hàng và hệ thống giao dịch quốc tế (SWIFT) có thể tạo điều kiện cho Mỹ tiếp cận ngân hàng dừ liệu của châu Âu. Thậm chí còn thú vị hơn là các sáng kiến gần đây của Đức trong việc tăng cường bảo vệ an ninh dữ liệu cá nhân của công dân Đức. Philipp Blank, đại diện chính của Deutsche Telekom, đã thể hiện mối lo ngại về ý tưởng thực hiện dự án “định tuyến quốc gia” có thể ngăn chặn lưu lượng truy cập Internet thông qua các điểm mạng nằm ngoài đất nước. “Ý tưởng trên nghĩa là dữ liệu từ người gửi của Đức đến người nhận ở Đức sẽ không được gửi thông qua một nước khác (điều hoàn toàn trái với thực tiễn phổ biến hiện nay)”. Đây là một dự án tốn kém nhưng Đức sẵn sàng gánh chịu chi phí đó. Dường như châu Âu sẽ sớm nhớ lại rằng “chủ quyền kỹ thuật số” là một vấn đề phức tạp, không thể đơn giản chỉ giao nhiệm vụ cho một ai đó (như châu Âu đã từng làm với an ninh quân sự bằng cách ủy quyền cho NATO và do đó trên thực tế là ủy quyền cho chính Mỹ). Điều này hoàn toàn khác xa từ ý tưởng đến kinh nghiệm thực tiễn của’Trung Quốc mà sau đó ngày càng được học tập sâu rộng trên toàn thế giới.

Ngày nay, toàn bộ hệ thống quản lý mạng Internet được xây dựng trên sự thống trị về công nghệ của Mỹ, làm suy yếu phần lớn nỗ lực của các nước nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia trong lĩnh vực không gian mạng. Sự thống trị toàn bộ của các công ty công nghệ thông tin Mỹ như Google, Facebook hay Microsoft, đều tích cực họp tác với NSA và các cơ quan tình báo Mỹ khác, khiến cho “chủ quyền kỹ thuật số” thậm chí trở nên ảo tưởng hơn. Nhiều khả năng, Liên minh châu Âu sẽ xem xét lại toàn bộ quan niệm của mình về việc xây dựng xã hội thông tin châu Âu, mà rõ ràng là không đáp ứng được các yêu cầu an ninh hiện đại. Mô hình mới sẽ như thế nào hiện vẫn chưa rõ ràng nhưng dường như nó sẽ báo trước một sự khởi đầu phù hợp cho chủ nghĩa tự do cực đoan, vốn đã tự làm mình mất uy tín trong điều kiện an ninh mạng toàn diện mà Mỹ đã bắt đầu thực hiện chống lại toàn bộ thế giới./.

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: